1. Triệu chứng lâm sàng
Đau là triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân hẹp ống sống. Đây cũng là triệu chứng khiến người bệnh khó chịu cần đi khám cũng như là triệu chứng giúp bác sĩ theo dõi đáp ứng điều trị. Bệnh nhân đau âm ỉ, liên tục. Triệu chứng đau tăng lên khi người bệnh đứng lâu, thay đổi tư thế, ho hắt hơi,… Trong trường hợp điển hình, người bệnh đau lan dọc theo một đường đi nhất định tương ứng với đường đi của rễ thần kinh bị chèn ép.
Tê bì, rối loạn cảm giác cũng là triệu chứng thường gặp trong bệnh lý hẹp ống sống. Tùy các vị trí ống sống bị hẹp mà người bệnh có thể có biểu hiện tê bì khác nhau. Ví dụ thoát vị đĩa đệm tại đốt sống cổ C6-C7 dẫn đến dấu hiệu tê bì dị cảm tại ngón 2 và ngón 3. Thoát vị C5-C6 lại dẫn đến yếu cơ gấp cẳng tay và dị cảm ở ngón cái. Hẹp ống sống tại thắt lưng L4-L5 có biểu hiện tê bì ngón cái và mu chân.
Yếu, liệt tay chân. Trong những trường hợp hẹp ống sống nặng, chèn ép nhiều vào tủy sống, người bệnh có thể yếu liệt tay chân, rối loạn dáng đi, tay chân vụng về.
Rối loạn cảm giác vùng bụng, giảm nhu động ruột, đại tiệu tiện không tự chủ là những biểu hiện ít gặp song thể hiện tình trạng hẹp ống sống nặng, cần can thiệp phẫu thuật gấp, tránh di chứng thần kinh không phục hồi về sau.
Khám lâm sàng người bệnh có thể mất đường cong sinh lý của cột sống, biến dạng cột sống (gù, vẹo…). Ấn tại chỗ người bệnh thường có điểm đau chói, đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tương ứng với vị trí chèn ép. Rối loạn cảm giác tại chỗ (dị cảm, giảm hoặc mất cảm giác), có thể tăng hoặc giảm phản xạ gân xương, mất khả năng co thắt cơ vòng… Các triệu chứng có thể khác nhau tùy người bệnh. Thậm chí, có nhiều trường hợp hẹp ống sống nhưng không có triệu chứng lâm sàng, chỉ phát hiện tình cờ qua chụp phim.
2. Triệu chứng cận lâm sàng
Xét nghiệm
Các xét nghiệm không được dùng để chẩn đoán tình trạng hẹp ống sống, song có giá trị trong chẩn đoán nguyên nhân, bệnh lý kèm theo.
Chẩn đoán hình ảnh
Mặc dù việc xác định chẩn đoán hẹp ống sống bằng chụp X-quang có độ nhạy độ đặc hiệu không cao nhưng đây là phương pháp chụp nhanh chóng chi phí thấp, thuận tiện nên được chỉ định nhiều trên lâm sàng. Các yếu tố giúp chẩn đoán hẹp ống sống trên X-quang là: Hẹp khe đĩa đệm, vôi hóa dây chằng, phì đại khớp liên mấu, trượt đốt sống, gãy đốt sống… Chụp X-quang ở các tư thế khác nhau còn giúp đánh giá tình trạng mất vững cột sống kèm theo.
Cộng hưởng từ rất hữu ích để chẩn đoán hẹp ống sống và xác định mức độ thay đổi thoái hóa cũng như đo kích thước của ống sống. Tuy nhiên, mức độ hẹp ống sống trên cộng hưởng từ và triệu chứng lâm sàng của người bệnh có thể không tương xứng với nhau. MRI nên được sử dụng để xác định chẩn đoán ở những bệnh nhân bị đau cột sống dai dẳng hoặc đau lan tỏa, có dấu hiệu chèn ép thần kinh. Song, không nên được sử dụng cho mục đích sàng lọc (chụp cho người không có triệu chứng) vì tỷ lệ cao bệnh nhân không có triệu chứng ngay cả khi có hẹp ống sống trên cộng hưởng từ. Bên cạnh việc chẩn đoán hẹp ống sống và mức độ hẹp, cộng hưởng từ còn có giá trị chẩn đoán nguyên nhân gây hẹp như thoát vị đĩa đệm, khối u chèn ép, áp xe, …
Cắt lớp vi tính cũng là một phương tiện hình ảnh thường được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị hẹp ống sống, đặc biệt trong lập kế hoạch phẫu thuật cho người bệnh. Trước đây, chụp CLVT có tiêm thuốc cản quang vào ống sống là phương pháp chụp có nhiều giá trị, thông tin cung cấp chính xác hơn. Tuy nhiên, ở phương pháp này có tính chất xâm lấn, kèm theo tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn nên ngày nay ít sử dụng.
Ở một số trường hợp cần đánh giá tổn thương xương hoặc có chống chỉ định với chụp MRI như có máy tạo nhịp tim thì CLVT là phương pháp ưu thế hơn.
- Các phương pháp chẩn đoán khác
Điện cơ có thể được bác sĩ chỉ định khi chẩn đoán bệnh lý thần kinh không chắc chắn ở những bệnh nhân có bệnh kèm theo như đái tháo đường, nghi ngờ yếu cơ do bệnh lý cơ.
Siêu âm doppler mạch. Có giá trị chẩn đoán loại trừ tình trạng hẹp tắc mạch, suy tĩnh mạch chi do những bệnh lý này có thể gây ra triệu chứng tê bì, rối loạn cảm giác cho người bệnh.

Tình trạng hẹp ống sống cần được thăm khám và điều trị từ sớm