Từ điển bệnh lý

Ngộ độc cồn : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Ngộ độc cồn

Rượu ở dạng etanol có trong đồ uống có cồn, nước súc miệng, chất chiết xuất từ ​​nấu ăn, một số loại thuốc và một số sản phẩm gia dụng nhất định, được dùng nhiều trong đời sống, y học và công nghiệp. Tình trạng ngộ độc cấp ethanol thường xảy ra khi uống quá nhiều đồ uống có cồn, đặc biệt là trong thời gian ngắn, liều gây ngộ độc phụ thuộc vào cơ địa và thể trạng của người uống. Ở những người nghiện rượu thì liều gây ngộ độc thường rất cao.

Ngộ độc ethanol cấp có thể gây ra hôn mê, suy hô hấp, thậm chí là tử vong

Ngộ độc ethanol cấp có thể gây ra hôn mê, suy hô hấp, thậm chí là tử vong


Nguyên nhân Ngộ độc cồn

Ngộ độc cồn xảy ra khi uống quá nhiều bia rượu, nhất là trong thời gian ngắn, số ít do tự tử bằng bia rượu hoặc các sản phẩm từ bia rượu.

Nhiều người tìm đến rượu để giải tỏa tâm lý, có nhiều người còn sử dụng để tự tử 


Triệu chứng Ngộ độc cồn

Ngộ độc cồn gây ra nhiều rối loạn về tâm thần và thực thể, chủ yếu là do uống quá nhiều bia rượu. Liều gây ngộ độc tùy thuộc vào thể trạng của từng người, thường tăng cao ở người nghiện rượu. Các triệu chứng lâm sàng:

  • Giai đoạn kích thích: Giai đoạn đầu, người uống cảm thấy sảng khoái, hưng phấn thần kinh (vui vẻ), sau đó giảm khả năng kiềm chế (mất điều hòa, kích thích). Giảm phổi hợp vận động: Đi đứng không vững.
  • Giai đoạn ức chế: tri giác của người uống giảm hẳn, giảm hoặc mất khả năng tập trung, lú lấn. Giảm phản xạ gân xương và trương lực cơ. Giãn các mạch ngoại vi.
  • Giai đoạn hôn mê: Người bệnh hôn mê, thở yếu hoặc ngừng thở dẫn đến suy hô hấp, giảm khả năng bảo vệ đường thở dẫn đến viêm phổi sặc. Giãn mạch, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, trụy mạch, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, co giật, tiêu cơ vân, rối loạn điện giải, toan chuyển hóa.

Nên chủ động theo dõi các triệu chứng khi xảy ra ngộ độ cồn 

Nên chủ động theo dõi các triệu chứng khi xảy ra ngộ độ cồn 

Lưu ý: Người bệnh có thể hôn mê cả khi đã ngừng uống rượu do sau khi ngừng uống, rượu vẫn tiếp tục ngâm từ hệ tiêu hóa vào máu


Các biến chứng Ngộ độc cồn

  • Bít tắc đường thở: Người bệnh hít phải chất nôn vào phổi có thể gây bít tắc đường hô hấp (ngạt thở) rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong.
  • Rối loạn nước và điện giải:  Nôn nhiều làm cơ thể bị mất nước nhiều, có thể gây mạch nhanh, huyết áp tụt rất nguy hiểm.
  • Co giật:  thường do hạ đường huyết
  • Hạ thân nhiệt: Nhiệt độ cơ thể của bạn có thể giảm xuống quá thấp dẫn đến ngừng tim.
  • Rối loạn nhịp tim: Ngộ độc rượu có thể khiến tim đập bất thường hoặc nặng hơn là ngừng đập gây ngừng tuần hoàn dẫn đến tử vong.
  • Tổn thương não: nhiều trường hợp uống rượu nhiều dẫn đến ngộ độc có thể gây tổn thương não không hồi phục
  • Tử vong.

