Tin tức

Thai nhi ngôi mông là gì và nên xử trí thế nào?

Ngày 31/03/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai, mọi điều liên quan đến sự phát triển của bé luôn là mối quan tâm của mẹ. Đặc biệt, càng gần ngày sinh, vấn đề về ngôi thai thường khiến mẹ trăn trở. Trường hợp bé đang ở ngôi mông, quá trình sinh nở của mẹ sẽ vất vả hơn nhiều. Vậy ngôi mông là gì, nguy hiểm ra sao, MEDLATEC sẽ cùng mẹ tìm hiểu chi tiết về những nội dung này.

1. Thai nhi ngôi mông là gì?

Thông thường, sang tuần thai thứ 32, để chuẩn bị cho quá trình chào đời thuận lợi, thai nhi sẽ quay đầu về khung chậu của mẹ. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp đều diễn ra như vậy vì có một số ít thai nhi sẽ xoay chân hoặc mông xuống dưới cửa tử cung. Trường hợp này được gọi là ngôi mông, nhiều người vẫn gọi là ngôi ngược.

Mô phỏng giúp hình dung thai ngôi mông là gì

Mô phỏng giúp hình dung thai ngôi mông là gì

Hình dung cụ thể, ngôi mông là gì? Đây chính là tư thế nằm của bé trước ngày chào đời mà ở đó, mông của bé sẽ ở trước eo trên khung chậu, phần lưng nằm hướng về bụng mẹ còn đầu bé lại ở đáy tử cung.

Ngôi mông gồm 3 loại:

- Ngôi mông hoàn toàn: thai nhi hướng phần mông xuống dưới đường dẫn sinh còn đầu gối gập lại với nhau trong tư thế ngồi bắt chéo chân.

- Ngôi mông không hoàn toàn - kiểu mông: thai nhi hướng phần mông xuống dưới đường dẫn sinh, hai bàn chân sát nhau và chân được duỗi thẳng về trước mặt của bé.

- Ngôi mông không hoàn toàn - kiểu bàn chân: một hoặc hai chân thai nhi đặt hướng xuống dưới đường dẫn sinh.

2. Vì sao thai nhi có ngôi mông?

Hiện vẫn chưa xác nhận được nguyên nhân ngôi mông là gì nhưng có nhiều nghiên cứu chỉ ra một số yếu tố có thể tác động mạnh đến sự thay đổi ngôi thai như:

- Nhau thai có vấn đề.

- Sinh non hoặc đa thai.

- Nước ối không đủ.

- Hình dạng tử cung bất thường.

- U xơ tử cung.

3. Thai nhi ngôi mông nguy hiểm không, xử trí thế nào?

3.1. Tính chất nguy hiểm của thai nhi ngôi mông 

Do ngôi mông được xem là ngôi thai ngược nên khi gặp tình trạng này, mẹ bầu sẽ khó tránh khỏi tâm lý lo lắng, hoang mang. Mang thai ngôi mông được xem là một tình thế nguy hiểm vì có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Thai nhi ngôi mông khiến việc sinh nở của mẹ khó khăn và dễ gặp nguy hiểm hơn

Thai nhi ngôi mông khiến việc sinh nở của mẹ khó khăn và dễ gặp nguy hiểm hơn

Khi ở ngôi mông, quá trình chào đời của thai nhi sẽ khó khăn hơn nhiều. Thậm chí có không ít trường hợp sẽ bị thiếu oxy vì vỡ ối trước khi xuất hiện cơn đau chuyển dạ. Lúc này, cuống nhau rất dễ trôi ra ngoài theo nước ối. Phần đầu của thai nhi ra sau cùng nên rất dễ bị kẹt gây nên sang chấn hoặc tử vong.

Với trường hợp ngôi mông không hoàn toàn - kiểu chân, mẹ sẽ rất dễ bị sa tử cung, rốn của thai nhi có thể phải chịu áp lực khiến cho lưu thông máu kém. Kết quả là nguy cơ bé chào đời bị dị tật ở chân.

Nếu là ngôi mông không hoàn toàn hoặc ngôi mông hoàn toàn - kiểu mông thì mẹ vẫn có thể sinh thường nhưng để đảm bảo an toàn đòi hỏi bác sĩ đỡ đẻ phải thật giàu kinh nghiệm và có chuyên môn tốt.

