Từ điển bệnh lý

Viêm quầng : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Viêm quầng

Viêm quầng là một bệnh truyền nhiễm hay gặp, da và mô dưới da bị nhiễm khuẩn, nguyên nhân hay gặp nhất là Streptococcus nhóm A( liên cầu nhóm A) gây ra. Đường vào vi khuẩn thường do các vết thương, vết xước, vùng da không lành lành. Người bệnh thường có hội chứng nhiễm trùng và các tổn thương da và mô dưới da đặc trưng.

Người bệnh thường có hội chứng nhiễm trùng và các tổn thương da và mô dưới da đặc trưng.

Người bệnh thường có hội chứng nhiễm trùng và các tổn thương da và mô dưới da đặc trưng.

Bệnh thường được chẩn đoán dựa vào lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên vi sinh liên cầu như nhuộm soi, nuôi cấy vi khuẩn, xét nghiệm tìm kháng thể ASLO. Ngày nay, với sự phát triển của nhiều nhóm kháng sinh, bệnh viêm quầng nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, tiên lượng tương đối tốt, tuy nhiên trên một số cơ địa, bệnh có thể tiến triển nhanh, gây nhiễm trùng huyết, có thể dẫn đến tử vong. Các kháng sinh còn nhạy cảm với liên cầu nhóm A thường được chỉ định như Penicllin G, Erythromycin,…


Nguyên nhân Viêm quầng

Streptococcus hay còn được gọi là liên cầu, là vi khuẩn Gram dương, hiếu khí, dạng cầu khuẩn và thường xếp thành từng chuỗi, kích thước chuỗi dài ngắn khác nhau, đôi khi vi khuẩn đứng thành từng đôi hoặc riêng rẽ.

Streptococcus hay còn được gọi là liên cầu, là vi khuẩn Gram dương

Streptococcus hay còn được gọi là liên cầu, là vi khuẩn Gram dương

Liên cầu không sinh nha bào, vỏ thường có acid hyaluronic. Liên cầu có các kháng nguyên như kháng nguyên vỏ, kháng nguyên M ( giúp phân loại type), kháng nguyên Carbohydrat C giúp phân nhóm,… Liên cầu có thể tiết ra các ngoại độc tố có thể gây tan máu như Streptolysin O, S,…Tổn thương lan nhanh chóng do sức tác động của độc tố liên cầu. Liên cầu nhóm A gây bệnh viêm quầng có thể gây tổn thương các cơ quan khác như viêm đường hô hấp trên, bệnh tinh hồng nhiệt, viêm màng tim,….

Trong bệnh viêm quầng, chưa thấy bằng chứng thuyết phục khẳng định căn nguyên tụ cầu vàng.


Triệu chứng Viêm quầng

Bệnh thường trải qua các thời kỳ sau:

- Thời kỳ ủ bệnh: thường ngắn ngày, trung bình khoảng 2 – 7 ngày, người bệnh không có các triệu chứng gì đặc biệt trong giai đoạn này

- Thời kỳ khởi phát: các triệu chứng không rõ ràng và không đặc hiệu, có thể mệt mỏi, sốt nhẹ, đau mỏi người,…

- Thời kỳ toàn phát: các triệu chứng bệnh xuất hiện nhiều và có thể rầm rộ và cấp tính. Người bệnh có hội chứng nhiễm trùng rõ: mệt mỏi, sốt cao, sốt 39 – 40 độ C, đôi khi sốt cao rét run hoặc sốt ớn lạnh, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, trẻ nhỏ có thể sốt cao, li bì, người mệt mỏi, bỏ ăn, bỏ bú,… Thương tổn da: bề mặt tổn thương thường cao hơn so vùng da lành, mảng tổn thương màu đỏ, có ranh giới rõ với vùng da lành, xu hướng lan rộng ra xung quanh, sờ tổn thương có cảm giác nóng, người bệnh có cảm giác đau, bỏng rát vùng da tổn thương, theo tiến triển thời gian có thể xuất hiện mụn nước nhỏ ở giữa vùng tổn thương, thời gian sau loét và gây xuất huyết hoại tử vùng da đó hoặc thương tổn bị thâm nhiễm dần, sờ vào các mảng tổn thương có cảm giác chắc. Vị trí da tổn thương thường gặp đó là: vùng đầu, mặt cổ, da vùng đầu, bụng với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; vùng chi trên và chi dưới nhiều hơn vùng mặt đối với người lớn.

