Tin tức

Hội chứng ruột kích thích (IBS) và phương pháp điều trị, phòng tránh

Ngày 09/05/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Trong phần lớn các trường hợp, hội chứng ruột kích thích (IBS) thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài, chất lượng đời sống của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng. Vậy dấu hiệu đặc trưng của hội chứng IBS là gì? Làm thế nào để điều trị và phòng tránh hội IBS?

1. Tìm hiểu chung về hội chứng ruột kích thích (IBS)

1.1. Khái quát bệnh lý

IBS là hội chứng đường ruột lành tính. Tuy hầu như không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng triệu chứng của hội chứng này lại khiến người bệnh gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt. 

Người bị hội chứng ruột kích thích IBS thường bị rối loạn tiêu hóa

Người bị hội chứng ruột kích thích IBS thường bị rối loạn tiêu hóa

Người mắc phải hội chứng IBS hay bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa,... các triệu chứng có xu hướng lặp đi lặp lại nhưng khi xét nghiệm lại không thấy tổn thương cụ thể. 

Tùy thuộc theo triệu chứng đặc trưng, hội chứng IBS thường phân loại thành 4 dạng chính. Bao gồm hội chứng ruột kích thích IBS thể táo bón, thể tiêu chảy, thể hỗn hợp (kết hợp táo bón và tiêu chuẩn) và thể không xác định. 

1.2. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh 

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị mắc hội chứng kích thích ruột IBS. Trong đó, người nằm trong độ tuổi từ 20 đến 50 là đối tượng dễ bị mắc nhất. Tỉ lệ mắc ở nữ giới thường cao hơn nam giới. 

Ngoài ra, người từng bị bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, áp dụng chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần,... cũng là đối tượng có nguy cơ bị mắc IBS. 

2. Yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện hội chứng ruột kích thích

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến hội chứng ruột kích thích. Tuy vậy một vài yếu tố như căng thẳng tinh thần, rối loạn nội tiết tố, thực phẩm không phù hợp, gen di truyền được cho là có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện hội chứng này.

  • Căng thẳng tinh thần: Khi tinh thần căng thẳng, chức năng của dạ dày và đường ruột sẽ bị ảnh hưởng bởi sự tác động của hệ thần kinh trung ương nên hệ thống thần kinh thực vật, từ đó làm tăng nguy cơ xuất hiện hội chứng ruột kích thích. 
  • Rối loạn nội tiết tố: Lượng hormone thay đổi thất thường là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân bằng trao đổi chất, ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan bao gồm cả đường ruột. 
  • Sử dụng thực phẩm không phù hợp: Tiêu thụ các loại thực phẩm không phù hợp, dễ tạo kích thích lên dạ dày và đại tràng tạo điều kiện cho hội chứng IBS xuất hiện. 
  • Gen di truyền: Nếu sinh ra trong gia đình từng có thành viên bị hội chứng IBS, tỷ mắc của bạn thường cao hơn những người khác. 

Căng thẳng tinh thần có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích

Căng thẳng tinh thần có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích

3. Dấu hiệu thường gặp ở người bị mắc hội chứng IBS

Triệu chứng ở người bị mắc hội chứng IBS có xu hướng lặp đi lặp lại, xuất hiện không theo chu kỳ cụ thể. Tuy nhiên, nếu để ý sự thay đổi của cơ thể, bạn vẫn có thể nhận ra. Dưới đây là các nhóm triệu chứng thường gặp nhất: 

  • Đau bụng: Cơn đau không cố định tại vị trí cụ thể. Người bệnh hay bị đau bụng khi ăn phải đồ ăn lạ, sau khi đi đại tiện. Các cơn đau âm ỉ hoặc đau quặn, xuất hiện ít nhất 1 lần/tuần, kéo dài liên tục trong khoảng 3 tháng. 
  • Táo bón/tiêu chảy: Hiện tượng táo bón hoặc tiêu chảy xuất hiện khoảng 3 lần/tuần. 
  • Một số triệu chứng khác: Bụng đầy hơi, cơ thể mệt mỏi, hay bị chuột rút, đau mỏi cơ, mỗi lần đi đại tiện thường có cảm giác phân chưa hết,... Trường hợp hội chứng trở nặng, người bệnh đôi khi còn sờ thấy u nổi lên ở bụng, phân dính máu, cân nặng giảm bất thường, cơ thể sốt cao, báng bụng, mệt mỏi do thiếu máu.

Hầu hết người bệnh mắc phải hội chứng IBS đều đau bụng

Hầu hết người bệnh mắc phải hội chứng IBS đều đau bụng 

4. Phương pháp chẩn đoán hội chứng ruột kích thích

4.1. Khám lâm sàng 

Để xác định người bệnh có bị mắc hội chứng ruột kích thích IBS hay không, bác sĩ trước tiên cần thăm khám lâm sàng. Qua việc thăm hỏi triệu chứng, tiền sử bệnh của bản thân bệnh nhân và gia đình, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán ban đầu. 

