Cấp cứu khi bị điện giật
(Dân trí) - Điện giật thường xảy ra khi tay còn ướt mà tiếp xúc với các dụng cụ điện, việc phơi quần áo ướt lên dây điện hoặc dây điện bị đứt rơi xuống đường, xuống ao, nhất là khi có gió to, bão lớn... cũng làm cho người tiếp xúc bị điện giật.
Khi bị điện giật, các cơ của cơ thể bị co giật mạnh, làm người bắn ra; nếu đang ở trên cao sẽ bị rơi xuống gây chấn thương. Có khi người bị điện giật bị dính vào dây điện; trường hợp này nên cẩn thận vì nạn nhân sẽ bị rơi xuống đất khi cắt điện. Khi bị điện giật, người sẽ bị bỏng và nguy hiểm nhất là ngừng thở, ngừng tim rồi chết.
Khi phát hiện người bị điện giật, cần nhanh chóng tách họ ra khỏi dòng điện bằng cách cắt cầu dao điện. Có thể dùng bất cứ một vật dụng gì khô nhưng không phải bằng kim loại để đẩy, tách nạn nhân ra khỏi dòng điện. Không được dùng tay không mà nên mang găng tay cao su hay quấn bao nylon, vải khô, đi guốc dép khô hay đứng đứng trên một tấm ván khô, dùng gậy gỗ khô để gạt dây điện ra. Người ứng cứu cần cẩn thận vì rất dễ bị điện giật khi cứu nạn nhân do cầm, sờ trực tiếp vào nạn nhân mà quên cắt điện.
Sau khi tách được người bị điện giật ra khỏi dòng điện, phải hà hơi thổi ngạt và bóp tim ngoài lồng ngực kịp thời. Cứ thổi một lần thì bóp tim 4 lần. Thủ thuật bóp tim ngoài lồng ngực được thực hiện bằng cách dùng 2 bàn tay chồng lên nhau đặt vào vị trí 1/3 dưới xương ức rồi ấn mạnh lồng ngực. Cứ kiên trì, tiếp tục làm như vậy cho đến khi nạn nhân tỉnh, thở trở lại; theo dõi dấu hiệu môi hồng và mạch ở tay đập của nạn nhân để có nhận xét về tiên lượng đáp ứng cấp cứu cho đến khi có nhân viên y tế đến đón nạn nhân về bệnh viện nơi gần nhất để tiếp tục cứu chữa.
 
Nếu cộng đồng người dân có kiến thức, biện pháp đề phòng, sử dụng điện an toàn thì có thể hạn chế được những tai nạn do điện giật. Khi phát hiện người bị điện giật, cũng cần biết việc cấp cứu cơ bản để xử trí kịp thời nhằm cứu sống được nạn nhân.
 
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh