Từ điển bệnh lý

Ung thư âm đạo : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Ung thư âm đạo

Cấu tạo: âm đạo là một ống cơ nối liền giữa âm hộ và tử cung. Ung thư âm đạo là một loại bệnh lý ác tính, bắt nguồn từ các tế bào đột biến hình thành nên u ác tính trong âm đạo. 

Ung thư nguyên phát ở âm đạo khá hiếm gặp, chiếm từ 3 - 5% trong số các bệnh lý ung thư phụ khoa, các trường hợp ung thư âm đạo xảy ra chủ yếu là do các tế bào ung thư từ những cơ quan khác trong cơ thể di căn đến âm đạo. 

Ung thư âm đạo thường bắt gặp ở những người phụ nữ lớn tuổi, trong đó có đến 80 - 85% bệnh nhân là phụ nữ mãn kinh, ít gặp hơn ở phụ nữ dưới 40 tuổi và hiếm thấy ở phụ nữ có thai.

Ung thư âm đạo là một loại bệnh lý ác tính, bắt nguồn từ các tế bào đột biến hình thành nên u ác tính trong âm đạo


Nguyên nhân Ung thư âm đạo

Hiện nay chưa có nghiên cứu nào có thể xác định rõ ràng nguyên nhân dẫn đến ung thư âm đạo. Tuy vậy các yếu tố sau đây cũng làm tăng khả năng mắc bệnh lý này ở nữ giới, đó là:

  • Phụ nữ lớn tuổi: có đến 40% phụ nữ trong độ tuổi từ 75 trở lên bị ung thư âm đạo;
  • Yếu tố nội tiết: những phụ nữ chậm có kinh hoặc mãn kinh thường có nguy cơ bị ung thư âm đạo cao hơn;
  • Thuốc lá: Người hay hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường nhiều khói thuốc;
  • Những người có các bệnh lý không lây nhiễm kèm theo như: tăng huyết áp, tiểu đường;
  • Các thương tổn lành tính ở vị trí âm hộ, âm đạo: như bạch biến, Condylome sùi, nghịch dưỡng âm hộ;
  • Do hiện tượng đột biến gen: đột biến gen P53 và PRAD1 có liên quan tới việc mắc ung thư âm đạo, âm hộ;
  • Bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung: thực tế có một nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy những bệnh nhân nữ bị ung thư cổ tử cung thì khả năng cũng bị ung thư âm đạo cao gấp 3 lần do với những phụ nữ bình thường. Những người phụ nữ điều trị ung thư cổ tử cung bằng phương pháp xạ trị thì nguy cơ bị ung thư âm đạo cũng cao hơn so với bệnh nhân không áp dụng biện pháp xạ trị;
  • Suy giảm hệ thống miễn dịch: một bệnh mãn tính là Lupus  ban đỏ ảnh hưởng lớn tới hệ thống miễn dịch của cơ thể. Những người bị nhiễm Lupus ban đỏ gây nên hiện tượng hệ miễn dịch tấn công cả các mô, tế bào và cơ quan khỏe mạnh, gia tăng nguy cơ bệnh ung thư âm đạo ở nữ giới;
  • Nhiễm HIV: nguy cơ mắc ung thư âm đạo sẽ càng cao khi bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS. Nguyên nhân là do HIV/AIDS khiến hệ miễn dịch của người bệnh bị suy giảm, từ đó khiến cơ thể bệnh nhân không đủ sức chống lại virus HPV;
  • Do virus HPV: đây là virus gây u nhú ở người thường lây nhiễm từ người này sang người khác qua đường quan hệ tình dục. Có đến ¾ phụ nữ bị ung thư âm đạo có sự hiện diện của HPV (tương đương 75%). Đáng  chú ý hơn, virus HPV 6  và 11 có thể xâm nhập và tấn công cơ quan sinh dục ở nữ, hình thành mụn cóc sinh dục. Và những bệnh nhân đã từng bị mụn cóc sinh dục sẽ dễ xuất hiện những tế bào tiền ung thư hơn, lâu dần các tế bào này có thể tiến triển thành bệnh ung thư âm đạo.

