Tin tức

Thoát vị bẹn - biện pháp điều trị và phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh

Ngày 17/09/2020
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Ly
Trong số các loại thoát vị thành bụng thì thoát vị bẹn được xem là phổ biến nhất. Đây là bệnh lý mô tả thực trạng tạng ổ bụng không ở đúng vị trí của nó mà chui qua ống bẹn để hình thành khối thoát vị. Bệnh đặc biệt nguy hiểm khi không được điều trị kịp thời, tạng chèn ép các cơ quan ở khoang bụng, hoại tử ruột. Vậy phương pháp điều trị bệnh lý này là gì?

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh thoát vị bẹn

Đa số các trường hợp thoát vị bẹn không có triệu chứng đặc biệt cho đến khi có sự xuất hiện của một khối phồng ở vùng bẹn. Ngoài ra, khi khối thoát vị ngày càng tăng về kích thước thì người bệnh thường có các dấu hiệu sau:

Khối phồng báo hiệu sự xuất hiện của bệnh thoát vị bẹn

Khối phồng báo hiệu sự xuất hiện của bệnh thoát vị bẹn

- Có một khối phồng ở trên nếp lằn bẹn.

- Khối phình ở một hoặc hai bên háng có thể biến mất lúc nằm xuống.

- Bìu giãn lớn.

- Các cơ vùng chậu yếu và có cảm giác phải chịu một áp lực nào đó.

- Ở khối phình có tiếng sôi ruột hoặc cho cảm giác đau rát.

- Khiêng vác vật nặng, vặn mình, tập thể dục quá sức hay vặn mình thấy khó chịu và đau nhói ở vùng bẹn.

Đặc biệt, người bệnh có thể tăng nhịp tim, sốt, đau dữ dội nếu một phần của ruột bị mắc kẹt trong thành bụng khiến cho lưu lượng máu đến phần này bị giảm. Nếu không được cấp cứu kịp thời, hiện tượng hoại tử phần ruột thoát vị có thể xảy ra gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

2. Phương pháp điều trị thoát vị bẹn

2.1. Chẩn đoán bệnh

Muốn biết chính xác mình có bị thoát vị bẹn hay không người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để bác sĩ thăm khám và làm những kiểm tra cần thiết. Thường thì bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh thoát vị bẹn thông qua thăm khám và lời mô tả các triệu chứng gặp phải ở người bệnh. Trong trường hợp khối này không rõ khi khám bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân đứng thẳng, ho để kiểm tra khối thoát vị. Ngoài ra, nếu thấy cần thiết, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số kiểm tra khác như: siêu âm bụng, chụp CT hoặc MRI.

2.2. Phương pháp điều trị

Điều trị thoát vị bẹn là can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật). Tùy vào độ tuổi, tình trạng bệnh của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định nên hay không nên thực hiện phương pháp này, nếu nên thì khi nào cần tiến hành. Phẫu thuật bệnh thoát vị bẹn có thể là mổ mở hoặc nội soi tùy vào nhu cầu của bệnh nhân nhưng mổ nội soi có ưu thế và được lựa chọn nhiều hơn bởi nhanh phục hồi, sau mổ ít có cảm giác đau, tính thẩm mỹ vết mổ cao.

Phẫu thuật thoát vị bẹn

Phẫu thuật thoát vị bẹn

Mục đích của phẫu thuật thoát vị bẹn là nhằm tái tạo lại thành bụng; nếu cần có thể khâu và cắt bỏ túi thoát vị. Có thể phục hồi bằng lưới nhân tạo hoặc mô tự thân. Việc phục hồi, tái tạo lại thành bụng là điều cần thiết đối với mọi trường hợp bệnh nhân thuộc đối tượng trưởng thành vì nó giúp tăng cường sức chịu đựng lực của thành bụng đang bị yếu do khối thoát vị gây ra. 

