Từ điển bệnh lý

Bệnh tả : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bệnh tả

Vi khuẩn Vibrio Cholerae gây bệnh tả ở người, một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây bệnh cảnh lâm sàng gồm nôn và tiêu chảy dữ dội, dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải, nếu không điều trị kịp thời hậu quả có thể tử vong. Bệnh tả lây trực tiếp hoặc gián tiếp qua phân người mang vi khuẩn, có thể gây thành dịch, trong lịch sử y học đã có nhiều đại dịch tả xảy ra. Tại nước ta, dịch tả vẫn xảy ra vào mùa hè với các trường hợp tản phát.  Điều trị bệnh gồm các biện pháp chính là cách ly, bù nước và điện giải đúng, liệu pháp kháng sinh. Ngoài các biện pháp phòng bệnh qua phòng các con đường lây nhiễm, vắc xin tả cũng được sử dụng ở những khu vực có nguy cơ bùng dịch.

Bệnh tả một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở người

Bệnh tả một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở người


Nguyên nhân Bệnh tả

Phẩy khuẩn tả Vibrio Cholerae thuộc họ Vibrionaceae là vi khuẩn Gram âm, có hình thể giống dấu phẩy, không sinh nha bào. Phẩy khuẩn có khả năng di chuyển tốt nhờ có lông. Vi khuẩn phát triển tốt trong môi trường kiềm và nhiều chất dinh dưỡng. Nhiệt độ ( 80 độ C ở 5 phút), môi trường acid và hóa chất thông thường dễ dàng tiêu diệt vi khuẩn.

Hình ảnh minh họa Phẩy khuẩn tả Vibrio Cholerae thuộc họ Vibrionaceae

Hình ảnh minh họa Phẩy khuẩn tả Vibrio Cholerae thuộc họ Vibrionaceae

Phẩy khuẩn tả có 2 loại kháng nguyên chính là kháng nguyên O (bản chất là lipopolysacharid - sự khác biệt kháng nguyên O dùng để phân loại type huyết thanh tả, khoảng hơn 140 type huyết thanh) và kháng nguyên H.

Vi khuẩn không gây tổn thương niêm mạc ruột, mà sản xuất độc tố đường ruột gây bệnh gồm hai thành phần: phần A là thành phần gây độc, phần B gắn với thụ thể của màng tế bào giúp thành phần A qua màng tế bào, phân tách thành 2 phần là A1 và A2 trong đó thành phần A1 bảo tồn men Adenyl cylase ở dạng hoạt hóa làm gia tăng cAMP, dẫn đến nước và điện giải được vận chuyển tích cực từ tế bào ra lòng ruột. Kết quả cơ thể bị mất điện giải và mất nước, nếu không điều trị kịp thời có thể tử vong.


Triệu chứng Bệnh tả

Trên lâm sàng có nhiều thể bệnh, biểu hiện có thể nhẹ hoặc tối cấp. Tuy nhiên thể tả điển hình có biểu hiện như sau:

- Thời kỳ ủ bệnh: Người bệnh thường không có triệu chứng, thời gian ủ bệnh có thể từ vài giờ đến khoảng 5 ngày. Trong giao dịch quốc tế, thời gian kiểm dịch đối với bệnh tả là 5 ngày theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới.

- Thời kỳ khởi phát: Người bệnh có thể có triệu chứng cảm giác đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy số lượng phân và số lần ít, cảm giác sôi bụng. Thời gian thường không quá 24 giờ.

- Thời kỳ toàn phát: Các triệu chứng lâm sàng rõ rệt với 3 triệu chứng, hội chứng chính là tiêu chảy, nôn, từ đó dẫn đến rối loạn nước và điện giải.

