Tin tức

Rối loạn tiền đình ở người trẻ ngày càng phổ biến hiện nay

Ngày 31/03/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Rối loạn tiền đình là căn bệnh thường xảy ra ở những người trung niên và cao tuổi do tổn thương mạch máu não hoặc các di chứng thần kinh liên quan. Tuy nhiên trong những năm gần đây, rối loạn tiền đình ở người trẻ ngày càng phổ biến cảnh báo tình trạng sức khỏe nguy hiểm. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và làm gì để phòng ngừa?

1. Rối loạn tiền đình do nguyên nhân nào?

Tiền đình là một hệ thống thuộc hệ thần kinh, với vai trò duy trì cân bằng cơ thể thực hiện các tư thế, dáng bộ hay phối hợp cử động đầu, mắt và thân mình. Khi chúng ta di chuyển hay thực hiện các động tác cúi người, xoay người,… tiền đình cũng nghiêng theo để giữ tư thế cân bằng.

Ngày càng nhiều người trẻ bị rối loạn tiền đình

Ngày càng nhiều người trẻ bị rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình xảy ra khi hệ thống này hoạt động kém hiệu quả, nghĩa là người bệnh rơi vào trạng thái mất cân bằng tư thế dẫn đến các triệu chứng ù tai, chóng mắt, hoa mắt, đi đứng lảo đảo, hay buồn nôn,… Mỗi khi rối loạn tiền đình xảy ra, các triệu chứng bệnh khiến người bệnh khó tập trung vào công việc hay học tập, thậm chí gây nguy hiểm với 1 số công việc đặc thù.

Rối loạn tiền đình có thể chỉ xảy ra trong một vài ngày song cũng có thể kéo dài, tái phát nhiều lần, khi đó nguyên nhân thường phức tạp và khó xác định. Muốn điều trị bệnh hiệu quả, cần hiểu rõ nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình, dưới đây là những nguyên nhân phổ biến.

1.1. Do vấn đề về huyết áp, tim mạch

Đây là nguyên nhân phổ biến gây rối loạn tiền đình, khi người bệnh bị huyết áp thấp, thiếu máu, tai biến hoặc mắc cách bệnh tim mạch,… Do hoạt động lưu thông máu đến não kém đi nên chức năng của hệ thống tiền đình cũng bị ảnh hưởng.

Chứng rối loạn tiền đình do vấn đề huyết áp và tim mạch

Chứng rối loạn tiền đình do vấn đề huyết áp và tim mạch

1.2. Do căng thẳng, mất ngủ kéo dài

Ngoài do tổn thương thực thể thì rối loạn tiền đình còn liên quan đến những vấn đề tinh thần như: mất ngủ, căng thẳng, áp lực quá mức kéo dài. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến dây thần kinh số 8, liên quan trực tiếp đến hệ thống tiền đình khiến thông tin không được truyền chính xác.

1.3. Do các bệnh về thần kinh

Rối loạn tiền đình có thể là hậu quả của các bệnh như: viêm dây thần kinh, u dây thần kinh, u não, viêm tai giữa,…

Ngoài các nguyên nhân chủ yếu trên, tình trạng rối loạn tiền đình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn hoặc được khởi phát bởi các yếu tố sau:

  • Do mất máu nhiều.

  • Uống quá nhiều rượu bia.

  • Do nhiễm độc hoặc sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài.

  • Quan hệ tình dục không đều đặn.

  • Thường xuyên sống và làm việc trong môi trường có nhiều tiếng ồn.

  • Thời tiết hoặc nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột.

  • Lười vận động.

  • Người quá béo hoặc quá gầy.

  • Người cao tuổi mắc bệnh mạn tính hoặc bị suy giảm chức năng ở 1 số cơ quan.

Nhiều người bị rối loạn tiền đình là kết quả của nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ kết hợp, do vậy việc điều trị không hề dễ dàng. 

 Chứng rối loạn tiền đình ở người trẻ dễ điều trị hơn người cao tuổi

 Chứng rối loạn tiền đình ở người trẻ dễ điều trị hơn người cao tuổi

2. Rối loạn tiền đình ở người trẻ ngày càng phổ biến

Thực tế, rối loạn tiền đình có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, song phổ biến nhất là những người trung niên và cao tuổi. Các nghiên cứu thực tế đã chỉ ra, có đến 35% người trên 40 tuổi có nguy cơ cao bị rối loạn tiền đình, nhất là ở nam giới. Có mối liên hệ đặc biệt giữa tuổi tác với hoạt động của hệ thống tiền đình, cũng như nguy cơ bị rối loạn tiền đình.

