Từ điển bệnh lý

Nang tụy : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Nang tụy

Cấu tạo và chức năng của tuỵ

Tụy là một loại tuyến pha, nghĩa là tuyến này vừa là tuyến ngoại tiết, vừa là tuyến nội tiết, nằm ở phía trên, đằng sau ổ bụng, cụ thể là sau dạ dày. Tụy bao gồm 3 phần chính đó là phần đầu, phần thân và phần đuôi. Đầu của tuyến tụy ở kế bên ống mật chủ (ống mật chủ là nơi dẫn lưu mật từ gan) và tá tràng (thuộc phần đầu của hệ thống ruột).

Tuyến tụy có vai trò bài tiết, sản sinh men nhằm tiêu hoá thức ăn

Tuyến tụy có vai trò bài tiết, sản sinh men nhằm tiêu hoá thức ăn

Tuyến tụy có vai trò bài tiết, sản sinh men nhằm tiêu hoá thức ăn (men này được dẫn thẳng từ ống tuỵ vào ruột non). Đồng thời tuỵ cũng là một cơ quan thuộc hệ nội tiết giúp điều chỉnh lượng đường có trong máu thông qua việc sản xuất ra insulin đưa vào hệ tuần hoàn.

Nang là gì? Thế nào là nang tụy?

Nang có đặc điểm giống như một túi kín và được cấu tạo từ các mô. Trong nang thường chứa chất dịch hoặc loại chất bán đặc. Các nang tụy được hình thành là do sự phát triển dạng nang hoặc xảy ra một phản ứng viêm nào đó ở trong hoặc trên tuỵ.

Thực tế phần lớn các trường hợp mắc nang tụy đều là lành tính, ít gây triệu chứng và không gây ung thư nhưng cũng có trường hợp nang tụy là dấu hiệu của tiền ung thư hoặc phát triển thành ung thư.

Cần phân biệt giữa nang tụy và loại nang giả tuỵ. Trong khi nang tụy là các nang thật sự có một lớp tế bào lót đặc biệt, và lớp tế bào này tạo nang bằng cách tiết ra một chất dịch lỏng. Còn nang giả tuỵ chỉ là các nang giả và không có sự hiện diện của các tế bào lót đặc biệt như ở nang thật. Những nang giả tuỵ thường sinh trưởng trong các khoang trống ở tụy, không có biểu mô và có các mô sợi bao bọc xung quanh.


Nguyên nhân Nang tụy

Cho đến nay vẫn chưa xác định được rõ ràng nguyên nhân gây nên nang tụy thật. Có những nghiên cứu chỉ ra rằng sự hình thành của các nang tụy có thể liên quan tới bệnh thận đa nang, hoặc là các bệnh di truyền ít phổ biến như bệnh Von Hippel - Lindau, đây là một chứng rối loạn di truyền gây ảnh hưởng tới thận, tuyến tụy, tuyến thượng thận và thậm chí là não.

Nguyên nhân gây nang giả tụy có thể do bệnh nhân mắc chứng viêm tụy cấp tính

Nguyên nhân gây nang giả tụy có thể do bệnh nhân mắc chứng viêm tụy cấp tính

Đối với trường hợp các nang tụy giả, nguyên nhân giải thích cho sự hình thành của chúng là do bệnh nhân mắc chứng viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính. Bệnh này gây đảo lộn chức năng của các enzyme tiêu hoá trong tuỵ, chúng sẽ được hoạt hoá sớm và quay lại tiêu hoá chính các tế bào ở tuỵ. Chất dịch lỏng được tìm thấy trong các nang giả có thành phần là các mô tuỵ chết, các enzyme tiêu hoá và các tế bào viêm đã bị hóa lỏng. Viêm tuỵ phát triển ở bệnh nhân thường là do bị chấn thương vùng bụng, sỏi mật, trải qua phẫu thuật hoặc người bệnh nghiện rượu lâu năm. Thực tế chứng minh rằng sau khi bị viêm tuỵ cấp, có khoảng từ 5 - 16% các trường hợp hình thành nang tụy giả, và ở người bị viêm tụy mạn tỷ lệ này chiếm từ 20 - 40%.


Triệu chứng Nang tụy

Bình thường thì bệnh nhân sẽ ít khi cảm nhận được sự hiện diện của các nang tụy và nang giả tuỵ, đa phần là sẽ phát hiện ra chúng khi thực hiện siêu âm hoặc tiến hành chụp cắt lớp vi tính vùng bụng khi đang chẩn đoán bệnh lý khác.

