Tin tức
Quy trình khám tuyến giáp diễn ra như thế nào? Cần lưu ý gì khi đi khám?
- 08/10/2024 | Cổ to bất thường, trẻ 11 tuổi đi khám phát hiện bệnh lý tuyến giáp nguy cơ chậm tăng trưởng,...
- 09/10/2024 | Bị tuyến giáp có uống được sữa Ensure không và hướng dẫn cách uống đúng
- 15/10/2024 | Ung thư tuyến giáp: Dấu hiệu nhận biết và phương pháp phòng ngừa
1. Sơ lược về tuyến giáp
Trong hệ thống nội tiết, tuyến giáp nắm giữ vai trò quan trọng, cụ thể là sản xuất hormone nội tiết, đồng thời, tham gia vào việc điều chỉnh một số hoạt động chức năng của các bộ phận khác trong cơ thể.
Khi tuyến giáp có vấn đề, chẳng hạn sản xuất quá nhiều hormone nội tiết sẽ gây cường giáp, ngược lại, sản xuất không đủ hormone nội tiết lại gây suy giáp. Dù cường giáp hay suy giáp thì quá trình chuyển hóa trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ đó tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể.
Ngoài ra, một bệnh lý khác ở tuyến giáp cũng rất phổ biến là bướu giáp. Bướu giáp lành tính ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và hoạt động nhai nuốt, trò chuyện. Còn bướu giáp ác tính gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng.
Chính vì vậy, chúng ta nên khám tuyến giáp định kỳ hoặc khi có bất thường để chủ động phòng ngừa các bệnh lý trên. Trường hợp bị suy giáp, cường giáp, bướu giáp, viêm tuyến giáp hay thậm chí là ung thư tuyến giáp cũng được phát hiện và điều trị sớm, cơ hội chữa khỏi cao.
Tuyến giáp có nhiệm vụ sản xuất hormone nội tiết
2. Trường hợp nào cần khám tuyến giáp?
Bạn có thể thực hiện tuyến giáp thông qua các lần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, khi thấy xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng dưới đây, bạn nên đi kiểm tra tuyến giáp nhanh chóng.
- Cân nặng giảm dù chế độ ăn uống, tập luyện không thay đổi.
- Đổ mồ hôi nhiều, tay chân run.
- Cảm giác tim đập nhanh và hồi hộp.
- Huyết áp tăng hoặc giảm đột ngột không rõ nguyên nhân.
- Thường xuyên mệt mỏi, căng thẳng, rối loạn lo âu.
- Chịu nhiệt kém, luôn có cảm giác nóng bức, bí bách.
- Mất ngủ, thiếu ngủ, ngủ không ngon giấc.
- Mắt lồi, cổ sưng, tuy không khó chịu nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
- Có khối u vùng cổ, khó nuốt, khàn giọng.
3. Khám tuyến giáp như thế nào?
Sau khi khai thác tiền sử bệnh, nắm bắt các triệu chứng người bệnh cung cấp, bác sĩ thực hiện tuyến giáp theo quy trình sau.
Quan sát vùng cổ
Mục đích của việc này là phát hiện bất thường tại vùng cổ nói chung và tuyến giáp nói riêng. Bạn sẽ ngồi đối diện với bác sĩ, để lộ vùng cổ và thực hiện nuốt theo hướng dẫn của bác sĩ, có thể là nuốt nước bọt hoặc nuốt từng ngụm nước nhỏ. Nếu có bướu giáp sẽ chia thành 2 trường hợp. Bướu giáp lành tính có xu hướng chuyển động lên xuống theo hoạt động nuốt. Nếu đó là khối u ác tính, khi đã xâm lấn sang các tổ chức ngoài tuyến giáp sẽ gây bám dính với các tổ chức đó, lúc này khối u sẽ không di động.
