Từ điển bệnh lý

Cấp cứu tràn dịch màng phổi : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Cấp cứu tràn dịch màng phổi

Có thể nói hiện tượng tràn dịch màng phổi ngày càng trở nên phổ biến trong cộng đồng và khiến chúng ta đau đầu bởi tính phức tạp của nó. Tình trạng này xảy ra ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Bệnh thường diễn tiến nhanh và gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người bệnh, gây suy hô hấp và nghiêm trọng hơn đó là khiến người bệnh bị tử vong.

Mỗi lá phổi của con người sẽ được hai lớp màng rất mỏng bao bọc, hay còn được biết đến là màng phổi. Khoang màng phổi nằm ở vị trí hai lớp màng này. Lượng dịch trung bình trong khoang màng phổi là từ 10 - 20ml khi ở trạng thái bình thường. Tuy nhiên nếu lượng dịch ở trong khoang màng phổi nhiều hơn so với mức bình thường, chúng ta có thể gặp các triệu chứng như tức ngực, khó thở,...

Tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi


Nguyên nhân Cấp cứu tràn dịch màng phổi

Nguyên nhân gây nên tình trạng tràn dịch màng phổi có thể do nhiều bệnh lý. Có 2 loại tràn dịch chính đó là:

  • Tràn dịch màng phổi dịch thấm: Thường do suy dinh dưỡng, suy thận, suy tim,...;
  • Tràn dịch màng phổi dịch tiết: Do các bệnh như ung thư, lao, nhiễm khuẩn,...

Tại Việt Nam, tràn dịch màng phổi có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân sau:

- Ung thư phổi: Do dịch màng phổi bị bít tắc lưu thông hoặc khi tế bào ung thư xâm nhập màng phổi. Ngoài ra tế bào ung thư cũng có thể di chuyển vào màng phổi từ cơ quan khác;

- Lao màng phổi: Hay gặp ở những người trẻ tuổi, khoẻ mạnh và có thể có bệnh lao phổi kèm theo;

- Viêm phổi: Nhiễm trùng tại phổi lan ra màng phổi hoặc cũng có thể do vị trí tổn thương ở phổi nằm ngay sát màng phổi, khiến cho màng phổi bị kích thích, dẫn tới tiết nhiều dịch. Trường hợp này người bệnh cần được điều trị kịp thời tránh tạo ra ổ mủ, hoặc dày dính màng phổi cản trở sự hô hấp;

- Suy tim: Thường là những bệnh nhân bị mắc bệnh lý về tim trước đó. Bệnh gây rối loạn chức năng của tim, suy tim khiến tim không thể bơm tống máu hết, máu bị ứ lại trong phổi, dịch có thể thoát  khỏi mạch máu xâm nhập vào khoang màng phổi;

- Ký sinh trùng: Sán lá phổi, sán máng phổi,...

- Suy thận mạn

- Xơ gan cổ trướng

- Các bệnh hệ thống: Lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp;

Tế bào ung thư di căn: Các tế bào này di chuyển đến màng phổi khiến cho mạch phổi bị tắc nghẽn. Các phương pháp điều trị bệnh ung thư như xạ trị, hoá trị cũng khiến dịch bị tích tụ tại khoang màng phổi.

Các bệnh ung thư là nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi:

  • Ung thư phổi;
  • Ung thư cổ tử cung di căn phổi;
  • Ung thư buồng trứng di căn phổi;
  • Ung thư vú di căn phổi

Triệu chứng Cấp cứu tràn dịch màng phổi

Phụ thuộc vào nguyên nhân cũng như mức độ tràn dịch, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng lâm sàng khác nhau. Có thể kể tên một số dấu hiệu thường gặp như sau:

  • Bất kể khi đang nghỉ ngơi hay vận động gắng sức đều có cảm giác khó thở;
  • Sốt, có hoặc không kèm theo rét run;
  • Đau, tức ngực. Đặc biệt khi hít thở sâu hoặc nói to càng thấy đau;

Bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi có dấu hiệu đau, tức ngực, đặc biệt khi hít thở sâu hoặc nói to càng thấy đau

Bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi có dấu hiệu đau, tức ngực, đặc biệt khi hít thở sâu hoặc nói to càng thấy đau

  • Ho khan hoặc ho ra đờm;
  • Ăn uống kém, mệt mỏi;
  • Bệnh nhân mà bị tràn dịch màng phổi do các bệnh suy gan, suy tim, suy thận, suy dinh dưỡng,... hay có dấu hiệu bị phù chân.

