Tin tức

Trẻ giảm thông minh, béo phì vì tẩm bổ bằng óc lợn

Ngày 19/06/2015
Nếu ăn não động vật với số lượng nhiều sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch... Vì vậy, mẹ không nên tẩm bổ bằng óc lợn cho con.

Óc là món ăn được nhiều bà mẹ lựa chọn để tẩm bổ cho con trước kỳ thi quan trọng vì nghĩ rằng có thể tăng cường trí thông minh. Liệu đây có phải thần dược dành cho các sĩ tử?

 Óc là món ăn được nhiều bà mẹ lựa chọn để tẩm bổ cho con. Ảnh minh họa.

Ăn đâu bổ nấy?

Với quan niệm “ăn đâu bổ nấy”,  óc lợn được nhiều người tin là thuốc tăng cường trí thông minh. Do đó, nhiều bà mẹ hay chế biến cho con ăn mỗi ngày, đặc biệt trước mỗi kỳ thi quan trọng.

Ngoài ra, óc cũng được xem là một thực phẩm bồi dưỡng thường xuyên cho người già, bệnh nhân.

Trả lời về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho hay đó chỉ là quan niệm được truyền miệng theo dân gian.

Việc các mẹ bắt con ăn óc (trong đó phổ biến nhất là óc lợn) hàng ngày để được thông minh là không có bằng chứng về mặt khoa học.

Tiến sĩ cho biết trí thông minh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó ăn uống chỉ chiếm một phần nhỏ. Về cơ bản, óc vẫn là một món ăn bổ dưỡng nếu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm song nếu ăn nhiều sẽ ẩn chứa nhiều nguy cơ.

 Việc các mẹ bắt con ăn óc lợn hàng ngày để được thông minh là không có bằng chứng về mặt khoa học. Ảnh minh họa

Lợi bất cập hại

Tiến sĩ Hưng cho hay hầu hết não động vật có chứa hàm lượng cholesterol rất cao, nếu ăn thường xuyên với số lượng nhiều sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, gan nhiễm mỡ, thừa cân, béo phì, ảnh hưởng đến phát triển não bộ chứ không phải sẽ phát triển trí thông minh như nhiều người nghĩ.

Theo thống kê dinh dưỡng, trong 100 g óc lợn chỉ có 9 g chất đạm; 9,5 g chất béo; 1,6 g sắt, song lại có tới 2500 mg cholesterol. Ngoài ra còn có đường, canxi, phôt pho, nước.

Ngoài ra, với người đã mắc các bệnh trên, óc động vật sẽ trở thành thực phẩm nguy hiểm, do đó, cần thận trọng khi sử dụng món ăn này.

“Người bình thường cũng nên hạn chế các thực phẩm chứa nhiều cholesterol để dự phòng trước, không đợi lúc có bệnh mới tránh.

Chúng ta cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đa dạng, không nên ăn nhiều những thực phẩm có nhiều nguy cơ gây bệnh”, tiến sĩ Hưng khuyến cáo.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cũng cho hay trong các loại  óc động vật, trong đó óc lợn được nhiều người sử dụng nhất đồng thời ẩn chứa nhiều nguy cơ nhất.

“Theo thống kê, cứ 100 g óc lợn có tới 2500 mg cholesterol, tức là gấp 8 lần nhu cầu cholesterol của một người một ngày.

Khi đó, thực phẩm này không giúp phát triển trí thông minh mà còn gây béo phì cho người ăn, nhất là trẻ nhỏ. Có thể nói việc lạm dụng món ăn này sẽ làm cho trẻ kém thông minh”, bà Hải khuyến cáo.

Nếu ăn não động vật với số lượng nhiều sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch... Ảnh minh họa

Chuyên gia cũng cho hay chất đạm trong óc lợn chỉ có 9 g trong 100 g, thấp hơn rất nhiều so với các loại thực phẩm khác như thịt nạc.

Ngoài ra, các loại phủ tạng động vật khác như tim, gan, thận, dạ dày, tràng, cũng chứa ít chất đạm, nhiều cholesterol xấu, không có lợi cho người mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, béo phì. Do đó, chúng ta cần phải hạn chế ăn các loại phủ tạng này.

Ngoài ra, lương y Đa khoa Bùi Hồng Minh, Chủ  tịch Hội đông y Ba Đình, còn cảnh báo óc dê có độc, không nên ăn. Đàn ông ăn món này sẽ làm tổn hại tinh khí, khó có con.

Để trí não phát triển khỏe mạnh, tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng tư vấn chúng ta cần phải ăn uống cân bằng về dinh dưỡng, phù hợp với lứa tuổi, không nên lạm dụng bất cứ nguồn thực phẩm nào.

Nguồn: khoevadep

 
 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.