Những bệnh nhân đã từng bị mụn cóc sinh dục do nhiễm virus HPVsẽ dễ xuất hiện những tế bào tiền ung thư hơn, lâu dần các tế bào này có thể tiến triển thành bệnh ung thư âm đạo


Triệu chứng Ung thư âm đạo

Ung thư âm đạo tiến triển bắt đầu từ lớp niêm mạc âm đạo. Ở giai đoạn đầu bệnh không thể hiện triệu chứng rõ ràng và thường phát triển một cách âm thầm.  Tuy nhiên bệnh nhân có thể gặp các dấu hiệu sau đây cảnh báo bản thân đang mắc hoặc có nguy  cơ bị ung thư âm đạo:

  • Ngứa: cảm giác ngứa ngáy liên tục, kéo dài mãi không khỏi và ngứa trong nhiều tháng hoặc nhiều năm trước khi chẩn đoán ra bệnh;
  • Dịch âm đạo có mùi và màu sắc bất thường: tiết dịch nhầy là một hiện tượng bình thường của cơ thể, nó giúp bảo vệ âm đạo khỏi các vi khuẩn và tác nhân gây hại từ bên ngoài. Tuy nhiên nếu phát hiện thấy dịch nhầy âm đạo trở nên đặc sệt, có mùi lạ, màu sắc khác lạ liên quan đến viêm nhiễm âm đạo cần hết  sức lưu ý, có thể đây là dấu hiệu cảnh báo khối u đã gia tăng kích thước và gây hoại tử, nhiễm trùng âm đạo. Nếu nhận ra triệu chứng này, bệnh nhân cần đi làm xét nghiệm PAB để chẩn đoán ung thư cổ tử cung và âm đạo;
  • Âm đạo chảy máu: bệnh nhân vẫn bị chảy máu khi không phải đang trong chu kỳ kinh nguyệt. Âm đạo chảy máu có màu đỏ, nâu hoặc đen một cách bất  thường, đặc biệt là sau khi quan hệ tình dục hoặc sau khi mãn kinh; 
  • Đau vùng bụng dưới: khối u khi càng ngày càng lớn dần sẽ gây chèn ép các cơ quan lân cận hoặc vùng chậu khiến khu vực này thường xuyên cảm thấy đau;
  • Sờ thấy khối u ở cửa mình: khối u có thể cứng, hoặc sùi, loét như súp lơ. bệnh nhân thường đi khám vào thời điểm phát hiện ra khối u này;
  • Thói quen tiểu tiện thay đổi: các cơ quan thuộc hệ tiết niệu như bàng quang, niệu đạo có thể bị khối u chiếm diện tích và gây áp lực. Điều này dẫn đến hiện tượng tiểu rắt, tiểu buốt, nghiêm trọng hơn là đi tiểu ra máu. Bên cạnh đó khi khối u chèn ép vào đại tràng có thể khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc đại tiện, táo bón kéo dài;
  • Sờ thấy hạch bẹn, sưng hạch bạch huyết vùng háng: vào giai đoạn cuối của bệnh, hạch bẹn nếu quá to và vỡ ra, hoặc gây chèn ép tĩnh mạch đùi sẽ khiến phù và viêm tĩnh mạch huyết khối mạn tính. Bệnh nhân sẽ thường xuyên cảm thấy chán ăn, sốt cao không rõ nguyên nhân;
  • Khi khối u lan rộng có thể tấn công niệu đạo, trực tràng, vách âm đạo, bàng quang gây nên những lỗ rò bàng quang, âm đạo, thậm chí là rò trực tràng âm đạo.

Đau bụng dưới là một trong những dấu hiệu cảnh báo mắc ung thư âm đạo

Khi gặp những biểu hiện như dịch nhầy có trạng thái bất thường, xuất huyết âm đạo bệnh nhân cần tới bệnh viện càng sớm càng tốt để tiến hành thực hiện các biện pháp xét nghiệm, chẩn đoán để xác định và làm rõ nguyên nhân gây ung thư âm đạo. Không nên tự mua thuốc về uống khi không có chỉ định của bác sĩ. Điều này có thể giúp bệnh nhân giải quyết được các triệu chứng ban đầu nhưng chỉ là nhất thời, thậm chí còn khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.


