Tin tức

Tham khảo phác đồ điều trị tiền sản giật Bộ Y tế

Ngày 02/07/2023
Tham vấn y khoa: ThS.BS Nguyễn Thị Hiền
Tiền sản giật đặc trưng bởi tình trạng tăng protein niệu và huyết áp trong thai kỳ, chủ yếu là sau tuần thứ 20. Trường hợp nặng nhất, để kết thúc tiền sản giật, thai phụ sẽ được chỉ định chấm dứt thai kỳ sao cho đảm bảo có lợi cho cả thai phụ và thai nhi. Dưới đây là một số tham khảo về phác đồ điều trị tiền sản giật Bộ Y tế hướng dẫn.

1. Chẩn đoán tiền sản giật

1.1. Tiền sản giật mức độ nhẹ

- Chỉ số huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên từ sau tuần thứ 20.

- Lượng protein/ niệu từ 300 mg/24 giờ trở lên hoặc dương tính với que thử nhanh.

Triệu chứng điển hình của tiền sản giật

Triệu chứng điển hình của tiền sản giật

1.2. Tiền sản giật mức độ nặng

- Chỉ số huyết áp từ 160/110mmHg trở lên.

- Lượng protein/ niệu từ 5g/24 giờ trở lên hoặc 3+ với que thử.

- Nước tiểu và thiểu niệu dưới 500 ml/ 24 giờ.

- Chỉ số Creatinin / huyết tương vượt ngưỡng 1.3 mg/dL.

- Số lượng tiểu cầu dưới 100.000/mm3.

- Tăng axit uric.

- Tăng men gan gấp đôi so với giá trị bình thường.

- Thai phát triển chậm.

- Thai phụ nhìn mờ hoặc bị nhức đầu, đau ở hạ sườn phải hoặc thượng vị.

2. Phác đồ điều trị tiền sản giật Bộ Y tế

19/04/2021, Bộ Y tế đã có Quyết định số 1911/QĐ-BYT về hướng dẫn sàng lọc và điều trị dự phòng tiền sản giật dành cho thai phụ có nguy cơ cao. Cụ thể, trong phác đồ điều trị tiền sản giật Bộ Y tế này có các nội dung như:

2.1. Nguyên tắc sàng lọc tiền sản giật

- Tích hợp sàng lọc tiền sản giật thường quy với quy trình quản lý và khám thai cho mọi thai phụ.

- Sàng lọc tiền sản giật qua 2 giai đoạn:

+ Giai đoạn đầu: khi thai nhi được 11 -13+6 tuần tuổi. Mục đích sàng lọc tiền sản giật sớm để có biện pháp can thiệp dự phòng.

+ Giai đoạn sau: từ 3 tháng giữa đến cuối thai kỳ. Mục đích sàng lọc nhằm quản lý những trường hợp nguy cơ cao để xác định thời điểm, địa điểm cũng như cách kết thúc thai kỳ sao cho hợp lý.

2.2. Điều trị dự phòng đối với tiền sản giật

2.2.1. Xác định nhóm thai phụ có nguy cơ cần được điều trị

- Tuyến cơ sở:

Trong phác đồ điều trị dự phòng tiền sản giật Bộ Y tế hướng dẫn, tuyến cơ sở cần xác định nhóm nguy cơ cao dựa vào đặc điểm của thai phụ, yếu tố bệnh sử và tiền sử, yếu tố gia đình có liên quan với tiền sản giật:

Phác đồ điều trị tiền sản giật Bộ y tế giúp bác sĩ có thêm căn cứ để đưa ra quyết định điều trị

Phác đồ điều trị tiền sản giật Bộ y tế giúp bác sĩ có thêm căn cứ để đưa ra quyết định điều trị

+ Điều trị dự phòng khi có 1 trong các yếu tố nguy cơ: đa thai, có tiền sử với tiền sản giật, tiểu đường type 1 hoặc 2, bị tăng huyết áp mạn, bệnh tự miễn, bệnh thận.

+ Cân nhắc điều trị dự phòng tiền sản giật với trường hợp có từ 2 yếu tố: mang thai con so, BMI >30kg/m2, thai phụ trên 35 tuổi, tiền sử gia đình có người bị tiền sản giật, tiền sử thai có trọng lượng thấp, 2 lần mang thai cách nhau trên 10 năm, kết quả thai kỳ bất lợi.

+ Nhóm không có nguy cơ cao: thực hiện quy trình quản lý thai kỳ thường quy.

- Tuyến tỉnh và tuyến trung ương

+ 3 tháng đầu của thai kỳ

Những trung tâm có khả năng triển khai sàng lọc tiền sản giật thường quy: cần xác định được nhóm nguy cơ cao và điều trị dự phòng khi xác định nguy cơ dựa trên mô hình phối hợp ≥ 1/100.

