Từ điển bệnh lý

Viêm não Nhật Bản : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 07-07-2023

Tổng quan Viêm não Nhật Bản

Vi rút viêm não Nhật Bản (JEV) là một loại vi rút do muỗi truyền, là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra bệnh viêm não vi rút ở khu vực châu Á cả về tỷ lệ mắc và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Với việc bệnh bại liệt đã bị xóa xổ, JEV hiện tại chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng nhiễm vi rút và khuyết tật thần kinh ở trẻ em ở châu Á.

Vi rút viêm não Nhật Bản (JEV) là một loại vi rút do muỗi truyền

Vi rút viêm não Nhật Bản (JEV) là một loại vi rút do muỗi truyền

Ước tính trên thế giới có khoảng 68.000 trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản (JE) xảy ra mỗi năm. JEV là loài vi rút đặc hữu ở hầu hết châu Á và một phần của Tây Thái Bình Dương. Hầu hết các trường hợp người nhiễm JEV không có triệu chứng hoặc chỉ gây ra bệnh với triệu chứng sốt không đặc hiệu. Một tỷ lệ rất nhỏ (<1%) trường hợp nhiễm JEV dẫn đến bệnh xâm lấn thần kinh có triệu chứng. Tuy nhiên, một khi bệnh trên cơ quan thần kinh trung ương xảy ra, nó thường rất nặng với tỷ lệ tử vong cao, ngay cả trong số những người sống sót, tỷ lệ gặp những di chứng về thần kinh là phổ biến. Tất cả những người đến các nước lưu hành JEV nên được tư vấn về các biện pháp phòng ngừa JE, và JE nên được xem xét trong số các chẩn đoán phân biệt đối với những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm trùng thần kinh trở về sau chuyến đi đến một quốc gia lưu hành JEV ở Châu Á hoặc Tây Thái Bình Dương.

Ở Châu Á, Đông Nam Á và tại Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản vẫn còn lưu hành và mang tính chất theo mùa, là một trong những nguyên nhân nhiễm trùng thần kinh trung ương quan trọng, đặc biệt là ở trẻ em.


Nguyên nhân Viêm não Nhật Bản

Nguyên nhân gây bệnh là một loài vi rút, có tên là vi rút viêm não Nhật Bản (JEV). Do bệnh lần đầu được phát hiện ở Nhật Bản, các nhà khoa học Nhật Bản đã phân lập được vi rút này lần đầu tiên vào năm 1935, nên bệnh được đặt tên là viêm não Nhật Bản. Vi rút viêm não Nhật Bản thuốc nhóm Arbovirus, họ Togaviridae, giống Flavivirus, lây truyền qua trung gian truyền bệnh là muỗi Culex. Một vài đặc điểm sinh học của vi rút này có thể kể đến như: kích thước 15 - 50 nanomet, sức đề kháng của vi rút khá yếu, nhạy cảm với nhiệt độ, chúng trở nên bất hoạt và chết trong môi trường nhiệt độ 56 độ C trong 30 phút và ở nhiệt độ sôi của nước. Tuy nhiên ở trạng thái đông lạnh, vi rút có thể tồn tại được tới vài năm.

Muỗi Culex trung gian lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản

Trong chuỗi lây truyền bệnh của vi rút viêm não Nhật Bản, các loài động vật gia súc (trâu, bò, lợn, ngựa,…) và các loài chim lội nước đóng vai trò là động vật chứa mầm bệnh. Muỗi là trung gian truyền bệnh, sau khi hút máu vật chủ bị nhiễm vi rút viêm não Nhật Bản, chúng có thể truyền cho người lành và người có thể sẽ bị nhiễm bệnh. Do đó bệnh viêm não Nhật Bản có thể có vô số ổ bệnh trong tự nhiên.

Về muỗi Culex, ở nước ta, loài muỗi này xuất hiện chủ yếu ở khu vực phía Bắc, hoạt động mạnh vào mùa hè thu, là giai đoạn thời thiết nóng nhất trong năm, chủ yếu là trong những tháng từ tháng 3 - tháng 7 hằng năm. Chúng sinh sản mạnh nhất và có mật độ cao vào mùa hè, thời gian hoạt động trong ngày chủ yếu là vào buổi tối. 


