Tin tức

Thiếu máu cục bộ cơ tim nguyên nhân do đâu và cách điều trị

Ngày 19/02/2021
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim thường gây ảnh hưởng đến chức năng bơm máu của tim, gây ra các triệu chứng đau và thiếu máu toàn thân. Theo một thống kê y tế, thiếu máu cục bộ ở cơ tim là nguyên nhân gây ra hơn 17 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới.

1. Tại sao bạn bị thiếu máu cục bộ cơ tim?

Thiếu máu cục bộ cơ tim xảy ra khi một phần cơ tim không được cung cấp đủ máu, nguyên nhân do một hoặc nhiều mạch máu nuôi tim bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Tình trạng này có thể là cấp tính hoặc kéo dài. Nguyên nhân gây thiếu máu cục bộ cơ tim cấp tính thường do tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ mạch vành. Việc này khiến oxy và các dưỡng chất cần thiết cho cơ tim bị giảm, gây ra các cơn đau thắt ngực.

Thiếu máu cục bộ cơ tim có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim nguy hiểm

Thiếu máu cục bộ cơ tim có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim nguy hiểm

Còn các trường hợp thiếu máu cục bộ cơ tim kéo dài thường do xơ vữa, tắc hẹp mạch máu khiến lưu lượng máu cung cấp cho tim giảm. Thiếu máu và oxy kéo dài khiến hoạt động của tế bào cơ tim giảm đi, chức năng bơm máu cũng bị ảnh hưởng. Đây là tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ thường xảy ra hơn. Cục máu đông làm bít tắc mạch máu có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim - biến chứng tim mạch nguy hiểm, khiến bệnh nhân tử vong nếu không can thiệp sớm.

Thông thường ban đầu, khi các mảng xơ vữa mới xuất hiện trong lòng động mạch, nó chưa khiến lòng mạnh bị hẹp đi nhiều. Vì thế mức độ thiếu máu cơ tim cũng chưa nặng, đa phần người bệnh không thấy có triệu chứng hay ảnh hưởng sức khỏe gì. Nhưng khi các mảng xơ vữa lòng mạch dày lên, mạch máu hẹp đi nhiều thì triệu chứng thiếu máu cục bộ sẽ trở nên rõ ràng.

Đôi khi, cơn co thắt vành đột ngột cũng có thể là nguyên nhân làm giảm lưu lượng máu đến tim và gây thiếu máu cục bộ cơ tim.

Thiếu máu cơ tim cục bộ đang có xu hướng trẻ hóa

Thiếu máu cơ tim cục bộ đang có xu hướng trẻ hóa

Đối tượng có nguy cơ cao mắc căn bệnh này bao gồm: Người bị tăng huyết áp, người có tiền sử bệnh tim mạch đặc biệt là bệnh mạch vành, bệnh nhân bệnh thận, đái tháo đường, mỡ máu cao, thừa cân, béo phì, lạm dụng rượu bia, thuốc lá,… Thiếu máu cơ tim cục bộ cũng thường xảy ra ở nam giới hơn đàn ông, nhất là độ tuổi dưới 45.

2. Triệu chứng điển hình của thiếu máu cơ tim cục bộ

Đau thắt ngực là triệu chứng rõ ràng, điển hình nhất của bệnh. Cơn đau thắt ngực này rất đặc trưng và dễ nhận biết, đó là cảm giác chèn ép, đau đớn như bị bóp nghẹt trái tim. Bệnh nhân có thể biểu hiện ở 2 thể bệnh đau thắt ngực ổn định và không ổn định, mức độ đau và tần suất là khác nhau.

2.1. Đau thắt ngực ổn định

Số trường hợp bị đau thắt ngực ổn định phổ biến hơn do tình trạng xơ vữa, hẹp thành mạch máu tích lũy làm giảm dần lưu lượng máu nuôi tim. Biểu hiện thiếu máu cơ tim cục bộ chỉ xảy ra khi tim cần hoạt động nhiều hơn, là khi làm việc gắng sức. 

Đau thắt ngực ổn định cho thấy những mảng xơ vữa động mạch đang ổn định, không bị vỡ hay nứt gãy. Tuy nhiên tình trạng này có thể xảy ra bất cứ khi nào, làm hình thành cục máu đông đe dọa tắc mạch máu. 

