Tin tức

Viêm não Nhật Bản: Cha mẹ dễ nhầm lẫn với bệnh khác

Ngày 13/07/2015
Phạm Minh
Bệnh viêm não Nhật Bản B thường xuất hiện vào mùa hè. Hiện nay ở miền Bắc nước ta bệnh đã bắt đầu xuất hiện. Viêm não Nhật Bản B có bệnh cảnh rất nặng, nguy cơ tử vong cao và có khả năng lây lan mạnh, vì vậy, cần đề cao cảnh giác, không được chủ quan.

Ảnh minh họa

Thời gian gần đây, bệnh viêm não, viêm não Nhật Bản đang bắt đầu vào mùa với diễn biến phức tạp. Do vậy, các cha mẹ cần phải lưu ý phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản để tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra. 

Do diễn tiến của bệnh viêm não nói chung và viêm não Nhật Bản nói riêng thường phức tạp và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên bệnh nhân đến viện khi đã có biến chứng vẫn thường xảy ra. 

Theo thống kê, đến hết tháng 6/2015, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận đã có 11 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Trong đó, BV Nhi Trung ương có 4 ca viêm não Nhật Bản. Đối tượng mắc chủ yếu là trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh. 

Triệu chứng:

- Thời kỳ ủ bệnh từ một-sáu ngày, ngắn nhất là 24 giờ và có khi lên tới 14 ngày, thường ít có triệu chứng. Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn. Sau đó sốt cao, co giật, co cứng cơ và lú lẫn.

- Giai đoạn toàn phát là những dấu hiệu ở màng não, não và rối loạn thần kinh thực vật. Đối với dấu hiệu màng não, triệu chứng phổ biến là cứng gáy. Rối loạn vận động thể hiện trên nhiều mặt như co cứng cơ, co vặn, co giật, run, liệt nửa người.

- Các triệu chứng thần kinh thực vật rất đa dạng và nặng nề: nhiệt độ dao động, xanh tái, rối loạn hô hấp, tăng tiết đàm, nhịp tim nhanh, nôn, bí đại tiểu tiện và ngừng hô hấp đột ngột. Các triệu chứng tâm thần chủ yếu là rối loạn ý thức với các mức độ khác nhau, từ ngủ gà đến hôn mê sâu.

 

Trong các trường hợp nặng tiến triển đến tử vong, thường thấy sốt trên 40 độ C kèm với rối loạn thần kinh thực vật nặng nề. Tử vong thường xảy ra vào ngày thứ ba đến ngày thứ tám của giai đoạn cấp. Với các bệnh nhi sống sót, có thể để lại di chứng thần kinh tâm thần. 
 

 


 
Đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản.

Phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản B

Để chủ động trong công tác phòng chống bệnh viêm não vi rút, trong đó có bệnh viêm não Nhật  Bản, cơ quan y tế khuyến cáo:

Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.

Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín.

Thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.

Bệnh viêm não Nhật Bản B đã có vắc xin phòng bệnh, thực hiện tiêm vắc xin VNNB đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. 

- Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi; 
- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; 
- Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. 

Hà Nội tăng cường phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản 

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản để ngăn ngừa bệnh bùng phát. Theo đó, các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát dịch tại các bệnh viện và cộng đồng, kịp thời phát hiện những trường hợp mắc bệnh để chủ động khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, vận động các gia đình đưa trẻ trong độ tuổi đi tiêm phòng vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản và tổ chức tốt công tác tiêm chủng đảm bảo an toàn, chất lượng và đạt tỷ lệ cao. 

Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị điều trị tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế tham gia khám, phát hiện, điều trị các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh viêm não Nhật Bản; tăng cường khám, phát hiện sớm bệnh nhân bị viêm não Nhật Bản và phối hơp chặt chẽ với đơn vị y tế dự phòng để xử lý kịp thời theo quy định; khi có bệnh nhân phải điều trị tích cực, hạn chế thấp nhất tử vong. 

Sở Y tế cũng khuyến cáo, bên cạnh việc vệ sinh môi trường sạch sẽ, loại bỏ nơi trú ẩn và sinh sản của muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản, ngủ phải nằm màn để muỗi không đốt, các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm phòng viêm não Nhật Bản đúng lịch và đủ liều. 

Cùng với việc tiêm phòng đầy đủ, các bậc phụ huynh cần bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho trẻ, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân cho trẻ. Việc này là rất cần thiết, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng kéo dài đang diễn ra, là điều kiện thuận lợi cho virus viêm não phát triển và phát tán. ... 

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền. Bệnh lưu hành quanh năm và gây dịch trong mùa hè, thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, đặc biệt là ở những trẻ chưa được tiêm hoặc không tiêm đầy đủ vắc xin phòng viêm não Nhật Bản.


Nguồn: vnmedia.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.