Tin tức

Hướng dẫn cách chữa đau mắt hàn nhanh và an toàn

Ngày 10/07/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Đối với những người thường xuyên phải tiếp xúc với tia lửa điện thì việc đau mắt hàn là khó tránh khỏi. Khi bị đau mắt hàn vùng mắt sẽ rất khó chịu vì đau đớn, cộm và rát mắt. Nếu không được xử lý, điều trị đúng thì có thể ảnh hưởng xấu cho thị lực. Bài viết sau đây xin chia sẻ cùng bạn về cách chữa đau mắt hàn an toàn để nhanh khỏi bệnh mà vẫn giữ an toàn cho “cửa sổ tâm hồn”.

1. Đau mắt hàn: nguyên nhân và triệu chứng

1.1. Nguyên nhân bị đau mắt hàn

Đau mắt hàn là tình trạng bỏng rát và sưng đỏ mắt xảy ra sau khi tiếp xúc trực tiếp với bụi kim loại, tia lửa hàn hay mạt sắt khi hàn kim loại nhưng không có bảo hộ cẩn thận. Đây cũng có thể là tình trạng viêm kết/giác mạc do tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng có chứa tia UV.

Tiếp xúc với tia lửa điện trong điều kiện bảo hộ thiếu an toàn là một trong các nguyên nhân bị đau mắt hàn

Tiếp xúc với tia lửa điện trong điều kiện bảo hộ thiếu an toàn là một trong các nguyên nhân bị đau mắt hàn

Muốn tìm cách chữa đau mắt hàn thì trước tiên cần phải biết được nguyên nhân vì sao tình trạng này xảy ra. Có 2 nguyên nhân chính khiến cho một người bị đau mắt hàn đó là:

- Trong tia hàn có tia UV nên khi tiếp xúc sẽ bị đau mắt.

- Trong quá trình hàn điện mắt phải tiếp xúc với mạt sắt, bụi kim loại hay khói hàn.

1.2. Triệu chứng của người bị đau mắt hàn

Trong khoảng 3 - 12 giờ sau khi mắt tiếp xúc với yếu tố gây tổn thương thường không xuất hiện triệu chứng. Thời gian sau đó, người bị đau mắt hàn sẽ gặp các hiện tượng:

- Sưng đỏ ở mí mắt.

- Mắt thường xuyên chảy nước mắt.

- Mắt đỏ và đau rát.

- Mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng và bị mờ.

- Cảm giác mắt cộm giống như có dị vật bên trong.

- Thực hiện động tác nhắm, mở mắt gặp khó khăn.

2. Cách chữa đau mắt hàn an toàn, hiệu quả

Ở mức độ bình thường, đau mắt hàn có thể tự khỏi sau khoảng 2 - 3 ngày mà không cần tìm cách chữa đau mắt hàn. Tuy nhiên, nếu giác mạc, thủy tinh thể hay võng mạc bị tổn thương thì rất dễ dẫn đến thoái hóa võng mạc, đục thủy tinh thể,... Tình trạng này nếu không được điều trị để hồi phục tổn thương thì thị lực sẽ bị giảm sút và nặng nhất có thể gây mù lòa.

Vì thế, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà cách chữa đau mắt hàn như sau:

2.1. Cách sơ cứu tại nhà

Ngay khi mắt gặp phải tổn thương do các yếu tố gây đau mắt hàn như đã nói ở trên thì việc cần làm trước tiên là sơ cứu để giảm thiểu tối đa tổn thương cho mắt. Việc làm này có thể thực hiện ngay tại nhà rất đơn giản:

Khi bị tổn thương do hàn xì cần nhỏ nước mắt nhân tạo rồi chườm lạnh để giảm sưng đau cho mắt

Khi bị tổn thương do hàn xì cần nhỏ nước mắt nhân tạo rồi chườm lạnh để giảm sưng đau cho mắt

- Bước 1: dùng nước mắt nhân tạo nhỏ vào mắt để hạ nhiệt và đẩy các yếu tố bụi, mạt bẩn trong mắt ra ngoài, giảm thiểu tác động làm hại giác mạc.

