Các tin tức tại MEDlatec

Chế độ ăn cho người suy thận mạn chưa lọc máu như thế nào để kiểm soát bệnh?

Ngày 08/07/2025
Tham vấn y khoa: BS. Phạm Thị Nhi
Suy thận mạn ảnh hưởng đến chức năng lọc máu của thận. Ở giai đoạn chưa cần lọc máu, việc kiểm soát chế độ ăn uống cho người suy thận đóng vai trò quan trọng trong việc làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu hơn về vai trò của chế độ ăn và cách xây dựng thực đơn giúp bảo vệ sức khỏe lâu dài cho bệnh nhân suy thận.

1. Suy thận mạn chưa cần lọc máu là như thế nào?

Thận đảm nhận chức năng lọc máu, loại bỏ chất thải, cân bằng nước - điện giải và điều hòa huyết áp. Khi thận suy giảm chức năng, các chất độc không được loại bỏ hiệu quả gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm.

Suy thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận kéo dài trên 3 tháng, không thể hồi phục hoàn toàn. Dựa vào chỉ số lọc cầu thận (GFR), bệnh lý này được chia thành 5 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đến giai đoạn 3 được xem là chưa cần lọc máu, tức là bệnh nhân vẫn còn khả năng tự bài tiết chất thải qua nước tiểu.

Suy thận mạn khiến chức năng thận bị giảm sút nghiêm trọng

2. Vì sao bệnh nhân suy thận chưa lọc máu cần quan tâm đến chế độ ăn?

Ở giai đoạn chưa cần lọc máu, người bệnh vẫn có thể sống bình thường nếu kiểm soát tốt huyết áp, bệnh tiểu đường (nếu mắc) và chế độ ăn uống hợp lý. Vì thế, nếu xây dựng chế độ ăn cho người suy thận một cách khoa học để thực hiện sẽ giúp:

  • Giảm áp lực cho hoạt động của thận.
  • Hạn chế sự tích tụ của chất độc bên trong cơ thể.
  • Làm chậm quá trình tiến triển suy thận mạn và ngăn ngừa biến chứng.
  • Tránh suy dinh dưỡng do ăn kiêng không đúng cách.

3. Chế độ ăn cho người suy thận mạn chưa cần lọc máu cần đảm bảo những yếu tố nào?

3.1. Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho người bị suy thận mạn chưa lọc máu

Thực hiện chế độ ăn khoa học rất cần thiết để kiểm soát bệnh thận mạn. Vì thế, xây dựng chế độ ăn cho người Suy thận nên tuân thủ một số nguyên tắc chung như:

  • Cung cấp đủ năng lượng để ổn định cân nặng và tránh bị suy dinh dưỡng.
  • Giảm dung nạp đạm động vật, ưu tiên nguồn đạm có giá trị sinh học cao.
  • Hạn chế muối, kali, photpho.
  • Uống lượng nước phù hợp theo mức lọc cầu thận và tình trạng tiểu tiện.

3.2. Chế độ ăn nên thực hiện khi bị suy thận mạn chưa lọc máu

3.2.1. Giảm đạm 

Bệnh nhân Suy thận mạn đã suy giảm nghiêm trọng chức năng thận nên rất khó lọc được các chất cặn nitơ sinh ra từ quá trình chuyển hóa đạm. Nếu người bệnh tiêu thụ quá nhiều đạm, lượng chất thải trong máu như ure, creatinin sẽ tăng cao, gây độc cho cơ thể.

Với người suy thận mạn chưa lọc máu, lượng đạm khuyến nghị là 0.6 - 0.8g/kg cân nặng/ngày. Trong đó, người bệnh cần ưu tiên đạm có giá trị sinh học cao như thịt nạc, trứng, cá, sữa ít béo, đậu hũ,... và tránh ăn quá nhiều đạm thực vật từ đậu, các loại hạt vì chúng giàu kali và photpho.

Cần ưu tiên thực phẩm giàu đạm sinh học trong chế độ ăn cho người suy thận

3.2.2. Hạn chế muối

Muối làm tăng huyết áp và giữ nước, gây phù và tăng gánh nặng cho thận. Vì thế, chế độ ăn cho người suy thận cần giảm lượng natri xuống <2g/ngày (tương đương <5g muối ăn). Người bệnh cũng cần tránh dùng nước tương, nước mắm, đồ kho mặn, thức ăn nhanh, đồ đóng hộp,... vì những thực phẩm này đều có hàm lượng muối tương đối cao.

