Tin tức

Virus Zika có nguy hiểm đối với phụ nữ có thai hay không?

Ngày 24/05/2020
CN. Phương Thị Lâm - Trung tâm Xét nghiệm
Virus Zika là một loại virus gây bệnh ở người, lan truyền qua các vết chích của muỗi Aedes - đây cũng là một loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng và sốt chikungunya. Bất cứ ai cũng có thể nhiễm virus, bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ thì virus có thể gây ra dị tật bẩm sinh đầu nhỏ (kích thước đầu và não nhỏ) cho trẻ.

1. Bạn biết gì về virus ZIKA?

Virus Zika là một loại virus thuộc loại flavivirus, có chung cấu trúc RNA với virus sốt xuất huyết Dengue và được tìm thấy vào năm 1947, tại Uganda. Năm 2007, dịch bệnh do virus đã được ghi nhận đầu tiên ở Thái Bình Dương sau đó đó dịch đã bùng phát tại Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ và châu Phi vào năm 2013, đến đầu năm 2016 đã ghi nhận thêm hơn 30 nước có sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút Zika bảo gồm cả những nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan,… và Việt Nam cũng ghi nhận 2 ca nhiễm đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

Muỗi Aedes là vật trung gian truyền bệnh.

Hình 1: Muỗi Aedes là vật trung gian truyền bệnh.

Virus Zika lây truyền sang người chủ yếu qua vết chích của loại muỗi Aedes nhiễm bệnh khi hút máu của một người đã nhiễm loại virus này. Những con muỗi này thường đốt người vào ban ngày, cao điểm vào sáng sớm và chiều tối và thường đẻ trứng vào gần những nơi chứa nước như xô, chậu, đĩa thức ăn của vật nuôi, bình và lọ hoa.

Virus gây bệnh lây truyền theo đường truyền máu, đường tình dục, lây truyền từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai. Bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đặc biệt cho phụ nữ đang dự định mang thai hoặc đang có thai.

2. Phụ nữ có thai có nên lo lắng vì virus Zika không?

Bất kỳ ai sống trong hoặc đi đến vùng có virus đều có thể bị nhiễm virus này. Bệnh do virus không gây ra tình trạng nghiêm trọng, chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ xuất hiện một vài ngày sau khi người đó bị đốt bởi muỗi nhiễm bệnh như: Sốt nhẹ, phát ban khắp người, đau khớp, đau cơ, cảm thấy mệt mỏi, đỏ mắt hoặc có thể viêm kết mạc và rất hiếm gặp gây ra hội chứng Guillain Barre - hội chứng tổn thương thần kinh có thể gây liệt.

Nhưng đáng lo ngại là theo tổ chức y tế Thế giới thì trẻ em sinh ra từ người mẹ bị nhiễm virus Zika có thể bị những dị tật bẩm sinh như: 

+ Dị tật ở mắt.

+ Suy giảm tăng trưởng.

+ Mất thính lực.

+ Đặc biệt là gây biến chứng dị tật đầu nhỏ trẻ sơ sinh sẽ có đầu và não nhỏ bất thường. Theo các báo cáo khoa học nguy cơ cao bị tật đầu nhỏ là do trong quá trình mang thai người mẹ bị nhiễm virus trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Điều này là do sự phát triển não không bình thường của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ hoặc trong giai đoạn sơ sinh. 

Trẻ sơ sinh và trẻ em bị tật đầu nhỏ thường gặp phải những khó khăn với sự phát triển não bộ khi chúng lớn lên hoặc đôi khi có thể gây tử vong. Chính vì điều này mà chính phủ nhiều nước như El Salvador, Colombia và Ecuador đã đưa ra khuyến cáo cho phụ nữ không nên mang thai và sinh con trong giai đoạn đang bùng dịch do virus Zika.

Trẻ ảnh hưởng bởi virus Zika sinh ra có vòng đầu nhỏ hơn bình thường

Hình 2: Trẻ ảnh hưởng bởi virus Zika sinh ra có vòng đầu nhỏ hơn bình thường

3. Xét nghiệm nào để phát hiện bệnh Zika?

Hiện nay để phát hiện chẩn đoán xác định bệnh có thể thực hiện các xét nghiệm như sau:

- Xét nghiệm phát hiện kháng thể IgG và IgM kháng virus bằng kỹ thuật điện hóa phát quang trên hệ thống máy miễn dịch tự động. Sau khi nhiễm virus khoảng 3 ngày, kháng thể IgM chống lại virus sẽ xuất hiện kèm theo các triệu chứng của bệnh nhưng có thể gặp tỷ lệ thấp dương tính chéo với một số bệnh sốt Dengue, sốt vàng da, viêm não Nhật Bản,… Bệnh phẩm xét nghiệm là mẫu huyết thanh/ huyết tương ly tâm tách từ mẫu máu toàn phần của bệnh nhân. Với phương pháp xét nghiệm này có thể phát hiện nhanh chóng, chính xác và số lượng lớn 3600 mẫu/ ngày.

