Tin tức

Vi khuẩn E. Coli - nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy phổ biến ở người

Ngày 06/05/2020
KTV. Vũ Thị Nga - Trung tâm xét nghiệm
Các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa trong đó có bệnh tiêu chảy do vi khuẩn rất phổ biến trong đời sống. Chúng ta thường gặp nhất là loại vi khuẩn E. Coli. Chúng xuất hiện ở tất cả các đối tượng, độ tuổi nhưng phổ biến nhất ở trẻ em và ở những người mắc các bệnh liên quan đến sự suy giảm hệ miễn dịch.

1. Vi khuẩn E. Coli là gì?

E. Coli (viết tắt của Escherichia coli) là một loại Vi khuẩn thuộc hệ thống vi khuẩn chí của cơ thể người và động vật. Chúng sống sinh sống chủ yếu ở hệ thống đường ruột và có số lượng lớn nhất trong hệ vi sinh vật của cơ thể.

Có nhiều loại E. Coli, bình thường chúng không gây hại mà góp phần quan trọng trong việc giúp cơ thể tiêu hóa những loại thức ăn mà dạ dày không tiêu hóa được. Nhưng khi cơ thể xuất hiện vấn để có thể tạo ra các điều kiện thích hợp cho sự xâm nhập và sinh trưởng của một số nhóm E. Coli thì chúng có khả năng sản xuất ra chất gây độc mạnh và trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh tiêu chảy ở người và gia súc. Một loại E. Coli gây bệnh thường gặp nhất là E. Coli O157:H7.

E. Coli O157:H7 (còn có tên là E. Coli O157 hoặc gọi tắt là “O157”) là một loại E. Coli phổ biến nhất thường ra bệnh và là tác nhân cho hầu hết các cơn bùng phát bệnh do “E. Coli”. E. Coli O157:H7 sinh ra chất độc Shiga (gọi là E. Coli sinh ra chất độc Shiga). Chất độc này cực mạnh nó gây tổn thương niêm mạc ruột non, có thể gây bệnh trầm trọng khi người ta nhiễm phải vi khuẩn này.

Hình 1: Vi khuẩn E. Coli

E. Coli được đào thải ra môi trường qua đường tiêu hóa (qua phân), chủ yếu lây qua đường phân - miệng, nếu vệ sinh kém thì E. Coli dễ nhiễm vào thịt tươi, quá trình giết mổ. Quá trình bảo quản và chế biến thực phẩm không hợp lý cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tiêu chảy do nhiễm phải vi khuẩn.

E. Coli sống tiềm ẩn khắp nơi (có trong đất, nước bị ô nhiễm, bàn tay của những người chế biến thực phẩm không sạch, các loại thực phẩm,...) là một trong những vi khuẩn gây ra ô nhiễm thực phẩm, nguồn nước và là tác nhân phổ biến gây tiêu chảy cấp tính.

Trong môi trường bên ngoài cơ thể E. Coli có sức đề kháng tương đối cao, chúng có thể tồn tại lâu dài ở trong môi trường, thức ăn, trên da,…

Vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt sau 30 phút ở 60oC và sau 5 phút ở 100oC, dưới ánh sáng mặt trời cường độ cao chúng bị tiêu diệt sau nhiều giờ. Ở trong cơ thể, chúng sinh sống lâu dài trong hệ thống dạ dày, ruột và nhiều vị trí niêm mạc của người và động vật. 

2. Những triệu chứng thường gặp khi bị nhiễm vi khuẩn E. Coli

Tình trạng ngộ độc thực phẩm do E. Coli thường lây nhiễm chủ yếu qua đường tiêu hóa, từ người sang người hay từ động vật sang người, thông qua các thức ăn, nước uống, bàn tay bẩn, đồ dùng cá nhân, dụng cụ ăn uống bị nhiễm vi khuẩn.

Các triệu chứng phổ biến của nhiễm E. Coli thường gặp như:

  • Tiêu chảy nhẹ hoặc nặng xuất hiện đột ngột phân lỏng đôi khi có máu trong phân.

  • Đau bụng quặn thắt hoặc âm ỉ.

  • Buồn nôn, ói mửa, chán ăn.

  • Mệt mỏi.

  • Sốt.

  • Ở những người bị nặng có thể xuất hiện các triệu chứng như: mất nước, nước tiểu có máu, da nhợt nhạt, có thể xuất hiện các vết bầm mặc dù trước đó không có va chạm,....

E. Coli có thể được phát hiện qua xét nghiệm từ bệnh phẩm phân hoặc các dịch tiết tiêu hóa.

3. Những nguyên nhân gây ra trình trạng nhiễm vi khuẩn E. Coli

Có rất nhiều nguyên gây ra các tình trạng nhiễm E. Coli như:

- Nguồn thực phẩm bị ô nhiễm: là nguyên nhân phổ biến nhất. Thực phẩm có thể bị ô nhiễm do quá trình sơ chế hoặc bảo quản không đúng cách như:

Không rửa tay hoặc rửa tay không sạch trước khi nấu hoặc trước khi ăn. 

Sử dụng bát đĩa hoặc dụng cụ làm bếp bẩn, thức ăn bị hư hỏng do quá trình bảo quản không đúng cách (nhiệt độ và độ ẩm không phù hợp).

