Tin tức

Bố mẹ cần biết những thông tin gì đối với thoát vị bẹn trẻ em?

Ngày 20/07/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Thoát vị bẹn là một loại dị tật khá phổ biến đối với trẻ em và mang lại những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của bé. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị thì không chỉ khiến bé có cảm giác khó chịu mà còn gây ra những biến chứng nặng hơn.

1. Tổng quan về thoát vị bẹn trẻ em

Để hiểu được về căn bệnh này, bạn cần biết những thông tin sau:

Thoát vị bẹn trẻ em là gì?

Thoát vị bẹn là một loại bệnh bẩm sinh được biết đến với tình trạng vùng bẹn của trẻ (bộ phận giữa vùng bụng và đùi) xuất hiện một túi phồng dị thường, bạn có thể cảm nhận hoặc nhìn thấy túi phồng này bằng mắt thường.

Tình trạng này được hình thành khi một ống thông nhỏ xuất hiện nối ổ bụng xuống vùng bụng dưới khiến một phần ruột hoặc dịch trong ổ bụng tràn vào ống và sà xuống tạo nên khối phồng ở vùng bẹn. Bố mẹ có thể nhận biết điều bất thường khi bé quấy khóc hoặc cơ thể bé bị căng cứng khi tiểu tiện. 

Thoát vị bẹn ở trẻ em xảy ra khá phổ biến

Thoát vị bẹn ở trẻ em xảy ra khá phổ biến

Thoát vị bẹn ở trẻ sơ sinh sẽ diễn ra khi thai nhi không thể tự đóng kín ống phúc tinh mạc. Trên thực tế, ống phúc tinh mạc có khả năng tự đóng vào giai đoạn cuối của thai kỳ hoặc sau khi sinh. Tuy nhiên, khả năng đó càng thấp khi trẻ càng lớn và dẫn đến thoát vị bẹn ở trẻ. Tuy thoát vị bẹn có thể diễn ra ở cả nam và nữ, nhưng tỷ lệ mắc thoát vị bẹn ở nữ nhỏ hơn ở nam (nam giới có tỷ lệ cao gấp 3 - 10 lần so với nữ giới).

Thoát vị bẹn ở trẻ em có những dấu hiệu nào?

Khi trẻ mắc phải căn bệnh này, khối phồng thường xuất hiện ở phía bên bẹn phải của bé nhưng cũng có thể xuất hiện ở bên còn lại hoặc cả hai bên. Ngoài ra, trẻ mắc phải thoát vị bẹn thường có những triệu chứng khác đi kèm như:

  • Bố mẹ có thể chú ý khối u phồng ở bẹn trẻ có sự thay đổi kích thước khi trẻ quấy khóc, vận động hoặc rặn. Điều này diễn ra là do khi trẻ vận động hoặc quấy khóc sẽ tạo áp lực lên vùng bẹn khiến cục phồng gia tăng kích thước, hiện lên rõ hơn và xẹp xuống khi bé ngừng khóc. 

  • Khi bố mẹ chạm vào khối phồng sẽ thấy mềm mềm nhưng trẻ không có dấu hiệu xuất hiện cảm giác đau và không gây trở ngại việc di chuyển. 

  • Trong một số trường hợp, bé bị thoát vị bẹn có những triệu chứng đi kèm như bụng căng cứng, buồn nôn, nôn mửa và đổi màu cục phồng hoặc sốt nhẹ. 

Bé quấy khóc bất thường là một cảnh báo cho bố mẹ

Bé quấy khóc bất thường là một cảnh báo cho bố mẹ 

  • Thông thường, thoát vị bẹn trẻ sơ sinh sẽ không gây nên cảm giác đau. Tuy nhiên, ở một số trường hợp khác, trẻ sẽ cảm thấy đau do máu không thể lưu thông khi khối thoát vị sẽ phồng to gây áp lực lên những cơ quan xung quanh. Bố mẹ có thể phát hiện trường hợp này khi bé luôn ở trong trạng thái quấy khóc, khó chịu. 

Đây là những biểu hiện giúp bố mẹ nhận biết được tình trạng thoát vị bẹn trẻ em để tránh xảy ra những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. 

Biến chứng của thoát vị bẹn 

Đối với những trường hợp các bé không được phát hiện và điều trị kịp thời, thoát vị bẹn có thể dẫn đến những biến chứng khác như:

  • Rối loạn tiêu hóa: Việc hình thành của thoát vị bẹn sẽ gây sự ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé. Nó dẫn đến tình trạng chán ăn kèm theo những biểu hiện bất thường trong quá trình đi đại tiện của bé, điển hình là táo bón. 

  • Tắc đường ruột, nặng có thể dẫn đến hoại tử đường ruột: Điều này diễn ra khi đường ruột bị kẹt ở túi phồng dẫn đến những cơn đau ở bé. Và nghiêm trọng hơn là đoạn ruột bị kẹt sẽ gây nên sự khiến tắc nghẽn, lâu dần nó khiến hoại tử đường ruột, buộc phải loại bỏ đoạn ruột đó. Ngoài ra, thoát vị bẹn ở bé gái cũng gây nên ảnh hưởng đến buồng trứng nằm trong ổ bụng.

