Tin tức

Bệnh sán lợn

Ngày 17/03/2019
Bs Phan Thanh Nguyên - Trung tâm Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Thói quen ăn thịt heo chưa nấu chín, việc quản lý phân thải chưa tốt là những nguyên nhân chính khiến thế giới có khoảng 2,5 triệu người mắc bệnh sán dải heo. Tại Việt Nam có tỉ lệ nhiễm sán dải heo hay gặp ở vùng đồng bằng, vùng trung du và miền núi. Vậy sán ký sinh chui vào cơ thể thế nào, chu kỳ phát triển ra sao, hiện có những phương pháp nào giúp chẩn đoán chính xác cơ thể bạn có nhiễm sán lá heo hay không? Mời bạn cùng tìm hiểu chi tiết những thông tin đó tại bài viết dưới đây.

1. Tổng quan

Taenia solium, còn được gọi là sán dải heo hay sán dải lợn, là loài sán dải thuộc bộ cyclophyllid trong chi Taeniidae. Loài này ký sinh trong cơ thể heo và con người.

1.1  Hình thể

- Sán trưởng thành

Sán dải heo trưởng thành có thân dẹp, màu trắng đục, dài từ 2-4 m, có khoảng 800-1000 đốt. Cấu tạo cơ thể gồm có đầu, cổ và thân đốt sán. Đầu nhỏ, hình cầu, kích thước khoảng 1mm, có 4 giác bám. Trên đầu có chùy và chân chùy có hai vòng móc, mỗi vòng từ 25-35 móc [1],[3].

Đầu sán Taenia solium trưởng thành (Nguồn: PHIL 5262 - CDC)

Cổ của sán mảnh nối tiếp với đầu, là nơi sản sinh ra đốt sán bằng cách nảy chồi. Thân gồm các đốt sán, đốt sán non ở gần cổ, đốt sán càng xa cổ thì càng to và già, ở gần cổ đốt sán chiều ngang rộng hơn chiều dài, chỉ có cơ quan sinh dục đực. Đốt trưởng thành có chiều ngang bằng chiều dài chứa cơ quan sinh dục đực và cái. Các đốt già cơ quan sinh dục đực tiêu biến chỉ còn thấy tử cung phân nhánh.

Các đốt sán già của sán dải heo có 7-12 nhánh chứa 30.000 đến 50.000 trứng. Mỗi đốt sán có lỗ sinh dục xen kẽ hai bên hông khá đều, chiều dài đốt sán gấp rưỡi chiều ngang (1-2 cm x 0,5-0,7 cm). Các đốt sán thường rụng thành từng khúc, mỗi khúc 5 đến 6 đốt liền nhau theo phân ra ngoài [1],[2],[3].

Bên trong mỗi đốt sán dải chứa các cơ quan nội tạng bao gồm: cơ quan bài tiết, cơ quan thần kinh, cơ quan sinh dục. Sán dải không có cơ quan tiêu hóa, cơ quan hô hấp hay cơ quan tuần hoàn. Dưới tác dụng của các cơ, sán dải có thể co dãn.

Sán dải heo và sán dải bò trên cùng một bệnh nhân được tẩy tại Trung Tâm Khám bệnh chuyên ngành, Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM        

Sán dải sinh sản lưỡng tính, sự thụ tinh có thể xảy ra trong cùng một đốt sán (tự thụ tinh) hoặc giữa hai đốt khác nhau trong cùng một con hoặc giữa hai con (thụ tinh chéo). Sán tiêu hóa bằng cách chất dinh dưỡng đi qua vỏ để thẩm thấu vào thân sán. Những dịch tiêu hóa không thể thẩm thấu vào thân sán khi sán còn sống nhờ đó sán không bị tiêu diệt

- Trứng

Trứng sán Taenia saginata và Taenia solium (Nguồn: PHIL 4832 - CDC)

Trứng của sán heo rất giống sán dải bò, trứng hình cầu, màu vàng xám, bên trong là khối nhân có hạt, chiết quang nằm trong nhân, có vỏ dày có đường kính khoảng 35 µm, bên trong chứa phôi 6 móc[1].     