Cơn đau thắt ngực ổn định do thiếu máu cơ tim thường nặng dần theo thời gian

Cơn đau thắt ngực ổn định do thiếu máu cơ tim thường nặng dần theo thời gian

Triệu chứng đau thắt ngực ổn định thường nặng hơn theo thời gian, gây suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và công việc của người bệnh. Chỉ khi can thiệp thông tắc mạch máu, tình trạng này mới được cải thiện.

2.2. Đau thắt ngực không ổn định

Khác với thể bệnh trên, cơn đau thắt ngực không ổn định không thể dự đoán được, nó xuất hiện bất chợt bất cứ lúc nào và mức độ đau đớn cũng thường nặng hơn, không thể cải thiện khi nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc. Tùy vào mức độ tắc nghẽn mà cơn đau có thể qua nhanh chóng hay kéo dài. Đây là tình trạng rất nguy hiểm bởi nó là dấu hiệu sớm dẫn đến cơn nhồi máu cơ tim.

Ngoài triệu chứng đau thắt ngực, người bệnh còn xuất hiện các triệu chứng toàn thân do chức năng cơ tim suy giảm như: khó thở, ho, đánh trống ngực, hồi hộp, ngất xỉu, phù chân, chóng mặt,… 

3. Điều trị thiếu máu cơ tim cục bộ

Dựa trên triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một vài xét nghiệm để chẩn đoán bệnh chính xác. Muốn điều trị thiếu máu cơ tim cục bộ triệt để, cần loại bỏ nguyên nhân gây bệnh là xơ vữa mạch máu làm hẹp và tắc nghẽn máu. Khi đó, lưu lượng máu nuôi tim được cung cấp đủ, các triệu chứng và biến chứng bệnh cũng được loại bỏ.

Điều trị nội khoa hiệu quả với các trường hợp bệnh nhẹ

Điều trị nội khoa hiệu quả với các trường hợp bệnh nhẹ

Hiện nay, điều trị thiếu máu cơ tim cục bộ bao gồm các phương pháp sau: dùng thuốc, phẫu thuật kết hợp với chăm sóc tại nhà.

Thuốc điều trị

Đa phần thuốc điều trị thiếu máu cơ tim cục bộ có tác dụng giảm bớt triệu chứng và nguyên nhân gây tắc nghẽn mạch máu, tăng cường chức năng cơ tim.

  • Thuốc chống đông máu: giảm nguy cơ hình thành cục máu đông khi xơ vữa động mạch vỡ ra, dẫn đến nhồi máu cơ tim.

  • Thuốc hạ mỡ máu: Cholesterol máu được cân bằng, tránh tích tụ xơ vữa động mạch làm tăng mức độ hẹp mạch máu.

  • Thuốc giãn mạch: Giảm nhanh triệu chứng đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim cục bộ cấp tính.

  • Thuốc chống loạn nhịp tim: Chỉ định trong trường hợp có rối loạn nhịp tim.

  • Thuốc chẹn kênh canxi: có tác dụng giãn mạch, giảm huyết áp, cải thiện tuần hoàn máu.

  • Thuốc lợi tiểu: giảm huyết áp, giảm triệu chứng phù, khó thở do thiếu máu cơ tim cục bộ gây ra.

  • Thuốc ức chế men chuyển: giảm triệu chứng phù, giảm huyết áp,...

Nếu bệnh nhân có triệu chứng hoặc bệnh lý khác kèm theo, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị phù hợp.

Phẫu thuật điều trị

Nếu mạch vành bị tắc nghẽn nặng, nguy cơ biến chứng cao hoặc bệnh nhân không đáp ứng điều trị bằng thuốc, phẫu thuật là cần thiết và cần thực hiện sớm. Hai kĩ thuật chủ yếu trong điều trị thiếu máu cơ tim cục bộ là đặt stent, nong mạch vành và phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. 

Đặt stent giúp thông tắc mạch máu hiệu quả

Đặt stent giúp thông tắc mạch máu hiệu quả

Tuy nhiên chỉ điều trị ngoại khoa can thiệp khi có chỉ định. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để hỗ trợ điều trị bệnh, ngừa triệu chứng và biến chứng tốt hơn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.