Triệu chứng Viêm não Nhật Bản

Các biểu hiện về mặt lâm sàng phổ biến nhất của nhiễm trùng do JEV đã được ghi nhận là viêm não cấp tính. Các thể bệnh nhẹ hơn như viêm màng não vô khuẩn hoặc sốt không đặc hiệu kèm nhức đầu cũng có thể xảy ra.

1. Thời kỳ ủ bệnh

Thời gian ủ bệnh thường là từ 5 đến 15 ngày, đây là giai đoạn vi rút đang nhân lên, các triệu chứng lâm sàng có thể bắt đầu ở cuối thời kỳ này.

Triệu chứng bệnh viêm não nhật bản

Triệu chứng bệnh viêm não Nhật Bản

2. Khởi phát

  • Các triệu chứng ban đầu thường không đặc hiệu và có thể bao gồm:

+ Sốt

+ Tiêu chảy

+ Nhức đầu

+ Nôn mửa

+ Suy nhược toàn thân

  • Sau vài ngày, tình trạng tâm thần có thay đổi, xuất hiện thiếu sót thần kinh khu trú.

+ Liệt, liệt nửa người

+ Liệt dây thần kinh sọ

+ Rối loạn vận động phát triển

  • Những triệu chứng thần kinh này có thể nhanh chóng dẫn đến tình trạng hôn mê và có thể cần hỗ trợ thở máy.

3. Toàn phát

  • Co giật (thường là co giật toàn thể) rất phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em. Ở một số trẻ em, co giật vận động tinh tế xảy ra và có thể biểu hiện bằng co giật cục bộ, lệch mắt hoặc thở không đều. Những cơn co giật tinh tế này có thể bị bỏ sót nếu không theo dõi điện não đồ.
  • Liệt cấp tính giống như bệnh bại liệt do tổn thương tế bào sừng trước mà không có bất kỳ thay đổi nào về ý thức. Sau một cơn sốt ngắn, tình trạng tê liệt xảy ra ở một hoặc nhiều chi, thường không đối xứng và thường gặp ở chi dưới hơn chi trên. Ở những bệnh nhân này, khoảng 30% có thể bị viêm não sau đó.
  • Bệnh nhân nhiễm JEV cũng có thể mắc hội chứng Guillain Barré.
  • Các dấu hiệu lâm sàng liên quan đến tiên lượng xấu bao gồm: Nhiều cơn co giật kéo dài và tăng áp lực nội sọ, những thay đổi về hô hấp, tư thế cơ gấp và cơ duỗi, và bất thường của phản xạ đồng tử mắt, chúng phản ánh viêm não có thể đã lan đến thân não.

Các biến chứng Viêm não Nhật Bản

  • Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh viêm não Nhật Bản có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm:

+ Liệt dây thần kinh sọ não gây mất hoặc suy giảm các giác quan

+ Liệt vận động

+ Rối loạn cảm giác

+ Rối loạn tâm thần

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh viêm não Nhật Bản có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh viêm não Nhật Bản có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm

  • Biến chứng khi nằm lâu ngày, thở máy xâm nhập: Loét tì đè, nhiễm  khuển tiết niệu, viêm phổi,…
  • Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp những di chứng muộn có thể xuất hiện sau vài năm hay thậm chí vài chục năm như bệnh động kinh và Parkinson.

Bệnh viêm não Nhật Bản là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao, có thể lên đến 25% ở giai đoạn cấp tính trên những bệnh nhân có biểu hiện co giật, suy hô hấp và hôn mê. Cho dù được chữa khỏi, bệnh cũng để lại nhiều di chứng nặng nề về thần kinh- tâm thần và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do bệnh không có thuốc chữa, tiêm chủng chính là cách tốt nhất để làm giảm nguy cơ mắc và tử vong do bệnh viêm não Nhật Bản. Bản thân mỗi gia đình cần ý thức sự nguy hiểm của bệnh, chủ động tiêm phòng cho con trẻ và có biện pháp bảo vệ môi trường, ngăn ngừa muỗi đốt hiệu quả.


Đường lây truyền Viêm não Nhật Bản

Con đường lây truyền của JEV liên quan đến muỗi và vật chủ chính là động vật có xương sống, chủ yếu là lợn và chim lội nước, con người chỉ là vật chủ ngẫu nhiên. Vì khi ở trong cơ thể người, vi rút JEV không phát triển số lượng trong máu người đủ để lây nhiễm cho muỗi khác được, vì vậy, muỗi không truyền vi rút trực tiếp từ người này sang người khác được.