Trứng sán Taenia saginata và Taenia solium (Nguồn: PHIL 4832 - CDC)

- Nang ấu trùng

Nang ấu trùng sán dải heo (tên khoa học là Cysticercus cellulosae) được gọi là “gạo heo” (phổ biến và dễ nhận biết). Nang chứa dịch và đầu sán rất giống với đầu sán trưởng thành. Dịch gồm nước, albumin và các thành phần khác nên có màu trắng đục, kích thước từ 0,5-1,5 cm. Tuy nhiên, cũng có những nang lớn kích thước từ 3-4 cm, nhưng loại này hiếm. Hình dạng nang cũng khác nhau tùy thuộc vị trí: ở não hình dạng nang tùy thuộc vào áp suất, ở cơ có hình bầu dục giống như hạt gạo, ở mô dưới da có hình hạt đậu, ở thủy tinh dịch - não thất có hình cầu [1],[2],[3].

1.2 Chu kỳ phát triển

Sán trưởng thành ký sinh ở ruột non người (người là ký chủ vĩnh viễn). Nhờ các giác hút và móc, sán bám vào niêm mạc ruột ở đoạn trên hỗng tràng, là nơi có sẵn các chất dinh dưỡng dễ hấp thu. Chất dinh dưỡng từ đây ngấm vào cơ thể sán. Hàng ngày, người nhiễm sán dải heo trưởng thành thải ra môi trường các chuỗi từ 5-6 đốt sán già theo phân. Đốt sán vỡ, phát tán trứng ra môi trường. Ký chủ trung gian là heo nuốt trứng vào ruột, tại ruột phôi được phóng thích, đi xuyên qua vách ruột vào máu, từ đây chúng phát tán khắp cơ thể. Khi phôi đến vị trí ký sinh tạo thành nang gọi là “gạo heo”. Gạo heo thường gặp ở dưới lưỡi, cơ cổ, cơ vai. Khoảng một năm sau nang ấu trùng chết và hóa vôi không còn khả năng gây nhiễm.

Nhiễm sán dải heo qua 3 con đường:

+ Thứ nhất là người ăn phải thịt heo có nang sán không nấu chín

+ Thứ hai là vô tình nuốt trứng có trong thức ăn, rau sống, nước uống hay tay có nhiễm trứng sán đưa vào miệng. Người ăn phải trứng sán dải heo có thể bị nhiễm nang sán, còn gọi là bệnh ấu trùng sán dải heo, có địa phương người dân gọi là sán cơ hoặc sán não.

+ Thứ 3 là tự nhiễm do người nhiễm sán trưởng thành bị nôn rồi nuốt đốt sán già vào dạ dày. Nang hay trứng sán đến dạ dày ruột dưới tác dụng của các men tiêu hóa đầu sán được phóng thích, lộn đầu ra ngoài bám vào niêm mạc ruột và phát triển thành sán trưởng thành sau 8-10 tuần. Ngoài ra sau khi phôi được phóng thích, chui qua niêm mạc vào vách ruột, theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và ký sinh tại đây.

Các vị trí ký sinh có thể là mắt, não, mô dưới da, tại đó chúng có thể phát triển thành sán trưởng thành. Sán sống ở người 20-25 năm.

2. Dịch tễ học

2.1. Đặc điểm dịch tễ

Trên thế giới có khoảng 2,5 triệu người mắc bệnh sán dải heo, bệnh gặp khắp nơi trên thế giới. Tỷ lệ mắc bệnh phụ thuộc vào thói quen ăn nhất là ở những nơi có tập tục ăn thịt heo sống, chưa nấu chín. Việc quản lý phân thải chưa tốt như sử dụng các loại hố xí không hợp vệ sinh, nuôi heo thả rông. Ngoài ra, chưa có chế độ quy định về kiểm tra an toàn thực phẩm chặt chẽ cũng làm bệnh có thể lưu hành. Ở châu Mỹ La tinh tỷ lệ nhiễm từ 0,2-2,7%, châu Á từ 3,9-38%, châu Phi từ 0,13-8,6%, các nước theo đạo Hồi ở vùng Bắc Phi, Do Thái giáo thì hiếm gặp hơn. Tại Việt Nam, theo điều tra của Viện Sốt Rét KST - CT TW, tỷ lệ nhiễm sán dải heo vùng đồng bằng từ 0,5-2%, vùng trung du và miền núi là 3,8-6%[1][2].

