Tin tức

Tình trạng đi ngoài và sốt ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không?

Ngày 21/01/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Đi ngoài và sốt ở trẻ nhỏ không phải là tình trạng hiếm gặp nhưng lại khiến nhiều phụ huynh cảm thấy vô cùng lo lắng. Đặc biệt đối với những người lần đầu làm cha, làm mẹ, hành trình chăm sóc con yêu chưa bao giờ là dễ dàng. Nếu vậy, hãy theo dõi bài viết dưới đây để không bỏ qua những thông tin cần thiết mẹ nhé!

1. Dấu hiệu nhận biết đi ngoài và sốt ở trẻ nhỏ 

Đi ngoài và sốt là hai dấu hiệu nhận biết cơ thể trẻ đang gặp “trục trặc” và không vận hành một cách ổn định. Thông thường, trẻ sẽ gặp cùng lúc hai triệu chứng trên và điều này khiến ba mẹ không khỏi bất an. 

Tuy nhiên, những người phụ nữ lần đầu tiên làm mẹ đôi khi còn lúng túng không biết những dấu hiệu của tiêu chảy như thế nào. Thực tế, tiêu chảy là tình trạng trẻ đi ngoài nhiều hơn 2 lần/ngày và có kèm theo những bất thường như phân lỏng và đôi khi có nhầy máu. 

Trẻ đi ngoài và sốt cao có thể là dấu hiệu của tiêu chảy cấp

Trẻ đi ngoài và sốt cao có thể là dấu hiệu của tiêu chảy cấp 

Trẻ sơ sinh khi vẫn còn bú mẹ có thể đi ngoài từ 5 - 7 lần/ngày nhưng phân ở dạng sệt và không kèm theo biểu hiện sốt. Do đó, ba mẹ cần lưu ý để tránh nhầm lẫn, nếu trẻ đi ngoài trên 2 lần/ngày nhưng phân không có dấu hiệu bất thường thì hoàn toàn không cần lo lắng.

Một số triệu chứng đi ngoài và sốt ở trẻ nhỏ cần đặc biệt quan tâm như: 

  • Sốt nhẹ, sốt cao, thậm chí lên cơn co giật. 

  • Trẻ mệt mỏi, biếng ăn. 

  • Khi đi ngoài phân lỏng như nước, có màu xanh hoặc màu vàng kèm theo nhầy mủ. 

  • Đau bụng, quấy khóc đôi khi là mót rặn. 

  • Xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị mất nước như tiểu ít, môi khô, mắt trũng, đòi uống nước liên tục trong ngày. 

Những biểu hiện trên đây có thể không đến cùng một lúc. Tưởng chừng chỉ là triệu chứng thông thường và không nguy hiểm nhưng đi ngoài và sốt ở trẻ nhỏ nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ trong trường hợp xấu nhất. 

2. Trẻ sốt và đi ngoài do đâu? 

Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng sốt đi ngoài ở trẻ và nhiễm trùng, nhiễm khuẩn được xem là nguyên nhân hàng đầu. Bởi lẽ, hệ tiêu hóa và sức đề kháng của trẻ còn khá non nớt nên dễ dàng bị vi khuẩn xâm nhập và tấn công. 

Trong đó, rota là một loại virus gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Chúng có sức chống chịu bền bỉ và khả năng “trụ vững” trong cơ thể người. Ước tính có đến 215.000 trẻ tử vong vì virus rota trên toàn thế giới. Đây thật sự là một loại virus đáng lo ngại. 

Virus rota là nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ

Virus rota là nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ 

Khi có cơ hội vào bên trong hệ tiêu hóa, vi khuẩn có hại sẽ làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột đồng thời sinh ra độc tố. Lúc này, cơ thể của trẻ buộc phải phản ứng lại từ đó dẫn đến tình trạng sốt tiêu chảy, nôn trớ. 

Song bên cạnh đó, khi sử dụng sữa được bảo quản không đúng cách, vệ sinh dụng cụ ăn uống không sạch sẽ, trẻ hoàn toàn có thể bị nhiễm khuẩn đường ruột gây sốt và đi ngoài. Những thói quen như mút tay, ngậm đồ chơi của trẻ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của vi khuẩn. 

3. Sốt tiêu chảy ở trẻ có nguy hiểm không? 

Với trẻ sơ sinh dưới 3 tuổi, trung bình sẽ mắc từ 1 - 2 đợt tiêu chảy mỗi năm. Nếu được ba mẹ chăm sóc tốt, tình trạng này sẽ không kéo dài lâu mà dứt điểm sau một vài ngày. 

