Tin tức

Phân loại và lưu ý khi sử dụng các thuốc trị viêm xoang

Ngày 04/11/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Viêm xoang là tình trạng gây ra không ít triệu chứng khó chịu và phiền toái cho người bệnh. Để khắc phục tình trạng này có rất nhiều loại thuốc điều trị và được bào chế theo dạng uống hoặc dạng xịt. Tuy nhiên không phải ai cũng biết sử dụng thuốc trị viêm xoang đúng cách. 

1. Nguyên nhân dẫn đến viêm xoang là gì?

Các yếu tố như virus, vi khuẩn, nấm, các dị nguyên gây dị ứng (lông vật nuôi, mạt bụi, phấn hoa,...) là những nguyên nhân gây viêm xoang. Tình trạng này khiến niêm mạc xoang mũi bị viêm nhiễm và kích ứng dẫn đến viêm xoang.

Hệ thống xoang vùng mặt có nhiệm vụ lưu thông không khí, dẫn lưu dịch tiết nên nếu bộ phận này bị viêm sưng, phù nề sẽ khiến dịch mũi bị tắc nghẽn và ứ đọng tại đây. Từ đó người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng tương tự như bệnh cúm: ho, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, đau đầu, nặng vùng mắt và cổ họng ứ đờm,...

Viêm xoang khiến bệnh nhân dễ bị nghẹt mũi và đau nhức đầu liên tục

Viêm xoang khiến bệnh nhân dễ bị nghẹt mũi và đau nhức đầu liên tục

Mặc dù viêm xoang không phải là tình trạng cấp cứu nhưng biểu hiện của viêm xoang dễ khiến bệnh nhân khó chịu và gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy việc tìm kiếm các loại thuốc trị viêm xoang hiệu quả là điều mà nhiều người quan tâm.

2. Điểm danh một số loại thuốc trị viêm xoang phổ biến hiện nay  

2.1. Thuốc kháng histamin H1 

Loại thuốc này thường được chỉ định trong những trường hợp bệnh nhân bị viêm xoang do nguyên nhân dị ứng (dị ứng thời tiết, phấn hoa, bụi bẩn, nấm mốc,...). Cơ chế hoạt động của thuốc là ức chế histamin H1, qua đó giảm giải phóng chất gây kích ứng này vào mô xoang và hệ hô hấp. 

Bên cạnh viêm xoang, thuốc kháng histamin H1 còn có công dụng điều trị mề đay mẩn ngứa, viêm mũi dị ứng hay dị ứng thời tiết. Thuốc bao gồm 2 loại là thế hệ 1 và thế hệ 2, trong đó loại thế hệ 2 được dùng phổ biến hơn vì ít tác dụng phụ hơn loại thế hệ 1.

Thuốc kháng Histamin H1 có nhiều dạng bào chế khác nhau, ví dụ như dạng uống, nhỏ mũi hoặc dạng xịt. Đối với liều dùng điều trị theo khuyến cáo của nhà sản xuất thì tương đối an toàn nhưng thuốc có một tác dụng phụ khá phổ biến là gây buồn ngủ. Do đó bệnh nhân cần cân nhắc trước khi dùng đặc biệt là người phải lái xe hay vận hành máy móc,...

2.2. Chữa viêm xoang bằng thuốc giảm đau, chống viêm

Viêm xoang khiến niêm mạc xoang bị sưng viêm và tắc nghẽn dịch mủ ở các hốc khí lưu thông, vì vậy bệnh nhân thường có hiện tượng đau nhức vùng mặt, đỉnh đầu, hoặc hai bên hàm và sốt cao. Lúc này thuốc trị viêm xoang sẽ được áp dụng là loại giúp kháng viêm, giảm đau như Efferalgan, Panadol, Aspirin, Paracetamol, Ibuprofen, Acetaminophen,...

Bao bì thuốc Efferalgan

Bao bì thuốc Efferalgan

Những người nhạy cảm với ibuprofen hay Aspirin cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Đặc biệt những thuốc này nếu dùng lâu dài có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như nghiện thuốc, viêm loét, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan thận, huyết áp cao,... 

2.3. Dùng thuốc kháng sinh 

Đối với những trường hợp bị viêm xoang do nhiễm vi khuẩn thì triệu chứng thường sẽ nghiêm trọng hơn và nguy cơ biến chứng là rất cao nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời. 

Nhằm ngăn chặn và tiêu diệt vi khuẩn, bác sĩ sẽ lựa chọn loại kháng sinh phù hợp:

  • Kháng sinh nhóm Penicillin: Ampicillin, Amoxicillin,...;

  • Kháng sinh Sulfamethoxazole và Trimethoprim: dùng cho bệnh nhân bị dị ứng với Penicillin;

  • Kháng sinh nhóm Cephalosporin: Cephalexin, Cefaclor, Cefazolin, Cefoxitin, Cefprozil,… hay Penicillin tổng hợp dùng cho những người bị tái phát nhiễm trùng nhiều lần hoặc bị kháng thuốc.

Lưu ý: bệnh nhân không tự ý mua kháng sinh để chữa viêm xoang mà cần đi khám để xác định nguyên nhân gây viêm xoang là gì. Việc dùng kháng sinh cần được bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn và chỉ định, nếu không sẽ dễ bị kháng thuốc, nhờn thuốc và gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng khác như viêm gan, vàng da ứ mật, viêm kết mạc, nổi mề đay, giảm bạch cầu thoáng qua, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, hoại tử da,...