Một số trường hợp rất hiếm nang tụy có kích thước lớn gây chèn ép tuyến tụy hoặc ảnh hưởng các cơ quan xung quanh thì có thể có các biểu hiện sau:

- Bắt đầu chán ăn và sút cân;

Biểu hiện chán ăn và sút cân có thể do nang tụy có kích thước lớn gây chèn ép tuyến tụy

Biểu hiện chán ăn và sút cân có thể do nang tụy có kích thước lớn gây chèn ép tuyến tụy

- Cảm giác buồn nôn và nôn ói;

- Các nang tuỵ khi phát triển sẽ gây chèn ép sang tá tràng hoặc dạ dày, dẫn tới hiện tượng chướng bụng;

- Bệnh nhân có dấu hiệu sưng phía phần bụng trên, sờ nắn thậm chí cảm nhận được có khối u tại vùng thượng vị;

- Bụng đau kéo dài, có khi đau lan ra phía sau lưng vì nang tụy đè vào các mô và dây thần kinh xung quanh. Đặc biệt càng đau tăng nặng trong khi ăn uống;

- Tình trạng nhiễm trùng nang;

- Các nang tụy lớn dần còn có khả năng làm tắc nghẽn ống mật, dẫn tới các hiện tượng như vàng mắt, vàng da, nước tiểu sẫm màu hơn;

- Các nang làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa.


Các biến chứng Nang tụy

Nang tuỵ nếu phát triển đến một mức độ nhất định sẽ bị vỡ ra, khi đó nó sẽ đe dọa trực tiếp đến sức khoẻ của người bệnh và gây ra hàng loạt các biến chứng nghiêm trọng như:

- Phá huỷ hệ thống mô và mạch máu lân cận dẫn tới nhiễm trùng máu, viêm phúc mạc, xuất huyết tràn lan (đặc biệt là khi nang tụy gây vỡ động mạch lách);

- Nang tụy còn gây tắc ruột và tắc mật khi chèn ép vào 2 cơ quan này;

Nang tuỵ nếu phát triển đến một mức độ nhất định sẽ bị vỡ ra, khi đó nó sẽ đe dọa trực tiếp đến sức khoẻ của người bệnh

Nang tuỵ nếu phát triển đến một mức độ nhất định sẽ bị vỡ ra, khi đó nó sẽ đe dọa trực tiếp đến sức khoẻ của người bệnh

- Các biến chứng nguy hiểm khác khi nang bị vỡ bao gồm: tim đập nhanh, sốt cao kéo dài dai dẳng, đau nặng ở vùng thượng vị, đau lan ra sau lưng, ngất không rõ nguyên nhân, nôn ra máu,... khi gặp tình trạng này cần ngay lập tức phải đưa bệnh nhân vào viện để được cấp cứu kịp thời.


Đối tượng nguy cơ Nang tụy

Những người dễ có khả năng bị bệnh nang tuỵ đó là:

- Người nghiện rượu;

Người nghiện rượu dễ có khả năng bị bệnh nang tuỵ

Người nghiện rượu dễ có khả năng bị bệnh nang tuỵ

- Người đã trải qua phẫu thuật vùng bụng;

- Bệnh nhân bị sỏi mật;

- Người gặp chấn thương vùng bụng;

- Bệnh nhân bị viêm tuỵ.


Phòng ngừa Nang tụy

- Nhằm hạn chế tối đa khả năng bị nang tụy thì cần kiểm soát nguy cơ mắc viêm tụy bằng cách từ bỏ hoặc hạn chế rượu bia, đặc biệt là các trường hợp trước đây đã từng nghiện rượu hoặc từng mắc bệnh viêm tụy;

- Áp dụng chế độ ăn cân bằng, khoa học ít chất béo. Không nên uống nhiều các loại trà, cà phê, không ăn nhiều nội tạng động vật, thịt cá nhiều dầu mỡ, lòng đỏ trứng. Cần tăng cường bổ sung chất đạm, hoa quả, rau xanh, protein từ thịt như nạc bò, nạc thăn lợn, cá chép, cá quả, thực phẩm chứa nhiều Vitamin B và C nhằm giảm thiểu nguy cơ tích tụ sỏi mật;

- Nếu sỏi mật đang gây viêm tụy thì cần thực hiện phẫu thuật cắt bỏ túi mật.


Các biện pháp chẩn đoán Nang tụy

Bác sĩ sẽ dựa trên các biểu hiện lâm sàng và thông tin về tiền sử bệnh như các chấn thương vùng bụng mà bệnh nhân đã từng gặp phải, bệnh nhân có bị viêm tụy hay không,... và các kết quả cận lâm sàng để giúp xác định bệnh. Những chỉ định chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng có thể được áp dụng trong trường hợp này bao gồm:

- Chụp CT/ MRI ổ bụng có tiêm thuốc cản quang/ chất đối quang từ: kỹ thuật này có tác dụng cung cấp hình ảnh và thông tin một cách chi tiết về cấu trúc cũng như kích thước, tình trạng phát triển của nang tụy và các cơ quan khác.

Chụp MRI ổ bụng có tiêm thuốc cản quang để chẩn đoán bệnh

Chụp MRI ổ bụng có tiêm thuốc cản quang để chẩn đoán bệnh

trong ổ bụng. Đồng thời đánh giá mức độ ảnh hưởng của nang tụy đối với các cơ quan xung quanh.

- Siêu âm ổ bụng: giúp sơ bộ sàng lọc và đánh giá hình thái nang tụy.

