Tin tức

7 vấn đề không nên bỏ lỡ về kinh nguyệt ở tuổi mới lớn

Ngày 28/03/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Bước vào độ tuổi dậy thì, không ít bé gái tỏ ra lo lắng về những thay đổi bất thường trên cơ thể. Cùng các chuyên gia đến từ Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tìm hiểu 7 tình trạng phổ biến, được nhiều người quan tâm nhất về vấn đề kinh nguyệt ở tuổi mới lớn qua bài viết dưới đây.

1. Phương pháp giảm đau trong chu trình kinh nguyệt?

Đau bụng khi hành kinh là tình trạng khá phổ biến, chúng thường sẽ biến mất sau khi kết thúc chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, những cơn đau âm ỉ kéo dài thường gây nên cảm giác khó chịu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân gây đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt?

Khi bước vào chu kỳ kinh nguyệt, không ít người xuất hiện những cơn đau âm ỉ ở bụng dưới, lưng dưới, phía trên đùi. Đây được gọi là hiện tượng đau bụng hành kinh và thường không đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau nhức này là do tử cung thực hiện hoạt động co lại để chèn ép, loại bỏ phần niêm mạc không cần thiết. Quá trình này tiết ra chất hóa học Prostaglandin và hình thành những cơn đau khó chịu.

Phương pháp khắc phục

Để hạn chế những cơn đau khó chịu trong quá trình hành kinh, có thể thăm khám và áp dụng những phương pháp sau:

  • Sử dụng thuốc giảm đau như Acetaminophen, Ibuprofen, Naproxen,... Tuy nhiên quá trình sử dụng nên tham khảo ý kiến bác sĩ, tránh trường hợp lạm dụng gây tình trạng phản tác dụng của thuốc.

  • Một trong những phương pháp giảm đau nhanh chóng khi bị đau bụng hành kinh là sử dụng khăn ấm và chườm liên tục khoảng 10 đến 15 phút tại vùng lưng dưới và dạ dày.

  • Trong chu trình kinh nguyệt, khuyến cáo không nên sử dụng nước lạnh để tắm. Việc tắm nước ấm trong nhiệt độ phù hợp sẽ giúp hạn chế việc đau nhức và hỗ trợ cơ thể thư giãn hiệu quả.

  • Chế độ ăn uống tăng cường bổ sung các loại hoa quả, rau xanh, tuy nhiên nên hạn chế các loại quả, rau có vị chua.

  • Tuyệt đối không sử dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá,... trong chu kỳ kinh nguyệt.

Đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt ở tuổi mới lớn thường khá phổ biến

Đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt ở tuổi mới lớn thường khá phổ biến

2. Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt ở tuổi mới lớn có nguy hiểm không?

Trong những năm đầu tiên bắt đầu có kinh nguyệt, tình trạng rối loạn, không đều kinh giữa các chu kỳ là tình trạng khá phổ biến và dễ dàng bắt gặp ở mọi đối tượng. Tuy nhiên, vấn đề này thường không đáng lo ngại bởi chúng hầu như không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và có khả năng ổn định sau một khoảng thời gian nhất định.

Nguyên nhân của việc rối loạn kinh nguyệt ở tuổi mới lớn thường xuất phát từ yếu tố tâm lý lo lắng, căng thẳng kéo dài hoặc lười vận động. Bên cạnh đó có thể do các yếu tố bệnh tật, rối loạn nội tiết hoặc tăng giảm cân thất thường. Trong một số trường hợp khác, việc rối loạn kinh nguyệt cũng có thể là dấu hiệu của vấn đề mang thai. Do đó, để tránh những tác động tiêu cực không mong muốn, nên gặp bác sĩ để thăm khám nếu không có kinh nguyệt liên tiếp 2 chu kỳ.

3. Băng vệ sinh có gây ra hội chứng sốc nhiễm độc không?

Qua một số nghiên cứu cho thấy rằng, rất hiếm trường hợp băng vệ sinh có khả năng gây ra hội chứng sốc nhiễm độc (tên viết tắt là TSS). Tuy nhiên, để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng hay các vấn đề tiêu cực khác, cần lưu ý:

  • Lựa chọn băng vệ sinh phù hợp, có nguồn gốc xuất xứ, thành phần, hạn sử dụng rõ ràng.