2.4. Thuốc co mạch

Thuốc co mạch hay thuốc chống xung huyết được dùng nhiều trong các trường hợp bị viêm xoang với công dụng tiêu sưng, chống nề, kháng viêm giúp giảm tắc nghẽn dịch mũi và triệu chứng khó thở cho người bệnh. Một số loại thuốc co mạch phổ biến đó là Pseudoephedrine, Naphazoline, Chlorzoxazone, Phenylephrine,…

Thuốc thường được dùng theo đường uống hoặc xịt tùy từng trường hợp bệnh cảnh và mức độ triệu chứng cũng như khả năng đáp ứng thuốc của bệnh nhân.

Bởi vì những thuốc co mạch có nhiều tác dụng phụ như căng thẳng thần kinh, nhìn mờ, nhức đầu, run giật, mất ngủ, khô miệng, tăng huyết áp, tim đập nhanh,.... nên chỉ được dùng theo liều lượng nhất định trong thời gian ngắn, đồng thời cần tuân thủ hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa và không tự ý dùng thuốc để tránh gặp biến chứng nguy hiểm. 

Chống chỉ định dùng thuốc co mạch cho người quá mẫn với các thành phần của thuốc, trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, người mắc các bệnh lý như cao huyết áp, bệnh mạch vành, tiểu đường, bệnh cường giáp,...

2.5. Thuốc chứa Corticoid điều trị tại chỗ

Thuốc chứa Corticoid dưới dạng xịt thường được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân bị viêm xoang cấp và mạn tính. Thuốc có tác  dụng ức chế miễn dịch, giảm phù nề niêm mạc xoang mũi và các triệu chứng khó chịu khác. 

Những thuốc Corticoid dạng xịt phổ biến đó là Flunisolide, Fluticason, Triamcinolone, Beclomethason, Vancenase,... Những thuốc này có tác dụng rất nhanh chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng nhưng người bệnh không được lạm dụng chúng do nhiều tác dụng phụ về sau mà chúng có thể để lại. 

Khi dùng quá liều Corticoid sẽ làm khô mũi, kích ứng niêm mạc mũi, viêm loét, chảy máu mũi gây bội nhiễm virus, vi khuẩn và nấm. Tình trạng này kéo dài khiến viêm xoang càng tiến triển nặng và gặp biến chứng nguy hiểm hơn.

 Thuốc chứa Corticoid dạng xịt thường được áp dụng đối với bệnh nhân bị viêm xoang cấp và mạn tính

Thuốc chứa Corticoid dạng xịt thường được áp dụng đối với bệnh nhân bị viêm xoang cấp và mạn tính

2.6. Thuốc kháng nấm 

Viêm xoang do nấm là nguyên nhân ít gặp hơn so với vi khuẩn và virus. Có nhiều loại thuốc trị viêm xoang do nấm, điển hình là Itraconazole, Amphotericin B, Voriconazole,… Tác dụng chính của các thuốc này là ức chế sự sinh sôi của nấm men và thay đổi tính thẩm thấu của màng tế bào. Nếu bác sĩ nghi ngờ hoặc có bằng chứng bệnh nhân bị nhiễm nấm xoang thì có thể chỉ định cho bệnh nhân điều trị bằng thuốc kháng nấm.

Cũng giống như kháng sinh, thuốc kháng nấm cũng có thể gây nên tình trạng kháng thuốc cao. Vì thế người bệnh chỉ dùng thuốc này theo chỉ định của bác sĩ.

Một số tác dụng không mong muốn của thuốc kháng nấm bao gồm: buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, đau bụng, rối loạn điện giải, rét run, đau cơ và đau đầu.

2.7. Thuốc ức chế leukotriene

Thuốc này giúp giảm sưng viêm tại niêm mạc xoang, nhờ đó người bệnh sẽ cảm thấy dễ thở hơn. Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng tốt với thuốc kháng Histamin H1 thì thuốc ức chế leukotriene sẽ là giải pháp  thay thế.

Tuy nhiên thuốc cũng hàm chứa các tác dụng phụ khá nguy hiểm vì có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương khiến bệnh nhân bị mất ngủ, ảo giác, kích động và không làm chủ được hành vi. Ngoài ra, người bệnh còn có tâm trạng chán nản, tắc nghẽn hoặc đau xoang nghiêm trọng, gặp các vấn đề về gan, ngứa ngáy, đau dạ dày, chán ăn, mệt mỏi, vàng da hoặc vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, đau và yếu cơ, sốt, khó thở,...

Trên đây là tổng hợp các loại thuốc trị viêm xoang phổ biến hiện nay. Nếu bạn đang gặp các triệu chứng về viêm xoang, hãy đi khám để được bác sĩ xác định nguyên nhân gây bệnh để từ đó áp dụng loại thuốc điều trị phù hợp nhất. Người bệnh tuyệt đối không tự kê đơn và sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa.

Trong trường hợp cần được tư vấn cụ thể về bệnh viêm xoang và phương pháp điều trị, bạn có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được tổng đài viên hỗ trợ chi tiết hơn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.