Đối tượng nguy cơ Cấp cứu tràn dịch màng phổi

Vì đây là một bệnh lý về phổi nên cần lưu ý rằng những bệnh nhân mắc bệnh về phổi có nguy cơ rất cao bị tràn dịch màng phổi. Không những thế, bệnh nhân mà mắc bệnh lý khác về tim, gan, hay thận cũng có thể bị tràn dịch màng phổi. Cụ thể:

Người bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc suy giảm chức năng các cơ quan

Những người mắc các bệnh về phổi như:

  • Xẹp phổi;
  • Ung thư phổi;
  • Viêm phổi;
  • Lao phổi;
  • Tế bào ung thư di căn từ nơi khác đến màng phổi.

Người mắc bệnh liên quan tới tim mạch:

  • Viêm màng ngoài tim co thắt;
  • Suy tim;
  • Phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành.

Người bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc suy giảm chức năng các cơ quan:

  • Xơ gan cổ trướng;
  • Suy thận, thận hư;
  • Viêm khớp, suy giáp;
  • Nhiễm HIV;
  • Ký sinh trùng;
  • Bệnh hệ thống.

Các biện pháp chẩn đoán Cấp cứu tràn dịch màng phổi

Chẩn đoán lâm sàng

Bệnh nhân bị đau ngực, khó thở và ho khan. Xuất hiện hội chứng 3 giảm khi khám phổi, đó là: Rung thanh giảm, gõ đục và rì rào phế nang giảm.

Những dấu hiệu gợi ý tràn dịch màng phổi cần cấp cứu:

- Người bệnh mệt nhiều;

- Suy hô hấp: Thở nhanh, thở nông, đổ mồ hôi. nếu bị nặng có thể thấy tím môi và các đầu chi. Độ bão hoà oxy mao mạch là < 90%;

- Nhiễm trùng: Sốt, hơi thở hôi, môi khô, lưỡi bẩn,...;

- Dấu hiệu thiếu máu: Niêm mạc nhợt, da xanh, huyết áp hạ, mạch nhanh;

- Rối loạn huyết động: Huyết áp hạ < 90/60 mmHg, hoặc hạ > 30 mmHg khi so với huyết áp nền (đối với bệnh nhân bị tăng huyết áp), nhịp tim nhanh > 100 ck/ph. Xuất hiện triệu chứng của bệnh lý tim mạch như tiểu ít, phù, cổ trướng, tĩnh mạch cổ nổi, gan to, rối loạn nhịp tim, nghe tim thấy tiếng bất thường;

- Khám hô hấp: Căng phồng lồng ngực, khoang liên sườn có biểu hiện giãn rộng, sờ được gan (hoặc lách) ở vị trí dưới bờ sườn do dịch đẩy xuống.

Chẩn đoán cận lâm sàng đối với bệnh nhân cần cấp cứu tràn dịch màng phổi

Phụ thuộc vào từng bệnh cảnh sẽ có những dấu hiệu sau:

- Hình ảnh X-quang phổi: Có hình ảnh đường cong Damoiseau, khí quản và trung thất bị đẩy sang bên đối diện, hình mờ đậm, phổi trắng;

Hình ảnh tràn dịch màng phổi trên phim chụp X-quang

Hình ảnh tràn dịch màng phổi trên phim chụp X-quang

- Công thức máu:

  • Tràn máu màng phổi: Hemoglobin giảm, hồng cầu giảm, tỷ lệ Hb DMP/Hb máu > 0,5;
  • Tràn mủ màng phổi: Tăng số lượng bạch cầu, tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính tăng.

- Chọc dò màng phổi: 

  • Dịch máu: Tỷ lệ Hb dịch MP/ Hb máu > 0,5;
  • Dịch đục mủ hoặc mủ rõ;
  • Dịch màu máu: Dịch có màu máu đỏ, tuy nhiên tỷ lệ Hb dịch MP/ Hb máu < 0,5.

- Điện tim: Phát hiện rối loạn nhịp tim, có thể thấy tăng gánh các buồng tim nếu bệnh nhân mắc bệnh về tim mạch;

- Khí máu động mạch: SaO2 < 90%, PaO2 < 60 mmHg.


