Tin tức

Phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ bằng cách nào?

Ngày 24/04/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Bệnh đậu mùa khỉ có thể gây tử vong nếu không được điều trị sớm. Đáng lo ngại hơn khi bệnh có thể lây lan rộng rãi và có thể bùng phát thành dịch. Dưới đây là cách phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ hiệu quả mà ai cũng cần ghi nhớ.

1. Đôi nét về bệnh đậu mùa khỉ

Nguyên nhân gây bệnh là do virus đậu mùa khỉ. Loại virus này có thể lây lan từ động vật sang người, từ người sang người nếu tiếp xúc với những vết thương trên da người bệnh, tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp của người bệnh và lây truyền từ mẹ bầu sang thai nhi. 

Những năm trước đây, căn bệnh này chỉ xảy ra ở Trung Phi và Tây Phi. Tuy nhiên, những năm gần đây, đậu mùa khi đã trở thành một loại dịch bệnh xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới và ghi nhận những ca tử vong do căn bệnh này. 

Khi nhiễm virus, người bệnh thường trải qua một khoảng thời gian ủ bệnh là từ 5 đến 21 ngày. Các triệu chứng của bệnh cũng rất đa dạng và có sự khác biệt ở mỗi giai đoạn bệnh. 

Nếu có biểu hiện nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ thì cần đi khám sớm

Nếu có biểu hiện nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ thì cần đi khám sớm

Khi mới nhiễm virus, người bệnh thường có biểu hiện sốt, đau đầu, đau lưng cơ, nổi hạch và cơ thể rất mệt mỏi. Sau sốt khoảng 1 đến 3 ngày, cơ thể xuất hiện ban mụn nước kèm ngứa ngáy. Những nốt mụn nước lõm giữa, có thể lên đến vài nghìn nốt mụn nước. Trong những nốt mụn nước này có chứa nhiều mủ, sau đó chúng sẽ khô lại và đóng vảy. 

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể xuất hiện một số triệu chứng nghiêm trọng như những tổn thương trên bộ phận sinh dục và hậu môn, những vết loét trên miệng. Khi gặp những triệu chứng này, người bệnh rất khó nuốt, đau đớn.

Nhiều trường hợp bệnh nhân có thể tự khỏi nhưng cũng có một số trường hợp gặp phải biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn, tình trạng nhiễm trùng thứ phát, nhiễm trùng máu, viêm phổi, suy giảm thị lực, viêm não,...

Nếu cơ thể xuất hiện những biểu hiện nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh, người dân nên cách ly với mọi người xung quanh, sau đó thông báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn cách xử trí phù hợp. Nếu không may bị nhiễm cũng không nên quá hoang mang, nếu xử lý đúng cách thì có thể đảm bảo an toàn cho người bệnh. Khi nhiễm virus đậu mùa khỉ, bệnh nhân nên ăn uống đầy đủ để tăng cường sức đề kháng và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, đồng thời thực hiện cách ly để hạn chế nguy cơ lây bệnh sang cho người khỏe. Bên cạnh đó, nên uống nhiều nước để đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. 

2. Phải làm sao để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ?

Căn bệnh này rất dễ lây lan và có nguy cơ gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Do đó, việc phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ là vô cùng cần thiết, hãy cùng tham khảo một số phương pháp sau: 

2.1. Rửa tay khử khuẩn

Đây là phương pháp không chỉ mang lại hiệu quả đối với việc phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ mà còn có thể giúp bạn phòng tránh được nhiều căn bệnh truyền nhiễm khác. Lưu ý, rửa tay tối thiểu 20 giây với xà phòng diệt khuẩn hoặc có thể dùng dung dịch khử khuẩn có chứa cồn. 

Rửa tay sát khuẩn để phòng tránh lây nhiễm virus gây bệnh

Rửa tay sát khuẩn để phòng tránh lây nhiễm virus gây bệnh

- Cần rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc sau khi chạm vào đồ dùng của người bệnh. Đồng thời, không đưa tay chạm vào mắt, mũi và miệng khi chưa rửa tay sát khuẩn. 

- Nếu nhiễm bệnh thì cần rửa tay trước khi chạm vào các bề mặt đồ vật để hạn chế nguy cơ lây lan virus. 

2.2 Hướng dẫn xử lý đồ giặt

- Nếu là người nhiễm bệnh: Bạn nên tự tay xử lý những đồ dùng cá nhân của mình. 

- Nếu là người chăm sóc bệnh nhân thì cần đeo khẩu trang, dùng găng tay khi xử lý đồ dùng của người bệnh. Để riêng quần áo và chăn gối của người bệnh. Tránh để da tiếp xúc với đồ dùng của bệnh nhân. Nên giặt đồ của người bệnh bằng nước nóng 70 độ C và nên sấy khô sau khi giặt. 

2.3. Làm sạch và khử trùng bề mặt đồ vật

- Nên thường xuyên khử trùng những bề mặt, đồ vật mà người bệnh tiếp xúc, đặc biệt là mặt bàn, công tắc điện, tay nắm cửa, nhà vệ sinh,.... 

Vệ sinh và khử trùng bề mặt đồ vật

Vệ sinh và khử trùng bề mặt đồ vật

- Với những trường hợp đã khỏi bệnh thì cần khử trùng, vệ sinh tất cả không gian và những đồ vật trong nhà để tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm cho người khác. 

2.4. Tránh tiếp xúc

Để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ, bạn cũng nên tránh tiếp xúc với những yếu tố nguy cơ lây bệnh, cụ thể như: 

- Không tiếp xúc với những người có những nốt phát ban, giống như bệnh đậu mùa khỉ. 

Không dùng chung chăn ga với người bệnh

Không dùng chung chăn ga với người bệnh

- Hạn chế việc tiếp xúc với các loại đồ dùng của người nhiễm virus đậu mùa khỉ như chăn ga, gối, quần áo người bệnh,...

- Cách ly với người mắc bệnh. 

- Không tiếp xúc với động vật có thể đang mang virus gây bệnh. 

- Không tiếp xúc da kề da với người bị phát ban, hay có những biểu hiện giống như đang mắc bệnh đậu mùa khỉ. 

- Không chạm vào những nốt ban hoặc nốt đã đóng vảy của người bệnh. 

- Khi có biểu hiện phát ban cấp tính nhưng chưa rõ nguyên nhân, đồng thời, xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ, bệnh nhân cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh.

- Khi đến những quốc gia như Trung Phi hay Tây Phi, nên tránh tiếp tiếp xúc với những động vật đã chết hoặc các loại động vật gặm nhấm, động vật có túi,... vì chúng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Đồng thời khi quay trở về Việt Nam, bạn nên thực hiện khai báo y tế để được tư vấn cụ thể. 

Việc phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ là vô cùng cần thiết. Nó không chỉ đơn giản là cách tự bảo vệ mình để tránh nguy cơ lây bệnh mà còn là ý thức, trách nhiệm của mỗi người để góp phần ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. Nếu thực hiện đúng theo những hướng dẫn của chuyên gia y tế, chúng ta có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, hạn chế gặp phải những biến chứng nguy hiểm của bệnh và giảm nguy cơ phát triển thành dịch bệnh.

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh đậu mùa khỉ, đặc biệt là những phương pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ đơn giản và hiệu quả. Nếu còn có thắc mắc về căn bệnh này hoặc có nhu cầu thăm khám sức khỏe, quý khách hàng có thể liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC, để được tổng đài viên tư vấn và giải đáp cụ thể.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.