- Đối với trẻ em

Không có chỉ định băng treo bìu với đối tượng điều trị thoát vị bẹn là trẻ em vì nó ảnh hưởng đến sự trưởng thành và chức năng về sau của tinh hoàn. Trong trường hợp vì một lý do nào đó mà chưa thể can thiệp phẫu thuật thì người bệnh sẽ được theo dõi thường xuyên. 

Phương pháp phẫu thuật được áp dụng khi đến năm 1 tuổi mà trẻ không tự khỏi bệnh hoặc có biến chứng. Đối với trẻ trên 1 tuổi thì bác sĩ sẽ mổ thắt cao túi thoát vị mà không cần tái tạo thành bụng. Trường hợp trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ ở trong tình trạng túi thoát vị bị đau không thể đẩy ngược lại cần mổ nội soi càng sớm càng tốt tránh biến chứng nguy hiểm về sau.

- Đối với người lớn

+ Nếu bệnh nhân là người có bệnh lý nội khoa nặng hoặc quá già yếu sẽ không có chỉ định phẫu thuật, thay vào đó sẽ là áp dụng băng treo bìu. Đây là phương pháp chống chỉ định với trường hợp cổ túi thoát vị nhỏ.

+ Nếu thoát vị bẹn không nghẹt, sau khi làm các xét nghiệm cần thiết người bệnh sẽ được sắp xếp lịch phẫu thuật. Trường hợp đã xảy ra biến chứng do thoát vị bẹn thì bệnh nhân sẽ được mổ cấp cứu ngay để tránh nguy cơ hoại tử tạng thoát vị.

3. Phương pháp phòng ngừa

3.1. Phòng ngừa sự xuất hiện của bệnh

Để giảm nguy cơ mắc thoát vị bẹn, mỗi người trong chúng ta cần chủ động phòng ngừa bằng cách:

Không khiêng vật nặng quá sức giúp hạn chế nguy cơ bị thoát vị bẹn

Không khiêng vật nặng quá sức giúp hạn chế nguy cơ bị thoát vị bẹn

- Có một chế độ ăn lành mạnh, thường xuyên tập thể dục vừa sức để duy trì cân nặng hợp lý.

- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, ăn nhiều chất xơ để tránh táo bón.

- Cố gắng hạn chế khiêng vác vật nặng, nếu bắt buộc phải làm thì hãy nâng đồ đúng cách.

- Luôn giữ cột sống ở tư thế thẳng.

3.2. Phòng ngừa bệnh tái phát

Xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học là việc làm cần thiết để ngăn ngừa bệnh thoát vị bẹn tiến triển hoặc tái phát. Muốn như vậy, bạn cần:

- Tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

- Không làm việc nặng quá sức của mình.

- Hạn chế mất sức do rặn vì táo bón.

- Nịt, ép lỗ thoát vị bằng băng để không cho các tạng trong túi thoát vị bị tụt xuống quá nhiều.

- Thăm khám định kỳ để theo dõi diễn tiến của bệnh, nắm bắt thực trạng sức khỏe để có hướng điều trị phù hợp khi cần thiết.

- Nếu sau điều trị phát hiện vấn đề bất thường thì cần liên hệ ngay với bác sĩ.

- Tham khảo ý kiến của bác sĩ để sinh hoạt tình dục một cách hợp lý.

- Tái khám với bác sĩ nếu bị ho mạn tính.

- Cố gắng hạn chế để táo bón không xảy ra bằng cách dùng thuốc nhuận tràng (nếu cần), tăng cường chất xơ trong bữa ăn hàng ngày.

Điều trị thoát vị bẹn trong đại đa số trường hợp là đạt được mục đích như mong muốn nhưng cần được tiến hành bởi bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm và giỏi về chuyên môn với thiết bị y tế hiện đại. Điều này chỉ có được tại các cơ sở y tế uy tín. Vì thế người bệnh cần lưu tâm trong việc lựa chọn địa chỉ khám chữa bệnh cho mình.

Mọi thắc mắc hoặc cần hỗ trợ y tế đối với bệnh thoát vị bẹn, bạn đọc có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chia sẻ và giúp đỡ hữu ích.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.