Đối tượng nguy cơ Ngộ độc cồn

Ngộ độc cồn chủ yếu gặp ở những người nghiện rượu. Thường xuất hiện ở ngưởi sau khi uống nhiều rượu bia trong thời gian ngắn, nhất là trong cuộc nhậu

Ngộ độ cồn xảy ra ở những người sử dụng rượu bia nhiều 

Ngộ độ cồn xảy ra ở những người sử dụng rượu bia nhiều 


Phòng ngừa Ngộ độc cồn

  • Không uống bia rượu khi mất kiểm soát.
  • Đối tượng không nên sử dụng bia rượu: trẻ nhỏ và vị thành niên, phụ nữ (nhất là phụ nữ có thai, đang cho con bú), người đang lái xe, vận hành máy móc, người không kiểm soát được hành vi, mới bỏ rượu, đang điều trị bệnh (cần xin ý kiến bác sĩ điều trị).
  • Sử dụng đồ uống có cồn theo khả năng của người uống (căn cứ vào số lượng, tác dụng của bia rượu đến hành vi). Người Việt Nam trưởng thành uống không quá  50 ml rượu 40 độ hoặc không quá 400 ml bia 5 độ.
  • Ăn đầy đủ trước, trong và sau uống.
  • Chọn loại rượu bia, thực phẩm an toàn.
  • Không lái xe, rượu bia sau khi sử dụng đồ uống có cồn.

Chủ động bảo vệ bản thân, tránh xa các chất kích thích chứa cồn 

Chủ động bảo vệ bản thân, tránh xa các chất kích thích chứa cồn 


Các biện pháp chẩn đoán Ngộ độc cồn

  • Chẩn đoán xác định:

Chẩn đoán dựa vào các yếu tố khai thác bệnh sử: có uống các đồ uống có cồn. Triệu chứng lâm sàng đã mô tả trên và các xét nghiệm:

Xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán, theo dõi ngộ độc rượu ethanol:

+ Định lượng nồng độ ethanol (khuyến cáo nên làm thêm methanol trong máu, do thường có ngộ độc phối hợp)

Nồng độ Ethanol huyết thanh (mg/dL)

Triệu chứng lâm sàng

20 – 50

Rối loạn ức chế, kích thích nghịch thường, cảm xúc không ổn định, thích giao du với người khác, hưng cảm, nói nhiều

50 – 100

Chậm đáp ứng, giảm khả năng phán xét, mất điều hòa vận động biên độ nhỏ, loạn vận ngôn.

100 – 200

Nhìn đôi, bạo lực, mất định hướng, lẫn lộn, vô cảm, sững sờ, giãn mạch.

200 – 400

Ức chế hô hấp, mất các phản xạ bảo vệ đường thở, giảm thân nhiệt, đái ỉa không tự chủ, tụt huyết áp, hôn mê.

>400

Trụy mạch, tử vong

+ Áp lực thẩm thấu máu: đo trực tiếp bằng máy đo.

+ Khoảng trống ALTT = áp lực thẩm thấu (ALTT) đo được – ALTT ước
tính (ALTT máu ước tính = Na x 2 + Ure (mmol/L) + Glucose (mmol/L).

+ Khoảng trống ALTT tăng nếu >10 mOsm/kg, do rượu gây nên, không cho biết cụ thể là do methanol, ethanol hay glycol.

+ Ước tính nồng độ rượu thông qua khoảng trống áp lực thẩm thấu (Nồng độ rượu ước tính = 4,6 x khoảng trống áp lực thẩm thấu (mg/dL) chỉ có thể áp dụng được khi trong máu chỉ có ethanol đơn thuần không kèm các các chất khác như methanol hay glycol.

Kết hợp khoảng trống thẩm thấu và khí máu trong chẩn đoán và theo dõi: trong ngộ độc ethanol đơn thuần thì khoảng trống thẩm thấu giảm dần và trờ về 0, đồng thời khí máu cũng không có nhiễm toan chuyển hóa (nếu có thường là nhẹ, do nhiễm toan ceton hoặc toan lactic).

Xét nghiệm cơ bản: khí máu, công thức máu, urê, đường, creatinin, điện giải, AST, ALT, CPK, điện tim, tổng phân tích nước tiểu giúp đánh giá tình
trạng các chỉ sổ cơ bản của người bệnh và tiên lượng tình trạng ngộ độc có ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào.

Các xét nghiệm khác để tìm tổn thương cơ quan khác hoặc biến chứng bao gồm: Xquang phổi, CT-scanner sọ não, siêu âm bụng, nội soi tiêu hóa….