- Siêu âm nội soi (EUS): bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật này bằng cách đưa ống nội soi trên đỉnh có gắn một đầu dò kích thước siêu nhỏ qua thực quản, tới dạ dày đến tá tràng. Tại đây sẽ hiển thị được đầy đủ hình ảnh của gan, tụy và túi mật. Ngoài ra bằng phương pháp nội soi có thể thực hiện chọc hút dịch hoặc mô của nang tụy bằng kim mỏng, những mẫu này sau khi thu thập được sẽ đưa tới phòng thí nghiệm để phân tích, tìm kiếm dấu hiệu ung thư.

Chẩn đoán phân biệt dạng nang tụy:

Dựa trên các cơ sở như độ tuổi, giới tính người bệnh và đặc điểm cũng như vị trí của các nang tụy sẽ xác định được loại nang tụy mà bệnh nhân đang mắc phải. Các dạng nang thường gặp có thể là:

- Nang giả tuỵ: như đã phân tích ở trên, đây là dạng nang chủ yếu do viêm tụy gây nên và không gây ung thư;

- Nang thanh dịch: trong nang này thường chứa chất dịch lỏng và mỏng. Tuy khá lành tính và hiếm khi tiến triển thành ung thư nhưng loại nang này có khả năng gia tăng kích thước rất lớn, khiến cho các cơ quan xung quanh dễ bị nó chèn ép, từ đó gây nên những hiện tượng như đầy bụng và đau bụng. Chúng thường hiện diện ở vị trí thân hoặc đuôi tuyến tụy và phụ nữ trên 60 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc phải dạng nang này;

- Nang nhầy: tương tự như nang thanh dịch, u nang nhầy thường xuất hiện ở phần thân và đuôi của tuyến tụy, chỉ gặp ở phụ nữ và đặc biệt là lứa tuổi trung niên. Khác với u nang thanh dịch, tính chất của dịch trong nang nhầy có phần dày và nhớt hơn, đồng thời dạng nang này báo hiệu tiền ung thư, thường khi phát hiện ra các nang nhầy có kích thước lớn là khi bệnh đã bị ung thư hoá;

- U đặc giả nhú tuỵ: thân và đuôi tuỵ là hai khu vực ưa thích của loại nang này. U này thường xuất hiện ở phụ nữ trẻ dưới 35 tuổi, tuy nhiên khá hiếm gặp và cũng có nguy cơ tiến triển thành ung thư;

- U nhú nhầy trong ống tụy (IPMN): vị trí thường phát hiện ra u nhú nhầy là trong ống tụy hoặc là các nhánh của ống tụy. Cả nam giới và nữ giới (phổ biến là trong độ tuổi trên 50) đều có khả năng bị IPMN, u này cũng là dấu hiệu của tiền ung thư hoặc ung thư. Tùy vào vị trí của nang mà sẽ áp dụng phương pháp phẫu thuật trong điều trị;

- U thần kinh nội tiết: u này thường có đặc điểm là u đặc nhưng cũng có thể ở dưới dạng giống nang tụy, sự hiện diện của u thần kinh nội tiết là lời cảnh báo tiền ung thư hoặc ung thư.


Các biện pháp điều trị Nang tụy

Bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp nhất với bệnh nhân dựa trên kích thước, tính chất, đặc điểm, vị trí và triệu chứng (nếu có) của nang tụy. Có thể kể đến những phương pháp như sau:

- Theo dõi: nếu u nang được chẩn đoán là dạng lành tính và không gây biến chứng ảnh hưởng tới sức khoẻ và chất lượng cuộc sống người bệnh thì có thể chưa cần can thiệp bằng phẫu thuật, trừ trường hợp nang to dần và gây các triệu chứng khó chịu. Tất cả những bệnh nhân bị nang tụy đều phải được kiểm tra định kỳ, theo dõi bằng chọc dò, siêu âm nội soi phòng khi nang tiến triển thành ung thư;

- Dẫn lưu: nếu nang tụy gia tăng kích thước, chèn ép các mô xung quanh và gây ra nhiều triệu chứng thì nên được dẫn lưu. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách đưa vào miệng, qua dạ dày và ruột non bệnh nhân một ống nội soi mềm và nhỏ. Ở đầu của ống nội soi có gắn thiết bị đầu dò siêu âm kèm theo một cây kim nhỏ để hút dịch từ các nang, đôi khi dẫn lưu cũng có thể được triển khai qua da;

Phẫu thuật: đối với trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi, thể chất khoẻ mạnh mà nang tụy lớn trên 2cm và gây nên các triệu chứng thì nên phẫu thuật loại bỏ nang. Còn những người cao tuổi, nang tụy lớn trên 2cm và có kết quả chẩn đoán nang tụy là dấu hiệu tiền ung thư hoặc ung thư hoá thì bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân phẫu thuật tuyến tụy.

Đa phần những người có nang tụy giả thì chúng sẽ tự biến mất hoặc không phát triển lớn hơn hoặc không gây ảnh hưởng gì nguy hiểm thì không cần can thiệp. Nhưng cũng có trường hợp các nang này tăng trưởng với kích cỡ lớn trên 6cm, bộc lộ các biểu hiện dai dẳng, gây ảnh hưởng tới chức năng của tuyến mật hoặc tuyến tụy thì có thể cân nhắc phẫu thuật.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.