Tin tức

Khát nước liên tục là do bệnh gì?

Ngày 18/04/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Cảm giác khát nước chính là cách mà cơ thể phản ứng khi bị thiếu nước. Phần lớn khát nước là do thời tiết hanh khô hay quá nóng, lao động nặng hay tập luyện thể thao,... Tuy nhiên, nếu thường xuyên khát nước, uống nhiều nước mà vẫn thấy khát lại là biểu hiện bất thường, có thể do một số bệnh lý gây ra. Vậy khát nước liên tục là vì những lý do gì?

1. Nguyên nhân gây khát nước liên tục?

Dưới đây là một số nguyên nhân khiến bạn khát nước liên tục: 

Khát nước có thể do trời quá nóng

Khát nước có thể do trời quá nóng

1.1. Sốc nhiệt

Khi trời nắng và nóng từ 32 độ C trở lên, cơ thể sẽ cảm thấy khó chịu và ra nhiều mồ hôi, dẫn tới tình trạng khát nước. Lúc này, bạn cần uống nước để bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể. Sau khi uống đủ nước, cơ thể sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, mát hơn và khỏe khoắn hơn. 

Ngược lại, nếu không kịp thời bổ sung lượng nước cần thiết, cơ thể của bạn sẽ bị kiệt sức, đồng thời nhiệt độ cơ thể tăng nhanh, thậm chí có thể gây tử vong. Do đó, đừng để tình trạng khát nước kéo dài dưới trời nắng nóng. 

1.2 Mất nước

Có nhiều nguyên nhân khiến cơ thể bị mất nước, chẳng hạn như tiêu chảy, tập thể dục quá sức, đổ mồ hôi quá nhiều,... Tình trạng mất nước là khi cơ thể không có đủ nước để thực hiện các chức năng bình thường. 

Không chỉ biểu hiện khát nước liên tục, người bị mất nước còn có thể gặp phải một số triệu chứng như sau: 

- Nước tiểu đậm màu hơn bình thường. 

- Đi tiểu ít. 

- Miệng khô, da khô. 

- Cơ thể mệt mỏi, choáng váng. 

- Đau đầu. 

- Trẻ nhỏ bị mất nước thường khóc không ra nước mắt hoặc ra ít nước mắt, khô miệng, tiểu ít, chậm chạp hơn bình thường,...

1.3 Bệnh tiểu đường

Người mắc tiểu đường thường xuyên đào thải lượng chất lỏng dự trữ qua đường tiểu, chính vì thế mà bạn sẽ có xu hướng đi tiểu nhiều hơn. Do đó, cơ thể có biểu hiện khát nước liên tục để bù đắp lại lượng chất lỏng đã mất đi. 

Khát nước do bệnh tiểu đường

Khát nước do bệnh tiểu đường

Không chỉ có biểu hiện mất nước, bệnh nhân tiểu đường còn xuất hiện một số triệu chứng như sau:

- Mắt nhìn mờ. 

- Cảm giác mệt mỏi. 

- Hay bị đói. 

- Những vết cắt và những vết bầm lâu lành. 

1.4 Bệnh đái tháo nhạt

Bệnh này gây ra sự suy giảm ADH – một loại hormone rất cần thiết trong quá trình chuyển hóa nước trong cơ thể. Nguyên nhân gây suy giảm lượng ADH có thể là do vùng dưới đồi của tuyến yên có khối u, người mắc bệnh viêm màng não hay có chấn thương ở vùng đầu,... Ngoài biểu hiện khát nước liên tục, bệnh nhân còn gặp phải một số biểu hiện như hay đi tiểu nhiều lần, nước tiểu loãng và nhạt màu.

1.5 Khô miệng

Khô miệng không chỉ là biểu hiện của tình trạng khát nước mà còn có thể do tuyến nước bọt tạo ra quá ít nước bọt. Ngoài ra, khô miệng có thể do thuốc điều trị, do hút thuốc lá hoặc cũng có thể do người bệnh có biểu hiện tổn thương dây thần kinh vùng đầu và cổ,...