Người bệnh có hội chứng nhiễm trùng rõ: mệt mỏi, sốt cao, sốt 39 – 40 độ C, đôi khi sốt cao rét run

Người bệnh có hội chứng nhiễm trùng rõ: mệt mỏi, sốt cao, sốt 39 – 40 độ C, đôi khi sốt cao rét run

Hạch ngoại vi vùng lân cận thường sưng to, thời gian có thể trước, cùng lúc hoặc sau một thời gian ngắn khi xuất hiện tổn thương da. Hạch thường đau, sưng to, di động được, tính chất mềm, khi thăm khám sờ vào hạch, người bệnh thường có cảm giác đau.

Các bất thường trên xét nghiệm như: công thức máu thấy sự gia tăng số lượng bạch cầu, trong đó chủ yếu là bạch cầu đa nhân trung tính, trường hợp bệnh nhẹ công thức máu có thể bình thường; các marker viêm như CRP, CRP- hs, procalcitonin thường tăng, trường hợp nhiễm trùng nặng, lan tỏa hoặc có biến chứng tại cơ quan khác các marker viêm tăng cao hơn. Bên cạnh đó, khi có các biến chứng, hoặc nhiễm trùng lan tỏa các cơ quan, tùy từng cơ quan tổn thương có thể có những bất thường khác nhau trên các xét nghiệm.

- Thời kỳ lui bệnh: bệnh viêm quầng trong một số trường hợp có thể tự giới hạn, các triệu chứng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân giảm dần và hết, sau khoảng một vài tuần (thường khoảng 1 – 3 tuần) thương tổn da của bệnh viêm quầng sẽ bong vảy, sau đó trên da xuất hiện các dát, mảng tăng giảm sắc tố.

Tuy nhiên một số người bệnh nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể tiến triển nặng hơn, gây nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân và xảy ra các biến chứng. Ở đối tượng bị suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến lâu hơn, thậm chí rất dễ tái phát.


Các biến chứng Viêm quầng

Bệnh viêm quầng tiên lương tương đối tốt, trường hợp nhẹ và trung bình đa số người bệnh có thể điều trị ngoại trú. Tuy nhiên ở một số đối tượng, có thể có các biến chứng như tạo các ổ áp xe tại chỗ, hoại tử xuất huyết da, viêm tắc tĩnh mạch, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm khớp, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, tái phát bệnh viêm quầng,…Cần theo dõi, phát hiện sớm, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời các biến chứng trên.


Đường lây truyền Viêm quầng

Con đường lây nhiễm chủ yếu là qua các tổn thương da, vết thương, xết xước, các vùng da không lành lặn. Đó là chấn thương tại mô, vết loét, vết chợt da, tổn thương do các dị vật đâm vào da. Vùng mũi họng thường là nguồn gốc của liên cầu gây bệnh trong viêm quầng, chiếm khoảng 30% số trường hợp.

Không có bằng chứng ghi nhận người bệnh có thể lây bệnh viêm quầng cho người khác qua các con đường tiếp xúc thông thường.


