Tin tức

Tăng huyết áp là do đâu? Huyết áp cao điều trị thế nào?

Ngày 03/04/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Huyết áp cao là một bệnh lý thường gặp và số người mắc phải bệnh lý này ngày càng gia tăng trong cộng đồng. Bệnh thường phát triển trong thầm lặng, có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm soát và điều trị từ sớm. Vậy nguyên nhân tăng huyết áp là do đâu và cách phòng ngừa, điều trị bệnh lý này là gì?

1. Bạn biết gì về tăng huyết áp? 

Dòng máu khi di chuyển sẽ tạo ra một áp lực lên thành mạch, đây còn được gọi là huyết áp. Huyết áp được biểu thị thông qua 2 chỉ số là huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương) và huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu). Huyết áp tăng khi chỉ số huyết áp tâm trương ở mức ≥ 90mmHg và/hoặc huyết áp tâm thu ở mức ≥ 140mmHg.

Bệnh diễn tiến âm thầm trong thời gian dài, bệnh nhân thường phát hiện ra tình trạng này khi tình cờ đi khám sức khỏe định kỳ hoặc có triệu chứng. Nếu không được kiểm soát, tăng huyết áp có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như suy thận, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,...

Huyết áp cao là một bệnh lý thường gặp và số người mắc phải bệnh lý này ngày càng gia tăng

Huyết áp cao là một bệnh lý thường gặp và số người mắc phải bệnh lý này ngày càng gia tăng

Có 2 loại tăng huyết áp đó là:

  • Tăng huyết áp tiên phát (hay còn gọi là tăng huyết áp vô căn): là thể phổ biến, hiện vẫn không xác định rõ ràng được nguyên nhân gây bệnh;

  • Tăng huyết áp thứ phát: là tăng huyết áp xác định được nguyên nhân.

Khi một người bộc phát gặp phải một cơn tăng huyết áp, lúc này huyết áp của người bệnh sẽ tăng cao đột ngột qua ngưỡng 180/120mmHg. Có 2 loại cơn tăng huyết áp đó là:

  • Tăng huyết áp cấp cứu: là khi huyết áp tăng trên mức 180/120mmHg, có thể gây tổn thương cơ quan đích như suy thận cấp, tổn thương võng mạc, bệnh não do tăng huyết áp, lóc tách động mạch chủ, nhồi máu cơ tim,...;

  • Tăng huyết áp khẩn cấp: trường hợp này thì chưa gây ảnh hưởng lớn tới cơ quan đích. Tuy nhiên dù là cơn tăng huyết áp nào thì bệnh nhân cũng cần phải được điều trị nhanh chóng và kịp thời.

2. Nguyên nhân tăng huyết áp là do đâu?

2.1. Tăng huyết áp vô căn 

Như đã đề cập thì đây là tình trạng chiếm tỷ lệ phổ biến nhất. Tăng huyết áp vô căn có thiên hướng gia đình, tức là nhiều thành viên trong gia đình đều mắc phải. Bên cạnh đó các yếu tố được xem là làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao bao gồm: bệnh tiểu đường, hút thuốc lá, ăn thức ăn được chế biến với nhiều muối và gia vị, người thừa cân béo phì, cuộc sống có nhiều áp lực, căng thẳng, người ít vận động thể lực,...

2.2. Tăng huyết áp thứ phát

Đây là trường hợp bệnh nhân tăng huyết áp xác định được nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng này. Bệnh có khả năng được chữa khỏi khi được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tăng huyết áp thứ phát thường xuất phát từ những nguyên nhân sau:

  • Mắc các bệnh về thận: hội chứng thận hư, bệnh cầu thận, hẹp động mạch thận, suy thận mạn,...;

  • Bệnh nội tiết: suy giáp, cường giáp,, bệnh Cushing,...;

  • Bệnh tuyến thượng thận: đây là một tuyến nội tiết có chức năng sản xuất các hormone điều hòa nồng độ nước, muối và huyết áp trong cơ thể. Khi cường tuyến thượng thận có thể gây ra tình trạng tăng huyết áp;

  • Mắc phải hội chứng ngưng thở khi ngủ;

  • Một số loại thuốc điều trị bệnh có thể gây nên tác dụng phụ là tăng huyết áp, ví dụ như thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc tránh thai, hormone thay thế, corticoid (chữa dị ứng, hen suyễn, bệnh Lupus ban đỏ hay chữa bệnh viêm khớp,...;

  • Bệnh tim bẩm sinh (nguyên nhân là do hẹp eo động mạch chủ) cũng là nguyên nhân gây tăng huyết áp. Khi đó không thể đo được chỉ số huyết áp ở chân hoặc nếu có cũng rất thấp, còn ở hai tay lại có chỉ số huyết  áp cao. Bệnh này cần được điều trị bằng phương pháp nong đặt stent lòng động mạch bị hẹp hoặc phẫu thuật.

