Tin tức

Xét nghiệm Pepsinogen và vai trò chẩn đoán sớm ung thư dạ dày

Ngày 02/05/2020
CN Nguyễn Thị Huế - Trung tâm xét nghiệm
Ung thư dạ dày là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến và thường gặp nhất tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Việc sàng lọc phát hiện sớm bệnh sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng ngừa và điều trị. Một trong những phương pháp giúp tầm soát ung thư dạ dày hiệu quả đó chính là xét nghiệm Pepsinogen. 

1. Xét nghiệm Pepsinogen là gì?

Pepsinogen ( PG) là tiền chất của pepsin - một enzyme được tiết ra bởi các tế bào niêm mạc dạ dày. Enzyme này có vai trò thủy phân protein dưới tác dụng hoạt hóa của acid clohydric. Ngoài được tiết vào trong dạ dày, một phần nhỏ nó sẽ được bài tiết vào máu. 

Pepsinogen tồn tại dưới 2 dạng chính đó là pepsinogen I và pepsinogen II. Trong đó, pepsinogen I chủ yếu được tổng hợp bởi các tế bào của vùng đáy niêm mạc dạ dày. Còn pepsinogen II được tổng hợp ở các bộ phận của dạ dày như tâm vị, hang vị, đáy dạ dày và cả hành tá tràng. 

Nồng độ hai dạng pepsinogen này trong máu sẽ cho thấy hoạt động và tình trạng sức khỏe bình thường hoặc tổn thương của các bộ phận trong niêm mạc dạ dày. Qua đó bác sĩ sẽ đánh giá được vị trí nào của dạ dày đang gặp những vấn đề tổn thương.

Hình 1: Xét nghiệm pepsinogen đánh giá các tổn thương dạ dày.

Trong trường hợp vùng niêm mạc đáy dạ dày bị tổn thương, hàm lượng pepsinogen huyết thanh I sẽ bị giảm và loại II không thay đổi. Tỷ lệ PG I/ II bị suy giảm tỷ lệ thuận với vùng đáy niêm mạc dạ dày bị teo lại. Như vậy dựa vào kết quả xét nghiệm pepsinogen I và tỷ lệ PG I/ II có thể chẩn đoán sớm nguy cơ bị viêm teo dạ dày và ung thư dạ dày ở một người nào đó.

2. Xét nghiệm Pepsinogen được thực hiện ở những đối tượng nào?

Theo thống kê tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc ung thư dạ dày khá cao, nam giới chỉ đứng sau ung thư gan và ung thư phổi, ở nữ giới sau ung thư vú, ung thư trực tràng. Xét nghiệm pepsinogen thường được yêu cầu thực hiện đối với những người có các dấu hiệu của ung thư dạ dày như:

- Thường xuyên cảm thấy no rất nhanh sau khi ăn, hay bị đầy hơi, ợ hơi, chướng bụng, khó tiêu.

- Nôn và buồn nôn.

- Cơ thể mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon.

- Thấy đau ở vùng thượng vị. 

- Gầy sút cân không rõ nguyên nhân.

- Đi ngoài thấy có máu trong phân hoặc phân màu đen.

- Tự sờ thấy có khối, cục cứng ở bụng.

Ngoài ra, những đối tượng có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cũng có thể được tiến hành xét nghiệm như người mắc các bệnh lý viêm loét dạ dày - tá tràng, loét dạ dày tái phát nhiều lần, trào ngược dạ dày, xuất huyết dạ dày,... người có thói quen ăn đồ ăn nhanh, đóng hộp sẵn, thịt cá hun khói, dưa cà muối lên men,... thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia và đồ uống có cồn, người có tiền sử gia đình từng bị ung thư dạ dày.

Hình 2: Người bị viêm loét dạ dày là đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư.

Đặc biệt những người nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori ( HP) được coi là đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày. Do đó việc thực hiện xét nghiệm pepsinogen để sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa lớn.

3. Giá trị xét nghiệm Pepsinogen bình thường là bao nhiêu?

Giá trị bình thường của pepsinogen I đó là > 70 ng/mL, pepsinogen II > 7,5 ng/mL và tỷ lệ PG I/ II > 3 ng/mL. Thông thường giá trị này ở nam sẽ cao hơn so với nữ giới. 

