Tin tức

Những tác dụng phụ thường gặp sau khi sử dụng thuốc mê

Ngày 14/11/2020
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Hầu hết trong các ca phẫu thuật, bệnh nhân đều được sử dụng thuốc gây mê nhằm hạn chế cảm giác đau cũng như dễ dàng đi vào giấc ngủ. Tuy nhiên, ngoài những công dụng có lợi trong y khoa thì loại thuốc này còn gây ra một số tác dụng phụ khác. Vậy trong thuốc mê có chứa những thành phần nào? Các triệu chứng nào thường gặp do tác dụng phụ của thuốc? 

1. Thuốc mê là gì?

Trong y khoa, Thuốc mê được mô tả là một loại hóa chất thường được sử dụng để đưa vào cơ thể nhằm giúp bệnh nhân rơi vào tình trạng mất ý thức tạm thời. Tuy nhiên, các bộ phận còn lại tùy vào liều lượng vẫn có thể duy trì chức năng của mình, điển hình như hệ tuần hoàn, hô hấp, bài tiết,... Ngoài ra, tùy vào từng loại thuốc gây mê mà bác sĩ sẽ sử dụng một liều lượng khác nhau. 

Thuốc gây mê có tác dụng an thần cho bệnh nhân

Thuốc gây mê có tác dụng an thần cho bệnh nhân

Thuốc gây mê sau khi đưa vào cơ thể bằng khí dung hoặc tiêm vào tĩnh mạch sẽ mang lại một số công dụng như mất phản xạ, loại bỏ các cảm giác của cơ thể, an thần, giãn cơ,... Tuy nhiên, trong quá trình gây mê, các bác sĩ cần chú ý về liều lượng của thuốc vì nếu nồng độ quá thấp sẽ không thể đạt được mục đích gây mê. Ngược lại, nếu sử dụng liều lượng quá nhiều thì bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng nhiễm độc. 

Hiện nay, bác sĩ vẫn lựa chọn các phương pháp gây mê chuyên dùng như gây mê toàn bộ cơ thể, gây tê tại chỗ hoặc gây tê theo vùng. Tuy nhiên, dựa trên tình trạng sức khỏe và tính chất của từng loại phẫu thuật mà bác sĩ sẽ đưa ra cách thức gây vô cảm phù hợp nhất. Tóm lại, gây mê là một thủ thuật rất quan trọng trong y khoa, đặc biệt là đối với các ca phẫu thuật.

2. Thuốc mê gồm có những thành phần nào?

Có khá nhiều bạn đọc thắc mắc về những thành phần có trong thuốc mê và các loại thuốc gây mê thông dụng nhất. Thực tế, những loại thuốc có tác dụng gây mê thường dùng được sản xuất từ nhiều loại khí hít kết hợp với nhau. Trong đó, chủ yếu là khí cười (hay còn gọi là N2O) và một số chất dẫn xuất của Ether.

Trong y khoa, các loại thuốc có tác dụng gây mê thường được đưa vào cơ thể bằng hai dạng là tiêm vào tĩnh mạch và hít. Đối với thuốc dạng tiêm, bác sĩ thường dùng thuốc gây mê Propofol. Với thuốc gây mê dạng hít thì những loại thuốc thông dụng gồm Ethyl Ether, Isoflurane, Desflurane và Sevoflurane. Vậy cơ chế sử dụng hai dạng thuốc này như thế nào? 

Thuốc gây mê gồm có những loại nào?

Thuốc gây mê gồm có những loại nào?

Riêng Sevoflurane có chứa nồng độ Fluor khá cao nên chủ yếu sử dụng cho những ca phẫu thuật mang tính chất nhẹ, ít tốn thời gian. Bệnh nhân sau khi hít thuốc gây mê sẽ dần dần rơi vào trạng thái mất ý thức và gây mê từ từ từng bộ phận rồi đến toàn bộ cơ thể. Ngoài ra, các loại thuốc gây mê thông qua đường hô hấp thường có công dụng tùy theo hàm lượng thuốc, tức dùng nhiều thì hôn mê càng sâu. 

Đối với thuốc gây mê thông qua đường tĩnh mạch thường không cố định mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng bệnh, cân nặng, tính chất cuộc phẫu thuật,... Thuốc sau khi đưa vào cơ thể sẽ đi thẳng đến hệ tuần hoàn, lên não và đi khắp cơ thể. Sự tác động của thuốc gây mê sẽ khiến thụ thể GABA bị kích thích và mang lại tác dụng an thần đối với bệnh nhân. Mặt khác, loại thuốc này còn có chức năng làm giảm các dải gamma khiến người bệnh rơi vào trạng thái mất ý thức.

2. Tác dụng phụ do thuốc mê gây ra

Mặc dù, thuốc mê có tác dụng hỗ trợ trong các ca phẫu thuật, giúp hạn chế gây ra cảm giác đau trong quá trình mổ hoặc một số can thiệp khác trong y khoa. Tuy nhiên, loại thuốc này cũng gây ra một số triệu chứng ngoài ý muốn do tác dụng phụ trong thành phần của thuốc. Cụ thể như:

2.1. Tác dụng phụ thường gặp

  • Ngứa: những bệnh nhân được sử dụng Opioid trong ca phẫu thuật thường xuất hiện cảm giác ngứa sau khi thuốc gây mê hết tác dụng. 