Các biện pháp điều trị Cấp cứu tràn dịch màng phổi

Cấp cứu tràn dịch màng phổi đối với trường hợp cụ thể

Điểm chung của tất cả những trường hợp bị tràn dịch màng phổi cho dù do bất kể nguyên nhân gì thì đều ảnh hưởng tới hô hấp và đều cần phải được xử trí cấp cứu. Biện pháp chung đó là:

- Thở oxy;

Cấp cứu tràn dịch màng phổi

Cấp cứu tràn dịch màng phổi

- Chọc tháo dịch hoặc thực hiện mở màng phổi tối thiểu để dẫn lưu dịch, nhằm cải thiện tình trạng hô hấp của bệnh nhân. Lưu ý mỗi lần chọc hút không vượt quá 1000ml dịch;

- Đánh giá tình trạng huyết động để kịp thời xử lý, đảm bảo huyết động luôn được ổn định;

- Tiến hành những xét nghiệm thăm dò tìm ra nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi.

Tràn dịch màng phổi ở bệnh nhân bị suy tim

- Bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh lý về tim mạch như: nhồi máu cơ tim, bệnh van tim, suy vành,...;

- Triệu chứng: Khó thở, đau ngực, thở nhanh và nông, hạ hoặc tăng huyết áp, nhịp tim bất thường;

- Biện pháp chẩn đoán cận lâm sàng:

  • Chụp X-quang phổi:  Bóng tim to, thấy được hình ảnh tràn dịch màng phổi;
  • Điện tim: Có dấu hiệu bị suy tim phải hoặc suy tim trái, thậm chí suy toàn bộ, triệu chứng bệnh mạch vành.

- Điều trị:

  • Tràn dịch màng phổi gây khó thở cần tiến hành chọc tháo dịch, hoặc có thể đẩy lệch trung thất sang bên đối diện;
  • Điều trị bệnh tim mạch.

Tràn dịch màng phổi ở người bệnh bị viêm phổi

- Bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau ngực, ho có đờm, tràn dịch nhiều hoặc viêm phổi nặng còn gây khó thở. Khi khám phát hiện hội chứng 3 giảm, nghe phổi có ran ẩm hoặc ran nổ;

- Xét nghiệm:

  • Chụp X-quang phổi: Thấy hình ảnh tràn dịch màng phổi, tổn thương đông đặc. Có những bệnh nhân cần phải chọc tháo dịch tràn trước mới có thể thực hiện chụp X-quang phổi;
  • Chọc dò màng phổi: Để xét nghiệm dịch, nuôi cấy vi khuẩn, nhuộm soi.

Tràn dịch màng phổi ở bệnh nhân bị nhồi máu phổi

- Các yếu tố nguy cơ: Bệnh nhân nằm bất động lâu ngày, vừa trải qua phẫu thuật vùng bụng, bị gãy xương, có bệnh lý tim mạch, tiểu khung;

- Khám lâm sàng: Ho ra máu, khó thở, đau ngực, nghiêm trọng hơn thì có thể bị suy hô hấp hoặc suy tuần hoàn. Nguyên nhân chính dẫn đến khó thở trong trường hợp này là do nhồi máu phổi hơn là do bị tràn dịch màng phổi;

- Khám cận lâm sàng: 

  • X-quang phổi: Có hình ảnh tràn dịch màng phổi và tổn thương nhu mô phổi;
  • Điện tim: Hình ảnh S1Q3;
  • Chụp MSCT động mạch phổi phát hiện có huyết khối;
  • Định lượng D-dimer > 500 mg/dl.
  • Điều trị: Tập trung xử lý bệnh lý chính và chỉ chọc tháo hút dịch khi ảnh hưởng tới hô hấp và huyết động của bệnh nhân.

Tràn mủ màng phổi

- Biểu hiện: Nhiễm trùng nặng bao gồm các dấu hiệu như sốt cao, tỷ lệ bạch cầu trung tính tăng, bạch cầu máu ngoại vi tăng. Khi chọc dò màng phổi có ra mủ;

- Điều trị:

  • Mở màng phổi dẫn lưu mủ sớm, rửa màng phổi qua dẫn lưu hàng ngày;
  • Trường hợp dịch mủ nhiều thì phải hút dịch từ từ nhằm tránh phù phổi;
  • Nếu lượng dịch mủ ít hoặc tràn mủ khu trú, cần mở màng phổi thông qua chụp cắt lớp vi tính ngực hoặc dưới hướng dẫn của siêu âm;
  • Nếu mủ đặc gây khó khăn cho việc chọc hút hoặc xuất hiện nhiều ổ mủ khu trú, có thể bơm Streptokinase vào trong khoang màng phổi;
  • Dùng kháng sinh liều cao.

