Tin tức

Xơ gan bệnh học là gì và nguyên nhân sinh bệnh do đâu?

Ngày 02/08/2019
ThS. BS Hoàng Thị Năng, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Ở Việt Nam, xơ gan không phải là một căn bệnh hiếm gặp, đặc biệt ở nhóm người mắc viêm gan B, C hay những người uống nhiều rượu bia. Nắm được các thông tin về xơ gan bệnh học sẽ giúp mỗi người chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe lá gan của mình và gia đình.

1. Định nghĩa về xơ gan 

Trước đây, từ năm 1819 đến năm 1919, xơ gan được lấy tên Cirrhosis, nghĩa là gan có màu nâu. Dần dần, y học phát triển, người ta thấy xơ gan không chỉ đặc trưng bởi gan màu nâu mà quan trọng hơn các tổ chức xơ xâm nhập làm cho gan chắc lên. Năm 1919, Fiesinger và Albot đã định nghĩa lại xơ gan như sau:

Xơ gan là tình trạng xơ hoá lan toả trong khắp nhu mô gan, làm đảo lộn cấu trúc gan.

Quá trình xơ hoá tạo nên các dải xơ, chia cắt các tiểu thuỳ thành các tiểu thuỳ gan giả khiến quá trình tuần hoàn tại đây bị rối loạn. Do đó, các tế bào gan không thể phục hồi mà tiếp tục bị tổn thương, khiến xơ hoá lan toả trong nhu mô gan.

Như vậy, có thể nói xơ gan là một hội chứng bệnh lý, là hậu quả cuối cùng của quá trình tế bào gan bị tổn thương. Người ta thấy trong xơ gan có 3 quá trình tổn thương gồm:

- Tăng sinh tổ chức liên kết

- Tổn thương tế bào gan

- Tái tạo tế bào gan

Ba quá trình này kết hợp khiến cho xơ gan ngày một nặng thêm.

Hình ảnh gan bình thường và xơ gan bệnh học

Xơ gan là căn bệnh thường gặp

2. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của xơ gan 

2.1. Nguyên nhân xơ gan

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra xơ gan, nhưng điểm chung là chúng đều khiến các tế bào gan bị tổn thương lâu dài, dẫn tới xơ hóa và không thể phục hồi. 

Các nguyên nhân gây xơ gan sau là phổ biến hơn cả:

- Biến chứng của viêm gan: nhất là viêm gan B, viêm gan C.

- Do lạm dụng, uống nhiều rượu bia.

Xơ gan thường gặp ở những người nghiện rượu

Xơ gan gặp nhiều ở người nghiện rượu

- Biến chứng của tắc mật, xơ gan mật,…

- Lạm dụng thuốc và hoá chất gây tổn thương gan:

+ Thuốc chữa táo bón (oxyphenisatin), chữa bệnh tâm thần (clopromazin), chữa bệnh lao (INH, Rifampycin).

+ Hoá chất: aflatoxin, dioxin..., cây thuộc họ Senecio và các ancaloit, một số thuốc thảo dược dùng ở Nam Phi, Ai Cập gây tắc tĩnh mạch gan.

- Thiếu dinh dưỡng quá mức: đạm, Vitamin hoặc thừa chất hướng mỡ gây gan nhiễm mỡ.

- Ký sinh trùng: sán lá nhỏ (clonorchis sinensis), sán máng.

- Xơ gan do bệnh mạch máu hoặc xung huyết: xơ gan tim (rất hiếm gặp), bệnh tắc tĩnh mạch gan, hội chứng viêm tắc tĩnh mạch trên gan và tĩnh mạch chủ dưới (hội chứng Budd Chiari).

- Xơ gan mật nguyên phát: là bệnh hiếm gặp, thường xảy ra ở phụ nữ từ 35 - 55 tuổi. 

- Xơ gan lách to kiểu Banti: bệnh được Banti mô tả năm 1894, bắt nguồn từ lách to, xơ gan không rõ nguyên căn. 

- Xơ gan do rối loạn chuyển hoá di truyền: bệnh nhiễm sắc tố sắt, chứng thiếu hụt an pha-1-antitrypsin, bệnh Willson, bệnh tính glycogen, bệnh galactoza huyết bẩm sinh, bệnh đặc ứng di truyền với fructoza, bệnh nhầy nhớt hay bệnh rối loạn chuyển hoá pocphyrin.

- Xơ gan sacoit: thường gặp trong bệnh sarcoidosis.

Có tỉ lệ khá lớn các trường hợp xơ gan với căn nguyên ẩn, nghĩa là không biết nguyên nhân.