  • Chẩn đoán phân biệt

- Ngộ độc methanol: trong trường hợp này, người bệnh bị toan chuyển hóa thực sự thường do chất chuyển hóa format gây ra; khoảng trống ALTT lúc đầu tăng, khí máu chưa có bất thường, sau đó giảm dần nhưng đồng thời toan chuyển hóa xuất hiện và tăng dần, kết quả là người bệnh tử vong hoặc di chứng hoặc hồi phục nếu được điều trị đúng và kịp thời. Cỏ thể định lượng có methanol trong máu để chẩn đoán.

- Hôn mê do đái tháo đường: Tiền sử có bệnh lý đái tháo đường, quá trình dùng thuốc điều trị, hôn mê do tăng ALTT đi kèm tăng đường huyết; hôn mê hạ đường huyết thì xét nghiệm đường máu giảm hoặc do nhiễm toan.

Hôn mê do ngộ độc thuốc an thần, gây ngủ: tiền sử dùng thuốc an thần, gây ngủ, hôn mê sâu yên tĩnh, xét nghiệm tìm thấy độc chất trong dịch dạ dày, nước tiểu.

- Rối loạn ý thức do các nguyên nhân khác nhau: nhiễm trùng thần kinh trung ương như viêm não hoặc viêm màng não, các tổn thường thần kinh như xuất huyết nội sọ, nhồi máu não,…


Các biện pháp điều trị Ngộ độc cồn

Nguyên tắc điều trị:

  • Đảm bảo dấu hiệu sinh tồn.
  • Điều trị triệu chứng và biến chứng.

Điều trị cụ thể: 

- Ngộ độc mức độ nhẹ:

  • Nghỉ ngơi nơi yên tĩnh.
  • Truyền dịch, truyền glucose và vitamin nhóm B

Người bị ngộ độc cồn cần được đưa vào cơ ở y tế để theo dõi và điều trị 

Người bị ngộ độc cồn cần được đưa vào cơ ở y tế để theo dõi và điều trị 

- Ngộ độc mức độ nặng:

  • Người bệnh hôn mê sâu, co giật, ứ đọng đờm dãi, tụt lưỡi, suy hô hấp, thở yếu, ngừng thở: đặt người bệnh nằm nghiêng an toàn, đặt canyl miệng, hút móc đờm rãi ứ đọng, thở ô xy. Có thể đặt ống NKQ và thở máy tùy tình trạng người bệnh.
  • Tụt huyết áp: bù dịch và điện giải, sử dụng thuốc vận mạch nếu cần.
  • Dinh dưỡng: truyền glucose 10 – 20% nếu có hạ đường huyết.
  • Vitamin B1 tiêm bắp với liều lượng 100 – 300 mg (người lớn) hoặc 50 mg (trẻ nhỏ) trước khi truyền đường.
  • Tiêu cơ vân: truyền dịch theo CVP (áp lực tĩnh mạch trung tâm), cân bằng điện giải, đảm bảo nước tiểu 150 – 200 mL/giờ.
  • Hạ thân nhiệt: ủ ấm người bệnh.
  • Lưu ý phát hiện và xử trí chấn thương và biến chứng khác.

Tẩy độc và tăng thải trừ chất độc:

+ Đặt sonde dạ dày và hút dịch dạ dày để giảm lượng chất cồn trong đường tiêu hóa nếu bệnh nhân đến trong vòng 1 giờ và bệnh nhân nôn ít. Bệnh nhân đến muộn hơn nhưng uống số lượng lớn vẫn có thể xem xét hút.

+ Tăng thải trừ: trường hợp nặng thở máy thải trừ nhanh ethanol, thận nhân tạo có tác dụng nhưng không cần thiết; có thể cân nhắc chỉ định trong các trường hợp: suy thận, tiêu cơ vân, toan chuyển hóa, rối loạn điện giải nặng.


Tài liệu tham khảo:

  • Nguyễn Quốc Anh, Ngô Quý Châu (2012), “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa”, NXB Y học, Hà Nội.
  • Nguyễn Trung Nguyên (2012), “Ngộ độc cấp ethanol và methanol”, Chng độc cơ bản, NXB Y học, trang 121-138 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.