  • Nôn: Người bệnh nôn dễ dàng, nôn nhiều, liên tục trong ngày, khó kiềm chế được.
  • Tiêu chảy: Người bệnh đi ngoài liên tục, nhiều lần, khó cầm, số lượng vài chục lần, thậm chí 50 lần/ ngày hoặc có thể nhiều hơn không đếm được. Trong khi tiêu chảy có đặc điểm không có triệu chứng mót rặn và không đau bụng quặn cơn. Tính chất phân của người bị bệnh tả: phân nước, trong lẫn với hạt màu trắng như gạo hoặc phân như nước vô gạo, thường có mùi khá tanh, không thối, không có nhầy, không có máu. Trong phân chứa nhiều vi khuẩn tả, tế bào thượng bì, ion K+ và HCO3-, tuy nhiên do đặc điểm không gây tổn thương niêm mạc ruột nên khi làm xét nghiệm hồng cầu bạch cầu trong phân soi tươi thường âm tính.

Triệu chứng của người bị bệnh tả.

  • Rối loạn nước và điện giải: người bệnh bị mất nước, mất điện giải do hậu quả của nôn và tiêu chảy. Người bệnh thường sụt cân nhanh, da khô nhăn nheo, hốc hác, mắt lõm sâu, chân tay lạnh. Trường hợp nặng hơn có thể hạ thân nhiệt dưới 35 độ C, chuột rút, co cứng cơ do rối loạn nước và điện giải. Khi mất nước và điện giải nhiều, có thể dẫn tới sốc giảm thể tích với biểu hiện người mệt lử, ý thức không tỉnh táo, mạch nhanh, huyết táp tụt kẹt thậm chí không đo được, tiểu ít hoặc vô niệu.

- Thời kỳ bình phục: Sau khoảng vài ngày nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.

Ngoài thể bệnh điển hình trên, người bệnh tả có thể có các biểu hiện thể bệnh khác như:

- Thể nhẹ: Triệu chứng lâm sàng và mức độ trầm trọng giống như tiêu chảy thông thường, nôn và tiêu chảy bị nhẹ, rối loạn nước và điện giải nhẹ.

- Thể tối cấp: Thời kỳ khởi phát ngắn, người bệnh đi ngoài dữ dội, mất nước và điện giải nhanh, dẫn đến trụy mạch sớm. Bệnh diễn biến nhanh, thường tử vong sau 1-3 giờ nếu không được điều trị tích cực kịp thời.

- Thể tả khô: It gặp. Người bệnh có triệu chứng liệt ruột cơ năng xảy ra sớm, mất nước trong lòng ruột xảy ra nhưng do liệt ruột, không có nhu động, người bệnh thường tử vong sớm trước khi có triệu chứng đi ngoài. Tại Việt Nam không gặp thể bệnh này.

- Thể xuất huyết: Ngoài các triệu chứng của bệnh tả ở giai đoạn đầu, người bệnh có biểu hiện xuất huyết dưới da, thậm chí đi ngoài phân máu sau đó.

- Thể tả ở trẻ em: Thường có biểu hiện tiêu chảy tuy nhiên mức độ trầm trọng nhẹ hơn so với người lớn. Trường hợp nặng có thể có triệu chứng co giật do hạ đường máu. Khi bị tả, đôi khi trẻ có biểu hiện sốt nhẹ.


Các biến chứng Bệnh tả

+ Rối loạn nước, điện giải, cân bằng toan - kiềm

+ Sốc giảm khối lượng tuần hoàn

+ Suy đa tạng trong trường hợp nặng


Đường lây truyền Bệnh tả

Đường lây bệnh chủ yếu của phẩy khuẩn tả là lây truyền qua thức ănnước uống bị nhiễm vi khuẩn. Phân của người bị bệnh tả mang vi khuẩn thải ra ngoài môi trường, từ đó lây nhiễm nguồn nước và lương thực thực phẩm. Khi người lành sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm trên, hoặc ăn phải thức ăn có chứa vi khuẩn ( ví dụ như hải sản chưa được chế biến kỹ) có thể bị nhiễm bệnh.