3. Các phương tiện chẩn đoán

3.1. Phát hiện sán trưởng thành

Phát hiện các đốt sán một đoạn 4-6 đốt sán ra theo phân;

Soi phân tìm đốt sán dải trưởng thành hoặc tìm trứng sán (ít khi tìm thấy trứng sán, chỉ thấy khi đốt sán bị vỡ).

3.2. Phát hiện bệnh ấu trùng sán heo

- Sinh thiết các nang sán dưới da tìm ấu trùng sán;

- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) não tìm các hình ảnh đặc hiệu (các nang sán là những nốt dịch có chấm mờ, kích thước 3-5mm, đôi khi nang có kích thước lớn đến 10mm, rải rác có nốt dạng vôi hóa), chụp cộng hưởng từ MRI cho hình ảnh rõ hơn;

- Chẩn đoán huyết thanh học (ELISA) phát hiện kháng thể và kháng nguyên ấu trùng sán dải heo trong huyết thanh bệnh nhân;

- Một số trường hợp nhức sau nhãn cầu, tăng nhãn áp, giảm thị lực nếu nghi ngờ sán ở ổ mắt thì nên soi đáy mắt để xác định;

- Xét nghiệm công thức máu toàn phần có thể có bạch cầu ái toan (Eo) tăng.

3.3. Chẩn đoán huyết thanh học

Phát hiện kháng thể IgG, IgM kháng với Taenia solium có trong huyết thanh bệnh nhân bằng kỹ thuật miễn dịch hấp phụ men (ELISA) có độ nhạy 87-88%, độ đặc hiệu 96%. Kháng thể IgM có thể phát hiện được sau 2-4 tuần,  kháng thể IgG sau 4-5 tuần kể từ thời điểm nhiễm sán dây lợn.

- Mẫu bệnh phẩm:

- Mẫu huyết thanh: lấy 1.5-2mL máu tĩnh mạch cho vào ống không chưa chất chống đông. Mẫu không bị vỡ hồng cầu.

- Bảo quản:

+ Mẫu ổn định  2 ngày ở nhiệt độ 15-25˚C.

+ Mẫu ổn định trong 5 ngày ở nhiệt độ 2-8˚C.

Ở nhiệt độ -20˚C, mẫu ổn định trong 6 tháng

- Thời gian trả kết quả: Nếu lấy mẫu trước 7h trả vào 14h, nếu lấy mẫu sau 13h trả 16h.

4. Chỉ định

- Sàng lọc nhiễm các bệnh giun sán ký sinh trùng.

- Đối tượng nguy cơ cao: hay ăn rau sống, thịt lợn nhiễm sán chưa được nấu chín,

- Những người sống trong gia đình có người bị nhiễm sán không được điều trị.

5. Các yếu tổ ảnh hưởng

Nhiễm Echinococcus có thể cho kết quả dương tính giả với Taenia solium.

Tài liệu tham khảo

1. Phan Anh Tuấn (2013), Ký sinh trùng Y học, Nxb Y học, tr.253-261 và tr.273-276.

2. Lê Thị Xuân (2013), Ký sinh trùng thực hành, Nxb Giáo dục Việt Nam, tr.143-145.

3. Nguyễn Văn Đề (2013), Ký sinh trùng trong lâm sàng, Nxb Y học, tr.88-94.

4. Bộ Y tế (2004), Quyết định số 1450/2004/QĐ-BYT ngày 26-4-2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sán lá gan nhỏ, sán lá phổi, sán dây và bệnh ấu trùng sán lợn.

5. Lực lượng Không quân Hoa Kỳ. Ngăn ngừa bệnh tật, khuyết tật và tử vong sớm, các Cestodes (Giun dẹp), http://www.phsource.us/PH/PARA/Chapter_4.htm, xem ngày 12/9/2014.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.