Ngoài biểu hiện khô miệng, người bệnh cũng có thể gặp phải những biểu hiện như:

  • Hôi miệng. 
  • Nướu dễ bị kích thích. 
  • Nước bọt đặc. 
  • Khẩu vị thay đổi. 
  • Khó nhai hơn bình thường. 
  • Nước bọt bị dính vào răng. 

1.6 Thiếu máu

Nguyên nhân khiến bạn bị thiếu máu có thể do ăn uống kém, bị chảy máu nghiêm trọng hoặc do các loại bệnh khác gây ra. Khi bị thiếu máu, cơ thể không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Nếu thiếu máu ở mức độ nhẹ, người bệnh sẽ không có biểu hiện bất thường. Tuy nhiên, nếu thiếu máu nặng, bệnh nhân có thể gặp phải một số biểu hiện như sau: 

Khát nước có thể do thiếu máu

Khát nước có thể do thiếu máu

  • Khát nước liên tục. 
  • Chóng mặt.
  • Mệt mỏi. 
  • Da xanh, tái hoặc hơi vàng. 
  • Thường xuyên đổ mồ hôi. 
  • Mạch nhanh. 

1.7 Bệnh về tuyến giáp

Tuyến giáp có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là chức năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Khi tuyến giáp có vấn đề, nhất là tình trạng suy giáp khiến tuyến giáp không thể hoạt động hiệu quả như bình thường sẽ dẫn đến biểu hiện khát nước liên tục và kèm theo nhiều triệu chứng bất thường khác như mệt mỏi, tăng cân không rõ nguyên nhân, da khô,...

1.8. Tăng canxi máu

Nồng độ canxi trong máu tăng quá mức tiêu chuẩn có thể do hoạt động quá mức của tuyến cận giáp, do bệnh lao, u hạt hay bệnh ung thư,... Khi tăng canxi máu, người bệnh có thể thường xuyên khát nước, uống nhiều nước vẫn thấy khát, đi tiểu liên tục, hay đau bụng, thường xuyên buồn nôn, bị táo bón, yếu cơ, mệt mỏi, rối loạn nhịp tim,...

2. Phải làm sao nếu khát nước liên tục?

Khi khát nước, bạn cần uống nước nhiều hơn. Nếu khát nước do thời tiết quá nắng nóng, do lao động nặng, tập luyện quá sức,... thì việc bổ sung thêm nước cho cơ thể sẽ giúp bạn giải nhiệt hiệu quả và bớt đi cảm giác khát nước. Tuy nhiên, nếu khát nước liên tục là do bệnh lý thì cần phải chữa bệnh triệt để mới có thể khắc phục được triệu chứng liên tục khát nước. 

Nên đi khám nếu có biểu hiện khát nước liên tục

Nên đi khám nếu có biểu hiện khát nước liên tục

Chẳng hạn, nếu khát nước là do tiểu đường, người bệnh cần áp dụng phương pháp điều trị bệnh phù hợp. Mục tiêu điều trị là giảm lượng đường trong máu, kiểm soát đường huyết ở mức ổn định. Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc phù hợp. Đồng thời, bệnh nhân cũng cần điều chỉnh lối sống khoa học, tập luyện mỗi ngày và duy trì chế độ ăn lành mạnh. 

Với những trường hợp bị bệnh đái tháo nhạt, bệnh nhân nên chú trọng đến việc uống đủ nước để hạn chế tình trạng mất nước, đồng thời cần dùng thuốc theo đúng như hướng dẫn của bác sĩ. 

Như vậy, nếu khát nước liên tục không phải do trời quá nóng, tập luyện quá nhiều, lao động nặng thì rất có thể nguyên nhân là do bệnh lý. Bạn càng nên cẩn trọng nếu khát nước thường xuyên đi kèm với nhiều biểu hiện bất thường khác. Chính vì thế, lời khuyên cho bạn là hãy đi khám để được bác sĩ chẩn đoán bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Không nên chủ quan, để bệnh lâu ngày dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. 

Nếu có nhu cầu đặt lịch khám sớm, mời quý khách liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56, các tổng đài viên của Hệ thống Y tế MEDLATEC sẽ hướng dẫn chi tiết cho bạn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.