Đường lây bệnh chủ yếu của phẩy khuẩn tả là lây truyền qua thức ăn và nước uống bị nhiễm vi khuẩn.

Đường lây bệnh chủ yếu của phẩy khuẩn tả là lây truyền qua thức ăn và nước uống bị nhiễm vi khuẩn.


Đối tượng nguy cơ Bệnh tả

Bất kỳ đối tượng nào tiếp xúc với nguồn nước, thức ăn có phẩy khẩy tả đều có thể bị bệnh. Tuy nhiên, người có nguy cơ mắc bệnh cao như: sống tại vùng dịch tễ có dịch tả lưu hành hoặc đang xảy ra, tiếp xúc với người bệnh bị bệnh tả, không đảm bảo an toàn vệ sinh như ăn phải thức ăn chưa được nấu chín đặc biệt là hải sản tươi sống,….


Phòng ngừa Bệnh tả

Phòng ngừa bệnh tả bằng các biện pháp:

- An toàn thực phẩm, không ăn thức ăn chưa được nấu chín, sử dụng nguồn nước sạch. Hạn chế ăn hải sản tươi sống. Cần kiểm tra an toàn thực phẩm. Vệ sinh tay và đảm bảo vệ sinh cá nhân. Hiện tại có khuyến cáo tiêm vắc xin  tả cho người sinh sống ở vùng nguy cơ dịch.

- Khi dịch tả bùng phát, cần phải thông báo ngay dịch cho cơ quan y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật tại địa phương. Người bệnh cần được cách ly và ngăn chặn lây truyền theo đường tiếp xúc. Đối với phân và chất thải của người bệnh cần xử lý bằng vôi bột hoặc dung dịch Cloramin B 10%, thu gom như đối với chất thải y tế lây nhiễm. Đối với quần áo, chăn ga, dụng cụ khác của người bệnh cần khử khuẩn bằng các dụng dịch như nước sôi, nước Javen, dung dịch Cloramin B. Buồng bệnh cần được vệ sinh ít nhất 2 lần/ngày bằng các dung dịch khử khuẩn trên. Vùng dịch tễ cần hạn chế đi lại, giao thương hàng hóa với các khu vực bên ngoài. Cơ quan y tế cần tập trung điều tra, khoanh vùng, dập dịch.


Các biện pháp chẩn đoán Bệnh tả

Chẩn đoán dựa vào các yếu tố dịch tễ (liên quan đến vùng dịch có bệnh tả lưu hành, tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh tả), bệnh cảnh lâm sàng như trên và các xét nghiệm. Trong đó xét nghiệm bao gồm:

Xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên gây bệnh tả

- Xét nghiệm phân tìm phẩy khuẩn tả: bằng kỹ thuật soi phân trực tiếp hoặc nuôi cấy phân.

  • Soi phân trực tiếp: Do phẩy khuẩn tả có tính chất di động, khi soi dưới kính hiển vi nền đen sẽ thấy vi khuẩn di động. Kỹ thuật này thường cho kết quả ngay, sau khoảng 5 - 10 phút.
  • Nuôi cấy phân tìm vi khuẩn gây bệnh: Sử dụng môi trường Pepton, với lượng phẩy khuẩn trong phân lớn, vi khuẩn thường mọc nhanh sau 24 giờ.

Xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán bệnh tả

- Công thức máu ngoại vi: Do mất nước có hiện tượng cô đặc máu, hematocrit tăng, hồng cầu có tăng số lượng,…

- Sinh hóa máu: Rối loạn nước và điện giải: Hạ K+ nặng, hạ natri máu, ure máu tăng, giảm đường máu ở trẻ nhỏ, áp lực thẩm thấu máu giảm

- Khí máu: Có tình trạng toan hóa

- Trường hợp nặng có rối loạn chức năng đa cơ quan.