Ăn phải thức ăn chưa được nấu chín, ăn các loại hải sản sống mà không rửa kỹ,...

Uống sữa chưa được tiệt trùng.

Quá trình giết mổ hoặc chế biến thịt của các loại gia cầm đang bị nhiễm bệnh,…

- Nguồn nước bị ô nhiễm: uống phải nước bị ô nhiễm hoặc bơi trong hồ nước bị ô nhiễm.

- Lây từ người sang người: Các vi khuẩn E. Coli rất dễ lây lan sang người khác khi rửa tay không kỹ sau khi vệ sinh hoặc chạm vào người khác hay dùng chung các vật dụng với người bị nhiễm bệnh.

- Động vật: Những người tiếp xúc với động vật, đặc biệt là bò, dê, cừu cũng có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn sống ở động vật.

Hình 2: Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy

4. Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh do vi khuẩn E. Coli cao

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh do nhiễm E. Coli, như:

- Tuổi: trẻ em và người lớn tuổi có nguy cơ cao nhiễm khuẩn E. Coli hơn các lứa tuổi khác.

- Người có hệ miễn dịch bị suy giảm: như những người bị HIV/AIDS hoặc đang dùng các loại thuốc để điều trị bệnh ung thư hay uống thuốc sau khi ghép nội tạng;

- Thời gian từ tháng sáu đến tháng chín trong năm là thời điểm thuận lợi nhất cho sự sinh sôi và phát triển của vi khuẩn nên khoảng thời gian này cũng có nhiều trường hợp nhiễm E. Coli nhất.

- Giảm nồng độ axit dạ dày: E. Coli rất dễ phát triển trong môi trường ruột có nồng độ acid thấp. Việc sử dụng các thuốc làm giảm acid dạ dày như là esomeprazole (nexium), pantoprazole (protonix), lansoprazole (prevacid) và omeprazole (prilosec) cũng là nguyên nhân gây bệnh do nhiễm vi khuẩn.

5. Các biện pháp ngăn ngừa nhiễm vi khuẩn E. Coli gây bệnh.  

Vi khuẩn E. Coli có mặt ở khắp nơi ngoài môi trường nên việc phòng ngừa nhiễm khuẩn do vi khuẩn là vấn đề rất quan trọng. Có nhiều phương pháp phòng bệnh tiêu chảy do E. Coli gây ra như:

- Sử dụng thực phẩm an toàn: chỉ dùng các thực phẩm tươi. Cần phải ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch các loại quả, rau ăn sống. Nên gọt vỏ hoa quả trước khi ăn. Không sử dụng các loại thực phẩm đông lạnh đã được rã đông và cấp đông lại.

- Chỉ nên ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, không nên ăn nhiều đồ sống, đồ chín tái.

- Thức ăn sau khi vừa nấu xong nên ăn ngay, đảm bảo hương vị của món ăn đồng thời tránh nhiễm khuẩn từ môi trường.

- Bảo quản các thức ăn đã nấu chín cẩn thận và đúng cách. Các thức ăn chín nếu dùng lại sau 5 tiếng và nên được đun kỹ lại. Không nên dùng các thức ăn dùng lại cho trẻ em.  

- Làm sạch bề mặt các dụng cụ chế biến thức ăn. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc với thức ăn sống hoặc với các bề mặt bẩn (như sử dụng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm). Bát đĩa cần phải được luộc nước sôi lau khô bằng khăn sạch.

 Hình 3: Rửa tay thường xuyên là một biện pháp phòng bệnh tiêu chảy do vi khuẩn

- Rửa sạch tay và các dụng cụ trước khi tiến hành chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bàn tay bị các vết thương hở hay bị nhiễm trùng, hãy bằng kỹ và kín vết thương đó trước khi chế biến thức ăn. 

- Các thực phẩm cần phải che đậy trong các hộp kín, tủ kính, lồng bàn, phủ khăn sạch,... để tránh côn trùng đậu vào và các động vật khác là cách bảo vệ thực phẩm không bị nhiễm khuẩn. Khăn, các dụng cụ dùng để đậy thực phẩm cần được giặt và lau chùi sạch sẽ.

- Sử dụng các nguồn nước sạch an toàn trong quá trình sinh hoạt. Tốt nhất nên sử dụng nước đã được đun sôi trước khi uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng để chế biến thức ăn cho trẻ nhỏ. 

- Hình thành thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là các thời điểm trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với phân người, phân trâu bò và các loài gia súc, gia cầm.

- Giữ gìn vệ sinh nguồn nước, tránh ô nhiễm phân người và phân động vật.

- Sử dụng nhà vệ sinh hợp vệ sinh.

- Không sử dụng phân tươi hoặc chưa được xử lý đúng quy cách trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi.

Hiện nay vi khuẩn E. Coli kháng lại rất nhiều loại kháng sinh vì vậy khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và được tư vấn về cách điều trị bệnh. 

Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với sự hợp tác của đội ngũ chuyên gia y tế đầu ngành cùng với các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế luôn luôn cố gắng để đưa ra các dịch vụ đáp ứng các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của khách hàng.

Gọi đến tổng đài 1900 565656 để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

Từ khoá: Vi khuẩn E. Coli

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.