Huyết áp cao thường diễn tiến trong thầm lặng khó phát hiện

Huyết áp cao thường diễn tiến trong thầm lặng khó phát hiện

3. Dấu hiệu nhận biết hiện tượng huyết áp tăng cao

Ở những bệnh nhân tăng huyết áp thường biểu hiện các triệu chứng như chóng mặt, nặng đầu, nhức đầu, mặt nóng phừng, mỏi gáy,... Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp không bộc lộ dấu hiệu nào, chỉ thực sự phát hiện bệnh khi tình cờ đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi đã xuất hiện các biến chứng như suy thận mạn giai đoạn cuối, đột quỵ hay nhồi máu cơ tim,...

Vì vậy các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng những người trên 50 tuổi cần thực hiện kiểm tra và thăm khám huyết áp định kỳ, bởi vì tuổi càng cao chỉ số huyết áp có xu hướng càng tăng. 

Nếu bệnh nhân có các biểu hiện bất thường như nhìn mờ, lừ đừ, co giật, khó thở, nôn ói, đau tức ngực dữ dội, hôn mê thì rất có thể đây là tình trạng tăng huyết áp cấp cứu. Khi đó bệnh nhân cần được cấp cứu càng sớm càng tốt.

4. Điều trị tăng huyết áp bằng các phương pháp nào? 

Huyết áp cao là bệnh lý cần được điều trị liên tục, suốt đời không được bỏ thuốc. Bệnh nhân cần duy trì việc sử dụng thuốc hàng ngày, tránh tình trạng khi đo thấy huyết áp tăng thì mới dùng thuốc. Đối với tất cả bệnh nhân bị huyết áp cao, mục tiêu điều trị là điều chỉnh mức huyết áp xuống còn 140/90mmHg, trường hợp đặc biệt có thể dưới mức 130/80mmHg. Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. 

Sau đây là một số nhóm thuốc phổ biến trong điều trị tăng huyết áp:

  • Nhóm ức chế thụ thể AT1/ức chế men chuyển: Valsartan, Lisinopril, Losartan, Captopril,... Những thuốc này có tác dụng hạ áp từ từ, êm dịu nhưng thuốc ức chế men chuyển có thể khiến người bệnh bị ho khan. Còn các thuốc ức chế thụ thể tuy không gây ho khan nhưng giá thành cao hơn, về hiệu quả của các loại thuốc này được đánh giá là tương đương nhau;

  • Thuốc lợi tiểu: hay dùng nhất là Thiazide. Trong quá trình dùng thuốc bệnh nhân có thể bị rối loạn chuyển hóa và điện giải;

  • Nhóm chẹn kênh calci: gồm nifedipin, amlodipine, felodipin,... có thể gây phù chân. Khi dùng nifedipin không được nhỏ thuốc dưới lưỡi vì tác dụng phụ có thể gặp phải là gây tụt huyết áp;

  • Nhóm chẹn beta giao cảm: gồm bisoprolol,... khi mới bắt đầu sẽ dùng từ liều thấp, sau đó tăng dần.

Người bị huyết áp cao nên theo dõi huyết áp tại nhà mỗi ngày để phòng ngừa biến chứng

Người bị huyết áp cao nên theo dõi huyết áp tại nhà mỗi ngày để phòng ngừa biến chứng

Mong rằng thông qua tìm hiểu những thông tin trên đây, bạn đã biết nguyên nhân tăng huyết áp là do đâu, để từ đó có phương án điều trị phù hợp. Để phòng ngừa tình trạng tăng huyết áp, bạn nên điều chỉnh chế độ ăn lành mạnh hơn như giảm muối và mỡ động vật trong khẩu phần ăn, bỏ thuốc lá, thường xuyên tập thể dục, duy trì mức cân nặng phù hợp, tránh lo âu căng thẳng và hạn chế uống bia rượu hay dùng chất kích thích,...

Nếu bạn đang có nhu cầu thăm khám và tư vấn chi tiết hơn về các bệnh lý tim mạch, huyết áp, hãy liên hệ ngay đến hotline 1900 56 56 56 để được tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hỗ trợ hướng dẫn đặt lịch khám cùng các bác sĩ Chuyên khoa Tim mạch ngay hôm nay!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.