Trung gian truyền bệnh chính của bệnh viêm não Nhật Bản là muỗi thuộc phân nhóm Culex vishnui, đặc biệt là Culex tritaeniorhynchus, mặc dù vi rút JEV có thể được phân lập từ hơn 30 loài muỗi. C. tritaeniorhynchus thường sinh sản ở ruộng lúa, đầm lầy và các vũng nước nông khác. Đây là loài muỗi hoạt động vào buổi tối và ban đêm và chủ yếu kiếm ăn ở ngoài trời, chúng hay đốt các loài động vật và chim lớn, ít khi đốt người.

Lợn và chim lội nước là những vật chủ quan trọng nhất để duy trì và phát triển vi rút JEV. Lợn là vật chủ chính vì vi rút có thể phát triển với nồng độ cao trong máu của chúng, và cũng vì có số lượng lớn do việc chăn nuôi của con người. Ngoài ra, quần thể lợn mẫn cảm được thay đổi thường xuyên do hoạt động giết mổ trong chăn nuôi. Nhiễm JEV ở lợn thường không có biểu hiện gì, nhưng nhiễm trùng trong thai kỳ có thể dẫn đến sẩy thai và thai chết lưu.

Nguy cơ lây nhiễm JEV cao nhất ở các vùng nông thôn, vùng nông nghiệp ở Châu Á, vì tất cả các yếu tố của chu trình lây truyền dịch bệnh đều ở gần con người. Tuy nhiên, các trường hợp viêm não Nhật Bản thỉnh thoảng cũng xảy ra ở các khu vực thành thị hoặc ven đô. Bệnh cũng có thể lây truyền qua các sản phẩm máu bị nhiễm bệnh.


Đối tượng nguy cơ Viêm não Nhật Bản

Ở những khu vực có khí hậu nhiệt đới (Campuchia, Indonesia, miền nam Việt Nam và Thái Lan), bệnh lây truyền quanh năm, có sự gia tăng số ca bệnh trong mùa mưa.

Viêm não Nhật Bản thường xảy ra ở trẻ em <15 tuổi. Bởi vì khi đến tuổi trưởng thành, phần lớn dân số có khả năng miễn dịch bảo vệ sau khi tiếp xúc tự nhiên với JEV do lây truyền liên tục trong môi trường.

Tuy nhiên, khi vi rút xâm nhập vào các khu vực địa lý mới, nơi mà chưa có miễn dịch, viêm não Nhật Bản ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ em, và nguy cơ là như nhau giữa người lớn và trẻ em.

Ở những vùng mà có các chương trình tiêm chủng cho trẻ nhỏ, sự phân bố theo độ tuổi của bệnh dịch chuyển sang độ tuổi lớn hơn.


Phòng ngừa Viêm não Nhật Bản

  1. Phòng ngừa cá nhân

Nguyên tắc chính là phòng ngừa bị muỗi mang mầm bệnh đốt

  • Sử dụng thuốc chống côn trùng
  • Mặc quần áo có tẩm chất permethrin
  • Ở trong phòng có màn che hoặc điều hòa nhiệt độ
  • Ngủ trong màn.

Tiêm chủng

Các loại vắc xin viêm não Nhật Bản từ lâu đã được đưa vào chương trình tiêm chủng của nhiều quốc gia trên thế giới, những đối tượng sau đây cần được ưu tiên tiêm chủng

  • Khách du lịch đến các quốc gia lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản
  • Người lớn (18-65 tuổi): Thường tiêm 2 liều vắc xin, tiêm bắp hai liều cách nhau từ 7 đến 28 ngày, tuy nhiên hiệu lực sinh kháng thể sẽ bị suy giảm ở nhưng người cao tuổi (>65 tuối).
  • Trẻ em: Là đối tượng nguy cơ cao của bệnh do chưa có miễn dịch do tiếp xúc trong quá khứ, trẻ em là đối tượng rất cần được tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản. Đối với trẻ em từ 2 tháng đến <18 tuổi, lịch tiêm là tiêm bắp hai liều vào các ngày 0 và 28. Phải hoàn tất loạt hai liều trước khi đi đến vùng lưu hành dịch ít nhất một tuần.

