Tin tức

Xét nghiệm cấy dịch tai là gì và được thực hiện khi nào?

Ngày 22/04/2020
CN. Nguyễn Thị Huế - Trung tâm xét nghiệm
Các bệnh lý về nhiễm khuẩn tai thường khiến bạn cảm thấy khó chịu, ngứa, đau rát và chảy mủ. Nếu chủ quan và không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các bệnh viêm tai giữa, viêm tai ngoài, điếc, thậm chí là biến chứng viêm màng não, xuất huyết não,... Khi đó, xét nghiệm cấy dịch tai sẽ được thực hiện để tìm ra căn nguyên gây bệnh giúp cho việc chẩn đoán và điều trị được sớm nhất.

1. Những trường hợp nào cần thực hiện xét nghiệm cấy dịch tai?

Cấy dịch tai là xét nghiệm nhằm phát hiện sự có mặt của vi khuẩn, nấm gây bệnh có trong dịch tai bằng phương pháp nuôi cấy. Các chất dinh dưỡng có trong thạch môi trường sẽ giúp cho vi khuẩn dễ dàng sinh sôi phát triển. Bằng nhiều phương pháp khác nhau sẽ định danh để xác định ra chủng vi sinh vật gây bệnh.

Thông thường cấy dịch tai sẽ được yêu cầu thực hiện trong các trường hợp tai bị nhiễm trùng do có sự xâm nhập của vi khuẩn, nấm gây bệnh. Thường gặp chủ yếu  trong các bệnh viêm tai giữa, viêm tai ngoài, viêm tai ứ dịch,...

Hình 1: Các bệnh lý về tai gây đau đớn, khó chịu.

Viêm tai giữa là bệnh tai mũi họng xảy ra rất phổ biến ở trẻ em, đặc biệt ở lứa tuổi từ 1 - 2 tuổi. Đây là tình trạng viêm toàn bộ hệ thống hòm nhĩ và xương chũm ở sau màng nhĩ. Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời sẽ dễ gây ra biến chứng thủng màng nhĩ, giảm thính lực, tê liệt thần kinh mặt,... đặc biệt khi tình trạng quá nặng có thể gây viêm màng não, áp xe não, thậm chí tử vong.

Nguyên nhân gây viêm tai giữa chủ yếu do sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh, ngoài ra một phần nhỏ do thời tiết lạnh, không khí bị ô nhiễm,... Các biểu hiện thường gặp của viêm tai giữa đó là đau tai, giảm khả năng nghe, chảy nước mủ ở tai, ù tai, chóng mặt, bị sưng,...

Một bệnh lý viêm tai khác cũng khá phổ biến đó là viêm tai ngoài. Đây là tình trạng nhiễm trùng lớp da mỏng ở khoang tai nguyên nhân thường do vi khuẩn hoặc nấm. Bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Thói quen vệ sinh tai không đúng cách, dụng cụ ngoáy tai bị bẩn khiến cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.Các triệu chứng khá giống với viêm tai giữa, ngoài ra trong khoang tai có thể xuất hiện các mụn nhọt gây đau nhức dữ dội.

2. Cách lấy bệnh phẩm và nuôi cấy dịch tai như thế nào?

Quy trình lấy dịch tai để tiến hành nuôi cấy khá đơn giản và nhanh chóng. Thường khi bác sĩ nội soi tai mũi họng sẽ kết hợp lấy luôn dịch tai để xét nghiệm. 

Hướng dẫn bệnh nhân ngồi thẳng lưng, dùng que tăm bông vô trùng ngoáy sâu để lấy được dịch mủ, chú ý phải lấy những chỗ bất thường có mủ, chảy nước,... mủ thường đặc sánh hoặc vón cục, màu vàng xanh đôi khi lẫn máu.

Hình 2: Nội soi lấy bệnh phẩm dịch tai.