Cần chẩn đoán phân biệt bệnh tả với nhiễm khuẩn tiêu hóa do các căn nguyên vi sinh khác như Salmonella, Lỵ trực khuẩn,.. hoặc tiêu chảy do nhiễm độc như ngộ độc nấm, nhiễm độc tố tụ cầu, ngộ độc hóa chất,…


Các biện pháp điều trị Bệnh tả

Cần cách ly người bệnh để tránh lây nhiễm. Biện pháp điều trị chính là bù đủ và kịp thời nước, điện giải; liệu pháp kháng sinh

Bù đủ và kịp thời nước, điện giải

Trên cơ sở khoa học sinh lý bệnh bệnh tả, khi bị bệnh khả năng hấp thụ tế bào niêm mạc ruột vẫn bình thường nên đã hình thành biện pháp bù nước và điện giải qua đường uống ( uống ORS). Với những bệnh nhân có thể uống được, mất nước nhẹ, hoặc ở thời kỳ bình phục, cần bù nước, điện giải bằng đường uống càng sớm càng tốt. Uống oresol ( NaCl 3,5g; NaHCO3 2,5g; KCl 1,5 g và 20g Glucose) pha trong 1 lít nước đã được đun sôi. Trường hợp không có Oresol có thể sử dụng nước dừa non thêm một ít muối, hoặc pha dung dịch thay thế gồm 8 thìa cà phê đường với 1 thìa cà phê muối trong 1 lít nước đã được đun sôi để nguội. Cho người bệnh uống theo nhu cầu, nếu nôn nhiều cho uống bằng thìa nhỏ hoặc từng ít một.

Bù dịch bằng đường tĩnh mạch: người bệnh nặng, mất nước nhiều, không thể uống được. Khuyến cáo dùng các dung dịch Ringer, muối đẳng trương, natribicarbonat và bù kali tích cực qua dịch truyền. Trường hợp có sốc giảm thể tích cần bù dịch nhanh để đảm bảo khối lượng tuần hoàn. Theo dõi và đánh giá đáp ứng với dịch truyền như các chỉ số sinh tồn, tình trạng cô đặc máu, áp lực tĩnh mạch trung tâm, lượng nước tiểu,… để điều chỉnh tốc độ và khối lượng dịch truyền thích hợp. Xử trí các rối loạn điện giải và đảm bảo thăng bằng kiềm toan trong từng trường hợp người bệnh. Khi người bệnh có thể uống được, tiếp tục bù oresol.

Liệu pháp kháng sinh

Kháng sinh được khuyến cáo đầu tiên là kháng sinh nhóm fluoroquinolon: ciprofloxacin 500 mg/ lần x 2 lần/ ngày, Norfloxaxin 400 mg/lần x 2 lần/ngày hoặc Ofloxacin 400 mg/ngày. Thời gian điều trị kháng sinh là 03 ngày. Ở người lớn nếu vi khuẩn còn nhạy cảm có thể sử dụng Doxycyclin, Erythromycin.Đối với trẻ nhỏ và phụ nữ có thai dùng Azithromycin 10mg/kg/ngày thay thế. Thời gian điều trị cũng là 3 ngày.

Trường hợp không sử dụng được các kháng sinh trên, có thể cân nhắc sử dụng thay thế kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ 3.

Trên lâm sàng đã ghi nhận nhiều chủng vi khuẩn đề kháng kháng sinh.

Điều trị khác

+ Khuyến cáo: chống chỉ định dùng các thuốc làm giảm nhu động ruột

+ Chế độ dinh dưỡng: người bệnh nên ăn sớm nếu có thể, ăn đồ mềm, lỏng, dễ tiêu. Ở trẻ em tiếp tục bú sữa mẹ đầy đủ.

Tiêu chuẩn xuất viện

+ Lâm sàng ổn định: đỡ nôn, hết đi ngoài, toàn trạng phục hồi,…

+ Nuôi cấy phân tìm vi khuẩn 3 lần liên tiếp âm tính. Nếu không thể thực hiện xét nghiệm nuôi cấy phân, cho người bệnh ra viện sau khi lâm sàng ổn định 1 tuần.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.