Tin tức

Tìm hiểu về thở CPAP trong điều trị suy hô hấp ở trẻ em

Ngày 17/10/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Thở CPAP là phương pháp hỗ trợ điều trị đang được nhiều cơ sở y tế sử dụng cho trẻ bị suy hô hấp. Mục đích của việc áp dụng phương pháp này nhằm hỗ trợ hô hấp và giảm nguy cơ thở máy cho trẻ. Bài viết sau đây MEDLATEC sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết hơn về CPAP.

1. Tìm hiểu chi tiết về phương pháp thở CPAP

1.1. Thở CPAP là gì?

CPAP là phương pháp hỗ trợ hô hấp bằng khí áp lực dương với dung tích khí cặn cho người bệnh còn khả năng tự thở. Với người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ thì thở CPAP là phương pháp điều trị được đánh giá là đem lại hiệu quả cao nhất. Người mắc hội chứng này thường xuyên trải qua các cơn ngưng thở ngắn và lặp lại nhiều lần khi ngủ. Kết quả là các mô bị giảm oxy mô, nhất là mô tim, mô não. Nhờ áp lực do máy CPAP tạo ra mà đường thở của người bệnh không bị ngưng trong lúc ngủ. 

Một trong những máy thở CPAP đang được nhiều cơ sở y tế sử dụng

Một trong những máy thở CPAP đang được nhiều cơ sở y tế sử dụng

1.2. Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của phương pháp thở CPAP trong điều trị suy hô hấp ở trẻ nhỏ

Có thể hình dung về nguyên lý hoạt động của phương pháp thở CPAP trong điều trị suy hô hấp ở trẻ như sau: bình thường, nếu tự thở, khi hít vào thì áp suất đường thở âm hơn áp suất khí quyển và khi thở ra thì áp suất đường thở lại dương hơn áp suất khí quyển. Ở cuối thì thở ra thì áp suất này bằng 0.

Mô phỏng cách thức hoạt động của phương pháp thở CPAP

Mô phỏng cách thức hoạt động của phương pháp thở CPAP

Vì thế, khi trẻ được điều trị bằng phương pháp thở CPAP với mức áp lực dương 5 cmH20 thì sẽ có một áp lực dương liên tục do máy thở tạo ra trên đường thở và áp lực cuối ở thì thở ra đạt +5 cmH2O.

1.3. Mục đích của chỉ định thở CPAP

Chỉ định thở CPAP được đưa ra để điều trị suy hô hấp cho trẻ nhằm mục tiêu duy trì áp lực dương liên tục để:

- Tăng thể tích và khiến phổi giãn nở tốt hơn.

- Làm giãn phế quản nhỏ để việc tống xuất đờm trở nên dễ dàng hơn.

- Giảm phù phổi, chống xẹp phổi, giảm máu tĩnh mạch đưa về tim.

1.4. Chỉ định thở CPAP

Các trường hợp sau thường được áp dụng phương pháp điều trị thở CPAP:

- Trẻ bị suy hô hấp cấp nhưng thất bại với điều trị oxy.

- Mắc bệnh màng trong, phổi bị xẹp do tắc đờm.

- Trẻ hít phải phân su bị viêm phổi.

- Ngạt nước.

- Viêm tiểu phế quản.

- Trẻ sinh non bị ngưng thở khi ngủ.

- Bệnh xuất huyết phổi, bệnh lý quá tải phổi.

- Sau phẫu thuật mổ lồng ngực.

- Cai máy thở.

- Hỗ trợ điều trị bệnh lý tim mạch ở trẻ như suy tim, còn ống động mạch.

Các trường hợp chỉ định thở CPAP

Các trường hợp chỉ định thở CPAP

1.5. Chống chỉ định thở CPAP

Các trường hợp sau là nhóm đối tượng chống chỉ định đối với phương pháp điều trị này:

- Các trường hợp mắc dị tật đường hô hấp trên: teo thực quản, hở hàm ếch, sứt môi, teo mũi sau.

- Bị tràn khí màng phổi nhưng chưa dẫn lưu.

- Tăng áp lực nội sọ do viêm màng não, xuất huyết não.

- Bệnh khí phế thũng.

- Tắc ruột, teo ruột non.

- Thoát vị hoành.

1.6. Tai biến có thể gặp phải và cách xử trí

Các trường hợp thở CPAP với áp lực >10 cmH2O có thể gặp tai biến tràn khí trung thất, khí màng phổi. Lúc này, người bệnh cần được theo dõi sát sao để điều chỉnh kịp thời.

Người bệnh cũng có thể bị choáng trong quá trình thở CPAP vì đây là kết quả của việc cản trở máu tĩnh mạch về tim, thể tích đổ đầy thất cuối tâm trương giảm khiến cho cung lượng tim giảm theo. 

Ngoài ra, tăng áp lực nội sọ cũng có thể xảy ra khi cố định canuyn quanh mũi quá chặt hoặc áp lực dương trong lồng ngực làm cản trở máu tĩnh mạch ở đầu trở về tim. Đây cũng là lý do thở CPAP chống chỉ định với bệnh nhân tăng áp lực nội sọ hoặc gặp các vấn đề về thần kinh trung ương.

2. Điều trị bằng thở CPAP đối với trẻ bị suy hô hấp cấp

Trẻ bị suy hô hấp tức là hệ hô hấp của trẻ không đủ khả năng duy trì trao đổi khí nên làm tăng CO2 máu hoặc giảm oxy, kết quả là các cơ quan của cơ thể bị thiếu oxy và gây toan hô hấp. Thở CPAP áp dụng cho điều trị suy hô hấp cấp ở trẻ vẫn có khả năng tự thở nhưng cơ thể không được cung cấp đủ oxy, dù được thở oxy thì trẻ vẫn có dấu hiệu khó thở.

Nhờ việc áp dụng thở CPAP mà tỷ lệ đặt nội khí quản và thở máy ở trẻ bị suy hô hấp cấp giảm xuống, các biến chứng không tốt cho hệ hô hấp cũng được giảm thiểu tối đa.

Nhìn chung, đối với trẻ bị suy hô hấp cấp, thở CPAP là phương pháp hỗ trợ thở không xâm lấn đạt hiệu quả cao, an toàn đối với trẻ. Nhờ việc áp dụng phương pháp hỗ trợ điều trị này mà tỷ lệ trẻ bị suy hô hấp cấp phải thở máy, phải đặt nội khí quản được giảm xuống, nguy cơ tai biến do việc thở máy cũng được giảm thiểu, nhất là nguy cơ bị nhiễm khuẩn bệnh viện.

Những thông tin được chia sẻ trên đây hy vọng đã giúp quý khách hàng hiểu thêm về phương pháp thở CPAP đang được điều trị cho nhiều bệnh lý trong đó có suy hô hấp ở trẻ em. Nếu còn thắc mắc nào khác về kỹ thuật điều trị này, quý khách hàng có thể liên hệ đến hotline 1900 56 56 56 để có được thông tin giải đáp chính xác từ tổng đài viên của Hệ thống Y tế MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.