  • Là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng xoắn hoặc teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh ở bé nam. Ở trường hợp nghiêm trọng hơn, thoát vị bẹn ở bé nam có thể gây hoại tử tinh hoàn.

Thoát vị bẹn có thể dẫn đến tình trạng xoắn tinh hoàn

Thoát vị bẹn có thể dẫn đến tình trạng xoắn tinh hoàn

Phân biệt biến chứng thoát vị bẹn và tràn dịch màng tinh hoàn

Đối với những trẻ bị biến chứng thoát vị bẹn dẫn đến sự ảnh hưởng đến tinh hoàn, tình trạng của bé có thể bị nhầm lẫn với tràn dịch màng tinh hoàn. Trên thực tế, hai chứng bệnh này có những biểu hiện khá giống nhau. 

Tuy nhiên, túi phồng xuất hiện ở vùng bẹn của trẻ mắc tràn dịch màng tinh hoàn không chứa ruột hoặc các bộ phận khác của ổ bụng mà chỉ chứa dịch. Trên thực tế, tình trạng tràn dịch màng tinh hoàn cũng gây nên cảm giác đau tại vùng nó gây ảnh hưởng. Trong một số trường hợp khác, bé có thể chưa cần thực hiện phẫu thuật ngay nếu như tình tràng tràn dịch không gây cảm giác khó chịu cho bé.

2. Điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em như thế nào?

Thoát vị bẹn là một căn bệnh bẩm sinh không thể tự biến mất theo thời gian mà cần được điều trị chuyên khoa. Bố mẹ cần chú ý để phát hiện sớm và cho bé thực hiện phẫu thuật sớm nhất ngay khi phát hiện cho dù trẻ đang ở bất kỳ độ tuổi nào. 

Chuẩn bị cho bé trước phẫu thuật

Đầu tiên, bé cần được thăm khám để các bác sĩ đánh giá được tình hình hiện tại của bé bằng cách thực hiện:

  • Xét nghiệm máu.

  • Siêu âm bẹn.

  • Chụp X-quang phổi. 

Thông qua kết quả của những xét nghiệm trên, bác sĩ sẽ đề ra phác đồ điều trị cho bé. Và bố mẹ cần chú ý trước khi thực hiện phẫu thuật, không nên cho bé ăn thức ăn có dạng đặc trong vòng 6 tiếng. Điều này sẽ đảm bảo trong quá trình gây mê, dạ dày bé trống rỗng từ đó giảm nguy cơ trào ngược dạ dày.

Bé không nên ăn đồ ăn dạng đặc trước khi phẫu thuật 6 tiếng

Bé không nên ăn đồ ăn dạng đặc trước khi phẫu thuật 6 tiếng

Thực hiện phẫu thuật 

Hiện nay, phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn được biết đến với hai phương pháp là mổ mở đường bẹn và mổ nội soi. Mục đích của những cuộc phẫu thuật này là đóng ống phúc tinh mạc. Bác sỹ kiến nghị nên phẫu thuật sớm sau khi có chẩn đoán thoát vị bẹn để giảm thiểu biến chứng. Đối với trẻ đẻ non nên mổ khi cân nặng khoảng 2kg. Đường mổ nhỏ khoảng 3 - 4cm ở vùng nếp gấp bẹn để đảm bảo tính thẩm mỹ. Thông thường, vết mổ sẽ lành lại sau 7 ngày.

Chăm sóc bé sau phẫu thuật 

Sau khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách để chăm sóc cho trẻ hậu phẫu để vết thương hồi phục nhanh và tránh tình trạng nhiễm trùng tại vết mổ. Thông thường, bé có thể phục hồi sau 1 - 2 tuần, lúc này bé đã có thể sinh hoạt bình thường. 

Và đặc biệt, khi bố mẹ phát hiện những triệu chứng bất thường sau thì cần thông báo với bác sĩ phụ trách:

  • Xuất hiện tình trạng buồn nôn, nôn mửa. 

  • Có hiện tượng sốt cao (trên 38.5 độ).

  • Tại vết mổ, bé có thể bị chảy máu, xuất hiện những dấu hiệu của việc nhiễm trùng hoặc tấy đỏ. 

  • Bé đi tiểu với tần suất bất thường.

Trên đây là những thông tin cần thiết về căn bệnh thoát vị bẹn trẻ em, hy vọng chúng sẽ giúp được các ông bố, bà mẹ chăm sóc bé yêu của mình tốt hơn. Bố mẹ nên chú ý đến những sự thay đổi hoặc những điểm bất thường xuất hiện ở bé nhà mình để kịp thời phát hiện cũng như điều trị cho bé.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.