Tin tức

Cảnh giác với biến chứng sỏi niệu quản

Ngày 10/09/2022
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Sỏi thận rơi xuống niệu quản là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra sỏi niệu quản. Nếu không được khắc phục sớm, có thể dẫn tới tình trạng bít tắc dòng tiểu và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các biến chứng sỏi niệu quản. 

1. Một số dấu hiệu cảnh báo sỏi niệu quản

Ống niệu quản dài khoảng 25cm và càng về cuối đường ống này sẽ càng hẹp lại. Niệu quản có nhiệm vụ dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Tình trạng sỏi niệu quản có thể xảy ra ở bất cứ đoạn nào trong ống niệu quản, nhưng có 3 vị trí hay gặp nhất là phần nối thận với niệu quản, đoạn nối giữa niệu quản và bàng quang và phần niệu quản nằm ở phía trước động mạch chậu. 

Sỏi niệu quản là bệnh thường gặp

Sỏi niệu quản là bệnh thường gặp

Sỏi niệu quản thường là một viên, nhưng cũng có nhiều trường hợp có nhiều viên sỏi, thậm chí là một chuỗi sỏi. Ở giai đoạn mới hình thành sỏi, người bệnh thường không có biểu hiện bệnh. Nếu phát hiện ở giai đoạn này, có thể điều trị bệnh bằng một số loại thuốc mà vẫn đạt hiệu quả rất tích cực. 

Khi bị sỏi niệu quản, bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng như sau: 

- Đau: Phần lớn những trường hợp sỏi từ thận rơi xuống niệu quản đều gây ra những cơn đau dữ dội, đau theo cơn, vị trí đau ở vùng hố lưng và có thể lan xuống vùng bộ phận sinh dục.

- Tiểu buốt, tiểu rắt và nước tiểu đục: Người bệnh gặp phải nhiều triệu chứng bất thường khi đi tiểu, chẳng hạn như tiểu rắt, đau buốt khi đi tiểu. Trường hợp nặng, viêm ngược dòng gây viêm bể thận sẽ có tiểu đục, tiểu ra mủ. Không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng.

- Tiểu máu: Khi sỏi di chuyển, ma sát với thành niệu quản có thể gây chảy máu và dẫn tới tiểu ra máu. 

- Ở một số trường hợp ít gặp, bệnh nhân có thể tiểu ra viên sỏi nhỏ. 

- Một số triệu chứng kèm theo có thể kể đến như buồn nôn, chướng bụng hay bí trung đại tiện. 

2. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành sỏi niệu quản

- Tiền sử bệnh gia đình: Trong gia đình có người thân chẳng hạn như bố mẹ, anh chị em ruột bị sỏi thận, sỏi niệu quản,… thì nguy cơ mắc bệnh của bạn cũng sẽ cao hơn những người khác. 

Uống ít nước dễ gây hình thành sỏi đường tiết niệu

Uống ít nước dễ gây hình thành sỏi đường tiết niệu

- Thói quen uống ít nước: Uống ít nước là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh lý khác nhau, đặc biệt là nguy cơ hình thành sỏi ở thận, tiết niệu, bàng quang. Bên cạnh đó, những người thường xuyên ra nhiều mồ hôi, người sống ở vùng khí hậu ấm áp cũng có nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu cao hơn. 

- Thường xuyên tiêu thụ những thực phẩm chứa nhiều protein động vật, natri, canxi oxalat, thực phẩm chứa nhiều vitamin C cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành sỏi. 

- Vòng bụng to, thừa cân béo phì cũng góp phần làm tăng khả năng hình thành sỏi niệu quản. 

- Một số loại thuốc điều trị cũng có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, thuốc thông mũi, thuốc chống co giật,…

- Ngoài những yếu tố đã nhắc đến phía trên, bệnh viêm ruột, bệnh cường tuyến cận giáp, bệnh gout, nhiễm trùng tiểu tái phát,… cũng có thể tăng khả năng hình thành sỏi ở niệu quản. 

3. Biến chứng sỏi niệu quản nguy hiểm như thế nào?

Nếu không điều trị kịp thời, sỏi niệu quản có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, cụ thể như sau: 

- Ứ nước trong thận và làm giãn đài bể thận: Dòng nước tiểu không thể lưu thông bình thường do sự ngăn chặn của sỏi. Chính vì thế, nước tiểu không xuống hết bàng quang, không thải hết ra bên ngoài mà ứ đọng ở thận, gây giãn đài bể thận. Tình trạng này có thể gây nghiêm trọng đến chức năng hoạt động của thận. 

