Tin tức
Tắm đêm đột quỵ: Nguy cơ luôn tiềm ẩn đối với bất cứ ai
1. Tắm đêm đột quỵ là do những nguyên nhân nào?
1.1. Tắm đêm đột quỵ do chênh lệch nhiệt độ
Đã có những cuộc khảo sát cho thấy ở các quốc gia có khí hậu lạnh hay ôn đới như Hàn Quốc, Châu Âu, hay thậm chí là những nơi có khí hậu mùa đông khắc nghiệt như miền Bắc nước ta thì tỷ lệ bệnh nhân bị đột quỵ do tắm đêm thường cao hơn so với mùa hạ. Thời tiết lạnh giá khiến nhiệt độ của môi trường bên ngoài giảm và chênh lệch nhiều so với nhiệt độ cơ thể dễ xảy ra biến chứng đột quỵ.
Bên cạnh đó, vào những ngày hè khi thời tiết nóng nực thì mọi người lại có xu hướng tắm dưới vòi nước mát lạnh để xua tan cơn nóng. Tuy nhiên thói quen này có thể làm co mạch nhanh chóng khiến tuần hoàn máu dẫn đến tim và não bị cản trở đột ngột, từ đó làm tăng tỷ lệ đột quỵ trong khi tắm.
Một yếu tố khác đó là nhiệt độ của nước tắm không phù hợp. Điều đó dẫn đến việc cơ thể phải điều chỉnh lại bằng cách giãn mạch máu để thoát nhiệt hoặc co mạch máu nhằm giữ nhiệt. Quá trình này nếu diễn ra từ từ thì sẽ không có vấn đề gì nhưng hầu hết các trường hợp tắm đêm đều khiến mạch máu trong cơ thể bị co thắt đột ngột nên mới gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ cấp. Vì vậy theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế thì nhiệt độ nước tắm an toàn nhất nên nằm ở mức từ 24 - 29 độ C để đảm bảo rằng cơ thể không bị sốc nhiệt do chênh lệch lớn với nhiệt độ môi trường.
1.2. Tắm đêm đột quỵ do cơ thể có sẵn các bệnh lý nền
Nếu bệnh nhân đã và đang mắc những bệnh lý mạn tính như tiểu đường, huyết áp cao, thiếu máu, bệnh lý về tim mạch,... thì tức là hệ tuần hoàn máu đã có sẵn những tổn thương. Do đó những bệnh nhân này nếu tắm đêm thường xuyên thì nguy cơ bị đột quỵ sẽ cao hơn so với người bình thường. Không chỉ tắm đêm mà cả tắm vào buổi sáng sớm cũng không được khuyến khích áp dụng cho những bệnh nhân có bệnh lý nền.
Tắm đêm đột quỵ là tình trạng xảy ra ở rất nhiều người có thói quen tắm muộn vào ban đêm
1.3. Thói quen tắm không khoa học
Nếu trước khi tắm bệnh nhân thường đi tiểu tiện hoặc đại tiện thì sẽ gây nên hiện tượng tăng áp ổ bụng, tăng áp lực động mạch và kích thích hệ thống dây thần kinh phế vị. Những điều này sẽ gây căng thẳng cho hệ tuần hoàn và tim mạch.
Một thói quen khác cũng rất nhiều người mắc phải đó là bắt đầu dội nước từ đỉnh đầu xuống, nhất là những người tắm bằng vòi hoa sen. Động tác này sẽ làm thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến các mao mạch, động mạch vùng đầu gặp phải áp lực lớn và bị vỡ. Chính vì thế mỗi khi bắt đầu tắm mọi người hãy để phần chân, tay, sau đó đến phần thân làm quen trước với nhiệt độ của nước, tiếp theo là phần ngực và cuối cùng là vùng đầu.
1.4. Tắm ngay sau khi vừa mới uống rượu bia
Nồng độ cồn trong máu sẽ tăng cao sau khi uống rượu bia, nhiệt độ của cơ thể vì thế cũng tăng cao khiến các mạch máu giãn nở kéo theo đó là nguy cơ đột quỵ cao nếu bạn đi tắm luôn. Do đó nếu vừa trải qua một bữa tiệc có bia rượu, tốt nhất là bạn chỉ nên rửa mặt mũi, chân tay và nghỉ ngơi thay vì đi tắm.
