Từ điển bệnh lý

Thiếu dinh dưỡng khi mang thai : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Thiếu dinh dưỡng khi mang thai

Khi ở trong tử cung của mẹ, thai hoàn toàn được che chở bao bọc cũng như sống phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Tất cả dinh dưỡng mẹ bổ sung, hấp thụ được cũng như không khí mẹ thở đều được chia sẻ cho con qua tuần hoàn mẹ - thai nhi.

Tất cả dinh dưỡng mẹ hấp thụ được cũng như không khí mẹ thở đều được chia sẻ cho con qua tuần hoàn mẹ - thai nhi

Tất cả dinh dưỡng mẹ hấp thụ được cũng như không khí mẹ thở đều được chia sẻ cho con qua tuần hoàn mẹ - thai nhi

Nếu người mẹ biết tăng cường bổ sung dinh dưỡng hợp lý, cung cấp vitamin và năng lượng phù hợp thì cả thai kỳ mẹ khỏe, con khỏe, chuyển dạ thuận lợi và csau này con cũng phát triển tốt về tinh thần, vận động, thể chất.

Tuy nhiên, vì một lí do nào đó, người mẹ bị thiếu dinh dưỡng khi mang thai, lượng thực phẩm, vi chất bổ sung khi mang thai không đủ thì có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Những trường hợp thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng trong suốt thai kỳ không được bổ sung có thể dẫn tới biến chứng cho mẹ như thiếu máu, suy tim về phía con có nguy cơ thai chậm tăng trưởng, sinh non thậm chí là thai chết lưu.

Có chế độ ăn hợp lý, lao động, nghỉ ngơi phù hợp là điều rất quan trọng và các mẹ bầu nên biết, quan tâm và có sự cân đối cho riêng mình, tránh để dẫn tới những biến chứng không mong muốn.


Nguyên nhân Thiếu dinh dưỡng khi mang thai

Nguyên nhân chủ quan thường là do bản thân người mẹ có thể chủ quan hoặc không có điều kiện để bổ sung tăng cường dinh dưỡng khi mang thai. Khi có thai mỗi mẹ bầu cần bổ sung dinh dưỡng để nuôi hai người. Chính vì vậy, bữa ăn, khẩu phần ăn, chất lượng bữa ăn cần tăng hơn. Cần bổ sung thêm vitamin để tăng cường sức khỏe mẹ và thai. Nhiều mẹ bầu còn không dám ăn do sợ tăng cân quá mức và như thế thai nhi cũng không được bổ sung dinh dưỡng.

Những nguyên nhân khách quan do người mẹ không mong muốn. Đây thường là những thay đổi khi mang thai đặc biệt trong 3 tháng đầu, thai phụ chưa thích nghi dẫn tới ảnh hưởng việc ăn uống bổ sung dinh dưỡng:

- Do nôn nghén: Thường thai phụ mới có thai rất nhạy cảm với mùi và đặc biệt mùi thức ăn, nôn có cảm giác buồn nôn, nôn khan, hoặc nôn sau ăn, cảm nhận thức ăn cũng thay đổi làm người mẹ ăn không ngon hoặc sợ ăn.

-Do đầy bụng, khó tiêu: Do hormone thay đổi khi mang thai làm giảm nhu động ruột dẫn đến thai phụ luôn trong tình trạng ấm ách khó tiêu. Thai phụ cần chia các bữa ăn nhỏ, đồ ăn dễ tiêu, không nên ăn quá no.

-Táo bón: Hầu hết phụ nữ mang thai rất dễ bị táo bón do nhu động ruột giảm, cần chế độ ăn có chất xơ, dễ tiêu và uống nhiều nước, thể dục đi lại nhẹ nhàng để hạn chế tình trạng táo bón.


Triệu chứng Thiếu dinh dưỡng khi mang thai

- Người mẹ có thể thấy mệt mỏi, làm việc dễ mệt

- Thể trạng thường gày, da xanh, niêm mạc kém hồng, môi khô, dễ nhiệt miệng do thiếu vitamin B12, kẽm, acid folic.

- Thị lực kém, làm việc thiếu tập trung

- Những triệu chứng do thiếu máu thiếu sắt: Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, đau đầu, khó thở khi phải gắng sức.

- Đau cơ, chuột rút: Thường thai phụ thấy tê tay, chuột rút đùi, bắp chân, tăng khi đi lại nhiều và hay bị về đêm, có thể có thai phụ thiếu calci.

-Thai phụ ít hoặc rất ít tăng cân trong thai kỳ, khám có thể các chỉ số như bề cao tử cung, vòng bụng cũng không đạt so với tuổi thai thực, nghĩa là thường kèm với thai chậm phát triển trong tử cung.