Đối tượng nguy cơ Viêm quầng

Bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, giới tính khác nhau. Tuy nhiên, nhóm tuổi hay mắc bệnh nhất là trẻ nhỏ và người già. Các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi dễ bị nhiễm bệnh bao gồm: da bị mất sự toàn vẹn bởi các chấn thương, vết thương, vết loét, vết trợt, vết côn trùng cắn,…; sự lưu thông hệ tĩnh mạch và bạch huyết bị cản trở; suy động tĩnh mạch; người bị suy giảm miễn dịch; bệnh nhân mắc một số bệnh mạn tính như đái tháo đường, hội chứng thận hư; người nghiện rượu, uống rượu nhiều năm; tiền sử đã từng bị viêm quầng trước đây,…


Phòng ngừa Viêm quầng

Các biện pháp phòng ngừa bệnh như: tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và nâng cao sức khỏe; vệ sinh môi trường và vệ sinh thân thể tốt; thường xuyên vệ sinh tay; điều trị các bệnh khác về da nếu có; tránh việc làm ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của da như hạn chế vết thương, vết loét, vết xước; dùng các đồ bảo hộ lao động như găng tay, ủng khi lao động; sử dụng kem dưỡng ẩm khi da bị khô, nứt nẻ; tăng cường hệ thống miễn dịch; không lạm dụng rượu bia; phát hiện sớm, điều trị đúng và tuân thủ, theo dõi quản lý tốt người bệnh đái tháo đường; ….


Các biện pháp chẩn đoán Viêm quầng

Chẩn đoán bệnh viêm quầng cần dựa vào các yếu tố triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng, trong đó các xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên liên cầu là quan trọng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp rất nhẹ hoặc tổn thương đặc trưng trên lâm sàng có thể chẩn đoán được, việc xác định căn nguyên vi sinh có thể không cần thiết. Các xét nghiệm thường được sử dụng đó là:

- Nhuộm soi: bệnh phẩm từ vết thương hở, dịch mụn nước,…dưới phương pháp nhuộm Gram, thấy hình ảnh các cầu khuẩn đứng thành từng chuỗi, bắt màu Gram dương. Tuy nhiên chú ý có thể chẩn đoán nhầm với các vi khuẩn khác.

- Nuôi cấy và phân lập vi khuẩn: bệnh phẩm dịch vết thương, dịch phỏng nước, máu,… Khi kết quả dương tính, không chỉ giúp khẳng định căn nguyên gây bênh, bên cạnh đó còn làm kháng sinh đồ, đánh giá tính nhạy cảm kháng sinh của liên cầu, hỗ trợ bác sĩ lâm sàng trong điều trị bệnh. Tuy nhiên, kết quả nuôi cấy máu dương tính trong những trường hợp có nhiễm trùng lan tỏa tương đối thấp, đặc biệt khi người bệnh đã sử dụng kháng sinh trước đó.

- Xét nghiệm miễn dịch ASLO: mục địch xác định kháng thể Anti-Streptolysin O trong huyết thanh của người bệnh. Thông thường, sau khi cơ thể nhiễm liên cầu, kháng thể xuất hiện sau khoảng 1 tuần đến 10 ngày kể từ khi phơi nhiễm. Hiệu giá kháng thể thường tăng trong tháng đầu của bệnh, sau đó sẽ giảm dần. Trong lâm sàng, có thể chỉ định xét nghiệm ASLO định tính và định lượng.

 Xét nghiệm miễn dịch ASLO

Xét nghiệm miễn dịch ASLO

- Giải phẫu bệnh: không phải là xét nghiệm chỉ định thường quy ở bệnh nhân viêm quầng. Tuy nhiên có thể hữu ích trong chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý khác. Hình ảnh giải phẫu bệnh có đặc điểm thấy phù nề bạch huyết, các mạch máu ở trung bì nông bị giãn, bạch cầu đa nhân trung tính và các tế bào bạch cầu đơn nhân xâm nhập quanh các mạch máu. Có hiện tượng phù nề thứ phát của thượng bì trên xét nghiệm giải phẫu bệnh.

