Tin tức

Tìm hiểu về chỉ số tiểu đường và cách kiểm soát

Ngày 28/01/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Các chỉ số tiểu đường cung cấp thông tin để xác định tình trạng sức khỏe trong chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh đái tháo đường. Nắm rõ những thông tin về chỉ số đường huyết sẽ giúp bạn sớm nhận biết để từ đó lên phương án điều trị và thay đổi chế độ chăm sóc phù hợp.

1.Tổng quan về căn bệnh tiểu đường

Tiểu đường là bệnh lý về rối loạn carbohydrate xảy ra khi cơ thể thiếu hụt Insulin khiến hàm lượng đường hay Glucose trong máu tăng cao vượt ngưỡng bình thường. Sự thiếu hụt Insulin có thể do tế bào β Langerhans ở đảo tụy giảm hay ngừng tiết Insulin (tiểu đường type 1) hoặc tuyến tụy vẫn tiết Insulin nhưng hormone này hoạt động kém hiệu quả (tiểu đường type 2). Lúc này, lượng Glucose không chuyển hóa thành năng lượng tại các tế bào nên dư thừa trong máu. Khi đó, thông qua các xét nghiệm chỉ số tiểu đường, bác sĩ có thể xác định chính xác tình trạng sức khỏe bệnh nhân. 

Hàm lượng đường trong máu tăng cao do thiếu hụt Insulin

Hàm lượng đường trong máu tăng cao do thiếu hụt Insulin

Đối tượng dễ mắc bệnh tiểu đường? 

Tiểu đường có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào, ở mọi độ tuổi, không phân biệt giới tính. Tuy nhiên, tiểu đường type 1 thường gặp người trẻ dưới 30 tuổi, còn tiểu đường type 2 phổ biến với những đối tượng sau: 

  • Người từ 45 tuổi trở lên. 
  • Người thừa cân, béo phì. 
  • Bệnh nhân bị bệnh mỡ máu, cao huyết áp, bệnh mạch vành, gout,… 
  • Phụ nữ đã từng bị tiểu đường thai kỳ, sinh con nặng trên 4kg hoặc sảy thai nhiều lần. 
  • Người có tiền sử gia đình bị bệnh đái tháo đường. 
  • Những người ngồi quá lâu, ít vận động thể lực do tính chất công việc như nhân viên văn phòng, kế toán,… 

Phụ nữ mang thai cũng là đối tượng dễ bị tiểu đường thai kỳ do chế độ ăn thiếu cân đối, lượng thức ăn bổ sung cho cơ thể quá nhiều, tăng cân mất kiểm soát,… Do đó mà mẹ bầu cần chú ý chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt đồng thời tái khám theo định kỳ để kiểm soát đường huyết trong máu. 

Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường

Hầu hết bệnh nhân bị tiểu đường giai đoạn đầu không có triệu chứng rõ ràng. Nếu có, biểu hiện cũng rất mơ hồ nên người bệnh khó nhận biết. Việc phát hiện sớm hầu hết thông qua các chỉ số tiểu đường khi làm xét nghiệm đánh giá sức khỏe tổng quát hoặc kiểm tra bệnh lý khác. Dưới đây là một số dấu hiệu của bệnh tiểu đường: 

  • Tiểu đường type 1: Người bệnh thường xuyên có cảm giác đói, kể cả khi mới ăn xong, cơ thể mệt mỏi, khó chịu, thiếu sức sống do tế bào không được cung cấp năng lượng, tiểu tiện bất thường, tần suất đi tiểu tăng, sụt cân, giảm thị lực,... Các dấu hiệu của bệnh tiểu đường type 1 thường diễn ra từ vài ngày đến vài tuần. Nếu người bệnh không phát hiện và can thiệp điều trị sẽ chuyển sang nặng và dễ dẫn đến biến chứng. 
  • Tiểu đường type 2: Các triệu chứng của tiểu đường type 2 thường diễn biến âm thầm, khó nhận biết hơn type 1. Người bệnh bị tiểu đường type 2 thường gặp tình trạng vết thương hở khó lành, dễ bị nấm, nhiễm trùng ở vùng da có nếp gấp hoặc thường xuyên ẩm ướt,… Các triệu chứng khác đi kèm như ăn nhiều, tiểu nhiều, gầy sụt cân nhanh.