Ngoài ra, bác sĩ cũng quan sát vùng da cổ trên bướu giáp để xem có thay đổi gì không. Thường thì tình trạng viêm giáp sẽ khiến vùng da này chuyển sang màu đỏ, sưng và chạm vào thấy nóng, đau.
Bác sĩ quan sát và sờ nắn vùng cổ để phát hiện bướu giáp
Sờ nắn quanh cổ
Bước tiếp theo trong quy trình khám tuyến giáp là sờ nắn quanh cổ, mục đích là xác định bướu giáp có hình dạng, kích thước, mật độ như thế nào. Bác sĩ có thể thực hiện bước khám này bằng kỹ thuật khám từ phía sau hoặc khám ở phía trước.
Nghe bướu giáp
Bác sĩ yêu cầu bạn ngồi thẳng hoặc nằm ngửa để thực hiện nghe bướu giáp. Âm thanh từ bướu giáp sẽ hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán bướu giáp mạch ở những bệnh lý như bệnh Basedow hay bướu giáp khổng lồ.
Xét nghiệm tuyến giáp
Sau các bước khám trên, bạn được thực hiện xét nghiệm tuyến giáp, thường là xét nghiệm máu để kiểm tra định lượng các hormone tuyến giáp. Nếu kết quả có bất thường, bác sĩ chỉ định thêm những xét nghiệm chuyên sâu nhằm tìm kiếm nguyên nhân và xác định tình trạng.
Siêu âm tuyến giáp
Siêu âm tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong thăm khám, chẩn đoán và điều trị tuyến giáp. Kỹ thuật này giúp phát hiện các khối u, nhân, tuyến giáp,… và xác định hình dạng, kích thước, cấu trúc, vị trí của những bất thường này thông qua hình ảnh thu được trên máy siêu âm.
Siêu âm tuyến giáp không thể thiếu trong quy trình khám tuyến giáp
Sau khi có kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ thông báo tình trạng sức khỏe bạn đang gặp phải. Cùng với đó là phương án điều trị cùng các hướng dẫn trong thay đổi sinh hoạt để cải thiện tình trạng bệnh.
4. Lưu ý khi đi khám tuyến giáp
Nếu tuân thủ các hướng dẫn sau, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian khám tuyến giáp cũng như đảm bảo kết quả chính xác.
Trước khi đi khám
Bạn cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cá nhân, kết quả của các lần khám trước. Đồng thời, liệt kê những triệu chứng mình đang gặp phải để cung cấp cho bác sĩ trong quá trình thăm khám.
Trong khi thăm khám
Đừng ngần ngại trao đổi với bác sĩ về tất cả những thắc mắc của mình để được bác sĩ giải đáp cụ thể, chi tiết. Bên cạnh đó, chú ý giữ tâm lý thoải mái, bình tĩnh để không ảnh hưởng đến các chỉ số huyết áp, nhịp tim. Trường hợp có dùng thuốc, hãy cho bác xem toa hoặc những loại thuốc đang sử dụng.
Sau khi thăm khám
Lưu giữ tất cả các kết quả thăm khám và toa thuốc để thuận tiện cho những lần khám sau. Nếu được chỉ định dùng thuốc, bạn cần tuân thủ nguyên tắc đúng liều, đúng hướng dẫn. Nếu có lịch tái khám, cần tái khám đúng lịch trình để thuận tiện cho việc theo dõi, đánh giá tình trạng bệnh.
Chú ý tái khám theo lịch trình để bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh
Những chia sẻ trên đây giúp bạn hiểu hơn về quy trình khám tuyến giáp. Nếu cơ thể xuất hiện những bất thường nghi ngờ liên quan đến tuyến nội tiết này, bạn hãy nhanh chóng đi kiểm tra. Hệ thống Y tế MEDLATEC là một trong những địa chỉ khám bạn có thể an tâm lựa chọn. Để tránh mất thời gian khi thăm khám, quý khách hãy đăng ký lịch khám trước qua hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!