Xét nghiệm máu phát hiện kháng thể của virus.  

Hình 3: Xét nghiệm máu phát hiện kháng thể của virus.

- Xét nghiệm sinh học phân tử xác định dựa trên phát hiện ARN của virus bằng kỹ thuật RT-PCR. Phương pháp xét nghiệm này có độ chính xác và độ tin cậy cao, có thể phát hiện bệnh dù với lượng virus rất thấp. Bệnh phẩm xét nghiệm cũng là mẫu máu (lấy 2 mL máu tĩnh mạch vào ống chống đông ETDA) và cả trong nước bọt của bệnh nhân và nên được lấy mẫu xét nghiệm trong vòng 10 ngày sau khi có triệu chứng. 

Theo một nghiên cứu trên Thế giới (tháng 1 năm 2016) chỉ rằng xét nghiệm trên mẫu bệnh phẩm nước bọt có thể tăng tỷ lệ phát hiện phát hiện virus Zika và thuận tiện nhanh chóng hơn lấy mẫu máu.

- Ngoài ra, để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bác sĩ có thể chỉ định kết hợp thêm một số các xét nghiệm hỗ trợ khác như tổng phân tích tế bào máu, CRP, máu lắng, xét nghiệm chức năng gan, thận, xét nghiệm virus Dengue,…

4. Làm sao để phòng bệnh Zika?

Hiện nay vẫn không có vắc xin phòng ngừa bệnh Zika. Trong khi đó, Việt Nam lại là một nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi lây truyền. Vì vậy, biện pháp phòng ngừa tốt nhất là:

- Phòng ngừa muỗi đốt: 

+ Sử dụng thuốc, dung dịch chống muỗi an toàn hoặc có thể dùng các loại tinh dầu sả chanh để đuổi muỗi, đốt nhang xua muỗi. Nhưng chú ý tuyệt đối không để trẻ tự bôi thuốc hoặc bôi lên vết thương hở, lên mắt, miệng, hoặc tay của trẻ và sử dụng thận trọng quanh vùng tai.

+ Mặc quần áo bảo vệ như sơ mi dài tay, quần dài, và đi vớ. 

+ Sử dụng điều hòa không khí hoặc lưới chắn cửa ra vào/cửa sổ để không cho muỗi vào nhà. 

+ Đi ngủ mắc màn chống muỗi, bật đèn bắt muỗi hoặc dùng vợt muỗi điện để bắt muỗi.

- Phòng ngừa muỗi sinh sản:

+ Phát quang bụi rậm, cây cối rậm rạp ngoài vườn, ngõ.

+ Che đậy hoặc đổ hết nước ứ đọng trong các chum vại, xô, chậu, thùng rác không dùng để muỗi không bay vào đẻ trứng.

+ Vệ sinh sạch sẽ cống rãnh, tránh gây ứ đọng nước mưa.

+Loại bỏ những vật dụng trong và xung quanh nhà có thể chứa nước là nơi để trứng cho muỗi như: lon sữa, vỏ xe, mảnh bát vỡ,… 

+ Diệt loăng quăng bằng cách thả cá bảy màu vào nơi chứa nước cho cá ăn hết loăng quăng đi. 

+ Loại bỏ các vũng nước đọng, phun thuốc khử trùng, tiêu diệt muỗi, bọ gậy,…

Các biện pháp tại nhà phòng bệnh Zika.

Hình 4: Các biện pháp tại nhà phòng bệnh Zika.

Riêng đối với phụ nữ đang mang thai hoặc đang cố gắng có thai thì bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt sau:

+ Dùng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục trong suốt thời gian mang thai, hoặc không quan hệ tình dục.

+ Phụ nữ mang thai đang sống hoặc thường xuyên đi đến khu vực có vi rút Zika và không có triệu chứng bị nhiễm nên đi kiểm tra vào giai đoạn ba tháng đầu tiên và thứ hai của thai kỳ.

+ Ngoài ra, nếu bạn đang mang thai, có dự định mang thai hay bất cứ ai trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ bị nhiễm virus thì bạn hay đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh, xét nghiệm để có biện pháp điều trị can thiệp kịp thời. 

Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một địa chỉ uy tín được người dân và các bác sĩ tin tưởng nhờ có hơn 24 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân với các bác sĩ, chuyên gia đứng đầu cả nước có thể là một lựa chọn cho bạn và gia đình bạn.

Phòng bệnh luôn là là phương pháp hiệu quả nhất, chính vì vậy đừng ngần ngại và hãy gọi ngay lên tổng đài hỗ trợ đặt lịch và tư vấn khách hàng 1900565656 hoặc có thể đến trực tiếp các cơ sở của MEDLATEC để được khám xét nghiệm và hỗ trợ kịp thời.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.