Bệnh nhân tiểu đường type 1 thường xuyên cảm thấy đói kể cả khi mới ăn xong

Bệnh nhân tiểu đường type 1 thường xuyên cảm thấy đói kể cả khi mới ăn xong

2. Các chỉ số xét nghiệm tiểu đường 

Hiện nay, chỉ số đường huyết và HbA1c đóng vai trò hỗ trợ nhau trong chẩn đoán, tiên lượng, theo dõi bệnh nhân bị tiểu đường. 

Chỉ số HbA1c

HbA1c là sự kết hợp giữa Hemoglobin và Glucose. Nếu hàm lượng Glucose trong máu cao, lượng đường gắn với Hb sẽ tăng. Điều này đồng nghĩa với chỉ số xét nghiệm HbA1c tăng. Xét nghiệm này được thực hiện ở mọi thời điểm, bệnh nhân không cần phải nhịn đói với mục đích đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết trong thời gian 2 - 3 tháng gần nhất. 

Chỉ số đường huyết

Chỉ số đường huyết được chia làm 3 loại gồm: Chỉ số đường huyết lúc đói, ngẫu nhiên và xét nghiệm dung nạp Glucose. Chỉ số tiểu đường an toàn đối với cơ thể khỏe mạnh và chẩn đoán tiểu đường là: 

Chỉ số

Giá trị bình thường (mmol/L)

Chẩn đoán bị tiểu đường (mmol/L)

Chỉ số đường huyết ngẫu nhiên

≤ 11,1

> 11,1 (xét nghiệm 2 lần)

Chỉ số đường huyết lúc đói trong 2 lần vào 2 ngày riêng biệt cách nhau khoảng 1 - 7 ngày

3,9 - 6,4

> 7

Xét nghiệm dung nạp Glucose

< 7,8

> 11,1

Chỉ số HbA1c

<5,7 %

> 6,4%

Chỉ số tiểu đường an toàn và được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường

Chỉ số đường huyết và HbA1c đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán tiểu đường

Chỉ số đường huyết và HbA1c đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán tiểu đường

3. Cách kiểm soát chỉ số tiểu đường ở mức an toàn 

Bệnh đường có mối quan hệ mật thiết với chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, vận động. Vì vậy, để kiểm soát các chỉ số tiểu đường nhằm phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau: 

  • Chế độ ăn uống khoa học: Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, ưu tiên các loại củ có hàm lượng tinh bột thấp, trái cây thuộc họ có muối và nguồn chất béo từ thực vật. Hạn chế uống nước ngọt, nước có gas, rượu, bia, thuốc lá hoặc sử dụng chất kích thích. Bệnh nhân bị tiểu đường cần hạn chế ăn gạo trắng, miến, bún, bánh ngọt, khoai tây, trái cây sấy hoặc trái cây chín ngọt như sầu riêng, mít, nhãn,… 
  • Tập thể dục thường xuyên: Đây là cách hiệu quả để làm giảm lượng đường dư thừa trong máu và tránh tình trạng kháng Insulin.
  • Ngủ đúng giờ, đủ giấc: Xây dựng thói quen ngủ đúng giờ và đủ 6 - 8 tiếng 1 ngày để cơ thể được nghỉ ngơi, mạch máu thư giãn, hỗ trợ kiểm soát tốt các chỉ số tiểu đường. Tránh tình trạng thức quá khuya rồi ngủ bù vào ban ngày làm rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. 
  • Uống đủ nước: Cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày giúp cân bằng chuyển hóa và tăng khả năng đào thải các chất dư thừa thông qua nước tiểu.

Bên cạnh những biện pháp kể trên, bạn cần khám sức khỏe thường xuyên, thực hiện xét nghiệm chỉ số tiểu đường để theo dõi, đánh giá tổng thể, phát hiện sớm bất thường và nguy cơ bị bệnh để từ đó có biện pháp điều trị và chăm sóc thích hợp. 

Hiện nay, các cơ sở thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC là địa chỉ an toàn mà bạn có thể lựa chọn để xét nghiệm chỉ số tiểu đường hoặc thăm khám, điều trị bệnh. Ngoài đến trực tiếp cơ sở, quý khách hàng còn có thể sử dụng dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà của MEDLATEC để theo dõi chỉ số đường huyết nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung.

Theo dõi chỉ số tiểu đường với dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi của MEDLATEC

Theo dõi chỉ số tiểu đường với dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi của MEDLATEC

Để đặt lịch lấy mẫu xét nghiệm tiểu đường tận nơi, quý khách hàng vui lòng gọi điện đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC - Trung tâm lấy mẫu xét nghiệm tại nhà.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.