  • Đau ở vết thương: đau là triệu chứng mà hầu hết các bệnh nhân đều cảm nhận sau khi ca phẫu thuật kết thúc cũng như thuốc gây mê không còn. 

  • Chóng mặt: sau khi tỉnh lại, bệnh nhân sẽ có cảm giác chóng mặt do tác dụng phụ của thuốc gây mê. Tuy nhiên, bạn có thể khắc phục triệu chứng này bằng cách uống thêm nhiều nước.

Bệnh nhân cảm thấy chóng mặt sau khi tỉnh dậy

Bệnh nhân cảm thấy chóng mặt sau khi tỉnh dậy

  • Đau cơ: do thuốc mê có tác dụng giãn cơ bắp nên sau khi ca phẫu thuật kết thúc, thuốc không còn thì bệnh nhân sẽ cảm thấy đau ở các cơ.

  • Khó tiểu: triệu chứng này có thể xuất hiện ở những bệnh nhân được gây mê toàn thân nhưng chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn. 

  • Cảm thấy buồn nôn - gây ói: do tác dụng phụ của thuốc gây mê nên sau khi tỉnh lại, bệnh nhân thường có Cảm giác buồn nôn hoặc muốn ói. Để giảm bớt triệu chứng này, bác sĩ có thể cho bệnh nhân uống thuốc chống nôn.

  • Khô miệng - đau họng hoặc khàn giọng: bệnh nhân sau khi kết thúc quá trình phẫu thuật thường cảm thấy khô miệng, kèm theo cảm giác đau họng hoặc giọng nói khàn hơn. Tình trạng này được lý giải do trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được đặt nội khí quản ở cổ họng. 

  • Thường xuyên run rẩy hoặc ớn lạnh: sau khi gây mê, thân nhiệt của bệnh nhân thường bị giảm xuống rất nhiều. Do đó, khi tỉnh lại, bệnh nhân thường cảm thấy ớn lạnh hoặc có biểu hiện run rẩy tay chân.

  • Mệt mỏi, hay quên: hầu hết bệnh nhân sau khi tỉnh dậy đều rơi vào trạng thái uể oải, nhầm lẫn nhiều việc. Tuy nhiên, các bạn cũng không nên lo lắng quá nhiều vì triệu chứng này sẽ tự thuyên giảm sau vài ngày. Đối với những người có sức khỏe kém, người lớn tuổi thì có thể kéo dài đến vài tuần.

  • Mê sảng: đây là tình trạng thường gặp ở những bệnh nhân vừa trải qua một cơn phẫu thuật nào đó. Tuy nhiên, triệu chứng này có thể tồn tại trong khoảng thời gian khá dài.

  • Chức năng nhận thức bị rối loạn: thuốc gây mê khiến chức năng nhận thức của bệnh nhân bị suy giảm hoặc rối loạn nên khả năng ghi nhớ cũng bị giảm đi.

2.2. Tác dụng phụ hiếm gặp

Ngoài những biểu hiện được liệt kê trên đây thì thuốc mê còn để lại một số triệu chứng hiếm gặp khác. Điển hình như:

  • Bệnh nhân tỉnh dậy đột ngột khi chưa kết thúc cuộc phẫu thuật.

  • Răng của bệnh nhân bị tổn thương (kể cả răng giả).

  • Người bệnh có biểu hiện hen suyễn hoặc dị ứng.

Thuốc gây mê cũng là nguyên nhân dẫn đến hen suyễn

Thuốc gây mê cũng là nguyên nhân dẫn đến hen suyễn

  • Cơn động kinh xuất hiện bất thường mặc dù bệnh nhân không có tiền sử mắc phải bệnh lý này.

  • Đường hô hấp bị viêm nhiễm.

  • Người bệnh thường xuyên bị sốt (cơn sốt có thể âm ỉ nhiều ngày hoặc sốt rất cao theo từng cơn). 

3. Một số lưu ý trước khi dùng thuốc mê

Với những tác dụng phụ mà thuốc mê gây ra, các bác sĩ đã đưa ra một số lưu ý dành cho bệnh nhân trước ngày phẫu thuật. Cụ thể như:

  • Giảm cân trước ngày phẫu thuật để đảm bảo các cơ quan như hệ hô hấp, hệ tuần hoàn thực hiện tốt chức năng.

Không sử dụng chất kích thích trước khi phẫu thuật

Không sử dụng chất kích thích trước khi phẫu thuật

  • Tuyệt đối không hút thuốc lá trong vòng 6 tuần so với ngày tiến hành hành phẫu thuật.

  • Thông báo với bác sĩ những loại thuốc mà cơ thể bị dị ứng.

  • Tuyệt đối không sử dụng bất kì loại chất kích thích nào trong vòng 24 tiếng trước giờ phẫu thuật để hạn chế những tác dụng phụ của thuốc. Đặc biệt là thức uống có chứa nồng độ cồn như rượu, bia,...

Mặc dù, thuốc gây mê là một hóa chất rất cần thiết đối với bệnh nhân trong những ca phẫu thuật nguy hiểm. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng cần phải cân nhắc liều lượng sao cho tương thích với tình trạng của bệnh nhân nhằm hạn chế những tác dụng phụ của thuốc mê gây ra.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.