Silic là tinh thể nhỏ, có hình dạng màu sắc giống như pha lê, có thể tìm thấy trong đá, cát hoặc quặng khoáng sản như thạch anh.
Bệnh bụi phổi silic (tiếng Anh: Silicosis) nằm trong nhóm bệnh phổi do nhiễm bụi. Đây là loại bệnh vô cùng nguy hiểm vì hệ hô hấp của người mắc có thể bị tổn thương nghiêm trọng do những hạt bụi silic xâm nhập, tích tụ lâu ngày trong phổi mà không đào thải ra ngoài được.
Tuỳ thuộc vào nồng độ của bụi silic trong không khí mà bệnh nhân hít phải, các chuyên gia y tế chia bệnh này thành 3 loại như sau:
- Cấp tính: Bệnh phát triển sau thời gian khoảng vài tuần đến vài năm tiếp xúc, hít phải bụi silic tại môi trường sinh sống hoặc làm việc. Bệnh phát triển rất nhanh khi phổi viêm nặng, chứa đầy chất lỏng và gây khó thở nghiêm trọng, lượng oxy trong máu của bệnh nhân rất thấp.
- Mạn tính: Tình trạng này sẽ xảy ra sau một khoảng thời gian dài (10 - 30 năm) người bệnh tiếp xúc trực tiếp với các bụi silic ở nồng độ thấp trong môi trường làm việc. Thường bệnh sẽ không có triệu chứng rõ ràng nhưng thông qua việc chụp X-quang có thể sẽ phát hiện ra tình trạng nhiễm trùng của phổi. Dấu hiệu điển hình nhất của bệnh này đó là bệnh nhân bị sưng phổi, sưng hạch bạch huyết ở ngực gây khó khăn cho việc hô hấp của người bệnh.
- Bệnh tiến triển: xảy ra khi người bệnh thường xuyên làm việc trong môi trường có nồng độ bụi silic cao trong khoảng thời gian từ 5 - 10 năm. Biểu hiện là bệnh nhân bị sưng phổi, các dấu hiệu khác cũng xuất hiện nhanh hơn so với cấp độ mạn tính.

Nhiễm bụi là nguyên nhân gây bệnh bụi phổi silic
Ngoài ra còn có một loại bệnh bụi phổi ít gặp khác được gọi là bệnh phổi silic phức tạp (hay được biết đến với cái tên bụi phổi tụ huyết), hình thành nên nhiều vết sần lớn hơn 1cm và để lại nhiều sẹo ở phổi. Những nốt sần nhỏ sẽ hợp lại với nhau và tạo nên những nốt sần viêm lớn hơn. Nếu người bệnh còn mắc các bệnh viêm phổi khác như lao, ung thư phổi nhiễm nấm, nhiễm khuẩn mycobacteria không lao thì tình trạng trên sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó phải kể đến một số loại bệnh bụi phổi khác cũng thường gặp đó là bệnh bụi phổi than (đối tượng mắc thường là những công nhân lao động trong ngành than), bệnh phổi amiang, bệnh phổi bông (những người làm trong xưởng dệt hay bị mắc),... Điểm chung của các bệnh này đó là nguyên nhân gây bệnh do hít phải các hạt bụi nhỏ trong quá trình làm việc. Hầu hết sau này đều sẽ dẫn đến nguy cơ bị suy hô hấp nếu bệnh không được phát hiện cũng như được điều trị kịp thời, đúng cách.