Tin tức

Sinh thiết và xét nghiệm tế bào ung thư được thực hiện như thế nào?

Ngày 15/01/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Ung thư là bệnh lý ác tính, hình thành từ những tế bào phát triển bất thường trong cơ thể. Hiện nay các bệnh ung thư đều nằm trong nhóm gây nguy cơ tử vong cao nhất. Sinh thiết và xét nghiệm tế bào ung thư được sử dụng để phát hiện sớm ung thư, từ đó giúp áp dụng phương án điều trị phù hợp và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

1. Sinh thiết là gì? 

Sinh thiết là thủ thuật được áp dụng trong chẩn đoán ung thư. Bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào hoặc mô bệnh ở những vị trí cơ quan được xác định là có nguy cơ ung thư. Tùy từng vị trí mà phương pháp sinh thiết cũng sẽ khác nhau. 

Bác sĩ phẫu thuật sẽ là người thực hiện sinh thiết. Phương pháp sinh thiết được phân thành những loại như sau:

1.1. Sinh thiết kim

Trong sinh thiết kim còn bao gồm 2 loại là sinh thiết bằng kim nhỏ và sinh thiết lõi kim. Cụ thể:

  • Sinh thiết bằng kim nhỏ (FNA): bác sĩ sẽ dùng một loại kim rỗng, mỏng, gắn vào bơm kim tiêm nhằm hút một mảnh mô hay lượng dịch nhỏ từ khối u. Nếu sờ được khối u nằm ở vị trí nông trên bề mặt cơ thể thì bác sĩ có thể chọc kim. Đối với những khối u nằm sâu, khó sờ được thì bác sĩ sẽ vận dụng thêm công nghệ siêu âm hay cắt lớp vi tính hướng dẫn để chọc kim. FNA có ưu điểm đó là không cần phải phẫu thuật cắt bỏ khối u, có thể ra kết quả chẩn đoán sớm. Tuy nhiên nó cũng có nhược điểm là không phản ánh hết được tình trạng của khối u do mẫu mô lấy quá nhỏ.
  • Sinh thiết lõi kim: loại kim được dùng trong trường hợp này sẽ lớn hơn so với hình thức trên. Bệnh nhân sẽ được gây tê và mảnh mô lấy ra nhờ phương pháp này sẽ có hình trụ. Cũng giống như FNA, mẫu mô có thể được lấy trực tiếp hoặc nhờ đến sự hỗ trợ của các thiết bị chẩn đoán hình ảnh. Kết quả sinh thiết lõi thường sẽ trả ra lâu hơn so với FNA,

1.2. Sinh thiết qua phẫu thuật

Thông qua phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt toàn bộ khối u hoặc lấy một phần của khối u. Sau đó mẫu mô bệnh sẽ được gửi tới phòng thí nghiệm để xét nghiệm và tìm kiếm dấu ấn ung thư. 

1.3. Sinh thiết qua nội soi

Một ống nội soi mềm, mỏng, có gắn đèn và máy quay ở đầu sẽ được đưa vào cơ thể bệnh nhân. Thiết bị này sẽ giúp thu lại hình ảnh bên trong cơ quan cần thăm khám, nhờ vậy bác sĩ có thể quan sát được rõ nét vị trí của khối u và thu thập mẫu mô bệnh.

Tùy thuộc vào cơ quan cần kiểm tra, bác sĩ sẽ chỉ định loại ống nội soi sao cho phù hợp, ví dụ như ống chuyên dùng để nội soi mũi, họng, xoang; ống dùng cho đường tiêu hóa trên như thực quản, dạ dày và phần đầu của ruột non,...

Sinh thiết là một thủ thuật thường được áp dụng trong chẩn đoán nguy cơ ung thư

Sinh thiết là một thủ thuật thường được áp dụng trong chẩn đoán nguy cơ ung thư

1.4. Sinh thiết da

Có nhiều phương pháp để sinh thiết da, điều này phụ thuộc vào loại khối u mà bệnh nhân gặp phải. Chẳng hạn như bệnh nhân mắc ung thư tế bào đáy hay tế bào vảy trên da thì bác sĩ sẽ cạo đi lớp ngoài trên da. Đối với những trường hợp bị ung thư sâu trong da (ung thư tế bào hắc tố) thì cần vận dụng biện pháp sinh thiết qua phẫu thuật hoặc sinh thiết bấm. 

1.5. Lập bản đồ hạch

Bước này sẽ giúp bác sĩ xác định được hạch cần thiết để lấy mẫu sinh thiết. Ngoài ra, nó còn có tác dụng kiểm tra được nguy cơ hay chiều hướng di căn của ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết hay chưa. Trong trường hợp ung thư đã bước sang giai đoạn di căn thì những hạch này sẽ là điểm đến đầu tiên mà ung thư lan tới. Do đó, các hạch này còn được gọi là hạch gác. 

