Tin tức

Suy tuyến thượng thận

Ngày 25/01/2014
ThS Phan Thanh Sơn - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Ngày 13/1, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã tiếp nhận 2 bệnh nhân là Hà Thị V, Bát tràng - Hà Nội, 58 tuổi và Đặng Bích Ng, Đống Đa - Hà Nội, 54 tuổi đến khám trong tình trạng mệt mỏi, hay nhức đầu, hay quên.


Bệnh nhân có tiền sử điều trị bệnh khớp bằng thuốc corticoid nhưng không tuân thủ theo đơn điều trị của bác sỹ mà tự mua thuốc về uống.



Thăm khám thực thể, thấy bệnh nhân có dấu hiệu: béo mặt, không sạm da, các chỉ số sinh tồn ổn định. Qua hội chẩn của TS. BS Nguyễn Văn Tiến - Chuyên ngành Nội tiết, các bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi suy tuyến thượng thận và đã được chỉ định thực hiện thăm khám, xét nghiệm về hormon tuyến thượng thận như: cortisol máu, aldosterol, hormon kích vỏ thượng thận của tuyến yên ACTH. Với kết quả chẩn suy tuyến thượng thận mạn tính, các bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng thuốc hydrocortison và theo dõi định kỳ.


Từ trường hợp của bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, TS. BS Nguyễn Văn Tiến còn cho biết thêm về bệnh lý suy tuyến thượng thận.
 

Một số nguyên nhân gây bệnh
 

Suy tuyến thượng thận có 2 thể là cấp tính và mạn tính. Thể cấp tính, triệu chứng thường đột ngột, diễn biến nhanh, nặng, có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí là tử vong. Thể mạn tính, diễn biến thường từ từ, kín đáo, bệnh nhân có thể yếu, mỏi cơ, chán ăn, da sạm, huyết áp thấp, có thể ngất…
 

Bệnh suy tuyến thượng thận cần được xác định là tiên phát hay thứ phát. Tiên phát là những tổn thương tại tuyến thượng thận thường do bệnh viêm tự miễn, do vi khuẩn… Thứ phát là các nguyên nhân do các cơ quan khác gây ảnh hưởng chức năng tuyến thượng thận như từ tổn thương của tuyến yên. Suy tuyến thượng thận thứ phát còn do uống quá nhiều glucocorticoid, khi ngừng thuốc tuyến thượng thận không thể tự phục hồi được. Ở Việt Nam, có một nguyên nhân hay gặp như phụ nữ tuổi từ trung niên bị đau khớp đã tự đi mua các thuốc Dexamethason, prednisolon mà không tuân theo chỉ định của bác sỹ.


Những kỹ thuật chẩn đoán


Để chẩn đoán bệnh suy tuyến thượng thận, ngoài các xét nghiệm thông thường, cần làm các xét nghiệm định lượng hormon như cortisol, aldosterol, ACTH… Trong suy thượng thận tiên phát, nồng độ cortisol máu sẽ giảm, ACTH sẽ tăng (theo cơ chế feed-back), trong suy tuyến thượng thận thứ phát ACTH sẽ bình thường hoặc giảm. Khi xác định suy tuyến thượng thận thứ phát cần làm thêm test kích thích ACTH để xác định suy tuyến thượng thận thứ phát do tuyến yên hay do dùng thuốc corticoid. Đánh giá nồng độ cortisol trong máu sau khi tiêm ACTH tổng hợp. Trường hợp bình thường hoặc do tổn thương tuyến yên thì sau khi tiêm ACTH, nồng độ cortisol máu sẽ tăng lên.


Trường hợp tổn thương tuyến thượng thận hoặc suy thượng thận do dùng corticoid kéo dài thì cortisol máu vẫn thấp sau khi tiêm ACTH. Ngoài ra, cần thực hiện các thăm dò chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hoặc chụp cắt lớp vùng tuyến thượng thận có thể phát hiện các nguyên nhân gây tổn thương tuyến thượng thận như u, chảy máu, vôi hóa (thường do lao)... Hoặc chụp tuyến yên phát hiện nguyên nhân gây tổn thương tuyến yên (gây suy thượng thận thứ phát) như u tuyến yên, u não chèn ép tuyến yên, tuyến yên bị teo..

 

Điều trị bệnh suy tuyến thượng thận thế nào cho hiệu quả?


Điều trị suy thượng thận mạn tính: Do nguyên nhân phổ biến gây suy thượng thận là bệnh tự miễn nên điều trị thường là suốt đời, nhưng liều lượng có thể thay đổi, cụ thể là tăng lên khi bệnh nhân bị ốm, sốt, ỉa chảy, mệt... hoặc mắc thêm bệnh khác. Vì thế, người bị suy thận mạn tính cần bổ sung các hormon thượng thận mà chủ yếu là cortison dưới dạng các thuốc uống như hydrocortison, prednisolon.


Điều trị cơn suy thượng thận cấp: Do suy thượng thận cấp là bệnh nặng, có thể gây tử vong do các nguyên nhân huyết áp tụt, hạ đường huyết, tăng kali máu... nên người bệnh cần được điều trị tích cực và nhanh chóng. Các thuốc phải được dùng bằng đường tiêm như tiêm tĩnh mạch hydrocortison, truyền tĩnh mạch các dung dịch đường glucose hoặc muối natri clorua.


Một số biện pháp phòng chống


Để đề phòng các cơn suy thượng thận cấp cũng như các hậu quả xấu của biến chứng này thì ngoài việc phải uống thuốc hydrocortison đều đặn, bệnh nhân suy thượng thận nên:

- Luôn giữ liên hệ với thầy thuốc bằng cách đi khám đều đặn để uống thuốc đủ liều hoặc được tư vấn thay đổi tăng hoặc giảm liều uống cho phù hợp.


- Đeo ở cổ tay một thẻ hoặc vòng có ghi vắn tắt chẩn đoán và điều trị phòng trường hợp bị hôn mê thì các thầy thuốc sẽ có phản ứng nhanh hơn, chính xác hơn.


- Dự trữ thuốc: Nếu bạn bỏ thuốc một ngày thì rất nguy hiểm, vì vậy, người bệnh nên có một túi thuốc dự trữ tại chỗ làm hoặc trong túi du lịch để có thuốc uống liên tục khi quên uống ở nhà vào buổi sáng.


Với các bệnh nhân mắc bệnh khớp nếu chưa có chỉ định điều trị corticoid thì không nên tự ý mua thuốc về sử dụng; nếu phải dùng corticoid để điều trị bệnh, thì cần tuân thủ theo chỉ định của bác sỹ trong liệu trình sử dụng thuốc, tránh lạm dụng thuốc.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.