Tin tức

Cha mẹ nên phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ bằng những cách nào?

Ngày 25/04/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Bệnh tay chân miệng ở trẻ rất nguy hiểm, có thể gây tử vong và chưa có vắc xin ngừa bệnh. Do đó, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu để có thể chủ động áp dụng phòng bệnh cho con. Dưới đây là gợi ý về những cách phòng tránh bệnh tay chân miệng hiệu quả và dễ thực hiện.

1. Thông tin cơ bản về bệnh tay chân miệng 

Virus Coxsackie A16 và Enterovirus 71 là nguyên nhân thường gặp dẫn đến bệnh tay chân miệng. Một số triệu chứng của bệnh có thể kể đến như sau: 

  • Sốt. 
  • Mệt mỏi. 
  • Đau họng. 
  • Buồn nôn. 
  • Khó nuốt. 
  • Phát ban trên da, chủ yếu ở lòng bàn tay, bàn chân và mông,...

Phần lớn bệnh ở thể nhẹ và người bệnh có thể được điều trị và chăm sóc tại nhà. Bên cạnh đó, một số trường hợp không chăm sóc đúng cách hoặc phát hiện quá muộn cũng có thể khiến bệnh diễn biến nặng và gây viêm não, phù phổi cấp hay nhiều biến chứng nguy hiểm khác. 

Bệnh tay chân miệng dễ xảy ra ở trẻ nhỏ

Bệnh tay chân miệng dễ xảy ra ở trẻ nhỏ

Bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm do tiếp xúc với dịch tiết từ những nốt ban trên cơ thể người bệnh hoặc với giọt bắn có chứa virus của người bệnh, chẳng hạn như khi người bệnh trò chuyện, hắt hơi, ho,... Hơn nữa, khi được phát tán ra môi trường, loại virus này cũng có thể tồn tại khá lâu. Do đó, rất nhiều bệnh nhân không tiếp xúc với người bệnh nhưng vẫn có thể bị lây bệnh vì tiếp xúc với những loại đồ dùng, bề mặt có chứa virus gây bệnh.

Trẻ chơi chung đồ chơi có thể lây nhiễm bệnh

Trẻ chơi chung đồ chơi có thể lây nhiễm bệnh

Bệnh này rất dễ xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi do trẻ có hệ miễn dịch yếu. Trẻ nhỏ bị bệnh sẽ có nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng cao hơn so với những trẻ lớn. 

2. Hướng dẫn mẹ cách phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ

Hiện chưa có vắc xin phòng tránh bệnh tay chân miệng, vì thế, phương pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả và được áp dụng nhiều nhất hiện nay là hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân đúng cách và hạn chế tiếp xúc với các yếu tố có thể làm làm tăng nguy cơ bị bệnh. Dưới đây là những gợi ý cụ thể dành cho các bậc phụ huynh:

Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách

Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách

- Mẹ cần hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách: Trước hết, các bậc phụ huynh cần chỉ cho con hiểu rõ về vai trò quan trọng của việc rửa tay trong phòng tránh các bệnh lây nhiễm. Sau đó, mẹ sẽ hướng dẫn chi tiết cho con những bước rửa tay với xà phòng diệt khuẩn. Trẻ cần rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, làm sạch các đồ dùng trong gia đình bằng các chất khử trùng. Lưu ý, trẻ thường xuyên tiếp xúc với đồ chơi do đó, việc làm sạch đồ chơi cho trẻ cũng rất quan trọng để phòng tránh bệnh tay chân miệng:

+ Các loại đồ chơi tại những nơi công cộng như ở nhà trẻ hay trường học: Cần được khử trùng hàng ngày và được làm sạch vào mỗi buổi tối. Có thể dùng nước tẩy rửa hoặc xà phòng để khử trùng. Sau đó, tráng lại với nước và dùng khăn sát trùng lau khô. 

+ Đối với những loại đồ chơi có thể rửa được trong nước, nên ngâm đồ chơi với nước ấm hoặc ngâm với xà phòng. Sau đó, rửa sạch và phơi khô. Bên cạnh đó, bạn có thể ngâm đồ chơi cho trẻ bằng dung dịch thuốc tẩy pha loãng, sau đó cũng dùng nước sạch để rửa và hong khô là có thể cho trẻ sử dụng. 

+ Đối với những loại đồ chơi không thể rửa với nước thì bạn có thể dùng gạc và cồn để lau sạch. Khi lau cần chú ý lau cẩn thận ở các góc, các cạnh, hốc và những vết nứt. 

Tránh để người lạ tiếp xúc gần hay ôm hôn trẻ

Tránh để người lạ tiếp xúc gần hay ôm hôn trẻ

- Một số lưu ý khác: 

+ Hạn chế cho trẻ dùng chung đồ chơi với những trẻ bị bệnh. 

+ Không ôm hay hôn trẻ và không nên để người lạ tiếp xúc quá gần với trẻ. 

+ Không nên mớm cơm hay mớm thức ăn cho trẻ, đặc biệt không dùng tay để bốc thức ăn cho trẻ. Đồng thời, mẹ cũng nên nhắc nhở trẻ không được mút tay, dùng tay để lấy thức ăn và đặc biệt là không ngậm mút các loại đồ chơi,...

+ Trường hợp trẻ đã mắc bệnh thì không nên cho trẻ đi học, đi mẫu giáo và không nên cho trẻ đến những nơi đông người.

+ Hướng dẫn trẻ che miệng và che mũi khi hắt hơi hay khi ho và sau đó cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng. 

+ Mẹ cần xử lý đúng cách khăn giấy và tã lót của trẻ đã qua sử dụng. Nên thải bỏ loại rác này đúng cách. 

+ Khi chăm sóc trẻ đã mắc bệnh, mẹ cần lưu ý giặt riêng quần áo của trẻ để tránh lây sang cho người khỏe mạnh. Để làm sạch quần áo cho trẻ và để tiêu diệt tối đa virus, mẹ nên dùng nước nóng để giặt quần áo cho con. 

+ Nhà trẻ và trường học cần lưu ý về việc vệ sinh môi trường, vệ sinh sàn nhà, tường lớp học, tay nắm cửa, đồ chơi, bàn ghế, dụng cụ học tập cho trẻ. 

+ Không cho trẻ chơi đồ chơi chưa được khử khuẩn,... đồng thời cũng không nên cho trẻ dùng chung một số đồ với trẻ khác như bát, thìa hay khăn,...

+ Nếu trẻ bị bệnh tay chân miệng thì nên cho trẻ đi vệ sinh vào bô đã có sẵn chất diệt khuẩn như cloraminB. Lưu ý, phân của bệnh tay chân miệng cũng cần được xử lý tốt, hạn chế thải trực tiếp ra môi trường xung quanh. 

+ Nếu trong gia đình có người mắc bệnh tay chân miệng thì cần lưu ý vệ sinh nhà vệ sinh sạch sẽ, tốt nhất nên dùng xà phòng và chất sát khuẩn. 

+ Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện giống với bệnh tay chân miệng, cần cách ly trẻ với những trẻ khác và cho trẻ tạm nghỉ học để phòng tránh lây nhiễm bệnh tay chân miệng sang cho những trẻ khác. 

Trên đây là những gợi ý về cách phòng tránh bệnh tay chân miệng. Nếu còn thắc mắc cần được giải đáp hoặc có nhu cầu đặt lịch khám sớm nhất cho trẻ, mời các bậc phụ huynh liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56, các tổng đài viên của Hệ thống Y tế MEDLATEC sẽ tư vấn chi tiết và cụ thể cho bạn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.