Khi tìm thấy các hạch gác, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ, sau đó quan sát chúng dưới kính hiển vi. Nếu ở hạch gác không có sự hiện diện của các tế bào ung thư thì bác sĩ sẽ giữ lại các hạch khác vì nguy cơ ung thư lan đến những hạch này là rất thấp. Trái lại, nếu hạch gác có chứa tế bào ung thư thì sẽ thực hiện cắt bỏ luôn các hạch khác trong vùng. Thủ thuật này còn được gọi là nạo vét hạch bạch huyết.

Sinh thiết có thể được thực hiện trong quá trình phẫu thuật

Sinh thiết có thể được thực hiện trong quá trình phẫu thuật

2. Xét nghiệm tế bào ung thư

Bên cạnh sinh thiết thì xét nghiệm tế bào ung thư cũng được vận dụng rộng rãi để chẩn đoán căn bệnh này. So với sinh thiết thì xét nghiệm tế bào học sẽ dễ thực hiện hơn, ít gây ra biến chứng và không làm bệnh nhân khó chịu. Ngoài ra chi phí tiến hành cũng ít hơn. Tuy nhiên, xét nghiệm tế bào học đôi khi có thể cho ra kết quả không chính xác bằng sinh thiết.

Xét nghiệm tế bào ung thư được áp dụng đối với những trường hợp như: 

  • Xét nghiệm sàng lọc: nhằm chẩn đoán nguy cơ ung thư từ các bệnh lý mà họ đang mắc, ngay cả khi cơ thể chưa xuất hiện triệu chứng lâm sàng. 
  • Xét nghiệm chẩn đoán: phù hợp với những bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ ung thư, nhằm xác định xem họ có đang mắc bệnh hay không, nếu có thì đó là ung thư gì.

Thường thì sau khi kết quả sàng lọc dương tính, bệnh nhân sẽ thực hiện xét nghiệm chẩn đoán. Nếu xét nghiệm tế bào học phát hiện dấu hiệu ung thư, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm sinh thiết để chắc chắn về kết quả trước khi tiếp tục điều trị cho bệnh nhân.

Sau đây là 2 loại xét nghiệm tế bào ung thư:

Xét nghiệm dịch cơ thể:

Các chất dịch tự nhiên trong cơ thể sẽ được lấy mẫu nhằm xét nghiệm chẩn đoán nguy cơ ung thư, ví dụ như:

  • Đờm.
  • Nước tiểu.
  • Dịch màng phổi.
  • Dịch tủy sống (CSF hay dịch não tủy có trong tủy sống hoặc trong khoang bao quanh não).
  • Dịch ngoài màng tim.
  • Dịch màng bụng hay dịch cổ trướng.

Xét nghiệm tế bào học dễ thực hiện, ít gây ra biến chứng và không làm bệnh nhân khó chịu

Xét nghiệm tế bào học dễ thực hiện, ít gây ra biến chứng và không làm bệnh nhân khó chịu

Cạo hoặc chải tế bào:

Đây là kỹ thuật chải nhẹ bề mặt mô hoặc cơ quan để thu thập mẫu tế bào cần xét nghiệm. Trong đó, xét nghiệm Pap được cho là kỹ thuật thường được vận dụng nhiều nhất trong loại xét nghiệm này. Bác sĩ sẽ lấy tế bào ở cổ tử cung bằng chổi nhỏ hoặc que dẹt chuyên dụng để tiến hành xét nghiệm. Ngoài ra, thao tác này cũng có thể được thực hiện ở những cơ quan khác như dạ dày, thực quản, miệng và phế quản.

Trên đây là những thông tin về phương pháp sinh thiết và xét nghiệm tế bào ung thư. Đó đều là các kỹ thuật phức tạp đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải là những người giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao và cần được tiến hành ở những cơ sở y tế uy tín, có đầy đủ trang thiết bị máy móc hiện đại.

Hệ thống Y tế MEDLATEC là một trong số những đơn vị y tế đáp ứng được các yêu cầu khắt khe trong thăm khám, sàng lọc và tầm soát mọi loại bệnh lý, bao gồm cả các bệnh ung thư. MEDLATEC quy tụ đội ngũ các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành, đồng thời cơ sở vật chất của MEDLATEC cũng được chú trọng đầu tư đồng bộ, Trung tâm Xét nghiệm đạt chuẩn ISO 15189:2012 và CAP giúp đảm bảo chất lượng xét nghiệm.

Để được tư vấn chi tiết hơn, quý bạn đọc xin vui lòng liên hệ với tổng đài của MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.