Ngược lại, nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, tiêu chảy cấp có thể để lại nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe của trẻ. Điển hình là những biến chứng như mất nước, co giật, suy dinh dưỡng, rối loạn hấp thu và nặng hơn nữa có thể đe dọa tới tính mạng. 

 Trẻ mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc khi sốt cao, đi ngoài

Trẻ mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc khi sốt cao, đi ngoài 

Như vậy, đi ngoài và sốt ở trẻ nhỏ sẽ không nguy hiểm nếu được chăm sóc tốt. Phần lớn trường hợp tử vong do tiêu chảy cấp là trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi tại các nước chưa có chế độ chăm sóc y tế hiện đại. Tuy nhiên, sự quan tâm và theo dõi của người lớn vẫn là yếu tố quyết định đến sức khỏe của trẻ. 

4. Ba mẹ cần làm gì trong trường hợp này? 

Trước hết, khi phát hiện những dấu hiệu của tiêu chảy cấp có kèm theo sốt cao, ba mẹ cần thật sự bình tĩnh để lên hướng giải quyết và xử trí kịp thời. 

Quá trình chăm sóc và nuôi dạy con yêu không đơn giản như nhiều ba mẹ vẫn quan niệm “trời đẻ, trời nuôi” nên hãy tìm hiểu và tích lũy thêm nhiều kiến thức để vận dụng đúng thời điểm. Hãy theo dõi và chăm sóc con bằng cách: 

Cho trẻ uống nhiều nước 

Trẻ sốt, đi ngoài, nôn trớ là nguyên nhân dẫn đến mất nước. Điều này khiến cơ thể trẻ ngày càng suy yếu, quấy khóc, biếng ăn. Nguy hiểm hơn nữa, trong tình trạng mất nước nặng mà không có cách xử trí nhanh chóng rất dễ dẫn đến tử vong. 

Bổ sung nước cho trẻ là cách tốt nhất tránh tình trạng mất nước quá nhiều gây nguy hiểm cho trẻ

Bổ sung nước cho trẻ là cách tốt nhất tránh tình trạng mất nước quá nhiều gây nguy hiểm cho trẻ 

Lúc này, để bù vào lượng nước đã mất, mẹ có thể cho trẻ bổ sung nước lọc, cháo loãng, nước ép, sinh tố hoặc nước điện giải theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp 

Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ bởi kháng thể trong sữa mẹ có khả năng bảo vệ hệ tiêu hóa của trẻ khỏi sự tấn công của vi khuẩn. Vì vậy, đối với trẻ sơ sinh, khi phát hiện dấu hiệu sốt tiêu chảy, mẹ vẫn cho bé bú bình thường và không nên giảm cữ. 

Sữa mẹ là “thức uống” dinh dưỡng giúp bé đẩy lùi tình trạng mất nước do đi ngoài nhiều lần. Lưu ý phải vệ sinh đầu ti sạch sẽ để không tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. 

Đối với trẻ đang trong quá trình ăn dặm, hãy lựa chọn thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất và chế biến dạng lỏng, dễ tiêu hóa. Nên tránh đồ tanh, đồ ngọt và thực phẩm tanh. 

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Đưa con đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời

Đưa con đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời

Hãy đưa trẻ đến bệnh viện nếu xuất hiện những triệu chứng dưới đây: 

  • Môi khô, khát nước liên tục thậm chí khóc nhưng không ra nước mắt. 

  • Phân loãng và có kèm theo máu. 

  • Tần suất đi ngoài của trẻ lên tới 8 lần trong vòng 6 giờ. 

  • Trẻ sốt cao trên 38,5 độ, li bì, mất dần nhận thức. 

  • Đau bụng, nôn ói, tiêu chảy quá ngày dù đã chăm sóc tốt. 

Đi ngoài và sốt ở trẻ nhỏ nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng. Do đó, để phòng tránh tình trạng này, mẹ hãy luôn giữ gìn vệ sinh dụng cụ ăn uống, rửa tay cho trẻ trước và sau khi ăn cũng như đảm bảo thức ăn đã được nấu chín kỹ. 

Nếu vẫn còn băn khoăn trong quá trình chăm sóc con yêu, hãy liên hệ đến đường dây nóng 1900 56 56 56 để được chuyên gia đến từ Khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn và hỗ trợ tốt nhất nhé! 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.