- Tâm trạng người mẹ thường bất an, lo lắng, stress: Người mẹ lo cho thai nhi sẽ phát triển kém, hoặc những ảnh hưởng không tốt tới thai kỳ.

Thiếu dinh dưỡng khi mang thai nguy hiểm như thế nào?


Các biến chứng Thiếu dinh dưỡng khi mang thai

Về phía mẹ:

-Thiếu dinh dưỡng có thể gây thiếu máu, thiếu sắt, thậm chí dẫn tới giảm hoạt động tim, suy tim nếu tình trạng thiếu máu nặng, thiếu máu kéo dài không được bổ sung và điều trị.

- Thiếu calci có thể gây đau mỏi các khớp, gây loãng xương

- Thiếu chất ảnh hưởng cả thể trạng và tâm lý của người mẹ, có thể gây triệu chứng mệt mỏi, stress, rối loạn lo âu.

Về phía thai:

Tăng nguy cơ sinh non

Một số nghiên cứu cho thấy nếu acid folic thấp, nguy cơ sinh non tăng gấp hai lần so với nhóm bình thường. Thiếu acid folic cũng làm tăng nguy cơ gây dị tật ống thần kinh cho thai. Ngoài ra nếu mẹ kèm thêm thiếu vitamin B12, thiếu kẽm có thể thấy môi khô, hoặc nhiệt miệng.

Để bổ sung axit folic có thể qua thuốc hoặc thực phẩm như bông cải xanh, đậu lăng, bơ và nhiều hoa quả khác.

Thai chậm phát triển

Do mẹ không cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai làm cho thai nhi không đủ chất, năng lượng để phát triển như so với thai cùng lứa tuổi.

Thai chết lưu

Tình trạng thiếu dinh dưỡng và năng lượng, vi chất kéo dài có thể ảnh hưởng nặng nề tới thai nhi. Nhiều trường hợp có thể dẫn tới thai thiếu máu, suy tim thậm chí chết lưu trong tử cung.

Thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi


Đối tượng nguy cơ Thiếu dinh dưỡng khi mang thai

1. Do vấn đề dinh dưỡng của thai phụ:

Do thai phụ không hoặc chưa bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Mang thai người mẹ cần có thể bữa ăn phụ, tăng cường các thực phẩm giàu dinh dưỡng và đủ 4 nhóm: đường, đạm, lipid và khoáng chất sẽ giúp mẹ khỏe và thai nhi có năng lượng phát triển các cơ quan như tim, não, thần kinh, xương khớp...

2. Sức khỏe của người mẹ:

Sức khỏe của người mẹ là yếu tố quan trọng giúp có một thai kỳ khỏe mạnh. Trường hợp mẹ có những bệnh lý nền như suy giảm miễn dịch các bệnh lý mạn tính: tiểu đường, gan thận, huyết áp có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dinh dưỡng của mẹ khi có thai.

3. Tuổi của người mẹ:

Tuổi sinh con tốt nhất với phụ nữ là từ 25-30 tuổi. Khi người mẹ quá trẻ hoặc lớn tuổi sức khỏe của mẹ cũng ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển của thai nhi. Việc bổ sung dinh dưỡng có thể không được đầy đủ do mẹ chủ quan hoặc hấp thụ kém có thể làm thai thiếu dinh dưỡng.

4. Điều kiện sinh hoạt và lao động của mẹ:

Khi có thai mẹ cần năng lượng để giúp thai nhi phát triển và giúp cơ thể mẹ phát triển thích nghi khi mang thai cũng như khi sinh nở và thậm chí sau sinh. Một môi trường làm việc tốt, ít áp lực, công việc giảm tải hơn so với bình thường sẽ giúp mẹ và thai nhi khỏe mạnh.


Phòng ngừa Thiếu dinh dưỡng khi mang thai

Chế độ ăn uống, bổ sung dinh dưỡng cần theo hướng dẫn của bác sĩ:

- Cần chia thêm bữa phụ ngoài 3 bữa chính: mỗi ngày khoảng 5-6 bữa, mỗi bữa không nên ăn quá nhiều hoặc quá no.

- Bổ sung đa dạng các loại thực phẩm nhưng cần đủ 4 nhóm chất: tinh bột, đạm, chất béo và khoáng chất.

- Nhóm tinh bột: hạn chế chọn gạo xát kỹ sẽ mất vitamin B1. Hạn chế ăn nhiều tinh bột, thức ăn ngọt như bánh kẹo.

- Thức ăn giàu đạm như: thịt, hải sản, trứng, sữa… cần bổ sung phù hợp.

- Chất béo: nên dùng dầu thực vật với lượng vừa phải.

- Nên bổ sung rau xanh, hoa quả tươi mỗi ngày.