Tuy nhiên những năm gần đây, số người trẻ mắc rối loạn tiền đình ngày càng tăng lên, không ít người phải tìm đến bác sĩ điều trị tích cực trong nhiều ngày. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này có thể kể tưới như:

Stress quá mức do áp lực tâm lý, cuộc sống, học hành hay công việc quá lớn

Tâm lý tiêu cực, áp lực lớn này xảy ra trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể sản sinh ra lượng lớn hormone cortisol. Hormone này tích tụ trong cơ thể sẽ gây tổn thương hệ thần kinh, hệ thống tiền đình cũng bị ảnh hưởng dẫn đến rối loạn chức năng.

Thói quen lười vận động, tiếp xúc nhiều với máy tính trong không gian phòng lạnh kín

Đây là thói quen sống và đặc điểm công việc của nhiều người trẻ, điều này ảnh hưởng đến việc lưu thông máu đến não. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra rối loạn tiền đình sớm phổ biến ở những người trẻ, nhất là các đối tượng làm việc văn phòng phải ngồi làm việc liên tục với máy tính.

Làm việc quá sức trong thời gian dài với máy tính cũng là nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiền đình

Làm việc quá sức trong thời gian dài với máy tính cũng là nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiền đình

Thực tế, rối loạn tiền đình nhẹ được phát hiện sớm thường không gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, nhất là những người trẻ có sức khỏe tốt, khả năng hồi phục nhanh. Tuy nhiên không ít người trẻ có tâm lý chủ quan, không cho rằng bản thân mắc căn bệnh này dẫn đến phát hiện bệnh và điều trị chậm trễ.

Những triệu chứng rối loạn tiền đình xảy ra thường xuyên cũng ảnh hưởng đến hoạt động của bộ não, thậm chí khiến bạn mắc các bệnh liên quan nguy hiểm như: alzheimer, thiếu máu não,…

3. Làm gì để phòng ngừa rối loạn tiền đình ở người trẻ?

Hầu hết nguyên nhân gây rối loạn tiền đình ở người trẻ là do áp lực cuộc sống, công việc cùng thói quen sinh hoạt kém lành mạnh. Có thể cải thiện từ những nguyên nhân này sẽ giúp hệ thống tiền đình của bạn hoạt động khỏe mạnh, ngăn ngừa rối loạn.

3.1. Không nên thức khuya

Rất nhiều bạn trẻ hiện nay có thói quen thức khuya, nên đi ngủ trước 11 giờ và ngủ đủ từ 7 - 8 giờ mỗi đêm.

3.2. Uống đủ nước

Uống đủ từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày là cần thiết để cơ thể khỏe mạnh, đào thải độc tố hiệu quả và hoạt động của hệ thống thần kinh cũng tốt hơn.

3.3. Tăng cường vận động

Tập thể dục, vận động hàng ngày là thói quen sinh hoạt rất tốt giúp lưu thông máu đến não bộ cũng như các cơ quan trong cơ thể hiệu quả.

Tăng cường thể dục thể thao để giảm triệu chứng rối loạn tiền đình

Tăng cường thể dục thể thao để giảm triệu chứng rối loạn tiền đình

3.4. Tránh ngồi quá lâu trước điện thoại hoặc máy tính

Khi tính chất công việc phải ngồi làm việc lâu với thiết bị điện tử, hãy nghỉ ngơi, đổi tư thế, luyện tập động tác nhẹ nhàng sau mỗi 1 - 2 giờ ngồi làm việc.

3.5. Hạn chế căng thẳng, stress

Khi bạn gặp phải những căng thẳng, áp lực trong cuộc sống, hãy tìm biện pháp giải tỏa, chia sẻ với những người bạn, người thân để tinh thần dễ chịu hơn.

Với những biện pháp trên, có thể phòng ngừa rối loạn tiền đình ở người trẻ hiệu quả, giúp hệ thống thần kinh của bạn hoạt động tốt hơn. Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.