Tin tức
Tìm hiểu các loại mụn ở trẻ sơ sinh thường gặp
- 01/06/2023 | Xử lý nanh sữa ở trẻ sơ sinh như thế nào?
- 25/06/2023 | Mụn sữa ở trẻ sơ sinh, cha mẹ nên làm gì?
- 13/07/2023 | Bệnh da vàng ở trẻ sơ sinh - Những điều cần biết!
1. Các loại mụn ở trẻ sơ sinh thường gặp
Phần lớn mụn ở trẻ sơ sinh là lành tính, có thể tự khỏi nhờ chế độ chăm sóc của cha mẹ mà không cần sử dụng thuốc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các bậc phụ huynh lơ là trước tình trạng trẻ sơ sinh nổi mụn bởi vẫn có những trường hợp biến chứng nghiêm trọng trên da. Dưới đây là các loại mụn ở trẻ sơ sinh phổ biến mà các bậc phụ huynh cần chú ý.
Mụn sữa
Trong các loại mụn ở trẻ sơ sinh thì mụn sữa (nang kê hay mụn trứng) là tình trạng phổ biến thường xuất hiện ở những tháng đầu đời, đôi khi còn có thể kéo dài đến khi bé được 2 tuổi (tùy theo cơ địa). Mụn sữa là những nốt nhỏ li ti, có màu trắng hoặc đỏ, có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên khuôn mặt bé.
Nguyên nhân
Mặc dù chưa tìm được nguyên nhân chính xác dẫn đến mụn sữa nhưng một số giả thuyết cho rằng tình trạng này có liên quan đến hormone của cơ thể hoặc từ mẹ.
- Trong quá trình mang thai, mẹ bị bệnh hoặc sử dụng thuốc điều trị, chế độ dinh dưỡng không cân đối có thể gây ra những tác động đến thai nhi khiến em bé sau sinh nổi mụn sữa.
- Tác dụng phụ của các loại thuốc bé đang dùng hoặc sữa có thành phần Albumin cao cũng có thể dẫn đến mụn sữa ở trẻ sơ sinh.
- Trường hợp trẻ viêm tuyến bã nhờn cũng có thể là lý do hình thành mụn sữa.
Mụn sữa xuất hiện chủ yếu ở trán, má, mũi, một số ít lan xuống ngực, thân và tay
Cách điều trị
Hầu hết các trường hợp trẻ nổi mụn sữa lành tính và không cần điều trị vẫn có khả năng tự khỏi. Tuy nhiên, một số trường hợp các triệu chứng mụn sữa gây đau rát, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của trẻ thì cần phải đến gặp bác sĩ để kiểm tra và tư vấn biện pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần chú ý đến cách chăm sóc để trẻ sớm khỏi mụn sữa như giữ vệ sinh thân thể và tắm bằng nước ấm cho bé, đảm bảo da bé luôn khô thoáng, không mặc quần áo bó sát,…
Chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Ở giai đoạn trẻ từ 3 - 6 tháng tuổi thường xuất hiện tính trạng chàm sữa, lác sữa hay viêm da thể trạng. Chàm sữa thường xuất hiện ở các vị trí như mặt, 2 bên má hoặc lan ra toàn cơ thể. Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân cụ thể dẫn đến chàm sữa nhưng một số yếu tố nguy cơ mà cha mẹ cần chú ý bao gồm:
- Trẻ có cơ địa dễ dị ứng hoặc cha mẹ có tiền sử mắc các bệnh như hen suyễn, mề đay, dị ứng,…
- Nguồn thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng của mẹ có chứa chất dễ gây kích ứng.
- Môi trường sống xung quanh có chứa nhiều chất nhạy cảm với da bé như bụi bẩn, khói thuốc, lông thú cưng, phấn hoa,…
Chàm sữa là căn bệnh khó điều trị và nguy cơ tái phát cao. Thông thường trẻ sẽ khỏi khi được 2 - 4 tuổi. Nếu ở thời điểm này, chàm sữa vẫn còn xuất hiện thì khả năng cao phát triển thành chàm thể trạng. Vì vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu bị chàm sữa, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để có biện pháp can thiệp sớm, kéo dài thời gian lành bệnh và giảm nguy cơ bệnh tái phát.