  • Khi bước vào chu kỳ kinh nguyệt, nên thực hiện thay băng với tần suất 4 giờ/ 1 lần hoặc khi băng có dấu hiệu bẩn, tràn băng.

Trong trường hợp cơ thể có dấu hiệu sốt cao, mỏi mệt, tiêu chảy, ớn lạnh hay các triệu chứng bất thường khác sau khi có kinh nguyệt từ 2 đến 3 ngày thì nên sớm tiến hành thăm khám, kiểm tra.

Nên chọn mua băng vệ sinh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và kích thước phù hợp

Nên chọn mua băng vệ sinh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và kích thước phù hợp

4. Chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ diễn ra trong bao nhiêu ngày?

Phần lớn một chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ kéo dài trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 ngày. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa cho rằng, một số trường hợp khác, chúng có thể diễn ra trong vòng 2 đến 7 ngày. Do đó, nếu chu kỳ kinh nguyệt ở tuổi mới lớn giao động trong khoảng thời gian trên thì không cần quá lo lắng. Trong trường hợp vượt các mốc thời gian trên thì nên kiểm tra tại các cơ sở y tế uy tín, chất lượng và có chuyên môn.

5. Lượng máu cho chu kỳ kinh nguyệt bao nhiêu là nhiều?

Nhiều người khi bước vào chu kỳ kinh nguyệt ở tuổi mới lớn thường tỏ ra lo lắng khi cơ thể tiết quá nhiều máu. Thông thường, lượng máu tiết ra trong thời gian hành kinh sẽ giao động từ 50 đến 80 ml. Trong đó lượng máu hành kinh thực sự chỉ chiếm khoảng 36% và 64% còn lại là các dịch nhầy âm đạo, tử cung, niêm mạc tử cung,...

Nếu chu kỳ kinh nguyệt kéo dài và tiết ra lượng máu bất thường dẫn đến thay băng liên tục với tần suất 1 giờ/ 1 lần thì các chuyên gia phụ khoa khuyến cáo bạn nên được thăm khám và kiểm tra. Đây có thể là dấu hiệu, triệu chứng cho nhiều bệnh lý nguy hiểm. Nếu không sớm kiểm soát, điều trị có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Lượng máu hành kinh nếu tiết ra bất thường nên sớm tiến hành thăm khám

Lượng máu hành kinh nếu tiết ra bất thường nên sớm tiến hành thăm khám

6. Băng vệ sinh có nhiều kích thước khác nhau để làm gì?

Hiện nay trên thị trường, các sản phẩm băng vệ sinh rất đa dạng về kích thước, mẫu mã và thành phần,... Do đó, tùy thuộc vào lượng máu kinh tiết ra ở mỗi chu kỳ, bạn sẽ lựa chọn loại sản phẩm có size phù hợp. Đặc biệt cần lưu ý thay băng sau 4 giờ sử dụng, kết hợp vệ sinh sạch sẽ bằng nước sạch. Ngoài ra, có thể sử dụng miếng đệm riêng vào buổi tối khi đi ngủ để ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn.

7. Trong chu kỳ kinh nguyệt có thể mang thai không?

Thực tế cho thấy rằng, bạn vẫn có khả năng mang thai trong quá trình hành kinh nếu tiến hành quan hệ tình dục không an toàn. Do đó, nếu không có ý định mang thai, nên đến gặp bác sĩ có chuyên môn để được hỗ trợ tư vấn các biện pháp tránh thai phù hợp, an toàn trong từng giai đoạn.

Trong trường hợp cần giải đáp cụ thể thông tin về vấn đề “kinh nguyệt ở tuổi mới lớn”, bạn có thể liên hệ miễn phí số Hotline 1900 56 56 56 để được các bác sĩ hàng đầu Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn, hỗ trợ. Với đội ngũ y bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm học tập, làm việc trong và ngoài nước, chúng tôi cam kết sẽ mang đến những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất đến cộng đồng.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.