Tin tức

Thế nào là bệnh tan máu tự miễn? Bệnh có nguy hiểm không?

Ngày 22/09/2021
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Bệnh tan máu tự miễn xảy ra khi tuổi thọ của hồng cầu bị rút ngắn. Vì thế căn bệnh này có thể hiểu là một dạng thiếu máu. Vậy thế nào là bệnh tan máu tự miễn? Bệnh có nguy hiểm không, hãy cùng tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết dưới đây.

1. Thế nào là bệnh tan máu tự miễn?

1.1. Bệnh tan máu tự miễn là gì?

Các tế bào hồng cầu trong máu có một nhiệm vụ rất quan trọng là vận chuyển oxy đến các cơ quan trong cơ thể. Trung bình, mỗi tế bào hồng cầu có thể sống trong cơ thể khoảng 100 đến 120 ngày. Sau khi những hồng cầu già, yếu này chết đi, cơ thể sẽ sản sinh ra những hồng cầu mới để thay thế những hồng cầu đã chết, tiếp tục thực hiện vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. 

Thế nào là bệnh tan máu tự miễn

Bệnh tan máu tự miễn khiến hồng cầu trong cơ thể bị phá vỡ sớm hơn bình thường

Tuy nhiên, ở những trường hợp mắc bệnh tan máu tự miễn thì những hồng cầu trong cơ thể bị phá vỡ sớm hơn bình thường. Thậm chí đối với những trường hợp bệnh nặng, hồng cầu có thể chỉ sống trong vòng một vài ngày. Vì thế, bệnh tan máu tự miễn có thể hiểu là một loại bệnh thiếu máu. Tùy từng trường hợp mà quá trình tiến triển của bệnh sẽ khác nhau, có người tiến triển chậm nhưng có những bệnh nhân, bệnh phát triển nhanh chóng gây ra những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng cho người bệnh. 

1.2. Cơ chế gây bệnh tan máu tự miễn

Cơ chế của bệnh tan máu tự miễn xảy ra như sau: 

Trước hết, chúng ta cần biết rằng, trong tế bào máu có 3 thành phần chính đó là tế bào bạch cầu, tế bào hồng cầu và tế bào tiểu cầu. Trong đó, chức năng của bạch cầu là chống lại nhiễm trùng, chức năng của tiểu cầu là làm đông máu và ngăn chặn tình trạng chảy máu kéo dài, còn chức năng hồng cầu là vận chuyển oxy đến các cơ quan trong cơ thể. 

Những tế bào bạch cầu sẽ được gắn lên tế bào hồng cầu và cũng di chuyển khắp cơ thể để tiêu diệt những loại vi trùng hoặc một số thành phần lạ cần được loại bỏ ra khỏi cơ thể. 

Nhưng đối với những bệnh nhân mắc bệnh tan máu tự miễn, quá trình này không được thực hiện trơn tru như vậy. Nguyên nhân là do sự rối loạn của hệ thống miễn dịch đã khiến tế bào bạch cầu nhận diện nhầm hồng cầu chính là những thành phần lạ và cần được tiêu diệt để loại bỏ ra khỏi cơ thể. Từ đó gây ra tình trạng vỡ hồng cầu. Có 2 loại vỡ hồng cầu là vỡ hồng cầu nội mạch và vỡ hồng cầu ngoại mạch. Điều này khiến hồng cầu bị vỡ, bị phá hủy sớm hơn bình thường và được gọi là bệnh tan máu tự miễn hay cũng có thể hiểu là một tình trạng thiếu máu. 

2. Nguyên nhân gây tan máu tự miễn

Bệnh tan máu tự miễn có thể do những nguyên nhân dưới đây:

2.1. Miễn dịch đồng loại 

Thường gặp ở một số trường hợp sau: 

  • Bệnh nhân được thực hiện truyền máu, tuy nhiên nhóm máu được truyền lại không đúng, không tương thích với nhóm máu của cơ thể người bệnh. 

  • Các trường hợp trẻ sơ sinh bị bất đồng nhóm máu hệ Rh cùng với mẹ, chẳng hạn nhóm máu của mẹ là Rh(-) nhưng nhóm máu của con là Rh(+). 

  • Những trường hợp bệnh nhân bị truyền nhóm máu “O nguy hiểm”, hoặc do yếu tố anti A, anti B xảy ra tình trạng tăng hiệu giá bất thường.

  • Do nhóm máu được truyền không đồng với nhóm máu phụ, không đồng nhóm hệ Rh hoặc không cùng hệ thống kháng nguyên bạch cầu. 