Tất nhiên để chắc chắn kết quả, người bệnh cần tiếp tục thực hiện một vài xét nghiệm khác. 

4.2. Nội soi tiêu hóa 

Thông qua việc nội soi vùng thực quản, dạ dày, tá tràng và đại tràng, bác sĩ sẽ xác định được tình trạng tổn thương. Trường hợp nghi ngờ về dấu hiệu tổn thương, bác sĩ thường tiếp tục chỉ định sinh thiết. 

4.3. Xét nghiệm 

Sau khi được khám lâm sàng và nội soi, người bệnh có thể được chỉ định làm xét nghiệm chuyên sâu hơn. Chẳng hạn như: 

  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra một vài chỉ số, hỗ trợ xác định xác định kết quả một cách chính xác hơn. 
  • Xét nghiệm phân: Tìm kiếm sự tồn tại của vi khuẩn, ký sinh trùng trong phân. Trường hợp xét nghiệm Calprotectin cho kết quả bình thường, khả năng cao người bệnh đã mắc hội chứng ruột kích thích. 
  • Xét nghiệm không dung nạp Lactose: Cũng phần nào hỗ trợ công tác chuẩn đoán. 

 5. Phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích

Phác đồ điều trị hội chứng IBS chủ yếu của tập trung và chế độ ăn uống, thay đổi thói quen sinh hoạt kết hợp dùng thuốc nhằm hỗ trợ phục hồi, cải thiện chức năng của đại tràng. 

Trong đó, các loại thuốc sẽ được bác sĩ kê dựa theo triệu chứng cụ thể của từng người bệnh. Phổ biến nhất là thuốc chống co thắt, điều trị tiêu chảy, điều trị táo bón, an thần,... Ngoài ra, người bệnh có thể dùng thêm thực phẩm chức năng giúp bổ sung chất xơ, lợi khuẩn theo chỉ định của bác sĩ. 

Người bị mắc hội chứng IBS cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Người bị mắc hội chứng IBS cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ 

Còn về chế độ dinh dưỡng, người bệnh cần ưu tiên bổ sung chất xơ tự nhiên trong rau củ quả, hạn chế thực phẩm giàu Gluten (ngũ cốc, bột lúa mì hay lúa mạch). Người mắc hội chứng IBS nên áp dụng chế độ ăn FODMAP. Đây là chế độ ăn tập trung vào nhóm thực phẩm carbohydrate chuỗi ngắn, giúp ổn định hoạt động ruột già. 

6. Cách phòng tránh hội chứng ruột kích thích

Muốn phòng tránh hội chứng IBS, bạn nên tập trung bảo vệ đường ruột, phòng ngừa bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa. 

Bạn nên ưu tiên bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh

Bạn nên ưu tiên bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh 

Cụ thể là những nhóm biện pháp sau:

  • Tạo thói quen ăn uống khoa học: Tích cực bổ sung thực phẩm chứa hàm lượng đạm cao, dễ tiêu hóa (thịt nạc, các loại cá, sản phẩm từ sữa,...). Đồng thời, bạn nên ưu tiên bổ sung rau xanh, giàu chất xơ. Đối với đồ ăn cay nóng, bạn cần hạn chế tiêu thụ. 
  • Tránh xa stress: Bạn hãy cố gắng duy trì tâm trạng thoải mái, tránh xa căng thẳng, không lo âu quá mức. 
  • Uống nhiều nước: Ngoài ưu tiên bổ sung rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu đạm, bạn nên chú ý uống đủ nước mỗi ngày. 
  • Hạn chế chất kích thích: Chẳng hạn như thuốc lá, rượu, bia. 
  • Kiểm soát lượng Fructose tiêu thụ mỗi ngày: Lượng Fructose tiêu thụ mỗi ngày không nên vượt mức 240g.
  • Tập luyện thể dục thể thao: Duy trì thói quen vận động mỗi ngày là cách đơn giản giúp cải thiện sức đề kháng, hỗ trợ phòng ngừa IBS. Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu, bạn nên tham khảo tư vấn của bác sĩ hoặc huấn luyện thể lực. 

Hội chứng ruột kích thích (IBS) tuy rằng ít khi gây biến chứng nguy hiểm nhưng bạn không nên xem thường. Bởi các triệu chứng của IBS có xu hướng lặp đi lặp lại không theo quy luật, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do vậy, bạn tốt nhất nên chủ động đi khám tại địa chỉ y tế uy tín như chuyên khoa Tiêu hóa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện triệu chứng. Để đặt lịch khám tại MEDLATEC, Quý khách hãy gọi vào số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ 24/7. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.