- Bước 2: lấy túi chườm đá hoặc một miếng khăn lạnh đem chườm lên trên cả 2 mắt để giảm tình trạng đau rát. Khi chườm không được để đá lạnh trực tiếp tiếp xúc với da mắt để tránh nguy cơ bị bỏng lạnh.

- Bước 3: cho mắt nghỉ ngơi tuyệt đối trong 2 ngày để mắt có thời gian hồi phục.

2.2. Cách tự chữa đau mắt hàn tại nhà

Khi đã thực hiện xong bước sơ cứu ban đầu thì hàng ngày bạn có thể tự rửa mắt tại nhà bằng cách:

Dùng nước mắt sinh lý nhỏ vào mắt rồi nháy mắt vài lần để nước mắt và bụi bẩn chảy ra ngoài. Việc làm này vừa đẩy bụi bẩn ra ngoài vừa giữ ẩm cho mắt.

2.3. Can thiệp y tế

Nếu đã thực hiện sơ cứu và các cách chữa đau mắt hàn trên đây mà sau 2 ngày các triệu chứng đau mắt không thuyên giảm hay trở nên nghiêm trọng hơn thì cần đến bác sĩ nhãn khoa thăm khám để được hướng dẫn điều trị hiệu quả.

Tùy vào mức độ đau mắt của từng người mà bác sĩ sẽ có hướng xử lý phù hợp như: dùng thuốc nhỏ mắt kháng sinh, thuốc kháng viêm, dùng nước mắt nhân tạo hay dùng thuốc giãn đồng tử,... Tất cả cách chữa đau mắt hàn này đều nhằm mục đích ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm triệu chứng đau mắt, giảm viêm và hạn chế nguy cơ gây sẹo giác mạc.

Nếu sau 2 ngày không thấy triệu chứng cải thiện thì nên khám bác sĩ nhãn khoa để tìm cách chữa đau mắt hàn hiệu quả

Nếu sau 2 ngày không thấy triệu chứng cải thiện thì nên khám bác sĩ nhãn khoa để tìm cách chữa đau mắt hàn hiệu quả

Những trường hợp bị đau mắt hàn nghiêm trọng bác sĩ có thể chỉ định dùng thêm thuốc giảm đau. Việc dùng thuốc trị đau mắt hàn sẽ giúp các triệu chứng bệnh dần hồi phục sau khoảng 3 - 4 ngày.

Trong quá trình điều trị đau mắt hàn người bệnh vẫn nên chườm lạnh cho mí mắt để giảm sưng, đau và không dùng kính áp tròng, không làm căng mắt do đọc sách hay nhìn vào màn hình thiết bị điện tử. Khi đi ra ngoài, người bệnh cần đeo kính râm để mắt được bảo vệ trước ánh nắng mặt trời.

Có một số trường hợp bị nhiễm trùng nhưng không xuất hiện triệu chứng ngay. Để đề phòng nguy cơ này và đánh giá hiệu quả của cách chữa đau mắt hàn đã áp dụng, người bệnh cần tái khám sau khoảng 24 - 48 giờ.

Ngoài ra, khi đã thực hiện điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cũng cần nhớ không được dùng bất cứ dung dịch nào chưa được bác sĩ đồng ý vào mắt bị tổn thương. Nếu việc này xảy ra rất dễ khiến mắt phải đối mặt với các vấn đề tiêu cực cho thị lực.

Nếu đã thực hiện theo đúng chỉ dẫn điều trị cho bác sĩ mà sau 48 - 72 giờ, bệnh không có dấu hiệu hồi phục thì người bệnh cũng cần đến khám bác sĩ để đánh giá lại hiệu quả và tìm biện pháp khắc phục tối ưu hơn.

Quý khách hàng bị đau mắt hàn có thể đến khám cùng bác sĩ nhãn khoa tại Chuyên khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Để tiết kiệm thời gian khám chữa bệnh, quý khách có thể gọi tới hotline 1900 56 56 56, đặt trước lịch khám cùng bác sĩ. Qua thăm khám, kiểm tra, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và có cách chữa đau mắt hàn phù hợp để mắt sớm hồi phục an toàn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.