Các biện pháp chẩn đoán Viêm não Nhật Bản

  1. Chẩn đoán xác định

- Dịch tễ: Sống trong vùng lưu hành bệnh hoặc có di chuyển đến khu vực trong vùng dịch tễ bệnh viêm não Nhật Bản trong vòng 2-3 tuần

- Lâm sàng: Có các biểu hiện của môt tình trạng nhiễm trùng không đặc hiệu hoặc các triệu chứng của hội chứng viêm não cấp đã mô tả ở trên

- Cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán xác định

  • Xét nghiệm máu: Số lượng bạch cầu tăng vừa phải ở hầu hết các bệnh nhân, và có thể quan sát thấy hạ natri máu do hội chứng tiết hormone chống bài niệu không thích hợp. Giảm tiểu cầu, thiếu máu nhẹ và tăng men gan cũng có thể xảy ra, tuy nhiên các đặc điểm xét nghiệm này  không đặc hiệu.
  • Dịch não tủy: Áp lực tăng cao, bạch cầu tăng từ nhẹ đến trung bình (từ 10 đến vài trăm tế bào bạch cầu /mm3) tăng chủ yếu bạch cầu lympho. Protein dịch não tủy tăng nhẹ. Ở giai đoạn đầu của bệnh, có thể không xuất hiện tăng bạch cầu hoặc bạch cầu trung tính có thể chiếm ưu thế.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Chụp cộng hưởng từ nhạy hơn chụp cắt lớp vi tính để phát hiện các bất thường liên quan đến JEV như những thay đổi ở đồi thị, hạch nền, não giữa và tủy, trong đó tổn thương đồi thị là phổ biến nhất.
  • Xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân:
    • Xét nghiệm huyết thanh học: Bằng cách phát hiện kháng thể JEV-immunoglobin (IgM) đặc hiệu trong dịch não tủy hoặc huyết thanh, có thể gợi ý đến bệnh viêm não Nhật Bản. Sự hiện diện của kháng thể IgM đặc hiệu JEV trong dịch não tủy xác nhận có tình trạng nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương gần đây. Kháng thể IgM trong huyết thanh gợi ý đến viêm não Nhật Bản nhưng có thể chỉ là tình trạng nhiễm trùng không có triệu chứng hoặc do mới tiêm vắc xin. Tuy nhiên xét nghiệm miễn dịch này có thể phản ứng chéo vơi các tác nhân virus cùng nhóm khác, gây khó khăn trong biện luận kết quả
    • Phân lập vi rút hoặc phát hiện ARN của vi rút bằng xét nghiệm khuếch đại gen (PCR) có thể giúp chẩn đoán xác định, nhưng tỷ lệ dương tính từ dịch não tủy hoặc máu là rất thấp

2. Chẩn đoán phân biệt 

  • Các bệnh não do vi rút khác
  • Các bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương khác
  • Các bệnh không lây nhiễm có tổn thương ở não

Các biện pháp điều trị Viêm não Nhật Bản

Nguyên tắc điều trị:

Vì bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên việc điều trị phần lớn dựa theo nguyên tắc duy trì các chức năng sống còn cho bệnh nhân, điều trị triệu chứng và ngăn ngứa biến chứng có thể xảy ra

Điều trị cụ thể: Việc điều trị của bác sĩ sẽ nhằm kiểm soát những vấn đề chính của bệnh nhân như sau:

  • Bảo đảm thông khí, chống suy hô hấp: Hút sạch đờm dãi, đảm bảo thông thoáng đường thở, nhất là đối với bệnh nhân hôn mê, cho thở Oxy hoặc thông khi xâm nhập tùy mức độ suy hô hấp của bệnh nhân

Trẻ thở oxy

  • Chống phù não: Nằm đầu cao, thở Oxy, truyền nhanh Mannitol 20%
  • Chống sốc: Bù đủ dịch, đảm bảo huyết động ổn định
  • Hạ nhiệt: Paracetamol hoặc Ibuprofen nếu cần
  • Chống co giật: Diazepam, Phenobarbital,…cần đảm bảo hô hấp trước khi dùng nhóm an thần, chống co giật
  • Điều chỉnh rối loạn điện giải, đường huyết (nếu có)
  • Đảm bảo dinh dưỡng và chăm sóc, phục hồi chức năng sau giai đoạn cấp tính
  • Thuốc kháng sinh khi chưa loại trừ được viêm màng não mủ, khi có nhiễm khuẩn bội nhiễm.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.