Chàm sữa ở trẻ sơ sinh có nguy cơ tái phát cao nếu không được điều trị đúng cách
Mề đay ở trẻ sơ sinh
Mề đay cũng được xem là một trong các loại mụn ở trẻ sơ sinh phổ biến chưa xác định được nguyên nhân chính xác. Các mẹ có thể dễ dàng nhận biết khi trẻ bị nổi mề đay thông qua tình trạng da nổi mẩn đỏ hoặc các nốt mụn như muỗi cắn, ngứa ngáy khiến bé khó chịu, quấy khóc.
Nếu trẻ bị nổi mề đay, các mẹ cần chú ý:
- Loại bỏ các loại thực phẩm có chứa chất dễ gây dị ứng như hải sản, đậu nành, nấm,…
- Đảm bảo móng tay của bé được cắt gọn để tránh tình trạng bé gãi, cào trên da.
- Mặc quần áo thoáng mát, hạn chế để trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Đưa trẻ đi khám để kiểm tra tình trạng và sử dụng thuốc trong những trường hợp cần thiết để giúp bé bớt khó chịu.
Rôm sảy
Rôm sảy là tình trạng mụn nước nhỏ li ti, thường xuất hiện vào những ngày hè nắng nóng gây ngứa, rát khó chịu khiến bé quấy khóc nhiều. Trường hợp mụn nước vỡ ra do xây xát hoặc gãi dễ gây lở loét, nhiễm trùng.
Khi trẻ bị rôm sảy, mẹ cần chú ý giữ vệ sinh xung quanh bé sạch sẽ, khô thoáng, không mặt quá nhiều quần áo gây tiết mồ hôi,… Mẹ cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các nguyên liệu tự nhiên lành tính, thanh mát để tắm cho bé như tía tô, kinh giới, nước cốt trái mướp đắng,…
Mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng nguyên liệu tự nhiên tắm cho bé khi bị rôm sảy
2. Cách chăm sóc khi trẻ sơ sinh nổi mụn
Mặc dù hầu hết các loại mụn ở trẻ sơ sinh có thể tự khỏi nhưng thời gian hồi phục phụ thuộc vào chế độ chăm sóc cha mẹ. Để giúp bé giảm những triệu chứng khó chịu do mụn gây ra cũng như hạn chế tình trạng lây lan sang các khu vực khác, cha mẹ cần chú ý:
- Tuyệt đối không tự ý điều trị, sử dụng các loại thuốc bôi, kem dưỡng khi chưa có sự kiểm tra và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Không chà xát lên vùng da nổi mụn, nhất là lúc tắm, có thể dùng khăn mềm và lau nhẹ nhàng để vệ sinh ở những khu vực này.
- Không dùng tay để nặn mụn hoặc sử dụng nước muối loãng để rửa cho bé.
- Hạn chế tiếp xúc với da trẻ khi đang gặp tình trạng nổi mụn.
- Giữ môi trường xung quanh bé thông thoáng, độ ẩm thích hợp, loại bỏ những chất có khả năng gây kích ứng da như bụi bẩn, phấn hoa, lông thú cưng,…
- Cho bé đi khám da liễu khi thấy tình trạng mụn ngày càng nặng hơn hay không có dấu hiệu thuyên giảm.
- Tuân thủ đúng và kiên trì theo liệu trình điều trị mụn của các bác sĩ chuyên khoa.
Giữ môi trường xung quanh bé sạch sẽ, độ ẩm thích hợp để giúp bé sớm hết mụn
Ngoài các loại mụn ở trẻ sơ sinh thường gặp kể trên thì còn một số loại khác hiếm gặp hơn như ban đỏ nhiễm độc ở trẻ sơ sinh, mụn nhọt, mụn đốm,… Nhiều trường hợp mụn có thể gây nguy hiểm và biến chứng nặng trên da nên các bậc phụ huynh cần phải cảnh giác.
Nếu thấy bé xuất hiện các nốt mụn bất thường, cha mẹ có thể đưa trẻ đến Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được các chuyên gia thăm khám và tư vấn hướng điều trị. Tại đây, bé sẽ được các bác sĩ, chuyên gia thăm khám và chẩn đoán bệnh. Tuỳ vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về phương pháp điều trị cũng như chế độ chăm sóc để bé sớm thoát khỏi tình trạng khó chịu do mụn gây ra.
Để tìm hiểu thêm các vấn đề sức khỏe của bé hoặc đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa, quý khách hàng có thể liên hệ đến tổng đài: 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, sẽ có nhân viên hỗ trợ kịp thời.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