3.2. Xử trí với thai nhi ngôi mông

3.2.1. Mẹ tự khắc phục tại nhà

Cách khắc phục ngôi mông là gì cũng là vấn đề được thai phụ quan tâm. Trong trường hợp mẹ phát hiện thai nhi ngôi mông thì có thể thực hiện một số bài tập kích thích sự di chuyển của thai nhi. 

Bài tập phổ biến được nhiều mẹ lựa chọn nhất là mẹ bầu nằm xuống một mặt phẳng, lót một chiếc gối ôm bên dưới mông rồi từ từ nâng phần hông cao lên cách mặt sàn 3 - 4 cm. Tư thế này cần được tập luyện đều đặn hàng ngày, mỗi lần 10 - 15 phút. 

Hoặc có một cách khác mà mẹ bầu có thể thực hiện để kích thích thai nhi ngôi mông di chuyển đó là nghe nhạc. Mẹ hãy đặt tai nghe vào bụng dưới, làm đều đặn hàng ngày để kích thích bé chuyển đầu quay xuống dưới đường sinh.

3.2.2. Hỗ trợ từ bác sĩ chuyên khoa

Hầu hết trường hợp mang thai ngôi mông đều được bác sĩ chỉ định sinh mổ để bảo đảm an toàn cho cả hai mẹ con. Chỉ một số trường hợp ngôi mông kiểu mông mới có thể sinh thường. 

Tùy vào khả năng xoay trở của thai nhi trong thời gian chuyển dạ, điều kiện sức khỏe của mẹ mà bác sĩ sẽ trả lời cho thai phụ biết phương hướng xử trí với ngôi mông là gì.

Trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ thực hiện xoay thai ngôi mông để đảm bảo an toàn cho thai phụ

Trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ thực hiện xoay thai ngôi mông để đảm bảo an toàn cho thai phụ

Thông thường, các trường hợp thai ngôi mông sau đây có thể sẽ sinh đường tự nhiên được:

- Thai nhi ngôi mông kiểu mông.

- Mẹ có khung chậu rộng và cổ tử cung mở lớn.

- Khả năng cúi đầu của thai nhi tốt.

- Trọng lượng thai ≤ 3.2kg.

Thai ngôi mông thường được bác sĩ can thiệp xoay thai bằng phương pháp ECV (hay còn gọi là phương pháp xoay thai). Trước khi quá trình này diễn ra, bác sĩ sẽ tiêm thuốc làm mềm cơ bụng cho người mẹ rồi dùng tay để xoay đầu của thai nhi từ bên ngoài bụng mẹ. Thuốc làm mềm tử cung là loại thuốc chứa thành phần tocolytic có tác dụng giúp tử cung được thư giãn và không bị co thắt. 

Loại thuốc làm mềm cơ bụng thường dùng nhất là terbutaline. Có rất nhiều yếu tố tác động đến sự thành công của phương pháp xoay ngôi thai này như: vị trí, cân nặng của thai nhi, lượng nước ối,... Trung bình, tỷ lệ thành công vào khoảng 65%.

Nếu đã tiến hành xoay thai bằng ECV nhưng không hiệu quả thì bác sĩ sẽ phải chỉ định mổ lấy thai. Thời điểm quyết định mổ lấy thai sẽ được bác sĩ căn cứ dựa trên thực trạng sức khỏe của thai phụ, sự phát triển của thai nhi và tính chất cần thiết của việc can thiệp thủ thuật.

Theo dõi thai kỳ tại cơ sở y tế uy tín và không bỏ qua các mốc khám thai quan trọng sẽ giúp thai phụ biết được chính xác ngôi thai và có biện pháp can thiệp an toàn trong trường hợp cần thiết.

Chuyên khoa Sản phụ khoa - Hệ thống Y tế MEDLATEC với đội ngũ bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm; hệ thống máy móc y tế hiện đại; là địa chỉ uy tín để mẹ bầu theo dõi thai kỳ. Để quá trình khám thai diễn ra nhanh chóng, thuận tiện, mẹ bầu có thể liên hệ đặt trước lịch khám qua tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.