Tràn máu màng phổi

Người bệnh có biểu hiện đau ngực và khó thở. Ngoài ra mạch nhanh, niêm mạc nhợt, da xanh xao, nhịp thở nhanh, huyết áp hạ. Khám phổi thấy hội chứng 3 giảm;

- Chẩn đoán cận lâm sàng: 

  • Chụp X-quang phổi thấy hình ảnh tràn dịch màng phổi;
  • Chọc dò màng phổi có xuất hiện dịch máu;
  • Huyết sắc tố giảm;
  • Hemoglobin DMP/máu > 50%.

- Nguyên nhân dẫn đến tràn máu màng phổi:

  • Chấn thương ngực kín: Người bệnh có tiền sử bị chấn thương. Khi  chụp X-quang phổi có thể thấy bị gãy xương sườn, tràn khí tràn dịch màng phổi, đụng dập nhu mô phổi. Cần phối hợp với chuyên khoa ngoại để theo dõi, can thiệp kịp thời bằng phương pháp phẫu thuật khi có chỉ định;
  • Do thủ thuật can thiệp: Sinh thiết màng phổi, chọc dò màng phổi hoặc đặt catheter tĩnh mạch dưới đòn. Để khắc phục cần bù dịch khối lượng tuần hoàn, mở màng phổi dẫn lưu máu bằng ống dẫn lưu. Trường hợp lượng máu chảy qua dẫn lưu nhiều hơn 1 lít hoặc > 300ml/3 giờ thì cần chỉ định can thiệp bằng phẫu thuật để cầm máu;
  • Vỡ phình động mạch chủ ngực: Cần can thiệp ngoại khoa cấp cứu. lưu ý là không mở màng phổi dẫn lưu do điều này sẽ làm tình trạng vỡ phình tách động mạch chủ nặng thêm;
  • Nhồi máu phổi: Lượng máu tràn màng phổi thường ít.

Tràn dưỡng trấp màng phổi

- Đặc điểm: Thường dịch màng phổi sẽ có màu trắng như sữa. Định lượng Triglycerid > 110 mg/dl, mỡ toàn phần 1-4 g/100 ml;

- Nguyên nhân: 

  • Do chấn thương ngực;
  • Di căn ung thư bạch mạch;
  • Phẫu thuật lồng ngực gây rò ống ngực, màng phổi;
  • Viêm bạch mạch do giun chỉ.

- Điều trị:

  • Điều trị cấp cứu trong trường hợp tràn dưỡng chấp màng phổi gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động hô hấp và huyết động của bệnh nhân. Biện pháp: Chọc tháo dịch hoặc mở màng phổi dẫn lưu;

Chọc tháo dịch hoặc thực hiện mở màng phổi tối thiểu để dẫn lưu dịch, nhằm cải thiện tình trạng hô hấp của bệnh nhân

Chọc tháo dịch hoặc thực hiện mở màng phổi tối thiểu để dẫn lưu dịch, nhằm cải thiện tình trạng hô hấp của bệnh nhân

  • Điều trị căn nguyên dẫn tới tràn dịch dưỡng chấp màng phổi. Cân nhắc thực hiện phẫu thuật hoặc phương pháp gây dính màng phổi để dự phòng bệnh tái phát.

Tràn dịch màng phổi ở bệnh nhân bị suy kiệt và do bệnh lý ác tính

- Tiền sử bệnh án: Người bệnh có hoặc không được chẩn đoán bị tràn dịch màng phổi do bệnh ung thư;

- Bệnh nhân suy kiệt, gầy sọc, nếu có di căn ung thư có thể thấy hạch ngoại vi. Phía tràn dịch lồng ngực phồng căng;

- Chụp X-quang phổi thấy tràn dịch màng phổi nhiều, hoặc phổi bị mờ hoàn toàn một bên, đè đẩy trung thất;

- Điều trị bằng phương án chọc hút dịch màng phổi hoặc đặt dẫn lưu màng phổi.


Tài liệu tham khảo:

  • Quyết định: Về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh hô hấp” | Thư viện Pháp luật
  • Tràn dịch màng phổi | BVĐK Tâm Anh

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.