2.2. Cơ chế bệnh sinh của xơ gan

Cơ chế bệnh sinh dẫn đến xơ gan như sau:

Các yếu tố có hại tác động lâu dài đến gan khiến cho nhu mô gan bị hoại tử, gan tự phản ứng lại hiện tượng này bằng cách tăng cường tái sinh tế bào và đồng thời tăng sinh các sợi xơ. 

Người bệnh xơ gan cần đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe định kỳ

Xơ gan hình thành do gan phản ứng lại với yếu tố gây hại

Khi tổ chức xơ hình thành, tạo những vách xơ nối khoảng cửa với các vùng trung tâm tiểu thuỳ gan và chia cắt các tiểu thuỳ. Các cục, hòn tạo ra từ các tế bào gan tái sinh sẽ chèn ép, ngăn cản, gây rối loạn lưu thông tĩnh mạch cửa và gan, cũng làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa. 

Các xoang ở chu vi các cục tái tạo trở thành mao quản, dẫn tắt tĩnh mạch vào thẳng đến tĩnh mạch gan, tạo những đường rò bên trong, làm cho tế bào gan có thể hoạt động khi thiếu máu tĩnh mạch cửa. 

Khi cấu trúc hệ thống mạch máu của gan bị đảo lộn như vậy thì khả năng nuôi dưỡng tế bào gan ngày càng giảm, tình trạng hoại tử và xơ hoá cũng ngày một tăng. Quá trình này tiếp diễn cho đến khi các biến chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa và suy gan khiến bệnh nhân tử vong.

3. Điều trị với xơ gan 

3.1. Ba nguyên tắc trong điều trị xơ gan

Điều trị xơ gan tuân theo 3 nguyên tắc sau:

- Hồi phục chức năng gan.

- Phòng ngừa biến chứng: nhiễm trùng dịch cổ trướng, Xuất huyết tiêu hóa, tiền hôn mê gan.

- Dự phòng ung thư hóa, tăng độ xơ gan.

3.2. Các thuốc trong điều trị xơ gan

Tùy theo tình trạng bệnh của bệnh nhân mà bác sỹ sẽ đưa ra phác đồ điều trị với thuốc sử dụng phù hợp. Dưới đây là các nhóm thuốc thường dùng:

- Thuốc chống rối loạn đông máu: vitamin K, truyền huyết tương tươi nếu vitamin K không hiệu quả, có nguy cơ chảy máu.

- Thuốc tăng đào thải mật: ursolvan, Cholestyramin (Questran)

- Truyền acid amin phân nhánh: morihepamin, aminosteril N-hepa 500 ml/ ngày

- Truyền albumin nếu albumin giảm, có phù có thể kèm tràn dịch các màng.

- Vitamin nhóm B: uống hoặc tiêm

- Thuốc lợi tiểu: (có phù hay cổ trướng), spironolacton 100mg/ngày, sau có thể phối hợp với furosemide.

-  Điều trị cổ trướng:

+ Theo dõi cân nặng và nước tiểu mỗi ngày, điện giải đồ mỗi 3-7 ngày.

+ Hạn chế muối, nước trong khẩu phần dinh dưỡng.

Cổ trướng ít có thể dùng lợi tiểu đơn thuần, cổ trướng nhiều cần kết hợp dùng thuốc và chọc tháo dịch 2-3 ngày một lần cùng truyền albumine 8-10g/l dịch cổ trướng tháo đi.

Hình ảnh người mắc xơ gan bệnh học

Có nhiều phương pháp điều trị xơ gan cổ trướng

Với trường hợp cổ trướng nhiều, khó điều trị phải: Tiến hành chọc dịch cổ trướng nhiều lần trong tuần và truyền albumine 8g với mỗi lít dịch cổ trướng tháo đi.

- Dùng thuốc dự phòng xuất huyết tiêu hóa:

Với trường hợp chưa có xuất huyết tiêu hóa nhưng xuất hiện giãn tĩnh mạch thực quản độ II hoặc III: dùng chẹn b giao cảm không chọn lọc như propranolol để giảm 25% nhịp tim cơ bản của người bệnh (có thể cân nhắc thắt giãn tĩnh mạch thực quản dự phòng).

Nếu có hoại tử tế bào gan, cần dùng các thuốc làm giảm transaminase, tăng khả năng chuyển hoá tế bào, phục hồi chức năng gan cho tế bào gan lành như: legalon, fortec, nissel, hepamarin...

Xơ gan bệnh học nếu điều trị đúng cách, người bệnh có ý thức tuân thủ điều trị và lạc quan, tin tưởng thì hoàn toàn có thể khống chế tình trạng xơ hóa. Trên đây là các thông tin cần thiết về xơ gan bệnh học.

Nếu bạn đang gặp phải các vấn đề về gan, triệu chứng nghi mắc của bệnh, hãy liên hệ với MEDLATEC để được tư vấn, chăm sóc và khám chữa kịp thời.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.