Các biện pháp chẩn đoán Ung thư âm đạo

Bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng của người bệnh. Tuy  nhiên ở giai đoạn đầu bệnh có thể xuất hiện rất ít triệu chứng. Do đó người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện thêm những xét nghiệm cần thiết như:

- Sinh thiết tế bào: lấy mẫu bệnh phẩm nhằm chẩn đoán xác định bệnh. Đối với các thương tổn nhỏ dưới 1cm có thể loại bỏ toàn bộ khối u để làm mô bệnh học;

- Thực hiện chọc hút tế bào đối với các hạch có xu hướng di căn;

- Chụp CT và MRI khu vực tiểu khung: mục đích để đánh giá mức độ lan rộng của khối u, hạch chậu, hạch bẹn;

Chụp CT và MRI khu vực tiểu khung để đánh giá mức độ lan rộng của khối u, hạch chậu, hạch bẹn

Chụp CT và MRI khu vực tiểu khung để đánh giá mức độ lan rộng của khối u, hạch chậu, hạch bẹn

- Soi bàng quang và trực tràng: áp dụng khi ung thư đã lan rộng, tấn công tới gần niệu đạo và hậu môn;

- Siêu âm ổ bụng và chụp X-quang: kiểm tra, đánh giá khi khối u di căn xa sang những bộ phận khác;

- Chẩn đoán phân biệt giữa u ác với u lành tính hoặc các dạng u như:

  • U có nguồn gốc trung mô: u cơ trơn, u mỡ hoặc u mạch máu;
  • U có nguồn gốc biểu mô: u tuyến mồ hôi, condyloma sùi, u nhú, lạc nội mạc tử cung.

Các biện pháp điều trị Ung thư âm đạo

Phẫu thuật loại bỏ tế bào ung thư: 

Ung thư giai đoạn 1 - 2:

  • Trước khi tiến hành cắt bỏ khối u cần kiểm tra tổng thể tình trạng của đường sinh dục để phát hiện ra những chứng bệnh khác có thể gặp ở tử cung, cổ tử cung, đặc biệt trong trường hợp xuất hiện chảy máu âm đạo ở người bệnh đã bước sang giai đoạn đã mãn kinh;
  • Đối với những tổn thương có kích thước đường kính dưới 2cm, chiều sâu xâm lấn không quá 5mm thì có thể tiến hành cắt  rộng khối u, miễn là đảm bảo diện cách an toàn cách bờ tổn thương một khoảng 1cm;
  • Với những u lớn hơn 2cm, chiều sâu xâm lấn lớn hơn 5mm cần thực hiện vét cả hạch bẹn, đùi. 

Phẫu thuật loại bỏ tế bào ung thư

Phẫu thuật loại bỏ tế bào ung thư

Ung thư giai đoạn 3 - 4:

  • Có thể chỉ định mổ hoặc không mổ khi bệnh ở giai đoạn 3. Cân nhắc tiến hành phẫu thuật khi có thể cắt bỏ hoàn toàn các mô tổn thương và không làm tổn hại tới các cơ thắt ảnh hưởng tới chức năng đại tiểu tiện;
  • Trường hợp khối u nguyên phát nhỏ: có thể phẫu thuật loại bỏ khối u rộng rãi, kèm theo vét hạch bẹn- đùi;
  • Nếu khối u lớn: cắt bỏ âm hộ để tiêu diệt tế bào ung thư, kết hợp với vét hạch vùng bẹn - đùi;
  • Nếu khối u nằm ở giữa thì cần vét hạch bẹn - đùi ở cả hai bên.

Biện pháp xạ trị

Mục đích của phương pháp này đó là khiến khối u bị thu nhỏ lại trước khi phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn, hoặc dùng để dọn dẹp nốt những tế bào ung thư còn sót sau khi mổ.

Trường hợp bệnh nhân không thể áp dụng phẫu thuật triệt căn hoặc điều kiện sức khoẻ không cho phép phẫu thuật, thì có thể điều trị đơn thuần bằng liệu pháp xạ trị.

Liệu pháp hoá trị

Phương pháp này được sử dụng khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, khi khối u đã di căn và gây tổn thương ở những cơ quan khác. Ngoài ra hoá trị còn giúp giảm thiểu kích thước của khối u, hỗ trợ cho việc phẫu thuật diễn ra dễ dàng hơn.


Tài liệu tham khảo:

  • Ung thư âm đạo | Vinmec
  • Ung thư âm đạo tổng quan | Kingfucoidan
  • Ung thư ung bướu ung thư khác ung thư âm đạo | Hellobacsi

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.