2.2. Miễn dịch khác loại 

Bệnh tan máu tự miễn cũng có thể do kích thích của một kháng nguyên mang cấu trúc hóa học tương đồng với kháng nguyên của nhóm hồng cầu, chẳng hạn như: 

  • Tiêm thuốc mang kháng nguyên chẳng hạn như tiêm vắc xin có chứa kháng độc tố. 

  • Dùng những loại thuốc điều trị được bào chế từ động vật .

  • Những tình nguyện viên thử nghiệm với chất chất Witebsky để điều chế huyết thanh mẫu.

2.3. Lympho T mất chức năng ức chế bình thường

Trong trường hợp tế bào Lympho T bị suy giảm chức năng ức chế thì tế bào Lympho B sẽ có thể sản xuất những kháng thể bất thường. Bao gồm các trường hợp sau: 

Tình trạng cơ chế kháng nguyên bị che lấp: Chủ yếu xảy ra trong thời kỳ phát triển của thai nhi. Nguyên nhân là do giai đoạn này một số cơ quan thiếu huyết quản nên sẽ bị cản trở khả năng tiếp xúc với Clon Lympho tương ứng.

Tế bào Lympho T bị suy giảm chức năng ức chế cũng dễ gây tình trạng tan máu tự miễn

Tế bào Lympho T bị suy giảm chức năng ức chế cũng dễ gây tình trạng tan máu tự miễn

Cơ chế phản ứng chéo: Khi bị nhiễm liên cầu khuẩn, cơ thể người bệnh có thể xuất hiện kháng thể chống thận, chống tim. Trong khi đó Lympho T đặc hiệu cho kháng nguyên của liên cầu khuẩn này để thay chỗ của kháng nguyên tim, thận. Chính vì lý do đó lympho B sẽ có thẻ sản xuất ra những kháng thể bất thường. 

Do virus: Một số loại virus có thể tấn công khiến cho tế bào lympho bị tổn thương mất chức năng và cũng có nguy cơ chuyển hóa sang ác tính. Từ đó làm tăng nguy cơ sản xuất ra những kháng thể bất thường. 

3. Bệnh tan máu tự miễn có nguy hiểm không?

3.1. Triệu chứng bệnh tan máu tự miễn

Dưới đây là một số triệu chứng của bệnh tan máu tự miễn: 

Bệnh nhân sốt nhẹ, có biểu hiện mệt mỏi, khó tập trung, da mặt xanh xao, tim đập nhanh hoặc có thể xảy ra tình trạng khó thở, bệnh nhân bị choáng khi đứng lên, có thể buồn nôn và bị tiêu chảy, có hiện tượng vàng da,…

Bệnh tan máu tự miễn cấp tính có thể do truyền không đúng nhóm máu tương thích

Bệnh tan máu tự miễn cấp tính có thể do truyền không đúng nhóm máu tương thích

Nếu thấy xuất hiện những triệu chứng trên, cần đưa bệnh nhân đi khám để được kịp thời thăm khám và điều trị bệnh. 

3.2. Bệnh tan máu tự miễn có nguy hiểm không?

Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh tan máu tự miễn đều là trường hợp mạn tính, bệnh tiến triển âm thầm và có những triệu chứng không rõ ràng. Đối với những bệnh nhân nặng, triệu chứng bệnh sẽ rõ ràng hơn và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nói chung, đặc biệt là chức năng tim và phổi. 

Phát hiện kịp thời và điều trị đúng lúc thì tiên lượng bệnh là khá tốt

Phát hiện kịp thời và điều trị đúng lúc thì tiên lượng bệnh là khá tốt

Đối với một số trường hợp bệnh tan máu tự miễn cấp tính do truyền không đúng nhóm máu tương thích,…. thì có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể đe dọa tính mạng.

Tuy nhiên, tiên lượng của bệnh là khá tốt, nhiều trường hợp chỉ mắc bệnh trong một thời gian. Nhưng nếu bị bệnh trong độ tuổi thanh thiếu niên thì có thể gây ra hậu quả sức khỏe lâu dài. Vì thế việc phát hiện kịp thời và điều trị đúng lúc vẫn là yếu tố rất quan trọng. 

Những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ thế nào là bệnh tan máu tự miễn. Nếu còn những thắc mắc khác cần được giải đáp, bạn có thể gọi đến số 1900 56 56 56 của bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được giải đáp chi tiết.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.