Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh viêm xoang có nguy cơ lây nhiễm không?
- 02/10/2020 | Hiện nay đang có những phương pháp chữa viêm xoang nào?
- 07/09/2020 | Một số dấu hiệu viêm xoang chúng ta không nên coi thường
- 06/10/2020 | Bệnh viêm xoang và những lưu ý không thể bỏ qua
- 18/09/2020 | Chẩn đoán viêm xoang bằng nội soi mũi xoang có thực sự hiệu quả?
- 07/09/2020 | Những triệu chứng viêm xoang - bạn chớ nên xem thường!
1. Đặc tính của bệnh viêm xoang
Trước hết, bạn cần biết rằng, xoang chính là các hốc rỗng nằm ở bên trong khối xương sọ - mặt. Phần niêm mạc lót xoang chính là lớp mô mềm sạch sẽ và chứa đầy không khí. Trong trường hợp xoang bị bịt kít, chứa nhiều dịch mủ thì sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm lớp niêm mạc - được gọi là viêm xoang.
Dựa vào thời gian mắc bệnh, có thể phân viêm xoang thành 4 loại như sau:
Viêm xoang cấp: Người bệnh có những triệu chứng giống như cảm lạnh bao gồm hắt hơi, sổ mũi, tắc nghẹt mũi và đau nhức vùng mặt,… Những biểu hiện này xuất hiện đột ngột và trong khoảng 4 tuần sau sẽ hết.
Viêm xoang bán cấp: Trường hợp bệnh nhân mắc viêm xoang trong khoảng thời gian từ 4 đến 8 tuần được gọi là tình trạng viêm xoang bán cấp.
Viêm xoang mạn tính: Bệnh nhân mắc bệnh kéo dài hơn 8 tuần mà không khỏi thì được cho là mắc viêm xoang mạn tính.
Viêm xoang tái phát: Một số bệnh nhân viêm xoang không thể khỏi bệnh dứt điểm mà bệnh hay tái phát trong một năm thì được gọi là viêm xoang tái phát.
2. Dấu hiệu của bệnh viêm xoang và những đối tượng dễ mắc bệnh
Viêm xoang có thể do tình trạng viêm nhiễm hay những khối u trong hốc mũi dẫn đến tắc nghẽn đường dẫn lưu của xoang, hoặc cũng có thể do một số rối loạn di truyền gây ra. Thông thường tình trạng viêm xoang có thể xảy ra sau đợt cảm cúm lâu ngày hoặc những trường hợp bị viêm mũi dị ứng nặng.
Triệu chứng viêm xoang phổ biến nhất chính là tình trạng bị đau nhức vùng trán hoặc vùng gò má. Tuy nhiên một số trường hợp viêm xoang nhẹ có thể khó phát hiện vì rất dễ bị nhầm với những bệnh khác như viêm mũi dị ứng hay bệnh siêu vi, trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể mắc nhiều triệu chứng cùng một lúc. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến:
Đau nhức xoang tùy vào vị trí viêm: Chẳng hạn như viêm xoang hàm bị đau nhức vùng má, viêm xoang trán sẽ có thể gây đau nhức giữa 2 lông mày và thường bị đau buổi sáng, xoang sàng sau, xoang bướm gây đau nhức sâu và thường đau vùng gáy, trong khi viêm xoang sàng trước thì đau nhức giữa 2 mắt.
Chảy dịch: Nếu bệnh nhân bị viêm xoang trước thì có thể bị chảy dịch mũi, còn viêm xoang sau thì có thể chảy dịch xuống phần họng vì thế người bệnh có thể cảm thấy khó chịu và hay phải khụt khịt mũi hay khạc nhổ. Những người bị bệnh lâu năm dịch có thể có màu vàng, xanh và mùi hôi rất khó chịu.
Nghẹt mũi: Những bệnh nhân mắc viêm xoang nhưng đôi khi lại nhầm lẫn với bệnh viêm mũi dị ứng. Tùy theo tình trạng bệnh, người bệnh có thể bị nghẹt một hoặc cả hai bên.