- Uống đủ nước (1,5- 2 lít nước/ngày).

- Hạn chế sử dụng chất kích thích: rượu bia, café, nước có gaz - Không hút, tránh xa khói thuốc lá(cả thụ động và bị động)

Chế độ dinh dưỡng khi mang thai


Các biện pháp chẩn đoán Thiếu dinh dưỡng khi mang thai

Không có tiêu chuẩn chuẩn đoán rõ ràng, bác sĩ dựa vào tiền sử, sức khỏe hiện tại và các dấu hiệu lâm sàng của thai phụ.

Thai phụ có thể trạng gày, da niêm mạc xanh hoặc nhợt, vẻ mặt đôi khi mệt mỏi,dễ mệt. Ít tăng cân trong suốt thai kỳ.

Xét nghiệm vi chất: thiếu máu, thiếu sắt, thiếu vitamin…

Siêu âm thai có thể nhẹ cân thậm chí thai chậm phát triển trong tử cung

Kiểm tra sức khỏe thai nhi thường xuyên


Các biện pháp điều trị Thiếu dinh dưỡng khi mang thai

Người mẹ cần đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, dinh dưỡng cho cả mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ.

1. Năng lượng

Khi mang thai mặc dù mẹ không cần ăn tăng lượng gấp đôi nhưng cần phải tăng cường bổ sung dinh dưỡng để tăng năng lượng:

- Quý I, nhu cầu tăng năng lượng không đáng kể, thai phụ có thể ăn uống bình thường. Những mẹ suy dinh dưỡng cần tăng thêm khoảng 150 kcal, tương đương với tăng 1-2 bữa ăn phụ:1 ly sữa, thêm trái cây.

- Quý 2-3 nhu cầu cần 300 kcal/ngày: thêm 1 chén cơm+thức ăn, uống thêm 1-2 ly sữa, hoặc thêm1-2 bữa phụ.

2. Chất đạm

Thai phụ cần bổ sung khoảng 15g chất đạm/ ngày. Thực phẩm giàu đạm như: thịt đỏ, hải sản, trứng, sữa, các chế phẩm từ sữa: bơ, phomai, sản phẩm từ đậu nành... Các sản phẩm này còn giúp bổ sung: sắt, canxi, kẽm, vitamin A.

3 Canxi

Thai nhi cần canxi để phát triển hệ xương khớp, răng. Trong 3 tháng cuối nếu mẹ không cung cấp đủ canxi, thai nhi sẽ rút canxi từ mẹ, hậu quả sẽ gây tình trạng loãng xương, ảnh hưởng răng của mẹ về sau. Nhu cầu canxi khi mang thai là 1000mg/ngày. Những thực phẩm giàu canxi: sữa, phomai, bơ, tôm tép cá nhỏ.

4. Sắt Tổng lượng sắt cần cung cấp cho người mẹ trong suốt thai kỳ khoảng 840mg. Mẹ bầu cần bổ sung sắt để tránh tình trạng thiếu máu thiếu sắt. Nguồn sắt có thể bổ sung từ thức ăn: thịt, hải sản, các loại rau có màu xanh sẫm: cải bó xôi, súp lơ xanh…Và để đảm bảo cung cấp đủ sắt, các khuyến nghị thường sẽ bổ sung sắt cho thai phụ khoảng 30-60 mg sắt/ ngày, việc bổ sung này có thể kéo dài đến sau sinh vài tháng.

5. Vitamin D

Vitamin D cần thiết cho sự hấp thụ canxi. Trong thai kỳ đặc biệt vào mùa đông hoặc những thai phụ làm việc trong môi trường ít có ánh nắng mặt trời( buổi sang sớm hoặc chiều muộn) thì cần bổ dung vitamin D. Có thể lựa chọn loại canxi có kết hợp sẵn với vitamin D sẽ dễ sử dụng hơn.

6. Nước

Nước cần cho sự phát triển của cơ thể, giúp cơ thể tiêu hóa, chuyển hóa tốt. Ngoài ra uống nhiều nước sẽ giúp cơ thể không bị táo bón. Ở phụ nữ mang thai, bổ sung đủ nước khoảng 2 lít/ ngày giúp mẹ khỏe và giúp tuần hoàn mẹ- thai nhi tốt hơn.

Thai phụ có thể bổ sung bất cứ thứ nước gì từ nước lọc, nước ép hoa quả, nước canh. Cũng cần chú ý bổ sung nước đều trong ngày, tránh tình trạng để khi cơ thể thấy khát nước mới bổ sung và khi đó cũng cần bổ sung từ từ, điều đó sẽ giúp tuần hoàn, mạch máu ổn định hơn.

Cần bổ sung chất khi thai nhi bị thiếu dinh dưỡng


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.