Những trung tâm chưa có khả năng triển khai mô hình sàng lọc tiền sản giật thường quy cần ưu tiên chọn nhóm nguy cơ bằng mô hình phối hợp. Ngoài ra, có thể sử dụng mô hình phối hợp huyết áp động mạch trung bình với nguy cơ của thai phụ, nếu có nguy cơ cao thì thực hiện thêm siêu âm Doppler xung động mạch tử cung kết hợp sinh hóa máu để đưa ra chỉ định điều trị dự phòng.

+ Từ 3 tháng giữa của thai kỳ 

Theo hướng dẫn của phác đồ điều trị tiền sản giật Bộ Y tế thì đây là giai đoạn tiếp tục sử dụng mô hình dự báo kết hợp với yếu tố nguy cơ của thai phụ và HA động mạch trung bình, đo xung động mạch tử cung và đo hàm lượng PlGF cùng sFlt-1 trong máu để sàng lọc tiền sản giật. Không có chỉ định điều trị ở giai đoạn này.

2.2.2. Liều lượng điều trị và thời gian điều trị

- Liều lượng điều trị

+ Dùng Aspirin liều 81 - 150mg đường uống vào buổi tối từ 11 - 13+6 tuần đến khi thai nhi được 36 tuần tuổi. Liệu trình điều trị này cần đạt tối thiểu được đến khi thai nhi 28 tuần và dừng lại trước khi thai đủ tháng 1 tuần. Liều lượng thuốc cần cân nhắc phù hợp nhằm giảm thiểu nguy cơ đề kháng aspirin.

+ Bổ sung canxi ≥ 1g/ngày để dự phòng tiền sản giật cho nhóm thai phụ có chế độ ăn < 600g canxi/ngày hoặc nhóm có nguy cơ cao nhưng không thể dùng aspirin để điều trị dự phòng.

Thuốc Aspirin được dùng để điều trị dự phòng tiền sản giật với liều lượng do bác sĩ chỉ định

Thuốc Aspirin được dùng để điều trị dự phòng tiền sản giật với liều lượng do bác sĩ chỉ định

- Dừng điều trị bằng aspirin

+ Khi thai được 36 tuần tuổi.

+ Thai phụ có tín hiệu cảnh báo chuyển dạ.

+ Đã được chẩn đoán bị tiền sản giật.

Ngoài thông tin tham khảo về phác đồ điều trị tiền sản giật Bộ Y tế trên đây thì hiện nay cũng có nhiều nghiên cứu về điều trị tiền sản giật để bác sĩ có thêm phương án cân nhắc, theo dõi và tư vấn cho thai phụ như dùng thuốc chẹn kênh canxi ở 3 tháng cuối thai kỳ mà không lo tăng nguy cơ co giật.

Đây là loại thuốc đem lại hiệu quả khá tốt trong điều trị tăng huyết áp thai kỳ đã được sử dụng gần đây. Nghiên cứu do Đại học Harvard công bố cũng chỉ ra rằng dùng thuốc chẹn kênh canxi ở giai đoạn này không làm tăng nguy cơ co giật cho trẻ sơ sinh. 

Cấp cứu với trường hợp tăng huyết áp nghiêm trọng khởi phát cấp tính: nếu xử lý đúng có thể hạn chế được biến chứng do tăng huyết áp trong tiền sản giật gây ra cho thai kỳ.

Hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ chia sẻ, nếu dùng thuốc chẹn kênh canxi nhóm dihydropyridine đường uống kết hợp với hydralazine và labetalol truyền tĩnh mạch có thể mang lại công dụng tốt để điều trị tăng huyết áp mức độ nặng. Quá trình dùng thuốc cần cân nhắc tác dụng phụ có thể gặp như: 

- Hydralazine gây suy hô hấp cho thai phụ

- Labetalon gây ra các cơn nhịp tim nhanh cho thai nhi. 

- Tránh dùng labetalol cho thai phụ có tiền sử hen suyễn, bị suy tim hoặc mắc bệnh tim mạch.

Những thông tin về phác đồ điều trị tiền sản giật Bộ Y tế trên đây chỉ mang tính tham khảo. Việc chẩn đoán, điều trị tiền sản giật ở từng thai phụ cần được bác sĩ chuyên khoa đánh giá và đưa ra chỉ định phù hợp.

Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến hội chứng này, quý khách hàng có thể liên hệ đến số điện thoại 1900 56 56 56, Tổng đài viên của Hệ thống Y tế MEDLATEC sẽ giải đáp thắc mắc của bạn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.