Tuỳ vào mức độ ho ra máu sẽ áp dụng các cách xử lý khác nhau, đó là:
Ho ra máu ít, nhẹ
Là trường hợp ho ra lượng máu tầm dưới 50ml/ngày. Máu ho ra thường chỉ là vài ngụm nhỏ hoặc có lẫn vài vệt trong đờm. Bệnh nhân cần:
- Dùng các loại thuốc an thần có tác dụng cầm máu, giảm ho;
- Nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và giảm vận động;
- Uống nước mát;
- Ăn đồ ăn loãng như cháo, miến, phở, mì hoặc đồ lỏng như súp hoặc sữa.

Trong trường hợp bệnh nhân ho ra máu nhẹ hãy cho ăn cháo loãng hoặc đồ lỏng như súp hoặc sữa để nghỉ ngơi
Đối với trường hợp bị ho ra máu nhẹ thì bệnh nhân có thể điều trị và chăm sóc, theo dõi tại nhà. Nếu cầm được máu cho bệnh nhân và tình trạng ổn định dần thì vẫn cần phải đưa người bệnh đi khám nhằm được chẩn đoán, xác định bệnh đang mắc phải để điều trị tận gốc nguyên nhân.
Ho ra máu lượng trung bình
Xảy ra khi lượng máu ho ra tầm 50 - 200ml/ngày. Lúc này người bệnh cần được đưa đến bệnh viện để được điều trị.
Ho ra máu thể nặng
Bệnh nhân ho ra máu nhiều khi thể tích máu lên đến hơn 200ml/ngày và cần phải điều trị cũng như theo dõi lâu dài ở bệnh viện. Trường hợp người bệnh mất quá nhiều máu, cần phải truyền máu bổ sung.
Khi đã được đưa đi cấp cứu, người bệnh sẽ cần được áp dụng các biện pháp thăm dò, chẩn đoán điều trị tại viện. Đầu tiên là điều trị cầm máu, sau đó chẩn đoán nguyên nhân gây ho ra máu, từ đó có phác đồ điều trị riêng cho từng bệnh (lao phổi, phù phổi cấp, ung thư phế quản, giãn phế quản,...).
- Trong công tác hồi sức cấp cứu cần đảm bảo cung cấp đủ oxy bồi phụ đủ máu, dịch, không khí phế nang bằng cách hút máu và các chất tiết có đầy trong đường hô hấp;
- Nếu bệnh nhân bị suy hô hấp nặng, phải sử dụng phương pháp đặt nội khí quản, thở máy, thở oxy;

Bệnh nhân ho ra máu nặng cần đặt thở máy
- Bồi phụ khối lượng tuần hoàn: Tiến hành đặt đường truyền cỡ lớn và truyền máu khẩn cấp để bù lại số lượng máu đã mất của bệnh nhân, đảm bảo khối lượng tuần hoàn, bù điện giải;
- Để bệnh nhân nằm nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh và không vận động mạnh;
- Đối với người bệnh bị ho ra máu nặng, sau khi tình trạng ổn định cần nằm nghiêng về bên phổi bị tổn thương, nhằm tránh bên phổi lành bị sặc máu;
- Chế độ ăn: Uống nước mát lạnh, ăn lỏng và kết hợp dùng thuốc an thần nhẹ, không sử dụng thuốc liều cao vì có thể dẫn đến hiện tượng sặc khi ho ra máu nhiều, khiến các tín hiệu suy hô hấp bị che lấp. Bên cạnh đó có thể dùng kháng sinh để đề phòng bội nhiễm.
Tài liệu tham khảo:
- Ho ra máu chớ xem thường | Vinmec
- Ho ra máu là biểu hiện của bệnh gì | Phổi Việt
- Biểu hiện nguy hiểm của bệnh phổi | Bệnh viện 108