3.2.3. Kiểm soát kali 

Kali là chất điện giải cần thiết cho các hoạt động của cơ thể nhưng nếu tích tụ kali trong máu sẽ gây rối loạn nhịp tim, nguy hiểm đến tính mạng. Ở giai đoạn suy thận mạn chưa cần lọc máu, bệnh nhân có nguy cơ tăng kali máu.

Để hạn chế kali trong chế độ ăn cho người suy thận, cách tốt nhất nên làm là:

  • Tránh ăn nhiều dừa, bơ, chuối, cam, khoai lang, khoai tây, cà chua, bí đỏ,...
  • Trước khi chế biến rau củ, nên ngâm trong nước sạch khoảng 2 – 4 giờ và luộc sơ rồi bỏ nước để giảm bớt lượng kali trong thực phẩm.
  • Ưu tiên các loại trái cây ít kali như: táo, lê, dưa gang, nho, dứa,...

3.2.4. Hạn chế photpho 

Khi suy thận mạn, khả năng đào thải photpho bị suy giảm khiến photpho dễ tích tụ trong máu gây mất cân bằng với canxi, tăng nguy cơ yếu xương, gãy xương. Nguồn thực phẩm giàu photpho mà bệnh nhân suy thận mạn chưa lọc máu cần tránh là thịt đỏ, nội tạng động vật, các loại sữa bò, đồ ăn chế biến sẵn, nước ngọt có ga,... 

3.2.5. Kiểm soát lượng nước nạp vào

Ở giai đoạn suy thận mạn chưa lọc máu, chức năng tiểu tiện vẫn bình thường nên không cần hạn chế nước quá mức, trừ khi có dấu hiệu phù hoặc nước tiểu ít. Người bệnh cần uống đủ 1.5 – 2 lít nước/ngày, bao gồm cả canh, sữa, nước trái cây loãng,... nhưng nên chia đều lượng nước uống trong ngày, tránh uống quá nhiều trong một lần. Nếu có dấu hiệu phù, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ về lượng nước giới hạn nên tiêu thụ.

3.2.6. Đảm bảo năng lượng

Người suy thận mạn nên hạn chế đạm nhưng vẫn cần đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng để duy trì cân nặng và sức khỏe tổng thể. Vì thế, chế độ ăn cho người suy thận cần được:

  • Tăng cường carbohydrate tốt từ: cơm trắng, miến, mì ít muối,...
  • Chọn nguồn chất béo tốt từ dầu mè, dầu oliu, bơ thực vật,...
  • Ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để tiêu hóa dễ hơn và không bị đói.

3.2.7. Không dùng thực phẩm chứa chất phụ gia độc hại

Các loại thực phẩm chứa chất bảo quản, phụ gia như phosphate, natri nitrat, natri benzoat,… đều được xem là "kẻ thù" của người bị suy thận mạn chưa lọc máu. Người bệnh nên tránh ăn: giò chả công nghiệp, xúc xích, mì gói, nước ngọt có ga, snack, thực phẩm chế biến sẵn,... và thay thế bằng nguồn thực phẩm tươi sống tự chế biến.

Bệnh nhân suy thận mạn nên hạn chế thực phẩm chế biến sẵn 

4. Gợi ý thực đơn một ngày cho bệnh nhân suy thận mạn chưa cần lọc máu

  • Bữa sáng

- Cháo trắng nấu với bí đỏ đã được luộc sơ bỏ nước.

- 1 miếng bánh mì nhạt.

- 1 quả trứng luộc.

- 1 cốc nước lọc.

  • Bữa trưa

- Cơm trắng.

- 100g cá hấp sả.

- Rau cải luộc (luộc sơ bỏ lần nước đầu sau đó luộc thêm lần nữa cho rau chín mới ăn).

- 1 miếng nhỏ đu đủ chín.

  • Bữa tối

- Cháo thịt nạc nấu loãng.

- Rau luộc (luộc sơ bỏ lần nước đầu sau đó luộc thêm lần nữa cho rau chín mới ăn).

- 1 miếng nhỏ đậu phụ hấp.

Chế độ ăn cho người suy thận mạn chưa lọc máu cần được cá nhân hóa theo độ tuổi, cân nặng, mức độ bệnh và bệnh lý nền mắc phải. Người bệnh cần tham khảo bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn xây dựng khẩu phần ăn hợp lý, giúp kiểm soát nguy cơ tiến triển bệnh trong thời gian dài.

Nếu gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, phù chân tay, tiểu đêm nhiều, nước tiểu sủi bọt, huyết áp tăng không rõ nguyên nhân,... quý khách hàng có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56 để được chẩn đoán nguyên nhân, có hướng điều trị sớm, tránh nguy cơ tiến triển bệnh suy thận mạn.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.