Nếu không được điều trị sớm, sỏi niệu quản sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm

Nếu không được điều trị sớm, sỏi niệu quản sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm

- Viêm nhiễm đường tiết niệu: Khi di chuyển trong niệu quản, những viên sỏi này có thể làm tổn thương niêm mạc niệu quản. Kết hợp với tình trạng ứ đọng nước tiểu sẽ khiến cho vi khuẩn có cơ hội sinh sôi, phát triển và gây viêm nhiễm đường tiết niệu. Lúc này, bệnh nhân có thể xuất hiện một số triệu chứng như đau vùng hố thắt lưng, rét run, sốt cao,…

- Suy thận cấp: Trong trường hợp nghiêm trọng, sỏi làm tắc hoàn toàn niệu quản có thể gây ra tình trạng vô niệu. Biến chứng sỏi niệu quản này vô cùng nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng của người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. 

- Suy thận mạn: Tình trạng sỏi niệu quản gây viêm đường tiết niệu trong một thời gian dài mà không được khắc phục có thể dẫn đến suy thận mạn tính. Khi đó, những tế bào thận đã bị tổn thương nghiêm trọng và gần như không thể phục hồi trở lại. 

4. Điều trị sớm để phòng ngừa biến chứng sỏi niệu quản

Khi có những dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời. Đây là phương pháp tốt nhất để ngăn ngừa những biến chứng sỏi niệu quản

Điều trị nội khoa với trường hợp sỏi nhỏ

Điều trị nội khoa với trường hợp sỏi nhỏ

Để chẩn đoán bệnh chính xác, ngoài thăm khám lâm sàng, các bác sĩ còn chỉ định người bệnh thực hiện một số phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm như siêu âm; chụp X-quang hệ tiết niệu; chụp cắt lớp vi tính để xác định vị trí, kích thước sỏi và mức độ tắc nghẽn; xét nghiệm máu để chẩn đoán chức năng thận, cùng tầm soát các yếu tố nguy cơ, xét nghiệm nước tiểu để đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn đường tiểu,…

Tùy từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị sỏi niệu quản phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp thường được áp dụng: 

- Điều trị cấp cứu với những trường hợp viêm bể thận cấp tính: Xử trí tắc nghẽn đường tiểu bằng cách phẫu thuật mở thận, đặt thông niệu quản và kết hợp điều trị với thuốc kháng sinh. Sau khi đã khắc phục tình trạng nhiễm khuẩn mới tiến hành lấy sỏi. 

Phẫu thuật nội soi để lấy sỏi

Phẫu thuật nội soi để lấy sỏi

- Điều trị nội khoa: Nếu kích thước sỏi nhỏ, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc và theo dõi trong khoảng 4 đến 6 tuần. 

- Điều trị ngoại khoa trong những trường hợp sỏi có kích thước lớn(trên 1cm), xảy ra nhiễm khuẩn đường tiểu, điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả, chức năng thận suy giảm. Các phương pháp thường được áp dụng là tán sỏi qua da, phẫu thuật nội soi để lấy sỏi, nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi, mổ mở lấy sỏi,...

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một trong những đơn vị uy tín trong lĩnh vực thăm khám, chẩn đoán sớm các bệnh về Thận tiết niệu. MEDLATEC là cơ sở y tế quy tụ các chuyên gia hàng đầu về Thận tiết niệu cùng với hệ thống trang thiết bị chẩn đoán hiện đại. Bên cạnh đó, hệ thống phòng mổ hiện đại đảm bảo chuyên khoa ngoại luôn được cập nhật, áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất, đặc biệt là phương pháp mổ nội soi, giúp bệnh nhân giảm đau đớn và nhanh hồi phục sức khỏe. 

Nếu có biểu hiện nghi ngờ sỏi tiết niệu và có nhu cầu kiểm tra sức khỏe đường tiết niệu, bạn có thể gọi đến đường dây nóng 1900 56 56 56 để được đội ngũ nhân viên tư vấn của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn chi tiết và hướng dẫn đặt lịch khám sớm cho bạn. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.