Trong trường hợp kết quả pepsinogen I ≤ 70 ng/mL và tỷ lệ PG I/ II ≤ 3 ng/mL, đây được coi là giá trị cảnh báo đối với tiền ung thư và ung thư dạ dày. 

Nếu hàm lượng pepsinogen I và tỷ lệ PG I/ II giảm mạnh chứng tỏ khả năng cao bệnh nhân bị viêm teo dạ dày. Đây là một dạng tổn thương tiền ung thư dạ dày. Nồng độ pepsinogen I càng giảm chứng tỏ mức độ viêm teo càng nặng. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc phát hiện và chẩn đoán sớm ung thư dạ dày.

Hình 3: Ung thư dạ dày.

Nếu cả 3 yếu tố pepsinogen I, II và tỷ lệ PG I/ II đều đồng thời giảm mạnh chứng tỏ khả năng bệnh đã tiến triển đến giai đoạn ung thư. Tuy nhiên để chẩn đoán chính xác một người có mắc ung thư dạ dày hay không, cần phải kết hợp với các kỹ thuật khác như nội soi dạ dày, chụp cắt lớp vi tính, xét nghiệm dấu ấn CA 72-4, sinh thiết khối u,...

Bên cạnh đó 3 yếu tố pepsinogen I, II và tỷ lệ PG I/ II còn giúp chẩn đoán phân biệt ung thư dạ dày với các bệnh lý dạ dày lành tính khác.

4. Nên làm gì phòng ngừa ung thư dạ dày?

Chủ động thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt là một trong những biện pháp giúp phòng ngừa ung thư dạ dày hiệu quả. Bạn đọc cần phải xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, tích cực bổ sung các thực phẩm rau xanh, trái cây chứa nhiều vitamin như cam, chanh, bưởi,... Bổ sung cá, thịt gia cầm tự chế biến thay vì dùng đồ đóng hộp sẵn. 

Hạn chế ăn mặn bởi lượng muối sẽ gây hại cho niêm mạc dạ dày, đặc biệt không nên ăn quá nhiều các thực phẩm hun khói và đồ muối lên men. Bên cạnh đó hạn chế sử dụng rượu bia và các đồ uống có chứa cồn, nó không những gây hại cho dạ dày mà còn gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

Thức khuya, làm việc quá sức, căng thẳng, stress cũng là một yếu tố ảnh hưởng xấu đến dạ dày của bạn. Do đó cần phải xây dựng một thời gian biểu khoa học, hợp lý, nghỉ ngơi điều độ và ăn uống đúng giờ giấc sinh hoạt bình thường.

Hình 4: Nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học và đúng giờ.

Rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên luôn là phương pháp bổ ích giúp tăng cường sức khỏe. Một cơ thể săn chắc, khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt sẽ giúp phòng chống được rất nhiều bệnh nguy hiểm.

Nhằm mục đích giúp cho cộng đồng phòng chống và điều trị ung thư hiệu quả, hiện nay tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã và đang triển khai rất nhiều gói khám sàng lọc phát hiện sớm các bệnh ung thư, trong đó có xét nghiệm pepsinogen. 

Là một cơ sở y tế nổi tiếng về chất lượng khám chữa bệnh và các xét nghiệm hiện đại, MEDLATEC luôn là địa chỉ nhận được nhiều sự yêu mến của khách hàng, Với hệ thống các máy móc hiện đại và tiên tiến, Trung tâm xét nghiệm của MEDLATEC đã trở thành một thương hiệu lớn trong suốt hơn 24 năm qua.

Hơn 500 loại xét nghiệm từ cơ bản đến chuyên sâu được thực hiện một cách chính xác, tự động giúp trả kết quả nhanh chóng đến tay người bệnh. Không dừng lại ở đó, tập thể Ban lãnh đạo và toàn bộ nhân viên của MEDLATEC luôn cố gắng nỗ lực không ngừng, hoàn thiện và cập nhật những kỹ thuật mới hiện đại, qua đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

Liên hệ đến tổng đài 1900 565656 nếu như bạn có bất cứ thắc mắc gì, hãy cùng với MEDLATEC chung tay phòng ngừa và điều trị ung thư hiệu quả.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.