Bệnh viêm quầng cần chẩn đoán phân biệt với một số các bệnh sau: bệnh Zona, viêm da tiếp xúc, biểu hiện dị ứng trên da, viêm nang nông, viêm tuyến mồ hôi mủ, …trường hợp nhiễm trùng lan tỏa cần chẩn đoán với nhiễm trùng do các vi khuẩn khác,…


Các biện pháp điều trị Viêm quầng

Các biện pháp điều trị bệnh viêm quầng bao gồm: điều trị và chăm sóc da tại chỗ, điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng và liệu pháp kháng sinh điều trị căn nguyên.

- Hạn chế, tránh va chạm, đụng chạm nhiều vào vị trí tổn thương; gác chân cao và hạn chế vận động vùng chi bị tổn thương; chăm sóc, vệ sinh da, đắp gạc sạch lên da; tăng cường dinh dưỡng, bổ sung nước và các loại vitamin,…

- Hạ sốt, giảm đau bằng paracetamol với liều trung bình 10 – 15 mg/kg/lần khi sốt cao từ 38,5 độ C hoặc khi đau nhiều, mỗi lần cách nhau ít nhất 4 tiếng. Có thể sử dụng các thuốc giảm đau khác nếu không có chống chỉ định.

 Hạ sốt, giảm đau bằng paracetamol\

Hạ sốt, giảm đau bằng paracetamol

- Liệu pháp kháng sinh: cần sử dụng kháng sinh sớm khi đã chẩn đoán bệnh viêm quầng. Tham khảo kết quả kháng sinh đồ đánh giá tính nhạy cảm kháng sinh của vi khuẩn nếu có. Penicillin là kháng sinh được khuyến cáo hàng đầu trong điều trị bệnh viêm quầng. Liều thường dùng của Penicillin G khoảng 600.000 – 1.200.000 IU/lần x 2 lần/ngày đối với người lớn, 300.000 UI/ngày đối với trẻ nhỏ. Thời gian điều trị trung bình khoảng 05 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài trong 10 ngày. Trường hợp nhẹ, có thể chỉ định kháng sinh đường uống như Penicillin V, Erythromycin (liều dùng 250 – 500 mg/ lần x 4 lần/ngày đối với người lớn và 30 – 50 mg/kg/ngày đối với trẻ nhỏ), thời gian điều trị khoảng 1 – 2 tuần. Trường hợp vi khuẩn đề kháng kháng sinh trên, hoặc trong những trường hợp nhiễm trùng lan tỏa, biến chứng tại các cơ quan, có thể cân nhắc sử dụng các kháng sinh khác có hoạt tính chống lại vi khuẩn Gram dương như ceftriaxone nếu nhạy cảm, vancomycin, linezolid, … tuy nhiên cần dựa vào kết quả kháng sinh đồ, tránh lạm dụng kháng sinh.


Tài liệu tham khảo:

1. Klotz C, Courjon J, Michelangeli C, Demonchy E, Ruimy R, Roger PM. Adherence to antibiotic guidelines for erysipelas or cellulitis is associated with a favorable outcome. Eur J Clin Microbiol Infect Dis. 2019 Apr;38(4):703-709.

2. Karakonstantis S. Is coverage of S. aureus necessary in cellulitis/erysipelas? A literature review. Infection. 2020 Apr;48(2):183-191.

3. Dalal A, Eskin-Schwartz M, Mimouni D, Ray S, Days W, Hodak E, Leibovici L, Paul M. Interventions for the prevention of recurrent erysipelas and cellulitis. Cochrane Database Syst Rev. 2017 Jun 20;6:CD009758.

4. Blumberg G, Long B, Koyfman A. Clinical Mimics: An Emergency Medicine-Focused Review of Cellulitis Mimics. J Emerg Med. 2017 Oct;53(4):475-484.

5. Dalal A, Eskin-Schwartz M, Mimouni D, Ray S, Days W, Hodak E, Leibovici L, Paul M. Interventions for the prevention of recurrent erysipelas and cellulitis. Cochrane Database Syst Rev. 2017 Jun 20;6:CD009758.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.