Que tăm bông sau khi lấy được cho vào ống hoặc lọ vô trùng có nắp vặn, dụng cụ chứa dịch phải được dán nhãn đúng với tên của bệnh nhân và chuyển về phòng xét nghiệm nhanh chóng. Tốt nhất nên chuyển về phòng xét nghiệm tối đa 2 tiếng, nếu không phải bảo quản trong môi trường quy định. 

Tại phòng xét nghiệm, nhân viên y tế sẽ nhận mẫu bệnh phẩm và tiến hành kiểm tra chất lượng mẫu, thông tin bệnh nhân đã trùng khớp hay chưa. Sau đó chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết cho quy trình cấy như thạch máu, thạch chocolate, đèn cồn, que cấy, bút dạ, tủ ấm,... chú ý các đĩa thạch môi trường nên để ra ngoài nhiệt độ phòng khoảng 15 - 30 phút trước khi cấy.

Nhuộm Gram

Làm tiêu bản soi tươi và nhuộm Gram để kiểm tra sự có mặt của bạch cầu, hồng cầu, nấm, ký sinh trùng và hình thái tính chất bắt màu của vi khuẩn. Đếm tế bào biểu mô và tế bào bạch cầu đa nhân dưới kính hiển vi vật kính x10. Qua đó đánh giá sơ bộ tình trạng viêm của tai.

Nuôi cấy

Trên các đĩa thạch đã được đánh dấu sẵn, sử dụng que cấy vô khuẩn và tiến hành cấy phân lập theo đúng quy định. Cấy lần lượt hết các đĩa thạch và ủ trong tủ ấm 35 - 37 độ C, 5 - 10% CO2 trong vòng 18 - 24h.

Sau mỗi 24h quan sát sự phát triển của các khuẩn lạc trên các đĩa thạch, nếu không thấy có vi khuẩn gây bệnh xuất hiện thì sau 48 - 72h có thể kết luận kết quả nuôi cấy âm tính. Nếu có sự xuất hiện của vi khuẩn gây bệnh thì sẽ được tiến hành định danh và làm kháng sinh đồ cho chủng vi khuẩn đó. 

Hình 3: Tiến hành định danh vi khuẩn.

3. Một số tác nhân vi khuẩn gây bệnh ở tai thường gặp

Thông qua nuôi cấy dịch tai và các xét nghiệm khác có thể phát hiện được một số chủng vi khuẩn thường gây bệnh ở tai như Pseudomonas aeruginosa gây viêm ống tai ngoài, Staphylococcus thường tạo ra các nhọt ống tai, Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae và Moraxella catarrhalis thường gây bệnh viêm tai giữa,...

Chúng ta có thể chủ động phòng ngừa các bệnh về tai bằng cách giữ gìn vệ sinh tai sạch sẽ, dùng khăn sạch khô để lau tai thường xuyên, chú ý phải vệ sinh thường xuyên các dụng cụ lấy ráy tai, tai nghe, không cho tay trực tiếp vào để ngoáy tai, hạn chế đi bơi ở những nơi nước bẩn, ô nhiễm,... Đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ cần phải chú ý hơn và xây dựng cho bé thói quen vệ sinh sạch sẽ.

Hình 4: Cần chú ý vệ sinh tai thường xuyên cho trẻ nhỏ.

Hiện nay xét nghiệm cấy dịch tai đã và đang được thực hiện phổ biến tại bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Tại đây chúng tôi có đầy đủ các trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất và nguồn lực đảm bảo chuyên môn để thực hiện không chỉ cấy dịch tai mà còn tất cả các kỹ thuật y tế khác. 

Bên cạnh đó, dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà 24/7 luôn mang lại cho quý khách sự tiện lợi, tiết kiệm và hiệu quả. Nếu nhà xa hoặc quá bận, bạn có thể không cần đến trực tiếp tại viện mà vẫn được chăm sóc sức khỏe hằng ngày. Nhanh tay liên hệ tổng đài 1900 565656 để các nhân viên của MEDLATEC có thể tư vấn và giải đáp các thắc mắc kịp thời cho bạn.

Từ khoá: Cấy dịch tai

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.