Tin tức

Các biến chứng của bệnh tiểu đường tuyệt đối không chủ quan

Ngày 14/03/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Bệnh tiểu đường gây ra nhiều biến chứng trên nhiều cơ quan, bộ phận của cơ thể. Do đó, việc tìm hiểu các biến chứng của bệnh tiểu đường cũng như biện pháp ngăn ngừa biến chứng là cực kỳ quan trọng. Điều này giúp bảo vệ sức khỏe người bệnh cũng như thuận lợi hơn trong công tác điều trị.

1. Tổng quan về bệnh tiểu đường

Trước khi tổng hợp các biến chứng của bệnh tiểu đường thì chúng ta cùng tìm hiểu sơ lược về căn bệnh này. Tiểu đường hay đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa khiến lượng đường trong máu luôn ở mức cao. Việc tăng glucose máu trong thời gian dài không được kiểm soát sẽ gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipid, từ đó gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh..

Tiểu đường được chia thành 2 thể là tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2. Trong đó, tiểu đường type 1 thường xảy ra ở trẻ em và người trẻ tuổi với các triệu chứng rõ ràng, tiến triển nhanh, dễ phát hiện. Còn tiểu đường type 2 thì thường xảy ra với người già, người cao tuổi, người trung niên với triệu chứng không rõ ràng, khó phát hiện.

Ngoài ra còn có một thể tiểu đường khác là tiểu đường thai kỳ, chỉ xảy ra ở phụ nữ mang thai và sẽ hết khi thai phụ sinh con. Nhưng quá trình mang thai, mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ mà không được điều trị cũng như kiểm soát hiệu quả thì có thể đối mặt với nhiều biến chứng cho cả mẹ và bé.

Tiểu đường là bệnh mãn tính với nhiều biến chứng nguy hiểm

Tiểu đường là bệnh mãn tính với nhiều biến chứng nguy hiểm

2. Các biến chứng của bệnh tiểu đường

Các biến chứng của bệnh tiểu đường có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Dù là biến chứng nào thì cũng đều mang tính chất nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Biến chứng ở mắt

Đây là một trong các biến chứng của bệnh tiểu đường điển hình và phổ biến. Rất nhiều bệnh nhân bị tiểu đường gặp vấn đề về mắt và thị lực do hệ thống vi mạch, mạch máu ở mắt bị tổn thương. Lúc này, người bệnh sẽ có biểu hiện là nhìn mờ, mắt bị nhấp nháy, nổi hột. Nghiêm trọng hơn là thị lực suy giảm đột ngột, nếu không được điều trị có thể đối mặt với nguy cơ mù lòa. 

Biến chứng ở thận

Biến chứng này diễn ra “âm thầm” nhưng cực kỳ nguy hiểm. Cụ thể, biến chứng của bệnh tiểu đường lên thận không rõ ràng nên người bệnh thường bỏ qua. Đến khi các bệnh lý nghiêm trọng xuất hiện như thận hư, suy thận thì mới phát hiện. Lúc này, việc điều trị là rất tốn kém vì phải chạy thận, ghép thận nhân tạo. Do đó, người bệnh khi thấy cơ thể mệt mỏi, chán ăn, huyết áp tăng và tiểu đêm nhiều, nước tiểu có sủi bọt thì cần đi khám nhanh chóng. 

Biến chứng của tiểu đường lên thận khiến người bệnh đi tiểu nhiều

Biến chứng của tiểu đường lên thận khiến người bệnh đi tiểu nhiều

Biến chứng tim mạch

Sức khỏe tim mạch của người bị tiểu đường thường có nhiều vấn đề, nếu không được phát hiện và điều trị thì có thể bị tử vong. Thống kê cho thấy, có đến 80% bệnh nhân bị tiểu đường gặp biến chứng tim mạch và tử vong sau đó. Vì vậy, đây là một trong các biến chứng của bệnh tiểu đường không thể chủ quan.

Biến chứng tim mạch của bệnh nhân bị tiểu đường nếu nhẹ là đau đầu, chóng mặt, đau thắt ngực, khó thở, hồi hộp, rối loạn giấc ngủ, suy giảm thị lực, mất thăng bằng. Trường hợp nặng, người bệnh bị ngất xỉu, đột quỵ, hôn mê, liệt nửa người, rối loạn thực vật,…

Biến chứng thần kinh

Lượng đường trong máu luôn ở mức cao sẽ làm tổn thương các mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh, hệ quả là gây tổn thương hệ thần kinh thực vật. Lúc này, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như đổ mồ hôi nhiều, buồn nôn và nôn, tiểu tiện không tự chủ, bị táo bón hoặc tiêu chảy thường xuyên, lãnh cảm, yếu sinh lý,… 

Đặc biệt, biến chứng thần kinh tác động nặng nề đến bàn chân của người bị tiểu đường, cụ thể là đau, ngứa rát, nặng hơn là mất cảm giác, khiến bàn chân bị lở loét, vết loét dễ viêm nhiễm, khó lành và có nguy cơ bị hoại tử, phải cắt cụt chi dưới. 

Bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng thần kinh, tiểu tiện không tự chủ

Bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng thần kinh, tiểu tiện không tự chủ

Những biến chứng khác

Ngoài các biến chứng của bệnh tiểu đường như kể trên thì người bệnh còn có thể đối mặt với một số biến chứng khác như:

  • Rối loạn cơ xương khớp: Người bệnh không chỉ bị đau nhức xương khớp, mỏi cơ mà còn có nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay, co cứng Dupuytren, xơ cứng bì,..
  • Các vấn đề về da: Bệnh nhân tiểu đường dễ bị nhiễm trùng, nấm, u hạt tiêu, u hạt hoại tử, bệnh bạch biến,… cùng các vấn đề về da khác. 
  • Nhiễm toan ceton: Người bệnh luôn trong tình trạng khó chịu giống như bị rối loạn tiêu hóa, bao gồm các triệu chứng như buồn nôn và nôn, đau bụng, hơi thở có mùi,… Nặng hơn là hôn mê và tử vong. 
  • Trầm cảm, suy giảm trí nhớ: Chính vì những tổn thương ở hệ thần kinh cùng với tâm lý mang bệnh nên bệnh nhân tiểu đường thường bị lo lắng, bất an, phiền muộn, lâu dần dẫn đến trầm cảmsa sút trí tuệ.

3. Phòng ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường 

Để phòng ngừa và giảm thiểu các biến chứng của bệnh tiểu đường, người bệnh cần lưu ý:

  • Chú trọng vào chế độ ăn uống, đặc biệt là kiểm soát lượng đường bột nạp vào cơ thể. Ưu tiên thực phẩm chứa tinh bột tiêu hóa chậm và rau xanh, trái cây, đồng thời uống nhiều nước và đừng ăn quá no.
  • Rèn luyện thể chất để tăng cường quá trình chuyển hóa glucose thành năng lượng, từ đó hạ đường huyết. Điều này là cực kỳ quan trọng với người bị tiểu đường type 2. 
  • Theo dõi và kiểm soát lượng đường huyết thường xuyên bằng cách kiểm tra đường huyết vào 4 thời điểm trong ngày: Buổi sáng sau khi ngủ dậy, lúc ăn sáng xong, buổi trưa và buổi tối trước khi đi ngủ. Trường hợp mệt mỏi, tay chân bủn rủn, người vã mồ hôi,… thì cần kiểm tra “ngay và luôn”.
  • Thăm khám định kỳ theo lịch trình của bác sĩ hoặc bất cứ khi nào thấy cơ thể không ổn. Việc này sẽ giúp tầm soát tốt các biến chứng của bệnh tiểu đường, nếu có biến chứng thì việc điều trị cũng trở nên đơn giản và hiệu quả hơn. 

Bệnh nhân tiểu đường cần theo dõi đường huyết và tái khám định kỳ

Bệnh nhân tiểu đường cần theo dõi đường huyết và tái khám định kỳ 

Nếu đang tìm kiếm địa chỉ y tế uy tín để thăm khám, theo dõi bệnh tiểu đường định kỳ thì bạn có thể lựa chọn Hệ thống Y tế MEDLATEC. Đặc biệt, MEDLATEC còn cung cấp dịch vụ Lấy mẫu xét nghiệm tận nơi, giúp khách hàng tiết kiệm được thời gian cho việc đi lại, chờ đợi. Với dịch vụ này, khách hàng chỉ cần trả thêm phụ phí 10.000 VNĐ chi phí đi lại cho một lần lấy mẫu. Sau khi có kết quả xét nghiệm, khách hàng có thể dễ dàng tra cứu trên tin nhắn SMS, đồng thời bác sĩ của MEDLATEC sẽ gọi điện tư vấn cũng như có những lời khuyên phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của khách hàng.

Nếu cần tư vấn thêm về các biến chứng của bệnh tiểu đường, hoặc đặt lịch lấy mẫu xét nghiệm tận nơi, bạn hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56 để được Tổng đài viên của MEDLATEC hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.