Điếc mũi: Tình trạng viêm xoang nặng gây ra tình trạng phù nề vì thế mùi hương không thể đến dây thần kinh khứu giác và bệnh nhân sẽ bị giảm khả năng nhận biết mùi hoặc mất khứu giác tạm thời.
Một số triệu chứng khác của bệnh có thể kể đến như: Đau đầu, sốt, chóng mặt, khi nghiêng về phía trước có cảm giác choáng váng, có thể đau nhức quanh mắt, hắt xì hơi mạnh gây đau nhức, ăn không ngon và không thể tập trung làm việc,…
3. Bệnh viêm xoang có lây không?
Phần lớn các bệnh do vi khuẩn và liên quan tới đường hô hấp đều có nguy cơ lây nhiễm. Nhưng đối với bệnh viêm xoang thì nguy cơ này thấp, không quá đáng ngại. Nếu sức đề kháng của bạn tốt và không tiếp xúc quá gần và lâu dài với người bệnh thì khả năng lây nhiễm là rất thấp.
Vi khuẩn, virus gây bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể người khác qua những con đường sau:
Dùng chung khăn mặt, đeo lại khẩu trang của người bệnh, đặc biệt là khi những đồ dùng này có chứa dịch mủ xoang của người bệnh.
Chạm vào tay nắm cửa, hay đồ dùng cá nhân,… có chứa vi khuẩn gây bệnh. Nhưng cần nhớ rằng vi khuẩn này chỉ có thể gây bệnh nếu nó có thể xâm nhập trực tiếp vào bên trong các hốc xoang.
Bị người bệnh hắt hơi vào mặt.
Tuy nhiên, những tình huống trên không chắc chắn gây lây bệnh mà còn phụ thuộc vào sức đề kháng của bạn và thời gian bạn tiếp xúc với người bệnh.
4. Cách phòng ngừa bệnh viêm xoang
Thời tiết chuyển mùa là lúc nguy cơ bị bệnh tăng cao nhất, không chỉ người lớn mà bệnh còn gặp ở rất nhiều trẻ nhỏ. Chính vì thế nếu có dấu hiệu của cảm cúm thì bạn cần phải điều trị ngay tránh nguy cơ chuyển biến sang viêm mũi xoang. Dưới đây là một số cách phòng ngừa bệnh:
Làm ấm cơ thể: Không nên để cơ thể bị lạnh. Bạn nên quàng khăn để giữ ấm vùng cổ và đeo khẩu trang khi ra ngoài. Đây là cách giúp niêm mạc mũi xoang được làm ấm, làm ẩm để hạn chế sự tấn công của bụi và vi khuẩn.
Mát-xa vùng mũi: Hãy thường xuyên làm việc này vào mỗi buổi sáng để phòng ngừa viêm xoang. Bạn dùng hay tay xoa hai bên cánh mũi và hít thở nhẹ nhàng trong vài phút.
Vệ sinh mũi họng, bàn tay sạch sẽ: Chuyên gia khuyên bạn nên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh họng hằng ngày và xịt mũi bằng nước muối để giúp cho vùng xoang luôn được sạch sẽ, thông thoáng. Bên cạnh đó, bạn nên rửa tay thường xuyên để hạn chế nguy cơ đưa vi khuẩn đến các hốc xoang khi tay có chứa vi khuẩn chạm lên mũi.
Ngoài ra, bạn nên giữ thói quen sống lành mạnh, hạn chế thức khuya, chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế ăn đồ cay nóng và chăm chỉ vận động, tập thể dục. Nếu có triệu chứng bất thường, nên đi khám sớm để được kịp thời điều trị.
Mọi thắc mắc về bệnh viêm xoang hoặc muốn đặt lịch khám sớm, bạn có thể liên hệ tới Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo số đường dây nóng 1900 56 56 56 để được tư vấn chi tiết.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!