Tin tức

Trẻ đi ngoài ra bọt: nguyên nhân, biểu hiện và cách xử trí

Ngày 09/03/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Đi ngoài ra bọt ở trẻ là do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể ngầm cảnh báo các bệnh tiềm ẩn về tiêu hóa. Hãy cùng các chuyên gia đến từ Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tìm hiểu về chứng đi ngoài ra bọt và cách xử lý khi trẻ gặp tình trạng này.

1. Nguyên nhân khiến trẻ đi ngoài ra bọt

Trẻ khi bị đi ngoài ra bọt là vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển toàn diện và còn non yếu. Tuy nhiên các bậc phụ huynh cũng cần hết sức lưu ý vì đây rất có thể là triệu chứng của một số bệnh lý như sau:

  • Dị ứng sữa: đối với những trẻ ăn sữa công thức thì khả năng đi ngoài ra bọt do dị ứng với các thành phần trong sữa là rất cao. Lúc này mẹ nên ngừng cho bé dùng loại sữa này và cần tham khảo ý kiến của bác sĩ khoa Nhi để tìm cách khắc phục, lựa chọn ra được loại sữa phù hợp với tình trạng đi ngoài của bé;

  • Rối loạn tiêu hóa: bên cạnh đi ngoài ra bọt, trẻ còn bị té re nhiều lần, da xanh, mệt mỏi;

  • Sốt virus: hệ miễn dịch của trẻ sẽ nhanh chóng bị suy giảm khi trẻ bị sốt với các dấu hiệu như: đi ngoài ra bọt, đi ngoài nhiều lần, mệt mỏi, sốt cao, quấy khóc, chán ăn,... Nên các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý và sớm đưa trẻ đi cấp cứu để đề phòng biến chứng nặng xảy ra;

Đi ngoài ra bọt khiến cho cả bé và cha mẹ đều cảm thấy mệt mỏi

Đi ngoài ra bọt khiến cho cả bé và cha mẹ đều cảm thấy mệt mỏi

  • Chế độ ăn uống của mẹ: ngay kể cả những trẻ bú sữa mẹ cũng có thể gặp hiện tượng này. Nguyên nhân là do chế độ ăn uống của mẹ không đảm bảo. Khi phát hiện trẻ bị đi ngoài bất thường, mẹ cần xem xét lại thực đơn ăn uống hàng ngày, cần tránh ăn các món muối chua, nộm chưa chín, đồ chiên rán dầu mỡ, thức ăn cay nóng,...;

  • Nhiễm khuẩn đường ruột: là do trẻ bị nhiễm virus Rota - một loại virus nguy hiểm gây tình trạng tiêu chảy ở trẻ em. Chúng có thể tồn tại trong thời gian dài trên bề mặt đồ chơi, giày dép, bàn ghế,... dễ dàng thâm nhập vào hệ tiêu hóa của trẻ. Biểu hiện điển hình khi bị nhiễm Rota virus bao gồm: tiêu chảy, đi ngoài, mệt mỏi. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ đe dọa tới tính mạng của trẻ.

2. Một số triệu chứng kèm theo tình trạng đi ngoài ra bọt ở trẻ

Bên cạnh dấu hiệu đi ngoài ra bọt, cha mẹ hãy quan tâm tới những biểu hiện bất thường khác ở trẻ, cụ thể như sau:

  • Trẻ đi ngoài ra bọt và liên tục quấy khóc: người lớn cần chú ý bù nước và điện giải cho trẻ. Việc này nhằm tránh trẻ bị mệt mỏi, mất quá nhiều nước, nôn hoặc lơ mơ không tỉnh táo. Nếu tình trạng đi ngoài ra bọt không thuyên giảm, hãy đưa trẻ tới ngay bệnh viện để kiểm tra;

  • Trẻ sôi bụng và đi ngoài ra bọt: hiện tượng này có thể gặp khi trẻ ăn phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh hoặc trẻ bị dị ứng với thức ăn;

  • Trẻ đi ngoài lẫn bọt nhầy: phân lẫn nhầy bọt và xuất hiện mùi tanh có thể là hệ quả của thức ăn không sạch sẽ hoặc trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Nếu trong vòng 2 ngày bé không quấy khóc, vẫn khỏe mạnh và tình trạng phân có bọt đã đỡ hơn thì cha mẹ có thể yên tâm. Ngược lại nếu biểu hiện này tiếp tục trở nên nghiêm trọng hơn thì hãy đưa trẻ đi khám.

