Tin tức

Điểm danh các loại thuốc hạ acid uric máu 

Ngày 12/05/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Thuốc hạ acid uric máu thường được dùng để điều trị cho những bệnh nhân bị Gout. Có nhiều phân loại của thuốc này và mỗi loại sẽ có ưu và nhược điểm khác nhau. Để biết rõ hơn về cơ chế hoạt động của các thuốc hạ acid uric, mời quý bạn đọc cùng theo dõi những thông tin sau!

1. Khái niệm về thuốc hạ acid uric máu

Khi nồng độ acid uric tăng cao vượt ngưỡng bình thường trong máu, nó sẽ lắng đọng và kết tinh thành một dạng tinh thể urat. Những tinh thể này sẽ tích tụ lại trong các khớp xương và dẫn đến bệnh Gout (bệnh Gút). Ngoài ra chúng cũng có thể kết tụ tại các mô mềm, da dưới dạng các hạt tophi hay sỏi urat ở thận. 

Acid uric tăng cao là nguyên nhân dẫn đến bệnh Gout

Acid uric tăng cao là nguyên nhân dẫn đến bệnh Gout

Để điều trị bệnh Gout, người bệnh cần phải được giải quyết 2 vấn đề đó là:

  • Hạ acid uric trong máu để cải thiện các triệu chứng đau nhức do sưng viêm khớp gây ra;

  • Phòng ngừa biến chứng và ngăn cản các biểu hiện cấp tính của bệnh.

Thuốc hạ acid uric là các thuốc thường được chỉ định để điều trị bệnh Gout. Có nhiều nhóm thuốc hạ acid uric khác nhau nhưng mục đích chung của các thuốc này đó là kích thích sự đào thải acid uric ra ngoài cơ thể để hạn chế triệu chứng của bệnh Gout.

2. Điểm danh các loại thuốc hạ acid uric máu

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép nhiều loại thuốc hạ acid uric khác nhau và các thuốc này được phân theo 3 nhóm chính như sau:

2.1. Thuốc giảm tổng hợp acid uric

Công dụng chính của nhóm thuốc này đó là ức chế hoạt động của men XO (xanthine oxidase) và bao gồm 3 dòng thuốc dưới đây:

Allopurinol:

Được FDA phê duyệt trong điều trị bệnh Gout từ năm 1966 cho đến nay. Thuốc có tác dụng ức chế men XO sau chuyển hóa men thành oxypurinol. Sản phẩm này được đào thải qua thận. Thuốc được ứng dụng trong các trường hợp bị sỏi thận và viêm khớp gút nhờ cơ chế giảm thiểu đáng kể hàm lượng acid uric trong máu. Ngoài ra Allopurinol còn được chỉ định để điều trị bệnh đa u tủy xương và hội chứng Lesch-Nyhan.

Bên cạnh những hiệu quả do Allopurinol đem lại, thuốc còn tiềm ẩn những tác dụng phụ đó là:

  • Nổi ban đỏ;

  • Kích ứng niêm mạc dạ dày;

  • Tăng nguy cơ mắc hội chứng Steven-Johnson (hội chứng gây tổn thương niêm mạc và da);

  • Hiếm gặp hơn là tăng nhạy cảm với Allopurinol;

  • Không nên kết hợp Allopurinol với thuốc chứa amoxicillin hoặc ampicillin vì sẽ làm nghiêm trọng hơn các tác dụng phụ nêu trên.

  • Allopurinol không dùng cho bệnh nhân suy thận.

Febuxostat: 

Đây cũng là loại thuốc có khả năng ức chế men XO và được đưa vào sử dụng từ năm 2009. Febuxostat thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị Gout nhưng không dùng cho người bị tăng acid uric máu không biểu hiện triệu chứng  và bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh lý về tim mạch. Tuy nhiên người bị suy thận vẫn có thể dùng Febuxostat. 

Trên lâm sàng Febuxostat không được dùng phổ biến bởi vì so với Allopurinol thuốc này có giá thành cao hơn nhiều.