1.5. Các nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác dẫn đến nguy cơ đột quỵ khi tắm đêm đó là:
- Kéo dài thời gian tắm: tắm quá lâu có thể khiến cơ thể bị mất nước, co mạch và rối loạn nhịp tim;
- Tắm ngay sau khi dầm mưa hoặc vừa đi nắng/tập thể dục đổ nhiều mồ hôi;
- Tắm quá muộn;
- Bước vào phòng điều hòa ngay sau khi vừa tắm xong;
- Tắm quá nhiều lần trong ngày;
- Ngủ ngay khi tóc chưa được sấy khô.
Để bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ đột quỵ, mỗi người nên chú ý đến thời gian sinh hoạt và nên tắm vào buổi chiều tối (5h đến trước 8h) để tránh tình trạng chênh lệch nhiệt độ dẫn đến đột quỵ khi tắm.
2. Các triệu chứng cảnh báo nguy cơ đột quỵ khi tắm đêm
Nếu bị đột quỵ nhẹ, bệnh nhân có thể cảm thấy những thay đổi nhỏ như chóng mặt, choáng váng mặt mũi, chân tay tê yếu trong vài giây, khó nói, mất trí nhớ thoáng qua, méo miệng,... Mặc dù diễn biến nhanh và có thể tự hết nhưng tốt nhất bệnh nhân nên báo ngay cho người thân để được đi kiểm tra và ổn định huyết áp.
Ngoài những triệu chứng nêu trên, tắm đêm đột quỵ còn có thể nhận diện qua những biểu hiện sau:
- Đột nhiên thấy mệt mỏi, không còn sức lực, kiệt quệ, lệch miệng, tê cứng một nửa mặt;
- Hoa mắt chóng mặt, đi không vững, mất thăng bằng;
- Khó vận động chân tay, khó nâng 2 cánh tay cùng lúc qua khỏi đầu, tê bì một bên người;
- Nhìn đôi hoặc mờ mắt;
- Buồn nôn, nôn mửa, đau đầu dữ dội.
Bệnh nhân có thể bị chóng mặt, mất thăng bằng, ngất xỉu do tắm đêm đột quỵ
3. Cần xử trí như thế nào khi bị đột quỵ do tắm đêm?
Khi nhận thấy người thân bị đột quỵ do tắm đêm, người xung quanh không nên tự ý thực hiện các biện pháp dân gian để sơ cứu như: bấm huyệt, cạo gió, cho ăn uống hay dùng thuốc huyết áp,... Bởi vì trong lúc này nếu cho bệnh nhân ăn uống sẽ khiến thức ăn và nước uống bị sặc vào đường thở. Ngoài ra việc dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ còn dễ khiến tình trạng của bệnh nhân thêm nghiêm trọng hơn.
Nên để bệnh nhân nằm ở nơi thoáng khí, khô ráo, nhanh chóng ủ ấm và đưa người bệnh tới địa chỉ y tế gần nhất để không bỏ lỡ giai đoạn vàng trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ.
Nhìn chung tắm đêm đột quỵ là tình trạng có không ít người gặp phải. Phần lớn xuất phát từ tình trạng tắm quá muộn, kèm theo đó là những bệnh lý nền mà bệnh nhân đang mắc nên để giảm thiểu nguy cơ này, mỗi người hãy thiết lập thói quen tắm khoa học bằng cách: không tắm sau 22h đêm, chỉ nên tắm trong vòng 15 - 20 phút, chú ý nhiệt độ nước tắm, không nên bước ngay vào phòng điều hòa sau tắm,...
Hãy để cơ thể dần làm quen với nhiệt độ nước trước khi tắm để tránh nguy cơ đột quỵ
Trong trường hợp cơ thể xuất hiện các dấu hiệu của đột quỵ do tắm đêm thì hãy báo ngay cho người thân và đi bệnh viện cấp cứu để được xử trí kịp thời, hạn chế tối đa những biến chứng do đột quỵ gây ra.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