3. Phương pháp xử trí khi trẻ bị đi ngoài ra bọt

Dưới đây là một số biện pháp giúp kiểm soát triệu chứng đi ngoài ra bọt ở trẻ cha mẹ có thể tham khảo:

Chế độ sinh hoạt hàng ngày:

  • Đảm bảo ăn chín uống sôi. Rèn luyện cho bé thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;

  • Kiểm tra lại chế độ ăn của bé và mẹ;

  • Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ ăn uống, quần áo và đồ chơi của bé;

  • Tắm rửa sạch và thường xuyên thay tã cho bé;

  • Không tự ý mua thuốc cho bé uống khi chưa có chỉ định từ bác sĩ;

Hãy đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho bé trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh

Hãy đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho bé trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh

Chế độ ăn uống:

  • Hạn chế cho trẻ ăn các loại đồ ngọt như bánh kẹo, nước ngọt,...;

  • Nếu trẻ đã bắt đầu ăn dặm, nên bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nhất là rau củ quả tươi. Nếu trẻ đang ăn dặm mà bị đi ngoài thì cha mẹ nên tạm thời tránh cho trẻ ăn cá hoặc các loại hải sản tanh. Nếu trẻ ăn cơm thì hạn chế tiêu thụ đồ chiên xào nhiều dầu mỡ.

  • Bù nước cho trẻ bằng cách tăng cường uống nước lọc, điện giải, nước trái cây. Với những bé vẫn còn đang bú mẹ thì mẹ nên bổ sung nhiều nước trong ngày và cho bé bú. Nếu trẻ uống sữa công thức thì cần tham vấn lời khuyên từ bác sĩ để lựa ra loại sữa phù hợp cho trẻ. Ngoài ra việc bù điện giải cho trẻ sơ sinh cũng như trẻ lớn tuổi hơn cần có hướng dẫn của bác sĩ để cha mẹ pha đúng tỷ lệ cho con;

  • Nên sử dụng những thực phẩm tươi ngon, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh dùng đồ đông lạnh, đồ chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản;

  • Bổ sung men vi sinh cho trẻ bằng cách ăn sữa chua, tăng số lượng lợi khuẩn trong ruột;

  • Thay vì thức ăn cứng khó tiêu hóa, nên cho trẻ ăn đồ ăn mềm, lỏng như súp, cháo và chia nhỏ bữa ăn ra để trẻ có thể hấp thụ chất dinh dưỡng dễ dàng hơn;

  • Dùng dầu thực vật (dầu mẹ, dầu hướng dương) thay cho mỡ động vật khi chế biến món ăn.

Bổ sung lợi khuẩn từ sữa chua là cách lành mạnh giúp hạn chế tình trạng đi ngoài ra bọt ở trẻ

Bổ sung lợi khuẩn từ sữa chua là cách lành mạnh giúp hạn chế tình trạng đi ngoài ra bọt ở trẻ

Trên đây là những lưu ý đối với các bậc phụ huynh khi con em mình gặp phải hiện tượng đi ngoài ra bọt. Hy vọng rằng với những thông tin mà các chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC vừa chia sẻ, các bậc phụ huynh đã có những kiến thức bổ ích để áp dụng vào việc chăm sóc các bé trong gia đình.

Đi ngoài ra bọt là tình trạng phổ biến và có nhiều trẻ gặp phải. Tuy nhiên cha mẹ đừng chủ quan và tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc dành cho người lớn để điều trị cho con. Nếu hiện tượng này kéo dài, tốt hơn hết hãy đưa trẻ đi khám để được xử lý sớm.

Tự hào là địa chỉ y tế với hơn 26 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, 2 lần đạt 2 chứng chỉ uy tín (ISO 15189:2012 và CAP) về năng lực xét nghiệm chất lượng cao, sở hữu đội ngũ y bác sĩ chuyên môn giỏi và hệ thống trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cam kết sẽ đem lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Nếu còn nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe cần được giải đáp, quý bạn đọc hãy chia sẻ ngay với chúng tôi - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn chi tiết và kỹ lưỡng hơn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.