Thuốc Febuxostat

Thuốc Febuxostat

2.2. Thuốc hủy urat

Trong nhóm thuốc này có 2 loại là Rasburicase và Pegloticase được FDA  phê duyệt sử dụng vào năm 2010. Công dụng của thuốc là giúp điều trị Gout có Tophi, Gout kháng trị hủy hoại khớp và dùng cho những bệnh nhân đã xuất hiện biến chứng. Mặc dù nhóm thuốc này có tốc độ đào thải acid uric trong máu rất nhanh nhưng chỉ sau vài tháng sử dụng có thể gây tác dụng phụ là kháng thuốc. Cần đặc biệt thận trọng khi dùng nhóm thuốc này cho bệnh nhân suy tim sung huyết.

2.3. Nhóm tăng đào thải acid uric

Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với nhóm thuốc ức chế men XO thì cần nhóm thuốc khác thay thế. Loại thuốc đó là nhóm tăng đào thải acid uric. Có thể kết hợp 2 nhóm thuốc này để đẩy nhanh tốc độ acid uric máu. Sau đây là các dòng thuốc giúp tăng đào thải acid uric:

  • Benzbromarone: đây là một trong những thuốc hạ acid uric được cấp phép từ rất sớm (từ năm 1970). Tuy nhiên do có tác dụng phụ là gây độc tính ở gan nên thuốc này đã ngừng đưa ra khỏi thị trường vào năm 2003 tại nhiều quốc gia;

  • Probenecid: công dụng của thuốc là làm ức chế men URAT1. Nhưng thuốc có một nhược điểm là có khả năng tương tác với nhiều loại thuốc khác nên Probenecid chưa được chỉ định rộng rãi trên lâm sàng;

  • Lesinurad (RDEA594): được sử dụng từ năm 2015 và tương tự như Probenecid, loại thuốc này cũng có công dụng ức chế men URAT1 và giảm thiểu tình trạng tương tác thuốc.

3. Những lưu ý về các thuốc hạ acid uric

Không giống như những loại thuốc khác như thuốc giảm đau, chống viêm, các thuốc hạ acid uric trong điều trị bệnh Gout có thể dùng trong thời gian dài. Ưu điểm nổi bật của các thuốc hạ acid uric máu là:

  • Giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh Gout, đưa nồng độ acid uric trong máu về ngưỡng thích hợp và ngăn ngừa biến chứng của bệnh;

  • Hỗ trợ tăng cường chức năng thận;

  • Tăng năng suất lọc của thận để chuyển hóa bớt acid uric sang nước tiểu;

  • Có thể dùng lâu dài, ít gây tác dụng phụ.

Bệnh Gout nếu không được điều trị sẽ gây không ít đau đớn cho người bệnh

Bệnh Gout nếu không được điều trị sẽ gây không ít đau đớn cho người bệnh

Ngoài những ưu điểm nêu trên, thuốc hạ acid uric cũng tồn tại một nhược điểm là nếu dùng quá nhiều có thể gây suy nhược, mệt mỏi cho cơ thể. 

Nếu bệnh nhân bị Gout cấp tính và chưa từng áp dụng các biện pháp hạ acid uric trước đó thì không nên sử dụng các thuốc đào thải acid uric ngay. Tuy nhiên nếu bạn đã và đang dùng nhóm thuốc này đồng thời đang trong đợt Gout cấp tính thì vẫn nên dùng tiếp. 

Thuốc hạ acid uric là giải pháp cần thiết cho những người bị Gout vì mục tiêu chính trong điều trị bệnh lý này là điều chỉnh nồng độ acid uric trong máu về mức bình thường. Tuy nhiên để đạt hiệu quả và hạn chế tối đa các tác dụng phụ khi dùng thuốc thì bệnh nhân cần chú ý tuân thủ chặt chẽ những tư vấn và chỉ định của bác sĩ. 

Bên cạnh đó trước khi dùng thuốc, người bệnh cần cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng bệnh lý và các vấn đề sức khỏe mà bản thân đang gặp phải, những loại thuốc bạn đang sử dụng để tránh tình trạng tương tác với các thuốc hạ acid uric. 

Mong rằng những thông tin trong bài viết đã giúp chia sẻ kiến thức hữu ích đến với bạn. Nếu bạn đang có các biểu hiện của bệnh Gout hay cần được giải đáp các băn khoăn liên quan đến căn bệnh này thì có thể đi khám tại Chuyên khoa Cơ Xương khớp của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Liên hệ ngay qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn chi tiết và hỗ trợ đặt lịch khám cùng các bác sĩ của Chuyên khoa ngay hôm nay!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.